“Hậu cần đi trước, về sau” đã trở thành câu nói quen thuộc của cán bộ chiến sĩ ta. Để đảm bảo cho chiến dịch thắng lợi, hậu cần phải đi trước chuẩn bị mọi vật chất, kỹ thuật cho bộ đội chiến đấu. Chiến dịch thắng lợi, hậu cần phải ở lại làm nhiệm vụ thu dọn chiến trường. Chiến thắng Điện Biên Phủ rất lớn, trách nhiệm thu dọn chiến trường của hậu cần càng nặng.

Sau chiến thắng các đơn vị thu quân, củng cố, nghỉ ngơi, tổng kết, chuẩn bị làm nhiệm vụ mới. Còn với ngành hậu cần thì khi chiến dịch kết thúc thắng lợi là bắt đầu vào một cuộc chiến đấu mới, khẩn trương, nặng nề, phức tạp không kém lúc chuẩn bị và lúc phục vụ chiến đấu. Bao nhiêu công việc mới phát sinh trong thắng lợi, nào phải thu chiến lợi phẩm, nào phải tẩy uế chiến trường, cứu chữa thương binh, nuôi tù hàng binh, cứu chữa tù binh Pháp bị thương, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, thanh toán những thứ vay mượn của nhân dân địa phương, thu hồi vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm của ta rải rác khắp nơi,... Ngành hậu cần có làm tốt những công việc đó mới đảm bảo cho chiến thắng đạt được đầy đủ những yêu cầu của một chiến dịch.

Để hoàn thành tất cả những nhiệm vụ trên, cơ quan và lực lượng hậu cần phải về sau. Tùy khối lượng công việc, có chiến dịch phải ở lại vài tháng, có chiến dịch phải ở lại thêm hàng năm. Công việc rất nhiều, người ít; nhất là khó khăn về tư tưởng, phải làm sao cho cán bộ chiến sĩ hậu cần nhận rõ trách nhiệm, tự nguyện ở lại, ra sức thi đua hoàn thành nhiệm vụ, cho đến lúc không còn một thương binh, không còn một khẩu súng, viên đạn, không còn một thứ tài sản nào còn vương vãi trên chiến trường chưa được bảo quản, bảo vệ chu đáo; lúc đó hậu cần mới gọi là hoàn thành được nhiệm vụ và mới rút hết bộ phận cuối cùng.

Ngày 07/5/1954, khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi là lúc toàn thể cán bộ, chiến sĩ ngành hậu cần lao vào một cuộc chiến đấu mới. Bộ Chỉ huy mặt trận ra lệnh trong một ngày đêm phải đưa toàn bộ chiến lợi phẩm ra khỏi khu lòng chảo Mường Thanh để tránh thiệt hại do không quân địch đánh phá. Chiến lợi phẩm Điện Biên Phủ nào có ít. Riêng vũ khí, đạn dược đã trên 1.000 tấn, xăng dầu trên 40.000 lít, hàng vạn chiếc dù... Những thứ này nằm rải rác khắp nơi. Trong hầm chỉ huy và các cứ điểm, ngoài chiến hào, còn đầy dãy bom, mìn, chất nổ, thiếu cẩn thận là có thể xảy ra thương vong.

Công việc thu chiến lợi phẩm rất nặng nề và nguy hiểm. Bộ Chỉ huy chiến dịch phải điều người ở các đơn vị về giúp hậu cần, điều công binh phá, gỡ bom mìn. Hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong và dân công ngày đêm lao động khẩn trương. Ngoài những thứ thu nhặt trên mặt đất, còn phải đào bới, tìm kiếm những hầm chứa vũ khí lớn của thực dân Pháp cất giấu trong lòng đất, do các tù binh khai ra, hoặc do ta dò tìm thấy dấu vết. Mặc dù có cán bộ kỹ thuật, công binh giúp sức nhưng trong việc thu nhặt vẫn không tránh khỏi bị mìn nổ. Tuy vậy, cán bộ, chiến sĩ, dân công đã hăng hái thu nhanh, thu gọn, thu hết, thu an toàn và giữ nghiêm kỉ luật chiến lợi phẩm, chỉ  trong thời gian ngắn căn bản đã thu hồi, phân loại xong toàn bộ hàng tấn chiến lợi phẩm.

