Chăn dạ,Võng dù là hành tranh không thể thiếu được của người lính trong những ngày hành quân đánh trận, nhìn rất đỗi bình thường ấy lại là những vật chứng quan trọng, biết nói, biết kể về một cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam.
Năm 2016, trong dịp kỷ niệm 63 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, bà Chu Thị Thanh, thay mặt gia đình tặng cho Bảo tàng hai kỷ vật của cha mình là Anh hùng LLVT Chu Văn Khâm đã sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là những chiến lợi phẩm được bộ đội ta thu được của địch trong chiến dịch Biên Giới và chiến dịch Tây Bắc 1952, được đồng chí Chu văn Khâm mang theo bên mình, sử dụng đắp ấm và nghỉ ngơi trong những tháng ngày hành quân, phá đá mở đường, tháo gỡ bom mìn trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hành quân lên Tây Bắc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Chu Văn Khâm cũng như bao chiến sỹ khác, hành trang được gói gọn trong ba lô là những vật dụng dùng trong sinh hoạt thường ngày ngoài trận địa như quần, áo, chăn, võng, bi đông, ca…Chiếc Võng dù như một chiếc giường ngủ di động tuyệt vời, cùng với Chăn dạ vừa đắp ấp vừa thay cho chiếc màn rất phù hợp với điều kiện của người lính nơi chiến trường. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Chu Văn Khâm là Trung đội phó công binh, Đại đội 56, Tiểu đoàn 206 Cục Vận tải thuộc Tổng cụ Hậu cần.
Tháng 01 năm 1953, Chu Văn Khâm phụ trách tiểu đội làm nhiệm vụ quan sát và phá bom ở đèo Khế, bảo đảm đường vận chuyển cho chiến dịch Tây Bắc. Máy bay địch thường xuyên ném bom phá hoại cầu đường. Đơn vị chưa có kinh nghiệm phá, gỡ bom nổ chậm Chu Văn Khâm đã tình nguyện xin nghiên cứu tháo quả đầu tiên và đồng chí đã thành công. Kinh nghiệm phá bom của đồng chí đã được phổ biến kịp thời cho các lực lượng trên các tuyến đảm bảo giao thông vận tải.Trong quá trình làm nhiệm vụ gặp những trường hợp phải phá những quả bom có thể nguy hiểm đến tính mạng, Chu Văn Khâm đều xung phong nhận thay đồng đội và tìm mọi cách phá bằng được. Có lần, một quả bom nổ chậm chui sâu 4 mét, khoan thành một lỗ chỉ chui lọt một người. Không ngần ngại, đồng chí đã chui xuống hố sâu trinh sát chỗ bom nằm, nghiên cứu cách phá rồi quay lên dùng chân đưa bộc phá xuống đặt, phá được quả bom hiểm ác này, kịp thời thông đường, bảo đảm cho các đơn vị vận tải vượt qua an toàn.
Để ngăn chặn bước tiến của quân ta, trọng tâm là nguồn tiếp tế vận chuyển lương thực, thực phẩm, quân đội Pháp tập trung máy bay ném bom đánh phá ác liệt các tuyến chính mà chúng nghi ngờ. Navarre đã ra lệnh cho không quân của chúng: “Tập trung vào các đánh phá giao thông vận tải, đặc biệt là các ô tô vân tải, và vào các đường giao thông của Việt Minh”. Các tuyến đường có vị trí xung yếu như cầu, phà, đèo, dốc ngoài việc ném bom, địch còn sử dụng cả bom nổ chậm, bom bươm bướm, bom lù để ngăn chặn bộ đội ta hành quân và vận chuyển lương thực thực phẩm vào mặt trận. Các đèo Sơn La, Pha Đin, đèo Khế…trở thành những trọng điểm, nơi diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt giữa công binh và bom đạn địch. Đèo Pha Đin có đợt hứng chịu 19 ngày bị máy bay địch ném bom, mỗi ngày từ năm đến sáu trận với nhiều bom nổ ngay, nổ chậm. Với tinh thần "Nhất định mở đường cho xe ta ra chiến trường tiếp viện", Chu văn Khâm đã chỉ huy đồng đội kiên cường bám trụ trên trọng điểm, bảo đảm thông suốt mạch máu giao thông. Địch phá ta sửa ta đi, địch ném bom phá đoạn này ta mở đoạn khác; địch phá ban ngày ta mở đường ban đêm... đồng chí Chu Văn Khâm đã nghiên cứu quy luật hoạt động của máy bay địch và quy luật nổ của các loại bom, từ đó đúc kết phương pháp tháo gỡ bom. Kết quả trong 1 tháng, Chu Văn Khâm đã chỉ huy tiểu đội phá gỡ được 35 quả bom nổ chậm. Riêng đồng chí tự tay phá gỡ được 18 quả, trong đó có một số quả nguy hiểm và khó phá và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong những ngày Đông giá lạnh của Tây Bắc, công việc tháo gỡ bom mìn, phá đã mở đường đảm bảo mạch máu giao thông cho chiến dịch Điện Biên Phủ thường tiến hành ban đêm, đồng chí Chu Văn Khâm luôn động viên anh em cùng nhau cố gắng, thay ca nhau làm việc liên tục đến khi thông đường. Chăn dạ, Võng dù được đồng chí và anh em trong đơn vị cùng nhau chia sẻ, tranh thủ nghỉ, ngủ trong chốc lát. Hành động nhỏ, giản dị những thấm đượm tình đồng chí đồng đội, cùng chung hoạn nạn, chia sẻ ngọt bùi. Trong chiến đấu cũng như trong công tác, Chu Văn Khâm luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, hết lòng thương yêu đồng đội, đi sát động viên, giúp đỡ chiến sĩ trong những lúc khó khăn, ác liệt nên rất được anh em quý mến, tin yêu.
Trong quá trình chiến đấu đồng chí đã được Tiểu đoàn 206 khen thưởng 9 lần. Ngày 31 tháng 8 năm 1955, Chu Vãn Khâm được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ 07/5/1954, đồng chí Chu Văn Khâm trở về nhận nhiệm vụ mới. Chăn dạ, Võng luôn đồng hành cũng cùngđồng chí trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Khi về với cuộc sống thường ngày cùng gia đình,ông vẫn giữ thói quen ngủ võng và dùng Chăn dạ. Nó không chỉ tiện lợi mà còn bởi nó gắn với ông những kỷ niệm sâu sắc thời kháng chiến và trở thành những kỷ vật quý, được đồng chí Chu Văn Khâm cẩn thận gìn giữ đồng thời nhắc nhở con cháu biết trân trọng quá khứ, phấn đấu học tập góp pần xây dựng quê hương đất nước.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trôi qua gần hai phần ba thế kỷ, nhưng nhiều gia đình thân nhân của các anh hùng, liệt sỹ, các bác cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến dịch vẫn còn lưu giữ được những kỷ vật một thời gắn bó nơi chiến trường đầy gian khổ, nhưng rất đỗi tự hào.Có lẽ, đối với các bác cựu chiến binh và thân nhân gia đình cựu chiến binh, anh hùng, liệt sĩ thì những hiện vật, kỷ vật liên quan tới chiến dịch Điện Biên Phủ, gợi nhớ tới những đồng đội đã anh dũng chiến đấu, hy sinh…suốt những năm tháng qua họ trân trọng, nâng niu cất giữ, là những tài sản vô giá, là lẽ sống thiêng liêng. Những kỷ vật, hiện vật ấy sẽ được Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lưu giữ và phát huy giá trị, để những hiện vật, kỷ vật ấy sáng hơn và sáng mãi với các thế hệ mai sau./.