Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, để thực hiện phương châm tác chiến “Đánh chắc, tiến chắc” với chiến thuật “vây hãm kết hợp tiến công”, Bộ Chỉ huy mặt trận đã chủ trương: Phải xây dựng “trận địa tiến công và bao vây”, một hình thức tác chiến hết sức độc đáo và mới mẻ, chưa từng có trong lịch sử chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong suốt 9 năm kháng chiến,Quân đội Viễn chinh Pháp luôn chiếm ưu thế hơn hẳn so với Quân đội nhân dân Việt Nam về các loại phương tiện vũ khí chiến tranh hiện đại như xe tăng, đại bác, đặc biệt chiếm ưu thế tuyệt đối về không quân. Chính vì vậy trong hầu hết các chiến dịch trước, bộ đội ta quen đánh theo lối đánh du kích, đánh vào ban đêm có địa hình ẩn náu, nhưng chiến dịch Điện Biên Phủ lại là chiến dịch công phá một Tập đoàn cứ điểm mạnh, một “Pháo đài bất khả xâm phạm”. Quân đội nhân dân Việt Nam phải chiến đấu trong một thời gian dài, đánh cả đêm lẫn ngày, trên một địa hình bằng phẳng, trơ trọi kéo dài từ Mường Thanh đến Hồng Cúm, dưới sự uy hiếp thường xuyên của không quân và pháo binh của đối phương. Để khắc phục những khó khăn đó, trên cơ sở thực hiện phương châm tác chiến “Đánh chắc, tiến chắc” với chiến thuật “vây hãm kết hợp tiến công”, Bộ Chỉ huy mặt trận đã chủ trương: Phải xây dựng “trận địa tiến công và bao vây”, một hình thức tác chiến hết sức độc đáo và mới mẻ, chưa từng có trong lịch sử chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đánh lấn là một trong những chiến thuật đặc biệt mà ta sử dụng đầu tiên trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến thuật này do bộ đội ta sáng tạo ra trong quá trình đánh địch ở Điện Biên Phủ được vận dụng để thực hiện phương châm "đánh chắc, tiến chắc", tức là bao vây, đánh dần từng bước, tiêu diệt từng bộ phận địch từ ngoại vi vào tung thâm. Đánh theo cách này, ta có điều kiện tập trung binh hỏa lực, ưu thế tuyệt đối trong từng trận, tạo nên sức mạnh áp đảo để thắng địch.

Trong thời gian chuẩn bị cho chiến dịch, tại Điện Biên Phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh mở 6 tuyến đường cơ động đưa pháo vào trận địa, ta còn xây dựng hàng loạt những trận địa giao thông hào, các trận địa xuất phát tiến công của bộ binh, nhiều trận địa hỏa lực của pháo binh, pháo cao xạ. Điều này góp phần quan trọng giúp ta dành thắng lợi to lớn, tiêu diệt hoàn toàn 2 Trung tâm đề kháng thuộc loại kiên cố nhất của Pháp ở vòng ngoại vi là Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo kết thúc đợt tấn công thứ nhất.

Đợt tấn công thứ 2, bộ đội ta được giao nhiệm vụ đánh địch ở dãy cao điểm phía Đông, xây dựng trận địa tấn công, bao vây, chia cắt các cứ điểm địch, khống chế đi đến triệt hẳn đường tiếp tế, tiếp viện của địch, chia cắt phân khu trung tâm với phân khu Nam. Sau những chiến thắng giòn giã của đợt tấn công thứ nhất, quân ta tạm ngưng một thời gian để tiếp tục mở các chiến hào bao vây. Để chuẩn bị cho đợt tấn công tiếp theo vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ,từ ngày 17/3/1954, bộ đội ta triển khai nhiệm vụ đào hào vây lấn, xiết chặt tập đoàn cứ điểm.

Những đường hào trục hình vòng cung từ Đông sang Tây nhanh chóng được hình thành, tạo thành một vành tròn khổng lồ bao quanh Phân khu Trung tâm. Tại Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cũng trở thành một trong những yếu tố gây bất ngờ lớn với người Pháp trong cuộc chiến tại Điện Biên Phủ, các chiến sỹ công binh Việt Nam đã sử dụng những chiếc cuốc, xẻng thô sơ để đào những đường hào trục, hào nhánh bao vây, siết chặt và lấn dần vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Những đường hào nhánh, xuất phát từ cửa rừng gần nơi trú ẩn của quân ta, vươn ra cánh đồng Mường Thanh, cắt ngang hào trục rồi hướng thẳng về phía các mục tiêu được phân công. Các chiến sĩ sau bữa cơm chiều lại di chuyển xuống cánh đồng làm nhiệm vụ đào hào. Mỗi đêm một chiến sĩ được giao nhiệm vụ xây dựng 2m2 hào, công việc đó tưởng chừng đơn giản nhưng để có mỗi mét chiến hào phải đổi bằng máu, mồ hôi và nước mắt của những người chiến sĩ.

