Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ,
Đèo Lũng Lô anh hò chị hát.
Dù bom đạn xương tan, thịt nát,
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh.
Những câu thơ trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu ca ngợi tinh thần kiên cường, anh dũng của lực lương thanh niên xung phong đóng góp sức lực của mình, tham gia vận chuyển tải hàng, phá bom, mở đường… làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ có tới hơn 15.000 cán bộ chiến sĩ thanh niên xung phong được bố trí ở các đại đội làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông thông suốt phá bom, gỡ mìn… Đã biết bao tấm gương thanh niên xung phong chiến đấu quên mình vì độc lập dân tộc, một trong những thanh niên xung phong kiên trung, ưu tú đó chính là đồng chí Trần Văn Cam Trung đội trưởng Trung đội phá bom, Đại đội 407, Đội 40 thanh niên xung phong Điện Biên Phủ.
Đồng chí Trần Văn Cam sinh năm 1936, ở một vùng miền núi thuộc tỉnh Phú Thọ. Năm 18 tuổi, đồng chí gia nhập đội thanh niên xung phong 40, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đội phá bom của Trần Văn Cam phụ trách phá bom, thông đường, mở đường, bắc cầu cho xe vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược cho tiền phương tại Ngã ba Cò Nòi – nơi gặp nhau giữa đường 41 (từ Thanh Hóa, Hòa Bình lên) và đường 13 (từ các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Việt Bắc sang). Đây là con đường giao thông huyết mạch nối đồng bằng Bắc Bộ, chiến khu Việt Bắc, khu III, khu IV với chiến trường Điện Biên Phủ, được mệnh danh là “chảo lửa”, là “túi bom”, “cửa tử”. Ngã ba Cò Nòi là điểm tập kết, trung chuyển lớn nhất cho chiến trường Điện Biên Phủ. Đây cũng là điểm xung yếu nhất, quyết liệt nhất để vận chuyển lương thực, vũ khí từ hậu phương miền Bắc qua Nghĩa Lộ, Yên Bái phục vụ chiến trường, chính vì thế quân Pháp đánh phá rất ác liệt. Ngã ba Cò Nòi trở thành tâm điểm đấu trí giữa ta và địch trên tuyến chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Tại khu vực này, Pháp đã tập trung không quân đánh phá. Số lần đánh phá ngày một dày đặc hơn, quy mô ngày một lớn; giai đoạn ác liệt, cứ 13 phút địch lại ném bom bắn phá một lần. Có ngày chúng ném xuống đây 300 quả bom phá, bom nổ chậm, bom na-pan, bom bướm với trọng lượng 69 tấn thuốc nổ, gấp nhiều lần so với các trọng điểm khác (như đèo Lũng Lô 31 tấn, Tạ Khoa 13 tấn, Pha Đin 17 tấn...). Chỉ trong vòng 3 tuần đánh phá đầu tiên, bom đạn đã làm cho khu vực này không còn màu xanh, cây cối nát tươm, đất đá bị xới lên tơi tả, nhằm hủy diệt lực lượng và làm tê liệt giao thông của ta. Với khẩu hiệu “thanh niên xung phong có thể hy sinh, nhưng quyết không để huyết mạch giao thông bị tắc”, “Không để tắc đường quá 4 tiếng/ngày”, Trần Văn Cam đã chỉ huy đội của mình khẩn trương, nhanh chóng phá bom để xe kịp thời chuyển hàng, vũ khí, thuốc men cho bộ đội chiến đấu. Sau mỗi trận địch đánh phá, thả bom xuống phá đường, Đội phá bom của Trần Văn Cam lập tức dò bom, cắm tiêu, phá bom. Không quản ngại khó khăn, gian khổ, có những hôm trời mưa, gió rét, đất nhão, đường trơn, Trần Văn Cam vẫn kiên cường cùng đồng đội miệt mài, quyết tâm vừa phá bom, vừa san lấp hố bom khôi phục đường; ngày ngày chiến đấu giành giật với quân địch từng giờ, từng phút, từng giây. Dù gian khổ, thiếu thốn, nhưng Trần Văn Cam và đồng đội luôn giữ vững phẩm chất thanh niên xung phong xông xáo, nhiệt huyết,sẵn sàng hy sinh.
Đồng chí Trần Văn Cam đã cùng đồng đội dũng cảm rà phá được trên 120 quả bom các loại, kịp thời giải phóng đường cho xe ta vào Điện Biên Phủ. Trong qua trình làm nhiệm vụ, đã từng 4 lần đơn vị làm lễ truy điệu sống trước khi ra trận cho đồng chí; 11 lần bị bom nổ vùi lấp nhưng vẫn được cứu sống. Cùng với các đồng chí: Trịnh Văn Huyền, Cao Xuân Thọ, Nguyễn Tiến Thụ, đồng chí Trần Văn Cam được suy tôn là 1 trong 4 “Vua phá bom” của chiến dịch Điện Biên Phủ. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đồng chí Trần Văn Cam vinh dự được gặp Bác Hồ, được Bác thăm hỏi động viên và tặng Huy hiệu của Người. Đồng chí được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì tại Điện Biên Phủ. Năm 1955 Trần Văn Cam là một trong 6 chiến sĩ thay mặt 8.000 thanh niên xung phong ở Điện Biên Phủ về Hà Nội dự Lễ đón mừng Trung ương Đảng, Bác Hồ, Chính phủ về Thủ đô Hà Nội ra mắt quốc dân đồng bào.
Giờ đây, khi chiến tranh đã lùi xa, hòa bình lập lại, đồng chí Trần Văn Cam cũng như bao thanh niên xung phong may mắn khác được trở về, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, sức khỏe yếu sau bao năm lăn lộn chiến đấu trong mưa bom bão đạn, nhưng đồng chí Trần Văn Cam không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn, tiếp tục công tác, lao động sản xuất, cống hiến trí tuệ, sức lực của mình trong công cuộc kiến thiết, xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.
Ngày 01/02/2011 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Canh Dần), do tuổi cao sức yếu đồng chí Trần Văn Cam đã ra đi mãi mãi, để lại niềm thương tiếc cho gia đình và đồng đội – những người luôn yêu quý ông. Ngày 23/7/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho ông. Tuy Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trần Văn Cam đã ra đi, nhưng những đóng góp, cống hiến của ông cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mãi được Đảng, Nhà nước ghi nhận; được thế hệ trẻ cảm phục và biết ơn sâu sắc./.