Lính trinh sát phải nhanh nhẹn, gan dạ, trong hoàn cảnh nào cũng không lùi bước trước quân thù. Thông tin thăm dò đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với mỗi trận đánh. Trước khi bước vào trận, chiến sĩ trinh sát phải vào tận hang ổ của địch, luồn lách qua từng hàng rào dây thép gai xem địch bố trí hỏa lực, hay rào thép gai như thế nào để đồng đội tiến công. Nhiều khi phải lao đi giữa làn đạn địch để truyền đạt thông tin, mệnh lệnh của cấp trên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Dương Quảng Châu là Trung đội phó Đại đội Quân báo, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308. Trước và trong chiến dịch Điện Biên Phủ đồng chí đã có nhiều thành tích xuất sắc trong việc trinh sát, điều tra tình hình địch trước các trận đánh, đặc biệt dùng mưu bắt sống nhiều lính địch trong quá trình trinh sát.
Đồng chí Dương Quảng Châu tên khai sinh là Dương Ngọc Chiến, sinh năm 1929 tại tỉnh Hưng Yên. Sau cách mạnh Tháng Tám, ba lần xung phong vào quân đội nhưng không đủ sức khỏe. Năm 1948, đồng chí tham gia vào lực lượng bộ đội địa phương, sau đó chuyển sang bộ đội chủ lực.
Năm 1949, đồng chí Dương Quảng Châu một mình nhận nhiệm vụ theo dõi vị trí Bồng Lai, Hạ Trì, Hà Đông, bị giặc vây bắt suốt hai ngày đêm, nằm trong lòng giặc không có đồ ăn nhưng đồng chí vẫn bền chí, khéo léo, đóng giả làm phu để lọt vào bốt giặc, bình tĩnh nghĩ cách thoát ra ngoài, quay về đơn vị báo cáo tình hình.
Chiến dịch Biên Giới 1950, trên đường từ Thất Khê về Khâu Lương gặp tàn binh địch chạy trốn trong rừng, đồng chí đã tổ chức anh em bao vây, vừa nổ súng vừa uy hiếp, gọi địch ra hàng bắt sống được 4 tên.
Năm 1953, đơn vị làm nhiệm vụ điều tra bốt Thái Đào (Bắc Giang), đồng chí Dương Quảng Châu chỉ đạo một mũi luồn lách vượt qua hai con đường thường xuyên có lính tuần tra, một con sông máng và 11 hàng rào vào sát gần đồn địch để nắm bắt tình hình. Cuối năm 1953, trên đường truy kích địch ở Mường Ngòi, đồng chí đã chỉ huy một tiểu đội vượt sông truy đuổi địch, với 9 lần dẫn đầu tiểu đội xung kích đánh tan một tiểu đoàn địch. Khi hết đạn đồng chí đã lấy súng địch và tiếp tục truy lùng những tên địch bỏ trốn.
Một lần khác ở Nậm Bạc, tiểu đội đồng chí truy kích địch từ sáng đến gần tối, anh em trong đơn vị vừa dừng lại ăn cơm, bất ngờ có 4 tên địch xuất hiện giương súng định bắn, nhanh như cắt, đồng chí Dương Quảng Châu đã gạt được khẩu súng và dùng dao găm đâm chết tại chỗ tên địch đi đầu, 3 tên còn lại hoảng hốt xin hàng. Hôm sau, tổ đồng chí đang chuẩn bị đánh Nậm Ngà thì một đại đội địch ập đến xả súng bắn, đồng chí chỉ huy anh em nấp vào các gốc cây bắn trả quyết liệt và tiêu diệt được phần lớn lực lượng của địch. Cùng lúc đơn vị ở phía sau nhanh chóng áp sát bao vây địch, lợi dụng lúc địch hỗn loạn, đồng chí nhảy ra bắt sống một tên rồi gọi hàng được 46 tên, thu 43 súng.
Trong thời gian chuẩn bị chiến dịch Điện Biên Phủ, các chiến sĩ công binh, pháo binh tích cực mở đường, xây dựng trận địa thì bộ đội trinh sát được lệnh điều tra, tìm hiểu, nắm tình hình địch. Trong suốt thời gian làm nhiệm vụ, các chiến sĩ trinh sát phải luồn rừng, vượt len lỏi qua các khe, vực để tiếp cận đồn bốt địch.
Trong một lần đơn vị đi làm nhiệm vụ, đồng chí Dương Quảng Châu và một đồng đội khác bị ốm sốt rét phải ở lại phía sau. Kiếm được đoạn khe cạn, hai người ở lại nghỉ, trông coi ba lô, đồ đạc, tài liệu, còn đơn vị tiếp tục đi làm nhiệm vụ. Qua một đêm thuốc men, nghỉ ngơi, người đã lại sức, đồng chí Dương Quảng Châu và đồng đội ngồi dựa lưng vào ba lô, vừa lau súng vừa cảnh giới.
Đến gần trưa, chợt nghe có tiếng lạo sạo ngoài cửa khe, bình tĩnh quan sát và phán đoán tình hình, giờ này không phải đơn vị đi trinh sát về, đồng chí Dương Quảng Châu ra hiệu cho đồng đội chuẩn bị, còn mình thì trườn nhanh đến một gốc cây, quan sát thấy từ đằng xa thấy lính Ngụy đang di chuyển về phía mình. Giữa lúc nguy cấp, nếu chiến đấu trực tiếp với địch khả năng giành thắng lợi rất thấp, phải đảm bảo an toàn cho tài liệu mà đơn vị đã vất vả thu thập được, Dương Quảng Châu mưu trí không trực tiếp bắn giết địch, mà sử dụng kế nghi binh lừa vây bắt địch. Quan sát thấy binh lính đang tập trung ở cửa khe, đồng chí Dương Quảng Châu nấp sau gốc cây hô to: "Đứng im, giơ tay lên!" Sau đó gương súng Tiểu liên K50 tiến về phía địch, rồi hô tiếp: "Đại đội bao vây chặt, bọn kia hạ súng xuống!".
