Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc toàn thắng năm 1954 là thắng lợi chung của toàn dân tộc, thể hiện tinh thần đoàn kết nhất trí một lòng vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong chiến thắng đó có sự đóng góp to lớn của tỉnh Thanh Hóa, xứng đáng với sự khen ngợi, biểu dương của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa có đóng góp to lớn về sức người, sức của, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của dân tộc. Trong điều kiện đường lên Tây Bắc phải băng rừng, vượt suối, vượt qua những hố bom, bão mìn để hướng về mặt trận với quyết tâm cùng với cả nước nỗ lực không ngừng phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Lực lượng dân công, thanh niên xung phong tỉnh Thanh Hóa nô nức lên đường, tham gia phá đá mở đường, sửa đường, vận chuyển lương thực, thực phẩm ra mặt trận, họ đã không tiếc thanh xuân, không quản ngại hy sinh gian khổ với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.
Trong số những người dân công Thanh Hóa ấy có đóng góp của người nữ dân công với vóc dáng nhỏ bé, ngày đêm vượt làn đạn địch hướng ra mặt trận đó là chị Hà Thị Miên. Giống như hàng triệu nông dân khác ở thời kỳ đó, sau cải cách ruộng đất chị Hà Thị Miên thoát khỏi ách bức của địa chủ và được chia ruộng đất. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra chị hăng hái tăng gia lao động sản xuất, góp gạo nuôi quân, đi dân công phục vụ chiến dịch. Đôi dép cao su đã cùng chị vượt mọi nẻo đường gian khổ, vượt qua dòng sông Mã, vượt thác ghềnh lên đèo qua hàng trăm km đường rừng núi tiếp lương, tải đạn cho chiến dịch. Dưới làn mưa bom, bão đạn của quân Pháp, đôi chân của chị vẫn thoăn thoắt bước qua. Trong một lần tải đạn từ Nà Nhạn vào Mường Phăng chị bị thương nặng vì bom đạn địch và đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Chị Hà Thị Miên đã đóng góp công sức bé nhỏ của mình cùng với nhân dân cả nước góp phần làm nên chiến thắng chung của dân tộc.
Hiện nay, Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đang lưu giữ và trưng bày đôi dép cao su của nữ dân công Hà Thị Miên. Đôi dép cao su của nữ dân công Hà Thị Miên như nhắc nhở chúng ta nhớ về công lao của những người dân công ngày ấy trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, không đủ ăn, không đủ mặc, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh họ đã có những đóng góp to lớn để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ " Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"./.