Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Phía sau ánh hào quang của chiến thắng đó, là sự cống hiến, hy sinh quên mình vì độc lập tự do của tổ quốc của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Bùi Đình Cư, Trung đội phó pháo binh dũng cảm, kiên cường, sáng tạo trong chiến đấu, người luôn giúp đỡ, động viên anh em trong đơn vị nhanh tróng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Bùi Đình Cư, sinh năm 1927, mất năm 1988 tại xã Việt Tiến, huyện Lâm Thao, tỉnh Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ). Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, ngay từ nhỏ đã chứng kiến cuộc sống bần cùng của đân làng trước ách độ hộ của Thực dân Pháp và bè lũ tay sai, Bùi Đình Cư đã nung nấu trong lòng ý trí đấu tranh phải đi theo cánh mạng đánh đuổi giặc Pháp, giải phóng quê hương. Tháng 5/1949, Bùi Đình Cư xung phong nhập ngũ, trở thành chiến sĩ pháo binh.

Trong Chiến dịch Hoàng Hoa Thám (năm 1950), đơn vị đồng chí Bùi Đình Cư phối hợp với đơn vị bạn đánh bốt Vẽn. Đồng chí đã trực tiếp bắn 4 quả pháo sát thương 1 trung đội địch, tạo điều kiện cho đơn vị xung kích diệt đồn. Năm 1951, trong trận đánh đồn Yên Mô Thượng (chiến dịch Quang Trung) vào giữa đêm mưa, trời tối đen như mực không nhìn rõ mục tiêu, đồng chí xung phong bò vào vị trí địch, bấm đèn soi vào từng lỗ châu mai cho pháo bắn. Địch bắn ra dữ dội về phía mình nhưng đồng chí Bùi Đình Cư vẫn bình tĩnh, khôn khéo làm tròn nhiệm vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị tiêu diệt gọn đồn giặc. Trong Chiến dịch Hòa Bình (năm 1951), khi đơn vị chuẩn bị tiến công đồn Tu Vũ thì bị lộ, pháo phải di chuyển trận địa. Để bảo đảm an toàn cho pháo và kịp thời bắn chi viện cho bộ binh, đồng chí Bùi Đình Cư đã không do dự vác cả nòng súng cối nặng 101kg chuyển tới vị trí mới cách xa hơn 200m dưới hỏa lực địch. Hành động dũng cảm của đồng chí đã cổ vũ toàn đơn vị nhanh chóng chấp hành nghiêm mệnh lệnh tiến lên tiêu diệt địch.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Bùi Đình Cư là Trung đội phó thuộc Trung đoàn sơn pháo 675. Trung đội của đồng chí Bùi Đình Cư cùng với các đại đội cối (82mm và 120mm), được giao nhiệm vụ phối thuộc phối hợp với các đại đội pháo của các Đại đoàn 308 và 312, tổ chức thành các cụm pháo đại đoàn, bố trí ở hướng Đông và Đông Bắc Điện Biên Phủ, có nhiệm vụ trực tiếp chi viện cho bộ binh tiến công đột phá khu Trung tâm.

Theo đúng kế hoạch, đêm 12 rạng sáng 13/3, bộ binh ta tiến vào đào trận địa tiến công. Phát hiện ta đào trận địa, trưa ngày 13, De Castries điều 1 đại đội Lê dương cùng 2 xe tăng từ Mường Thanh tiến ra đánh vào khu vực bàn đạp xuất kích của ta. Để thử súng và bảo vệ trận địa, Bộ chỉ huy chiến dịch cho Đại đội 806 sử dụng lựu pháo 105mm bắn vào Him Lam 20 phát. Thiếu tá Pê-gô, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3/13 DBLE và 3 sĩ quan khác chết trong hầm chỉ huy vì trúng đạn pháo. Đại đội bộ binh cùng 2 xe tăng địch hoảng sợ quay đầu tháo chạy về Mường Thanh.

Đến 17 giờ cùng ngày, toàn bộ Trung đoàn lựu pháo 105mm, 5 đại đội sơn pháo 75mm và cối 120mm tập kích dồn dập vào khu trung tâm sân bay Mường Thanh, Hồng Cúm và cứ điểm Him Lam…Ngay từ loạt đạn đầu tiên, ta đã bắn sập sở chỉ huy trung tâm đề kháng Him Lam, giết chết tên tiểu đoàn trưởng và 3 sĩ quan khác phá hủy hệ thống điện đài.

