Đồng chí Phan Tư sinh ngày 03/02/1931, trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng tại xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Từ nhỏ đã chứng kiến cảnh quê hương bị giặc ngoại xâm tàn phá, áp bức dân làng. Với tình yêu quê hương, ý trí đấu tranh kiên cường của người đân xứ nghệ đã thôi thúc anh lên đường nhập ngũ khi vừa tròn đôi mươi. Từ năm 1951 đến tháng 7/1954, đồng chí Phan Tư là chiến sĩ công binh Trung đội 5, Đại đội 124, Tiểu đoàn 555 thuộc Cục Công binh.

Trong chiến dịch Hòa Bình (1952), đồng chí Phan Tư được giao nhiệm vụ quan sát và phá bom nổ chậm, đảm bảo cho đường giao thông vận tải được thông suốt. Rất nhiều lần địch đánh phá ác liệt, bom nổ rất gần, đất đá tung cả vào hầm, nhưng đồng chí Phan Tư vẫn động viên đồng đội bình tĩnh quan sát bom rơi, ghi nhớ vị trí những quả bom chưa nổ, khi máy bay đi, lại ra phá gỡ. Có những quả bom nổ chậm vùi sâu phải đào và tháo gỡ liên tục trong 4 giờ, quá giờ an toàn nhưng đồng chí vẫn dũng cảm kiên cường quyết tháo bằng được để thông đường.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, đồng chí Phan Tư làm nhiệm vụ quan sát. Khi máy bay địch ném bom, đồng chí đã dũng cảm nằm ngay tại mặt đường quan sát để nắm chắc vị trí bom rơi, đánh dấu cho anh em phá gỡ. Một quả bom nổ chậm nằm giữa mặt đường, không nắm được giờ an toàn, nên hàng ngàn dân công xe thồ, bộ đội, xe vận tải, xe kéo pháo phải đứng chờ, ùn lại, cách xa quả bom 300m không dám vượt qua. Tiểu đội phó Phan Tư đã dũng cảm đốt đuốc đứng cạnh quả bom, làm lộ tiêu cho dân công vượt qua an toàn, nhanh chóng, cùng với tiếng hô “Các đồng chí yên tâm vượt qua vùng nguy hiểm. Quả bom này không nổ. Tôi đứng làm lộ tiêu cho mà đi, cứ bình tĩnh tiến lên”.

          Tết Giáp Ngọ 1954, công tác chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ trở nên gấp gáp hơn bao giờ hết. Việc vận tải lương thực, đạn dược phục vụ chiến sỹ là nhiệm vụ hết sức cần kíp. Thế nhưng đường vận chuyển hết sức khó khăn, hiểm trở khiến việc vận chuyển gặp nhiều trở ngại. Các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong, dân công được lệnh cấp tốc mở tuyến đường thủy, đường bộ hoàn toàn mới thông sang nước bạn qua Ma Lù Thàng, Lai Châu. Dòng sông Nậm Na thượng nguồn sông Đà là một tuyến đường thủy chính để vận chuyển lương thực thuốc men, đạn dược từ nước bạn về một cách thuận lợi và nhanh nhất có thể.

Tháng 02 năm 1954, Trung đội 5 của đồng chí Phan Tư được chọn mặt gửi vàng giao phá thác trên sông Nậm Na thượng nguồn Sông Đà từ đường biên về mặt trận dài 120km. Có tới trên 90 thác lớn nhỏ chặn dòng, mà cực kỳ khó phá, nguy hiểm, với 21 khối đá khổng lồ chặn đứng, cắt ngang dòng chảy, tạo nên thác cao, bên dưới là vực sâu trực chờ nuốt chửng xuống đáy sâu mọi thuyền, mảng, để rồi sau đó, ở một đoạn xa nổi lên vật vờ những mảnh vụn, cây que, gỗ ván vỡ nát, vô dụng.

Đây là lần đầu tiên, trung đội phá thác, chưa có kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn do nước chảy xiết, trời rét buốt, địa hình khó, nếu nhảy xuống rất dễ bị nước cuốn trôi xô vào đá. Đồng chí Phan Tư đã nhiều lần dũng cảm xung phong lặn xuống nghiên cứu cách phá, lựa thế phá thác sao cho tiết kiệm thuốc nổ, rút kinh nghiệm cho toàn đơn vị. Không có ni lông, khó có thể đưa thuốc nổ xuống nước, đồng chí Phan Tư đã có sáng kiến lấy lá chuối rừng để bọc chống thấm cho thuốc nổ, không có sáp và nhựa đường thì lấy cơm nếp để làm keo gắn dây cháy chậm vào thuốc nổ. Cả trung đội chia nhau vào rừng, tốp chặt lá chuối, tốp chặt nứa, vầu làm lạt buộc. Gói bộc phá được gói như bánh chưng, càng nhiều lá thì sức công phá càng lớn.