Từ những đường hào trục và những đường hào nhánh lại có vô số những đường hào nhỏ hơn, dọc ngang chằng chịt, với hàng ngàn ụ súng, hầm cố thủ, những hàm ếch được khoét sâu vào thành hào làm nơi trú ẩn cho bộ đội ta. Cùng với đó là đường hào từ Đông sang Tây chia cắt phân khu trung tâm với Phân khu Nam -  Hồng Cúm.

Có thể nói đây là một công trình có quy mô đồ sộ, với khối lượng công việc khổng lồ diễn ra ngay dưới tầm khống chế quyết liệt của hỏa lực không quân, pháo binh, xe tăng và bộ binh của Pháp.

 Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 đã sáng tạo ra chiến thuật bao vây đánh lấn, tiêu diệt hai vị trí địch 106 và 206 bảo vệ phía tây sân bay. Sáng kiến của Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 được Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu dương và kịp thời phổ biến ra toàn mặt trận ĐBP cùng học tập và vận dụng.Theo lời kể của đồng chí Phạm Hồng Sơn - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 36, Đại đoàn 308: Khi đồng chí đến thăm các chiến sĩ đang đào chiến hào tại mặt trận Điện Biên Phủ, trong số đó có các chiến sĩ mới bổ sung từ đồng bằng lên, họ nói họ là du kích đồng bằng Bắc Bộ, có kinh nghiệm đào địa đạo và đánh độn thổ. Chỉ cần Trung đoàn tổ chức trận địa hỏa lực yểm hộ và tổ chức đào chiến hào lấn dũi luồn qua các lớp rào dây thép gai của địch, từ đó quân ta bất ngờ vọt lên, hai mũi giáp công lọt vào đồn địch chia cắt, tiêu diệt địch.

 Bộ đội ta đã dùng những “con cúi” bện bằng rơm dài 2m, đường kính 1.5m để che chắn đạn bắn thẳng, bảo đảm an toàn cho những người nằm ở phía sau đào chiến hào lấn dần về phía địch. Đến cự ly thích hợp, bộ đội ta đã dùng lựu pháo đánh chiếm một số lô cốt địch rồi chọn thời cơ thích hợp bất ngờ nổ súng tiến công, khiến địch không kịp trở tay. Tuy nhiên, khi vào gần cứ điểm thì “con cúi” lại khiến cho vị trí của quân ta lộ ra. Vì vậy, các chiến sĩ lại có sáng kiến “đào dũi”, tức đào ngầm dưới xuyên qua rào kẽm gai và bãi mìn của địch vào tận trong cứ điểm rồi đội đất bật lên mà đánh. Kết quả, bộ đội ta đã chiếm được nhiều lô cốt địch, bắt sống nhiều lính Pháp, chiếm nhiều lô cốt, chia cắt quân địch, khiến cho tinh thần của binh lính Pháp càng lúc càng trở nên sa sút. Đến cuối tháng 4/1954 De Castries đã phải gọi điện cho chỉ huy của ông ta để cầu cứu rằng: “Các ngài hãy kiểm tra giúp tôi xem, không hiểu Việt Minh có một loại vũ khí gì vô cùng đặc biệt, họ đào bao vây lấy chúng tôi”. Nó không phải là một vũ khí đặc biệt hay hiện đại nào cả, chỉ với những chiếc cuốc, xẻng thô sơ, các chiến sỹ ta đã đào hào bao vây và lấn dần lấy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giống như những chiếc thòng lọng, vòi bạch tuộc siết chặt lấy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Theo chính thống kê của Quân đội Viễn chinh Pháp, công binh Việt Nam đã đào những con đường hào ấy dài khoảng 400km, gần bằng quãng đường từ Hà Nội lên Điện Biên.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trải qua quá trình chiến đấu liên tục, dài ngày, ta đã lần lượt tiêu diệt từng cụm cứ điểm của địch, siết chặt vòng vây, vận dụng chiến thuật đánh lấn, cắt sân bay, triệt đường tiếp tế hàng không của địch, làm cho tập đoàn cứ điểm ngày càng cô lập, bị bóp nghẹt. Cuối cùng, sáng ngày 7-5-1954, quân ta mở đợt tiến công quyết định, đánh vào Sở chỉ huy của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng De Castries, buộc toàn bộ quân Pháp đầu hàng, giành toàn thắng cho chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Hơn 60 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta thực hiện Chiến dịch quyết chiến chiến lược lịch sử Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (7-5-1954). Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh dấu sự phát triển cao của nghệ thuật quân sự trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đóng góp vào kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.731
      Online: 63