Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ - đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã kết thúc vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954 với hình ảnh lá cờ quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries giữa chiều hè tháng 5 lịch sử báo hiệu giờ chiến thắng. Ngay sau khi kết thúc chiến dịch các chiến sĩ lại bắt tay vào một công việc mới đầy khó khăn thử thách đó chính là tẩy uế chiến trường Điện Biên Phủ. Đồng chí Nguyễn Ngọc Thảo đảm nhiệm vị trí Đội phó Đội vệ sinh phòng dịch Cục Quân y, đã cùng với một số cán bộ của đội làm nhiệm vụ tẩy uế chiến trường ngay sau khi tiếng súng trên toàn mặt trận vừa mới ngưng.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Thảo sinh năm 1928 tại phố Hàng Bún, Hà Nội trong một gia đình nghèo, hiếu học. Mặc dù mồ côi cha từ nhỏ nhưng với sự tảo tần của mẹ, ông vẫn được đi học như bạn bè đồng trang lứa; sau đó ông phụ thợ sửa chữa ô tô làm làm hãng buôn của Pháp và Nhật. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia công nhân Cứu Q   uốc ở bãi Nghĩa Dũng, Hà Nội. Tháng 10/1945, ông nhập ngũ và điều động công tác tại đội y tế cứu thương Tiểu đoàn Phúc Yên và Quân dân y viện Phúc Yên. Trong suốt quá trình công tác, đồng chí Nguyễn Ngọc Thảo học qua các lớp đào tạo như: y tá, y sĩ, bác sĩ. Sau được đi học bổ túc về y học ở Liên Xô, Trường Nguyễn Ái Quốc, Học viện Quân sự cấp cao và đã qua các chức vụ như: Phụ trách quân y Tiểu đoàn 31, Trung đoàn 121; Phó ban phòng bệnh Sư đoàn 308; Đội phó, đội phòng dịch; Trưởng ban phòng dịch Cục Quân y; Trợ lý Cục Quân y; Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y học Quân sự; Phó Cục trưởng, sau đó là Cục trưởng Cục Quân y/ Tổng cục Hậu cần (1983 – 1993). Năm 1985, ông được thăng quân hàm Thiếu tướng và năm 1994 thăng quân hàm Trung Tướng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, đồng chí Nguyễn Ngọc Thảo được giao vị trí Đội phó Đội vệ sinh phòng dịch Cục Quân y, đã cùng với một số cán bộ của đội làm nhiệm vụ tẩy uế chiến trường Điện Biên Phủ ngay sau khi chiến dịch vừa kết thúc.

Sáng ngày 8/5/19154 đồng chí Nguyễn Ngọc Thảo được đồng chí Vũ Văn Cẩn – Trưởng ban Quân y chiến dịch giao nhiệm vụ chỉ huy Đội Vệ sinh phòng dịch, phối hợp với các lực lượng công binh và dân công tổ chức ngay việc tẩy uế chiến trường trên một địa bàn rộng chừng 4- 5km2, mà trọng tâm là khu vực Mường Thanh và Hồng Cúm. Sau khi nhận mệnh lệnh đồng chí triệu tập ngay các đồng chí Ngô Xuân Thiêm, Nguyễn Văn Nhẽ, Vũ Dũng Minh, Đặng Đinh Ngọc, Vũ Văn Sính, Lê Họa, Vũ Huy Thanh và Trần Bằng để phổ biến nhiệm vụ cụ thể. Nhìn quang cảnh lúc đó đồng chí Nguyễn Ngọc Thảo nhận ra rằng, trong những đêm bị quân ta vây hãm, quân địch ở Điện Biên Phủ đã phải sống cuộc sống thực sự khốn đốn.

Thời điểm các đồng chí làm nhiệm vụ tẩy uế chiến trường cũng là lúc thời tiết ở Điện Biên Phủ chuyển sang mùa mưa. Sông Nậm Rốm vốn xanh trong, chảy hiền hòa giữa cánh đồng Mường Thanh nhưng chỉ qua vài cơn mưa đầu mùa đã cuồn cuộn chảy, nước đỏ ngầu. Những giao thông hào, những ụ súng, những con đường chằng chịt như mạng nhện đều bị ngập nước, lênh láng bùn đất, xác của lính Pháp tử trận và súc vật sau nhiều ngày gặp nước mưa bốc mùi nồng nặc.

