Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đầu tháng 10 năm 1953, tại Tỉn Keo (Thái Nguyên) – căn cứ địa Việt Bắc, Bộ chính trị Trung ương Đảng họp do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì bàn nhiệm vụ quân sự trong Đông Xuân 1953 – 1954. Tại hội nghị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng: Do địch đang dồn lực lượng cơ động chiến lược về đồng bằng Bắc Bộ, nên lúc này ta chưa nên đánh vào đồng bằng ngay mà phải phá tan âm mưu tập trung binh lực của địch, để tạo điều kiện tác chiến tương đối lớn. Lúc này, Bác nhận định: "Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn". Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón tay trỏ về một hướng, trên chiến trường Bắc Bộ, quân ta sẽ mở cuộc tiến công lên vùng Tây Bắc, tiêu diệt quân Pháp còn lại ở Lai Châu, uy hiếp quân Pháp ở Thượng Lào. Hướng thứ hai, là Trung Lào. Hướng thứ ba, là Hạ Lào. Ta sẽ đề nghị quân giải phóng Pathet Lào phối hợp với bộ đội Việt Nam mở cuộc tiến công vào hai hướng này, nhằm tiêu diệt sinh lực địch và giải phóng đất đai. Hướng thứ tư, là Bắc Tây Nguyên. Hướng thứ năm, là các chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ và chiến trường sau lưng địch ở đồng bằng Bắc Bộ. Sau khi phân tích rõ tình hình của quan Pháp: Âm mưu những chỗ mạnh, chỗ yếu, khả năng tác chiến và những khó khăn, thuận lợi của ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận về hướng hoạt động “Lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động thì có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải “thiên biến vạn hóa”.

Đầu tháng 12/1953, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, một bộ phận của Đại đoàn 316 được lệnh hành quân lên Tây Bắc giải phóng thị trấn Lai Châu bao vây Điện Biên Phủ. Phát hiện sự di chuyển của bộ đội ta, ngày 20/11/1953, Thực dân Pháp cho quân nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ. Sau khi nghiên cứu kỹ vị trí chiến lược tại Điện Biên Phủ, ngày 03/12/1953 Navarre quyết định xây dựng nơi đây trở thành một Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương.

Trước tình hình đó, ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp và nhận định Điện Biên Phủ là Tập đoàn cứ điểm mạnh nhưng chỗ yếu cơ bản của quân Pháp là bị cô lập. Về phía ta, Điện Biên Phủ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay, diễn ra trên địa bàn rừng núi hiểm trở, đường cơ động cho pháo khó khăn, thời gian chuẩn bị cho chiến dịch gấp. Nhưng đây là trận chiến có ý nghĩa đặc biệt về quân sự, chính trị và ngoại giao, khó khăn lớn nhất của ta là vấn đề cung cấp hậu cần, nhưng chúng ta có thể khắc phục được. Sau khi bàn bạc, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.  Hạ tuần tháng 12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với Quân Pháp đồng thời thành lập Đảng ủy và Bộ Chỉ huy mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận.

Ngày 01/01/1954, trước khi lên đường ra mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Khuổi tát, Thái Nguyên xin chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi giao nhiệm cho Đại tướng, người căn dặn "Tổng tư lệnh ra mặt trận, Tướng quân tại ngoại.Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh". Nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh"chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh", Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã suy nghĩ và trăn trở rất nhiều khi Quân đội Nhân dân Việt Nam thực hiện theo phương án tác chiến "Đánh nhanh, thắng nhanh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trên cơ sở bàn bạc, phân tích, thảo luận của Đảng ủy mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương án tác chiến "Đánh nhanh, thắng nhanh" sang "Đánh chắc, tiến chắc". Đây là một quyết định thông minh, táo bạo nhất trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng. Thực hiện  khẩu hiệu" Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng" quân và dân ta khẩn trương, tích cực chuẩn bị mọi mặt phục vụ  cho chiến dịch. Đầu tháng 3/1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch đã hoàn tất. Ngày 11/3/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư động viên các đơn vị, cán bộ, chiến sỹ ngòai mặt trận, người nhấn mạnh "Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn nhưng rất vinh quang. Bác tin rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới. Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị, cá nhân xuất sắc nhất. Chúc các chú thắng to. Bác hôn các chú".

Đúng 17 giờ ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tấn công Trung tâm đề kháng Him Lam mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 5giờ 30 phút chiến đấu, Trung tâm đề kháng Him Lam hoàn toàn bị tiêu diệt. Ngày 15/3/194 Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện khen ngợi cán bộ, chiến sỹ "Bác và Trung ương  Đảng được báo cáo về hai trận thắng đầu tiên của Quân đội ta ở Điện Biên Phủ. Bác và Trung ương  Đảng có lời khen tới các đồng chí. Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của Quân đội ta. Ta đánh thắng trận ày có ý nghĩa về quân sự và chính trị quan trọng. Quân Pháp ra sức đối phó, ta cần phải cố gắng chiến đấu, dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này".

Ngày 01/5/1954, quân ta mở đợt tấn công mới, quân Pháp chống trả quyết. Ngày 07/5/1954, Quân đội Nhân dân Việt Nam từ các hướng đồng loạt tấn công vào khu Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Quân Pháp rơi vào tình trạng hồn loạn, tinh thần hoang mang, tuyệt vọng, các cứ điểm còn lại lần lượt bị tiêu điệt. Vào hồi 15 giờ chiều 7/5/1954, Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh tổng công lích trên toàn mặt trận. Đúng 17 giờ 30 phút, lá cờ " Quyết chiến, quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De casties giữa chiều hè tháng năm lịch sử báo hiệu giờ chiến thắng.

Biểu dương trước những thắng lợi quân ta giành được, ngày 08/5/1954 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương. Trong thư, Bác viết "Quân ta giải phóng Điện Biên Phủ, Bác và chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang.Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bước đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan mà khinh địch. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng phải đấu tranh trường kì gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn, Bác và chính phủ sẽ khen thưởng cán bộ, bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương  có công trạng đặc biệt".

Hơn 60 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ, một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc mãi là biểu tượng sáng ngời của dân tộc Việt Nam kiên cường, bất khuất, thông minh, sáng tạo, là niềm tin của các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do. Chiến tranh đã lùi xa nhưng thời gian không thể làm mờ tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ đã gắn liền với vai trò và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.735
      Online: 72