Hơn hai chục tên đứng im như tượng, mặt tái mét, ngoan ngoãn đặt súng xuống đất.
Dương Quảng Châu tiếp tục hô: "Trung đội 1, cử một người ra thu vũ khí". Hiểu ý, đồng đội nhanh chóng tiến ra thu gọn súng đạn, bó thành bó đem cất vào trong khe. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ thu cất súng, đồng chí Châu ra hiệu cho đồng đội cầm súng canh trừng toán lính địch, còn mình trèo lên ngọn cây, rút khăn đánh tín hiệu, làm như ra lệnh cho đại đội. Với phong thái người chỉ huy, Dương Quảng Châu cho phép toán lính địch ngồi xuống, hai người thay nhau giải thích chính sách khoan hồng của Chính phủ cho tù binh nghe, chờ đơn vị trở về.
Sáng hôm sau, đồng chí Dương Quảng Châu cùng hai chiến sĩ được cử áp giải 22 tù binh về Sở chỉ huy. Trên đường trở về họ lại chạm trán với 11 tên lính Ngụy đang từ cánh đồng tiến vào rừng sục sạo. Đồng chí Dương Quảng Châu ra hiệu cho mọi người lùi lại phía sau, còn mình cùng một đồng chí nữa bí mật tiếp cận và bất ngờ dùng báng súng Tiểu liên K50 nhằm thẳng tên chỉ huy quật ngã. Lính địch sợ hãi, vứt súng xuống đất, nhất loạt giơ tay. Thế là đoàn tù binh từ 22 lên 33 tên, không hề mất một viên đạn, đồng chí Dương quảng Châu đã bắt sống hơn ba trục tên địch.
Cuối tháng 01/1954, công tác chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ được hoàn thành, quân ta sẵn sàng nổ súng chiến đấu thì nhận được lệnh kéo pháo ra và xây dựng lại trận địa.
Đảng ủy chiến dịch quyết định đưa Đại đoàn 308 sang Lào nhằm thu hút không quân và lực lượng cơ động địch, tạo điều kiện cho ta đưa pháo ra an toàn và phá vỡ con đường rút lui của địch. Đại đội Quân báo của Trung đoàn 36 nhận nhiệm vụ đi trước trinh sát, nắm bắt tình hình, nếu gặp địch thì trực tiếp chiến đấu tiêu hao sinh lực địch. Vượt sông Nậm Hu, vừa cập bờ liền thấy nhiều dấu vết mới do giày đinh của địch để lại, đồng chí Châu cùng đơn vị nhanh chóng đuổi theo chặn đánh địch. Lực lượng quân ta ít hơn địch, nhưng với tinh thần hăng hái chiến đấu, quân ta nhanh chóng làm chủ trận địa, quân địch hoảng loạn, mạnh tên nào tên ấy chạy. Sau mấy ngày truy kích, quân ta đã phá vỡ được phòng tuyến sông Nậm Hu của địch, góp phần vào thắng lợi chung. Trong trận truy kích này, Đại đoàn 308 mặc dù không được chuẩn bị về hậu cần nhưng đã tiêu diệt và làm tan rã 17 đại đội địch, trong đó có 1 tiểu đoàn lính Lê dương bị tiêu diệt gọn, thu được nhiều vũ khí, đạn dược. Ta giải phóng toàn bộ lưu vực sông Nậm Hu, ước tính 10.000km2, cô lập hoàn toàn Điện Biên Phủ. Hạ tuần tháng 02 năm 1954, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho Đại đoàn 308 ngừng tiến công ở Thượng Lào, bí mật và nhanh chóng quay về Điện Biên Phủ.
Trong trận đánh vào phía Tây sân bay, Trung đoàn 36 tổ chức phản kích địch, đồng chí Dương Quảng Châu bị thương, gãy chân không di chuyển được, nhưng vẫn không rời trận chiến, nằm ngay tại chỗ giao lại nhiệm vụ cho các đồng đội và động viên các chiến sĩ quyết tâm chiến đấu. Trong khi nằm trị bệnh, ông vẫn gương mẫu tham gia lao động, góp phần xây dựng viện và giúp đỡ nhân dân, đứng lên vận động 60 chiến sĩ bị thương, còn khỏe cùng với 50 nhân dân đắp lại đoạn đê bị ngập, cứu lụt được 480 mẫu lúa.
Trong suốt quá trình tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, lúc nào đồng chí Dương Quảng Châu cũng nêu cao tinh thần quả cảm, thông minh, nhanh nhẹn của một chiến sĩ quân báo, điều tra tỉ mỉ, cụ thể, gặp giặc là chủ động cương quyết tiến công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Với những chiến công và thành tích suất sắc, đồng chí Dương Quảng Châu đã được Nhà nước tặng thưởng 3 Huân chương Quân công hạng Nhì, được Bác Hồ tặng thưởng huy hiệu của người, được tiểu đoàn, trung đoàn, đại đoàn 9 lần khen thưởng và bầu là chiến sĩ thi đua của đại đoàn. Ngày 07 tháng 5 năm 1956, đồng chí Dương Quảng Châu được Đảng, Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Quân công hạng Ba./.