Đến giai đoạn cuối kháng chiến chống Pháp, về cơ bản các đơn vị bộ đội chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam đã được trang bị thống nhất bằng hệ vũ khí bộ binh do Trung Quốc viện trợ gồm Tiểu liên Kiểu 50 bắn đạn 7,62x25mm và Súng trường Kiểu 24, Trung liên ZB-26, Đại liên Kiểu 24 bắn chung cỡ đạn 7,92x57mm; Tiểu liên Kiểu 50 do Trung Quốc sản xuất theo mẫu PPSh-41 của Liên Xô, Việt Nam gọi chung là K-50 (là Phiên bản nhái bất hợp pháp của Trung Quốc, chỉ lắp được hộp tiếp đạn 35 viên trong khi đó phiên bản gốc lắp băng đạn 71 viên, về cấu tạo của súng không có gì thay đổi).
Súng Tiểu liên K50 Trung Quốc có nguồn gốc từ khẩu súng PPSh-41(Pistolet-Pulemyot Shpagina obrazet 1941) do Liên Xô sản xuất, được kỹ sư Georgi Shpagin thiết kế. Súng được chấp nhận trang bị năm 1941 và là súng tiểu liên tiêu chuẩn của Hồng quân Xô Viết trong thế chiến thứ hai. Có thể coi đây là một phiên bản đơn giản hóa, tối ưu hóa của khẩu súng tiểu liên do Thiếu tướng - Kỹ sư Vasily Degtyaryov thiết kế năm 1934 (cải tiến vào năm 1940 trở thành PPD-40). PPSh-41 với thiết kế máy lùi, bắn khi khóa nòng hở, sử dụng đạn 7,62×25mm của súng ngắn Tokarev TT-33 đã trở thành súng tiểu liên tiêu chuẩn của Hồng quân Xô Viết khi đó. Khi về Trung Quốc đã được cải hoán và thiết kế lại sử dụng băng đạn loại 35 viên băng đạn thẳng khác với Liên Xô là loại băng trống tròn 71 viên. Súng Tiểu liên K50 được biên chế cho hầu hết các đại đoàn quân của Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Súng tiểu liên với ưu thế nhỏ gọn, tốc độ bắn nhanh đã chứng tỏ ưu thế "xung phong" trong rừng rậm, chiến hào và đô thị, vốn có không gian chật hẹp.

Hiện vật Súng Tiểu liên K50
Một số tính năng, kỹ chiến thuật của súng tiểu liên K50 cơ bản giống như phiên bản đầu của nó: Khối lượng là 3,63 kg khi chưa có hộp tiếp đạn; lắp hộp tiếp đạn 35 viên băng đạn trọng lượng là 4,3 kg; chiều dài nòng súng 843 mm; độ dài nòng 269 mm; loại đạn sử dụng 7,62x25 mm; cơ cấu hoạt động bắn khi khóa nòng mở; tốc độ bắn 1000 – 1200 phát/phút; sơ tốc đầu đạn 488 m/s; tầm bắn hiệu quả 125 – 200 m; tầm bắn xa nhất 200 – 500 m, 1000 m đầu đạn ngoài theo lý thuyết; chế độ nạp đạn băng đạn cong số lượng 35 viên; phiên bản đầu ngắm có vòng chống va đập gây cong gãy đầu ngắm hoặc khẩu có thước ngắm có con trượt chỉnh tầm, định tầm bắn đến 500m. Về sau sử dụng khe ngắm kiểu lật (kiểu chữ "L") định tầm 100 và 200m. Theo một số tài liệu, để sản xuất một khẩu K50 mất khoảng 7,3 giờ đồng hồ do vậy có một số lượng lớn súng tiểu liên được sản xuất.
Khi súng Tiểu liên K50 được biên chế cho các đại đoàn quân của Quân đội nhân dân Việt Nam sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã phát huy tốt được các ưu thế mà nhà chế tạo sản xuất ra súng đã tính toán đó là: có thiết kế nhỏ gọn trọng lượng 4,3 kg khi nạp đủ đạn phù hợp với thân hình của bộ đội ta; súng nhỏ gọn thuận lợi trong trú ẩn, cơ động trong chiến hào; dễ vận dụng trong các động tác kỹ thuật cá nhân khi tiếp cận địch; tốc độ bắn nhanh (1000 -1200 phát/phút) tỏ ra khá ưu thế trong xung phong ở khu vực không gian chật hẹp. Điều này được thể hiện ngay ở trận Him Lam các chiến sĩ đơn vị Đại đội 58, Tiểu đoàn 42; Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 sử dụng xung phong tiêu diệt địch trong trận đánh cứ điểm Him Lam (13/3/1954).
Đó là một trong những góp sức to lớn của vũ khí trang bị nói chung và súng Tiểu liên K50 nói riêng trong các trận đánh của quân đội Việt Nam; sự kết hợp hài hòa giữa vũ khí, trang bị cùng ý chí quyết tâm chiến đấu với quân thù đang giày xéo quê hương đã làm cho các chiến sĩ Điện Biên năm xưa khai thác triệt để các tính năng, kỹ chiến thuật của súng để tiêu diệt quân thù và tiến đến giải phóng hoàn toàn./.