Chuyển chiến lợi phẩm ra cũng rất gay go vì những bãi tập trung, chuyển ra ít nhất là 5 đến 10km. Phương tiện thiếu, lại phải chuyển nhanh, chuyển gấp. Nếu không chuyển hết, trong bước đường cùng, quân địch có thể ập đến dùng bom đạn tàn phá, thiêu cháy hết những của cải quý giá mà bộ đội ta đã phải tốn bao xương máu mới giành được. Không quản ngại khó nhọc, trên các ngả đường vào Điện Biên Phủ, dân công, bộ đội, ô tô, xe đạp thồ nối đuôi nhau chuyển chiến lợi phẩm ra ngoài. Suốt ngày đêm, những người bốc vác, vận chuyển không ngưng tay. Làm việc không kịp ăn cơm, họ vừa vác đạn vừa nhai bánh. Chưa đầy 24 giờ, phần lớn chiến lợi phẩm đã được chuyển ra hết.

 Những ngày tiếp sau, khi quân ta đã chuyển đi chiến trường khác, ngành hậu cần phải tập trung toàn bộ chiến lợi phẩm, toàn bộ vật chất kỹ thuật của ta còn lại, lập hệ thống kho tàng, kiểm kê, phân loại, lau chùi, sửa chữa, đóng hòm hộp, làm mọi yêu cầu kỹ thuật bảo quản và đặt kế hoạch, tổ chức vận chuyển về xuôi. Chỉ tính việc lau chùi hàng ngàn khẩu súng, hàng ngàn viên đạn đại bác, hàng ngàn triệu viên đạn còn đầy bùn đất thành những viên đạn, khẩu súng sạch sẽ, bóng loáng; tự cưa xẻ, phơi sấy gỗ, đóng hàng ngàn chiếc hòm hộp đúng tiêu chuẩn để bảo quản đạn dược, cũng đã tốn bao công phu, bao thời gian. Tất cả những công việc ấy, lực lượng hậu cần còn lại phải mất một năm rưỡi mới làm xong.

Bên cạnh thu dọn chiến trường, tẩy uế chiến trường cũng là một công việc hết sức cấp thiết. Thực dân Pháp đã để lại cho mặt đất Điện Biên Phủ sự ô nhiễm nặng nề. phải mau chóng tẩy uế, phòng dịch cho nhân dân địa phương và bộ đội ta còn làm nhiệm vụ.

Chiến trường Điện Biên Phủ bị ô nhễm nặng do quân địch gây ra. Khu “mả Tây” có hàng trăm xác binh lính Pháp chồng chất. Xác lính chết chỉ được vùi một lớp đất mỏng, mùi hôi thối xông lên, ruồi nhặng bâu kín. Từng đàn quạ rủ nhau bay tới rỉa mồi. Khu “nhà thương” của chúng cũng không kém phần ghê rợn. Trong các chiến hào lõng võng bùn nước, lính bị thương nằm hai, ba tầng. Mỗi tầng cách nhau một tấm bạt. Máu, mủ, bông băng vứt bừa bãi, thậm chí cả những cánh tay, cẳng chân cắt ra cũng ném quanh đó, cộng với nước giải, phân, rác bẩn, thức ăn thừa, tất cả tạo ra một mùi hôi thối nồng nặc. Những lính bị thương phải lấy bông, lấy giẻ nút lỗ mũi để chống lại các mùi nhức đầu, ghê rợn đó.

Cơ quan quân y của ta đã huy động lực lượng chôn cất xác lính Pháp rải rác khắp nơi, đấp thêm đất lên khu “mả Tây”, đưa lính bị thương ra khỏi địa ngục “nhà thương” của chúng, lấp đất kín lên những khu vực chiến hào của Pháp, để mùi hôi thối khỏi bốc lên. Đặc biệt cơ quan quân y Quân đội nhân dân Việt Nam đã trù liệu trước sẽ phải tẩy uế chiến trường nên khi chiến dịch còn đang ác liệt, chúng ta đã nung được một số lò vôi gần ngay Điện Biên Phủ. Hàng chục tấn vôi bột này rất có giá trị, nó đã giúp ta nhanh chóng khử được sự ô nhiễm của chiến trường. Nhờ làm tốt công tác tẩy uế, mà giữa mùa hè, mưa nhiều, nắng gắt, người đông, vẫn không xảy ra vụ dịch nào trong bộ đội cũng như trong nhân dân.

Thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với tù hàng binh, ngành hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam vừa phải lo cung cấp nuôi dưỡng cho bộ đội, dân công, vừa lo chạy đủ gạo, rau, thịt, quần áo nuôi hơn 1 vạn tù binh Pháp đầu hàng và chữa trị cho gần 1.000 thương binh Pháp. Cho đến ngày 27 tháng 5 năm 1954, ta đã thả ba đợt, gồm 858 thương binh Pháp ở Điện Biên Phủ. Số này là lính lê dương thuộc quốc tịch 21 nước: Pháp, Đức, Ý, Angieri, Ma-rốc, Xê-nê-gan, Ả Rập, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan, Li Băng, Xu Đăng... có 624 người Châu Âu, 150 người Châu Phi, 84 người Việt Nam, gồm 11 sĩ quan, 183 hạ sĩ quan, 664 lính. 

