Chiến dịch Điện Biên Phủ - Đỉnh cao của chiến cuộc Đông Xuân 1953 -1954, đánh dấu sự phát triển cao nhất của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng về chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Một trong những chiến thuật góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, phải kể đến sự sáng tạo độc đáo về chiến thuật đánh lấn tại cứ điểm 106 và 206.
Sau thắng lợi giòn giã trong đợt 1của chiến dịch (từ ngày 13/3 đến ngày 17/3/1954), bộ đội ta tiếp tục xây dựng hệ thống trận địa tiến công, gồm các đường hào trục, đường hào nhánh để vận chuyển và cơ động lực lượng, hệ thống trận địa tiến công và xuất phát xung phong tới các trung đoàn, cùng rất nhiều hầm trú ẩn, hầm chỉ huy áp sát, bao vây xung quanh Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Đến cuối tháng 3/1954, trận địa tiến công và bao vây của ta được xây dựng đã căn bản hoàn thành, trong đó các tuyến xuất phát tiến đánh các cụm cứ điểm phía Đông và phía Tây được chuẩn bị chu đáo.
Từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/1954, ta tổ chức đợt tấn công thứ 2, bộ đội ta tập trung tạo ưu thế binh, hỏa lực, đánh các cứ điểm ở phía Đông (gồm cứ điểm đồi E, D1, D2, D3, C1, C2, A1) và phía Tây (gồm cứ điểm 106, 311, 105, 206...). Trong đó, trận đánh ở cứ điểm 106 và 206 thể hiện sự sáng tạo về cách đánh “vây, lấn, tấn, diệt”, tạo nên sức mạnh áp đảo để đánh thắng địch.
Đêm 1/4/1954, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 tiến đánh cứ điểm 106 (nằm ở phía Tây Bắc sân bay Mường Thanh), có nhiệm vụ bảo vệ sân bay Mường Thanh và Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tại đây quân Pháp bố trí một đại đội lính Âu Phi, sau thay thế bởi một đại đội của Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 2 Lê Dương chiếm giữ.
Để tiêu diệt cứ điểm 106, Trung đoàn 36 cho đào một hệ thống trận địa tiến công và bao vây một vòng khép kín, ôm chặt lấy cứ điểm từ mặt Bắc và mặt Tây, đồng thời lợi dụng đêm tối đưa chiến hào tới sát hàng rào thép gai của địch rồi đánh đường công (uy hiếp) vào cứ điểm 106 ở phía Tây để thu hút hoả lực và sự chú ý của địch. Sau đó bộ đội ta dùng pháo, súng cối bắn vào cứ điểm tiêu diệt các lô cốt, ụ súng.
Biết được ý đồ của ta, quân Pháp tập trung hoả lực, phi cơ và pháo binh bắn phá mãnh liệt vào trận địa của trung đoàn ở đồi Bản Kéo và cánh đồng phía Tây Mường Thanh. Đêm ngày 1/4, Trung đoàn 36 nhận lệnh tiến công tiêu diệt cứ điểm 106. Lúc này chiến hào của ta đã đào áp sát cứ điểm địch chỉ còn cách hàng rào thép gai cứ điểm 106 khoảng 50m.
18 giờ 30 phút, cuộc tiến công cứ điểm l06 bắt đầu. Ta sử dụng các loại hỏa lực đồng loạt bắn phá vào cứ điểm, đặc biệt tập trung bắn phá khu A, hướng tấn công chủ yếu. Sau loạt đạn pháo 105mm bắn dồn dập, Trung đoàn 36 đã vận động tới sát nút hào cuối cùng. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt cuối cùng quân ta đã nhanh chóng chiếm được khu A và Khu B. Quân địch dồn về các lô cốt, hầm hào chống cự quyết liệt, nhưng đã bị quân ta tiêu diệt. Sau 30 phút chiến đấu Trung đoàn 36 đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm 106, tiêu diệt và bắt sống 160 tên lính Lê dương. Ngay trong trận đầu của đợt tấn công thứ 2, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 đã sáng tạo ra chiến thuật bao vây đánh lấn, tiêu diệt nhanh gọn cứ điểm 106. Sáng kiến của Trung đoàn đã được phổ biến ra toàn mặt trận để các đơn vị cùng học tập và vận dụng.