Giữa lúc quân địch còn đang hoảng loạn, Trung đội pháo của đồng chí Bùi Đình Cư đã nhanh chóng di chuyển tiến sát cứ điểm 1 của Trung tâm đề kháng Him Lam, đồng chí đã dũng cảm động viên đồng đội tháo rời từng bộ phận pháo, vượt dưới làn bom đạn ác liệt của địch vào chiếm lĩnh trận địa. Mặc dù pháo địch bắn ra ác liệt, đồng chí cùng đơn vị bình tĩnh, ngắm bắn chính xác liên tục hơn 30 quả pháo trúng mục tiêu, đánh sập lô cốt, ụ súng địch, tạo điều kiện cho bộ binh đặt bộc phá mở đột phá khẩu. Trận đánh cứ điểm Him Lam kéo dài đến 23 giờ 30 phút đêm ngày 13/3/1954 thì kết thúc. Quân ta đã làm chủ được Trung tâm đề kháng cứ điểm Him Lam, diệt 300 tên địch, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, quân tư trang…

Đến 16 giờ 45 phút ngày 14/3/1954, bộ đội nổ súng đánh đồi Độc Lập, lựu pháo 105mm của ta đã bắn vào Độc Lập. Địch ở Mường Thanh bắn trả. Đến nửa đêm, lựu pháo của ta buộc phải bắn kéo dài để chờ sơn pháo 75mm và cối 120mm đến chi viện. Trời đổ mưa to, giao thông hào ngập nước, bùn lầy quánh lại, di chuyển rất khó khăn. Bộ đội phải kiên nhẫn chờ đợi trong trận địa ngập nước dưới làn pháo hạng nặng của địch trút xuống liên hồi.

Vào 3 giờ 30 phút, từ phía Đông, trọng pháo 105mm của ta trút bão lửa xuống đồn địch, sau đó pháo chuyển làn vào trong. Ban đầu, Trung đoàn 88 xác định cửa mở chưa đúng hướng và dù đã sử dụng 100 quả bộc phá, dọn trên 100m rào dây thép gai nhưng bộ đội vẫn chưa lọt vào bên trong cứ điểm. Sau đó, ta đã chỉnh lại cửa mở mới, rồi xung kích tiến sâu vào, đánh chiếm khu thông tin của địch. Các mũi lao thẳng vào bên trong cứ điểm bắt liên lạc với Trung đoàn 165, bao vây hầm cố thủ sở chỉ huy địch, xóa sổ tiểu đoàn Bắc Phi, diệt 483 lính, bắt 200 tù binh.

Sau khi quân ta đã làm chủ cứ điểm Đồi Độc Lập, quân địch cho pháo binh, các loại súng ở các nơi bắn về dữ dội, khiến nhiều chiến sĩ ta hy sinh. Đồng chí Bùi Đình Cư đã dũng cảm chỉ huy một tiểu đội xông vào các ụ súng, lô cốt địch tháo giời từng khẩu súng vác ra, thu được ba khẩu súng cối 120mm nguyên vẹn.

Đến 5 giờ 30 sáng ngày 15/3, quân Pháp cho 5 xe tăng dẫn 3 tiểu đoàn dù (khoảng 1.000 lính) từ khu Trung tâm tiến ra phản kích. Khi quân Pháp tới sườn phía nam đồi Độc Lập thì trời sáng rõ. Mặc dù, quân ta không có vũ khí chuyên dụng chống tăng mà chỉ có đạn AT và thủ pháo, nhưng với tinh thần chiến đấu kiên cường, quyết tâm bám giữ trận địa cho đến khi kết thúc trận phản kích, quân ta đã tiêu diệt, làm chủ  hoàn toàn trung tâm đề kháng đồi Độc Lập.

Suốt từ ngày nhập ngũ đến năm 1954, đồng chí Bùi Đình Cư liên tục chiến đấu và trưởng thành ở Binh chủng Pháo binh, đã trực tiếp tham gia 9 chiến dịch lớn ở Bắc Bộ, luôn luôn thể hiện rõ tinh thần hăng say đánh giặc, bền bỉ tích cực trong công tác, dũng cảm mưu trí trong chiến đấu. Đồng chí Cư vận dụng nguyên lý chiếc gậy nạng có chạc chống lũ ở vùng ven sông Hồng cho chiến sĩ pháo binh vác pháo trên đường hành quân đổi vai mà không cần đặt pháo xuống đất, cùng chi tiết dùng bùi nhùi rơm để đặt pháo tạo trận địa trên đầm lầy.

Không những anh dũng trong chiến đấu, đồng chí Bùi Đình Cư còn luôn luôn chăm lo xây dựng đơn vị tiến bộ về mọi mặt. Đồng chí hết lòng thương yêu chiến sĩ, nhiều lần cõng thương binh, tử sĩ vượt qua bom đạn địch về phía sau. Bùi Đình Cư là một cán bộ khiêm tốn, giản dị, sống cởi mở, chân thành, được đồng đội tin yêu, mến phục.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng chí Bùi Đình Cư đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng Ba, 42 lần được trung đoàn, đại đoàn khen và được Hồ Chủ tịch tặng một áo lụa. Ngày 31 tháng 8 năm 1955, đồng chí Bùi Đình Cư được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.719
      Online: 48