Đồi Noong Bua nằm ở phía Đông trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, là nơi Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đặt đài quan sát và xây dựng trận địa của Tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367, Đại đoàn công pháo 351 trong đợt tấn công thứ 3 (từ ngày 01/5/1954 – 07/5/1954).
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, từ các đại đội đến đại đoàn đều tổ chức bố trí đài quan sát. Đài quan sát của đại đội có nhiệm vụ chỉ huy bắn, đài quan sát tiểu đoàn có nhiệm vụ quan sát chỉ huy, đài quan sát của trung đoàn và đại đoàn có nhiệm vụ quan sát chiến trường. Lúc cao điểm nhất có tới 12 đài quan sát có khả năng quan sát từ 3 hướng (Đông, Tây, Bắc) vào Tập đoàn cứ điểm với khoảng cách đến mục tiêu gần nhất là 200m - 300m, xa nhất từ 6km - 8km, trung bình từ 3km - 4km.
Trong thời gian chuẩn bị cho chiến dịch, Trung đoàn 367 khẩn trương xây dựng hệ thống trận địa ở hướng Bắc và Đông Bắc Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ở hướng Đông Bắc, Tiểu đoàn 383 xây dựng trận địa trên cánh đồng Nà Lơi, Quang Tum để bố trí 3 đại đội pháo cao xạ 37mm, mỗi đại đội có 4 khẩu và đại đội súng máy phòng không l2,7mm có 12 khẩu. Ở hướng Bắc, Tiểu đoàn 394 xây dựng hệ thống trận địa trên cánh đồng Bản Tấu, Nà Hi để bố trí lực lượng, vũ khí. Trong mỗi trận địa đều có công sự cho pháo, các hầm chỉ huy, trinh sát, pháo thủ, thương binh và các giao thông hào nối các hầm với nhau, có thể đi lại dễ dàng từ khẩu đội này sang khẩu đội khác, từ đại đội này sang đại đội khác.
Thực hiện phương án “Đánh chắc, tiến chắc”, trước giờ nổ súng tấn công vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, từ các đài quan sát, các chiến sĩ được giao nhiệm vụ quan sát nắm bắt tình hình của đối phương, xác định mục tiêu để tổ chức tấn công.
Ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Vũ Thanh Giang, 12 khẩu pháo 37mm của Tiểu đoàn 383 kết hợp với lực lượng pháo binh của Tiểu đoàn 394 đồng loạt nhả đạn. Bị đánh bất ngờ, máy bay địch hoảng loạn ném bom rồi bay vọt lên cao. Ngay từ những loạt đạn đầu, pháo thủ của ta đã bắn chính xác, phá hủy nhiều hầm hào, công sự của địch.
8 giờ sáng, ngày 14/3/1954, từ đài quan sát của Tiểu đoàn 383, các chiến sĩ phát hiện một chiếc máy bay trinh sát Morane xuất hiện trên vùng trời Mường Thanh, bay theo triền núi phía Tây Nam rồi vòng về hướng trận địa Đại đội 815, Tiểu đoàn 383. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Chính trị viên tiểu đoàn Đỗ Văn Xoan, Đại đội trưởng Lê Bá Thao và Chính trị viên Trịnh Xuyên đã chỉ huy đơn vị quan sát mục tiêu trên không để ngắm bắn chính xác. Khi chiếc máy bay địch cách trận địa khoảng 1.000m, theo tiếng còi của đại đội trưởng, cả 4 khẩu đội pháo 37mm đồng loạt bắn điểm xạ. Chiếc máy bay trinh sát của địch bốc cháy rồi lao xuống cửa rừng bản Nà Lơi trong tiếng reo hò vang dội của toàn thể bộ đội, dân công trên mặt trận. Đây là chiếc máy bay đầu tiên của địch bị Tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367 bắn rơi trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong đợt tấn công thứ hai của chiến dịch, nhiều đài quan sát được di chuyển và tổ chức thêm để quan sát rõ mục tiêu như: Đài quan sát Đại đội 802 di chuyển lên Bản Kéo, Đài quan sát Đại đội 804 (thuộc Trung đoàn lựu pháo 45) lên điểm cao Noong Bua, Đại đội 806 tổ chức thêm một đài quan sát ở phía trước đồi E, Đại đội 801 tổ chức thêm một đài quan sát phía trước trên điểm cao 501 gần cứ điểm đồi A1. Tiểu đoàn 383 di chuyển và đóng quân ở gần Mường Thanh, nhận nhiệm vụ tham gia bảo vệ Đại đoàn 316 và Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 ở phân khu Hồng Cúm. Ban ngày, các chiến sĩ của tiểu đoàn quan sát, nắm bắt tình hình địch, chế áp pháo binh để bắn các mục tiêu kịp thời chính xác; ban đêm các chiến sĩ tiếp tục đào hệ thống giao thông hào để tiếp cận cứ điểm của địch. Kết thúc đợt tấn công thứ hai, ta đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.