Chiến thắng Điện Biên Phủ là công lao đóng góp sức người sức của của cả nước, nhưng đồng bào Tây Bắc và Điện Biên Phủ là những người trực tiếp đóng góp, trực tiếp phục vụ, trực tiếp chịu đựng những tai họa tại chỗ do thực dân Pháp gây ra. Nhờ đồng bào địa phương giúp đỡ, những đại đoàn đầu tiên hành đánh đuổi địch ở những nơi thóc gạo, lương thực, thực phẩm chưa vận tải kịp, vẫn có ăn để đánh thắng giặc. Đồng bào điạ phương vì chiến thắng, vì bộ đôi, đã phục vụ làm đường, gùi thồ, khiêng cáng thương binh, dẫn đường... Đồng bào có gạo cho gạo, có trâu bò cho trâu bò. Người lớn đi dân công chưa đủ thì người ít tuổi, ông già, bà già; đồng bào vùng cao không quen xuống núi cũng xung phong xuống núi phục vụ bộ đội. Đồng bào đã ghé lưng cùng chịu đựng hy sinh gian khổ với bộ đội. Bao nhiêu bản làng bị địch tàn phá, của cải bị cướp bóc, người già, người trẻ bị địch giết hại, phụ nữ bị hãm hiếp, ruộng nương bị cày nát vì bom đạn địch. Sau khi chiến thắng, ngành hậu cần cùng một số đơn vị phải lấp chiến hào, gỡ bom mìn cho nhân dân về bản làng cũ, yên ổn làm ăn, giúp dân xây dựng lại nhà cửa, chuyển xẻng, cuốc, dao, rìu, hạt giống, lợn giống lên cho đồng bào tăng gia, cày cấy. Quân y giúp chữa trị những người bị thương, bị bệnh, tiến hành vệ sinh tẩy uế, cùng chính quyền và đoàn thể địa phương hướng dẫn cho nhân dân tổ chức cuộc sống mới. Cán bộ quân nhu đi về các bản làng, xuống tận từng gia đình để thanh toán các khoản nhân dân đã đóng góp cho bộ đội, đồng thời chuyển gạo, muối, vải, thuốc và các dụng cụ tăng gia lên giúp nhân dân, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Huy động sức dân và bồi dưỡng sức dân là hai vấn đề quan hệ khăng khít với nhau. Có bồi dưỡng mới huy động được lâu dài. Hậu cần nhân dân là phải dựa vào dân và hết sức bồi dưỡng sức dân”.

Để xây dựng và củng cố miền Tây Bắc của Tổ quốc, Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định để lại một đơn vị xây dựng thành nông trường Điện Biên Phủ. Hậu cần giúp đơn vị tổ chức đời sống và sản xuất.

Trong khi ở lại làm nhiệm vụ kinh tế, chuyên môn, kỹ thuật, giúp dân sản xuất,... cán bộ, chiến sĩ hậu cần đã chú trọng tham gia cùng chính quyền, đoàn thể địa phương làm công tác vận động quần chúng, tổ chức tuyên truyền động viên, tổ chức đời sống văn hóa, tổ chức lực lượng quân sự địa phương, góp phần củng cố Điện Biên Phủ thêm vững mạnh toàn diện.

Hậu cần về sau, lịch sử chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta trong các chiến dịch đã tổng kết thành quy luật hoạt động của ngành hậu cần. chiến thắng chỉ đầy đủ, hoàn chỉnh khi mà quân đội ta chiến đấu anh dũng tiêu diệt hoàn toàn kẻ thù và hậu cần hoàn thành mọi nhiệm vụ thu dọn chiến trường, thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ các chính sách chiến lợi phẩm, thương binh, tử sĩ, tù hàng binh và chính sách dân vận. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng lịch sử vĩ đại; hậu cần chiến dịch đã hoàn thành nhiệm vụ đi trước và cũng hoàn thành nhiệm vụ về sau một cách trọn vẹn, tốt đẹp.

 Cuối năm 1955, bộ phận cuối cùng của hậu cần rút khỏi Điện Biên Phủ. Đối với toàn quân, chiến dịch kết thúc vào tháng 5/1954, nhưng với hậu cần thì nhiệm vụ phục vụ chiến dịch kết thúc tháng 11/1955./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.663
      Online: 44