Sau khi nắm sơ bộ tình hình ở mỗi khu vực, đồng chí Nguyễn Ngọc Thảo chia đội tẩy uế chiến trường thành hai tổ. Đồng chí trực tiếp phụ trách một tổ làm nhiệm vụ tẩy uế ở khu vực Mường Thanh. Đồng chí Nguyễn Văn Nhẽ phụ trách tổ tẩy uế ở khu vực Hồng Cúm. Mỗi tổ được tăng cường một đại đội bộ binh, một trung đội công binh và 100 dân công chủ yếu là nam giới có sức khỏe tốt. Mỗi tổ lại được chia thành 5 nhóm; mỗi nhóm có 4 cán bộ, gồm: Quân y, công binh, cán bộ phụ trách dân công, và cán bộ quân chính. Ở mỗi nhóm đều có các chiến sĩ công binh có kinh nghiệm đi trước tháo gỡ bom mìn làm nhiệm vụ mở đường. Từng đội viên của các nhóm được cấp phát băng bịt miệng, xà phòng và nhiều chai nước thơm chiến lợi phẩm. Thuốc khử trùng và bình phun thuốc khử trùng do quân dược mặt trận cấp kịp thời. Công việc khử trùng hằng ngày đều do các đội viên, kể cả đồng chí Thảo và đồng chí Nguyễn Văn Nhẽ thực hiện bằng tay, không có phương tiện gì bảo vệ, từ việc san lấp hố tiêu, rác rưởi các loại, chôn xác chết, phun thuốc khử trùng... Đồng chí Nguyễn Ngọc Thảo nói rằng: “Chúng tôi quy định rõ: Tổ khử trùng (có chiến sĩ công binh) đi trước để trinh sát, dò gỡ mìn tạo ra những lối đi an toàn, vẽ sơ đồ đánh dấu, cắm mốc và ghi những việc cần phải làm tại chỗ; sau đó dân công  và bộ đội vào những khu vực đã đánh dấu làm theo sự hướng dẫn của chúng tôi”. Hàng ngày đồng chí Thảo đều báo cáo chi tiết kết quả những công việc đã làm, những khó khăn vướng mắc về Ban Quân Y chiến dịch và Ban Tiếp nhận chiến trường để xin ý kiến chỉ đạo. Biết công việc của các anh rất nguy hiểm, dễ bị lây nhiễm bệnh, Ban Tiếp nhận chiến trường đã cấp nhiều bánh xà phòng thơm thu được từ những kiện hàng do máy bay đối phương thả rơi sang trận địa của ta. Được cấp trên quan tâm, giúp đỡ nên các đồng chí trong đội rất vững tâm làm nhiệm vụ. Không một tiếng kêu than, không một lời kêu khó, kêu khổ, không một ai tỏ ra sợ sệt hoặc dao động khi hằng ngày phải tiếp xúc với đủ thứ rác rưởi, kể cả xác người.

Bằng sự nỗ lực và cố gắng vượt bậc, tinh thần quả cảm, không sợ khó khăn gian khổ và nguy hiểm. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Ngọc Thảo chỉ trong 7 ngày Đội Vệ sinh phòng dịch đã lấp được 318 hố rác, 213 hố bông băng, chôn 204 xác lính Pháp; khử trùng và lấp các hố chôn xác linh Pháp còn lộ thiên. Hàng chục liệt sĩ của ta được chuyển ra ngoài, đưa về chôn cất tại khu tập trung ở chân đồi A1. Điều đáng nói là trong suốt thời gian tẩy uế chiến trường Điện Biên Phủ đã không xảy ra bất cứ tai nạn gì, không có cán bộ chiến sĩ nào tỏ ra chần chừ, do dự khi thực hiện nhiệm vụ, hoặc vi phạm kỷ luật chiến trường.

Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù trong thời chiến hay thời bình. Đồng chí Nguyễn Ngọc Thảo luôn được cấp trên tin tưởng, cấp dưới kính trọng và có nhiều đóng góp cho Ngành Quân y Quân đội Nhân dân Việt Nam. Với những thành tích đạt được, ông được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Danh hiệu thầy thuốc nhân dân; Bằng chứng nhận tham gia Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Nhì, Ba; Huân chương chiến thắng hạng Ba; Huân chương Giải phóng hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ chiến thắng.../.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.735
      Online: 71