Sau trận đánh tại cứ điểm 106 thành công, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ đánh chiếm cứ điểm 206 (cách sân bay Mường Thanh 100m về phía tây), do 1 đại đội Âu-Phi đóng giữ. Rút kinh nghiệm trận đánh cứ điểm 106 và học tập kinh nghiệm đào công sự tiếp cận cứ điểm của các đơn vị bạn, trung đoàn 36 đánh cứ điểm 206 bằng cách xây dựng trận địa theo chiến thuật “vây, lấn, tấn, diệt”.
Đêm 17/4, từ vị trí xuất phát tiến công cách phía tây cứ điểm 300m, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 xây dựng trận địa tiến công theo các phương pháp đào trườn, đào dũi kết hợp với đào ngầm chuẩn bị nhiều vật che đỡ trước mặt, hai bên sườn như dùng con lăn, bó đót, bao cát và bện những con cúi bằng rơm có chiều dài 2 mét, đường kính 1,50 mét làm lá chắn để hút đạn bắn thẳng, bảo đảm an toàn cho những người đào trận địa phía sau. Tuy nhiên, đến khi chiến hào đào gần vào cứ điểm địch thì “con cúi” giảm tác dụng, vì không ngăn được hỏa lực lướt sườn cũng như lựu đạn từ bên trong ném ra và nó cũng làm lộ vị trí của bộ đội ta. Tốc độ đào hào vì thế mà chậm lại, các chiến sĩ tân binh vốn là du kích vùng địch hậu đã đề nghị được đào hào theo cách đào dũi, khoét gầm dưới mặt đất vào tới lô cốt địch. Vừa giảm thương vong, vừa giữ được bí mật.
Bằng lối đánh linh hoạt, sáng tạo, ta đã đánh bại nhiều đợt phản kích của địch, giữ vững trận địa vây lấn, đồng thời khẩn trương xây dựng trận địa ngày càng vững chắc, áp sát cứ điểm, hình thành thế bao vây, cô lập, hãm địch trong vòng vây xiết chặt của quân ta. Sau 4 ngày đêm liên tục chiến đấu, các hướng, các mũi tiến công của ta vừa kết hợp đánh phản kích, bắn tỉa, bắn chặn địch ra lấp trận địa, vữa gỡ các công sự phụ của địch ở trận địa tiền duyên, để tạo ra các cửa mở sẵn sàng tấn công vào trong cứ điểm.
Đêm ngày 22/4, Trung đoàn 36 nổ súng tấn công vào cứ điểm 206, ngay từ loạt đạn đầu, ta đã bắn sập hầm chỉ huy và hầm thông tin của địch, khiến chỉ huy cứ điểm không liên lạc được với chỉ huy Tập đoàn cứ điểm nên việc chi viện bằng phi pháo không thực hiện được. Quân địch vô cùng hoang mang, rối loạn. Chớp thời cơ bộ đội ta từ các hướng tiến công tiêu diệt các mục tiêu của địch. Đến 2 giờ ngày 23/4/1954 ta làm chủ hoàn toàn cứ điểm 206. Tiêu diệt và bắt sống 148 tên địch, thu giữ nhiều vũ khí, đạn dược.
Với thắng lợi tại cứ điểm 206, quân ta đã góp thêm một mắt xích cùng các đơn vị thắt chặt vòng vây, khống chế và triệt đường tiếp tế, tiếp viện của địch, tạo thuận lợi cho chiến dịch chuyển sang đợt tấn công thứ 3 và tiến tới tổng công kích tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954.
Nghệ thuật “Vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt” nói chung và “Đánh lấn” nói riêng, được khởi đầu từ khi ta tiến công tiêu diệt các cứ điểm 106, 105 và hoàn thiện trong trận tiêu diệt cứ điểm 206 (Huyghét 1). Trong trận đánh tại cứ điểm 206, trung đoàn 36, Đại đoàn 308 đã hoạt động liên tục 6 ngày đêm (từ ngày 17/4 đến ngày 23/4/1954), xây dựng trận địa tiếp cận địch kết hợp chặt chẽ với bắn tỉa, sử dụng các phân đội nhỏ thường xuyên tấn công, tiêu diệt sinh lực địch, phá từng lô cốt, làm cho chúng luôn luôn căng thẳng, sợ hãi nhụt chí chiến đấu. Với kinh nghiệm tổ chức trận địa vây lấn ở chiến trường Điện Biên Phủ, về sau đã được áp dụng và hoàn thiện, nâng cao tại các mặt trận khác ở đồng bằng Bắc Bộ và trở thành cách đánh sáng tạo, hiệu quả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.