Bước vào đợt tấn công thứ ba, Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã chọn đồi Noong Bua là nơi đặt đài quan sát và trận địa của Tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367, Đại đoàn công pháo 351. Các chiến sĩ của tiểu đoàn với khí tài quang học (máy pháo đội kính) quan sát chiến trường, chỉ huy các đơn vị chế áp pháo binh địch, yểm hộ cho bộ binh tiêu diệt các mục tiêu kịp thời chính xác. Trong ba ngày đầu, quân ta lần lượt chiếm được một số cứ điểm và sẵn sàng chuẩn bị chờ lệnh tổng công kích. Thời gian nổ súng là 20 giờ 30 phút ngày 06/5/1954, lấy tiếng nổ của khối bộc phá trên đồi A1 làm hiệu lệnh. Sau khi khối bộc phá được điểm hỏa, quân ta làm chủ hầm cố thủ, địch hoang mang cực độ, cuộc chiến diễn ra ngày càng ác liệt. Đến 4 giờ 30 phút, ngày 07/5/1954, cứ điểm A1 bị tiêu diệt hoàn toàn. Sáng ngày 07/5, đài quan sát của Tiểu đoàn 383 ở đồi Noong Bua cùng với các đài quan sát của các đơn vị khác báo cáo về Sở chỉ huy chiến dịch, quân địch có hiện tượng khác thường: máy bay tiếp tế cho Điện Biên Phủ quay trở về Hà Nội, cờ trắng lác đác xuất hiện ở các cứ điểm, quân địch đã rối loạn, không còn tinh thần chiến đấu. Bộ chỉ huy chiến dịch nhận định thời cơ đã đến và ra lệnh Tổng công kích vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đến 17giờ 30 phút, ngày 07/5/1954, quân ta đã đánh chiếm Sở chỉ huy địch, bắt sống tướng De Castries và toàn bộ cơ quan tham mưu của địch, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân ta tung bay trên nóc hầm De Castries. 24 giờ, ngày 07/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367, Đại đoàn công pháo 351 đã quả cảm mưu trí, vừa chiến đấu vừa giữ bí mật trong quá trình tổ chức xây dựng lực lượng, giáng những đòn sấm sét vào các nơi trọng yếu của địch và chi viện đắc lực cho các đại đoàn bộ binh chiến đấu dẫn đến thắng lợi. Trong toàn chiến dịch, Trung đoàn 367 đã bắn rơi 52 chiếc máy bay của địch, riêng Tiểu đoàn 383 đã bắn rơi được 24 chiếc, góp phần vào thắng lợi chung của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Với thành tích anh dũng chiến đấu, lập công xuất sắc, Đại đoàn 351 đã được Bộ Chỉ huy chiến dịch trao cờ thưởng luân lưu “Quyết chiến, quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.