Mang khối bộc phá gói bằng lá chuối rừng, nén bằng lạt giang và hàn bằng cơm nếp ra sông thử nghiệm. Đoạn sông sâu 4 mét, có một khối đá khổng lồ chắn ngang dòng chính, nước chảy xiết thuyền bè không đi qua lại được. Mỗi lần muốn qua sông phải dỡ hàng hóa xuống, khiêng thuyền qua mới vượt được. Đồng chí Phan Tư xung phong lặn xuống kiểm tra cụ thể chỗ đặt bộc phá, xác định điểm nổ. Sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị, Phan Tư và 2 chiến sỹ khác được phân công nhiệm vụ đặt khối bộc phá để phá thác.

Khi lặn xuống nước chảy xiết, mọi tính toán ban đầu đều bị sai lệch, giây cháy chậm phun lửa nhưng anh vẫn bình tĩnh đặt khối nổ đúng vị trí đã được xác định và đạp mạnh chân vào tảng đá để ngoi lên. Một tiếng nổ long trời lở đất cùng với nước và muôn nghìn mảnh đá to bắn tung lên che kín cả một khúc sông. Đồng đội đứng trên bờ không ai bảo ai đều cúi đầu mặc niệm xem như anh đã hy sinh. Bỗng một người lính phát hiện phía dưới hạ lưu, cách chân thác vài chục thước có bóng người dập dềnh. Thì ra là Phan Tư. Tư không chết mà chỉ bị sức ép của khối bộc phá “bắn” ra xa, cách thác 500m. Mọi người nhìn thấy, reo mừng đổ xô xuống sông dìu anh vào bờ rồi đưa đi cấp cứu.

Sáng kiến và tấm gương dũng cảm của đồng chí Phan Tư được phổ biến trong toàn quân. Chỉ bằng lá chuối rừng, sợi lạt giang, cơm nếp nát, 120km chiều dài sông Nậm Na với hơn 90 thác đá được thông dòng trong vòng 7 ngày, để thuyền bè đi lại dễ dàng. Thời gian, lực lượng và sức người bỏ ra để thực hiện một chuyến hàng được rút xuống còn 1/3. Đạn dược, thuốc men, lương thực ùn ùn ra chiến trường, giúp bộ đội ăn no đánh thắng, góp phần to lớn vào chiến thắng Điện Biên Phủ.

Khi thực hiện nhiệm vụ, đồng chí Phan Tư nhiều lần đứng giữa ranh giới sống và chết khi ôm những khối bộc phá hàng chục kg, ngòi đốt sẵn, lặn xuống kẽ đá, lắp thuốc nổ vào rồi nhanh chóng bơi lên bờ trước khi bộc phá phát nổ. Với ý trí cách mạng kiên cường, mưu trí sáng tạo của đồng Trung đội phó Phan Tư đã tiếp thêm sức mạnh cho các đồng đội. Nhờ đó Trung đội 5 đã phá được hơn 30 thác, bảo đảm thời gian quy định, thông luồng cho thuyền, bè chở vũ khí phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ được dễ dàng và an toàn.

Đồng chí Phan Tư luôn động viên, quan tâm các chiến sĩ trong đơn vị cùng nhau tiến bộ về mọi mặt, do vậy mà trung đội anh luôn là trung đội dẫn đầu toàn đại đội trong công tác, đấu tranh cũng như sinh hoạt, rèn luyện.

Với những chiến công có một không hai của mình, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng chí Phan Tư được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng nhì, được trung đoàn, đại đoàn 11 lần khen thưởng. Ngày 31/8/1955, đồng chí Phan Tư được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau năm 1954, hòa bình lập lại Phan Tư vào Nam chiến đấu, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Điện Biên Phủ, nơi nào khó khăn đồng chí đều có mặt và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, cấp trên giao, xứng đáng là “Người lính Cụ Hồ”./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.794
      Online: 22