Bảo quản, giữ gìn vũ khí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, trực tiếp góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu, một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh tổng hợp cho quân đội. Làm tốt công tác này là trực tiếp quán triệt, thực hiện tốt quan điểm cần kiệm, tự lực, tự cường của Đảng.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, công tác giữ gìn vũ khí còn đặc biệt quan trọng vì Điện Biên Phủ là mặt trận xa hậu phương, một cân gạo, một khẩu súng lên tới Điện Biên Phủ là mồ hôi, xương máu của bao chiến sĩ, dân công. Thời tiết ở Điện Biên Phủ khắc nghiệt, mùa chiến dịch 1953 - 1954 thời tiết rét buốt, nhiều sương muối, mưa phùn, trận địa chiến hào nhiều chỗ là bùn lầy, ẩm ướt, không những ảnh hưởng tới sức khỏe, sức chiến đấu của bộ đội mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới vũ khí, trang thiết bị phục vụ chiến đấu. Đã có nhiều đơn vị, tổ đội chưa thực sự chú ý đến vấn đề này nên thực tế trong chiến dịch Điện Biên Phủ có nhiều vũ khí, súng, đạn các loại bị hỏng không sử dụng được, nhất là trung liên, súng cối và bộ phận bộc phá trong mỗi đơn vị.
Có đơn vị được lệnh trên, cán bộ đã tổ chức kiểm tra vũ khí trước khi chiến đấu và báo cáo lên thượng cấp vũ khí đạn dược đều tốt. Mấy hôm sau được lệnh kiểm tra lại, phái viên của cấp trên đến xét lại lần nữa thì phát hiện vũ khí, quân dụng trong một đại đội hỏng và mốc khá nhiều, cụ thể: Xẻng, cuốc, dao, bao gạo mất 42 cái; đạn các loại mất 400 viên (riêng Đại đội trưởng để mất 150 viên); đạn mốc xanh 2 thùng; thuốc nổ mất 1 gói; mất 1 số băng đạn tiểu liên, trung liên; lựu đạn cũ hỏng không thay 90 quả; lựu đạn mất 12 quả. Một đơn vị khác mắc nhiều khuyết điểm trong việc giữ gìn vũ khí như không làm hầm, kho mà chỉ khoét giao thông hào để súng, đạn nên không tránh khỏi hư hỏng, có thời gian 16 ngày liên không lau chùi khiến cho gần 200 khẩu súng bị hư hỏng; rồi có những lúc sau khi chiếm được cứ điểm của địch, thu dọn chiến trường qua quýt, chỉ mang những thứ nhẹ về, nặng vứt hết lại, thậm chí có những hòm dụng cụ rất cần cũng vứt lại; một số đồng chí còn thủ lựu đạn cho riêng mình.
Những cán bộ, chiến sĩ để mất, hư hỏng là những người thiếu ý thức, trách nhiệm; không thường xuyên kiểm tra, báo cáo tình hình để có những biện pháp kịp thời khắc phục, sửa chữa. Những vũ khí trên đều là công sức, hi sinh của biết bao con người mới an toàn lên được, trong điều kiện giặc Pháp điên cuồng bắn phá các con đường lên Điện Biên Phủ. Tất cả các cấp cán bộ, chiến sĩ trong các đơn vị và cơ quan phải nhận thấy việc lãng phí nói trên là một sai lầm rất lớn nên cần phải tổ chức thường xuyên việc kiểm tra vũ khí, đạn dược và phải kỷ luật nghiêm khắc đối với người phạm lỗi, tìm mọi cách thiết thực để từ nay về sau gắn trách nhiệm giữ gìn vũ khí với công tác kỷ luật hay khen thưởng.
Một trung đội công binh được giao nhiệm vụ làm đường, cuối buổi làm xong liền thu vén dụng cụ để về nghỉ. Có đồng chí dấu ngay cuốc, xẻng vào bụi rậm đỡ mất công mang về, mai làm sẽ lấy ra. Tuy nhiên sáng hôm sau trung đội lại được lệnh đi làm quãng đường khác xa hơn, thế là đồng chí ấy mất luôn 2 cái cuốc xẻng.
Có những đồng chí vì chủ quan không để ý, để quên miếng giẻ lau trong hòm đạn khiến cho hòm đạn hoen rỉ gần hết. Ở nhiều đơn vị khác, việc kiểm tra vũ khí còn làm qua loa, hoặc báo cáo không trung thực nên số liệu báo cáo với cấp trên không chính xác, hôm nay báo thế này, vài hôm sau lại báo số khác. Có nhiều đơn vị thiếu báo là đủ hoặc thấy súng đạn sáng loáng thì báo tốt.
Từ thực tế đó, các đơn vị đã đưa ra và thực hiện tốt một số nguyên tắc đối với công tác giữ gìn vũ khí, không được chậm trễ, bảo đảm đủ vũ khí chiến đấu cho đến ngày chiến dịch toàn thắng, đó là:
1. Mở ngày việc giáo dục về việc yêu quý vũ khí, quân dụng;
2. Quy định việc kiểm tra vũ khí trong tổ 3 người;
3. Định rõ trách nhiệm của cán bộ trong việc kiểm tra, đôn đốc và giáo dục giữ gìn vũ khí;
4. Tổ chức lau chùi và giữ gìn vũ khí còn lại;
5. Công bố kỷ luật, trừng phạt đối với cán bộ để hỏng và mất vũ khí từ nay về sau.
Tuy nhiên việc quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền truyền, giảng giải cho cán bộ và chiến sĩ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc kiểm tra, giữ gìn vũ khí. Có kiểm tra mới nắm được tình hình vũ khí của từng đơn vị, từ đó thống kê số lượng bao nhiêu khẩu súng, viên đạn bị hỏng, mất hay có nguy hiểm tới tính mạng con người không. Thực tế cho thấy có nhiều khẩu súng, sau khi kiểm tra mới biết bị long báng, chân hay cò non, mất lò xo, v.v… tuy phổ biến nhưng lại nguy hiểm nếu chưa sửa chữa đã sử dụng.
Là người trực tiếp cầm súng mỗi chiến sĩ cũng cần phải biết yêu quý, bảo vệ súng, vũ khí, đạn dược mà mình được nhận. Người này làm tốt sẽ lan tỏa đến đồng đội, đồng chí mình khiến cho mỗi người đều có ý thức trách nhiệm với vũ khí của mình. Từ đó có ý thức trách nhiệm với vũ khí, đạn dược của tổ đội, đơn vị mình. Rồi mỗi lần chiến đấu với địch, vũ khí cũng dễ bị bẩn, đạn dược dễ biến đổi nên càng phải chú ý đến vũ khí của mình hơn. Quan trọng nhất cần phải nắm vững súng nào đạn ấy; không để súng đạn ẩm ướt hoặc hoen bẩn; không để súng đạn gối đầu hay kê, nằm; nắm rõ đặc điểm và tình trạng vũ khí trong tay. Có như vậy mới mang lại hiệu quả tốt nhất khi chiến đấu với địch.
Trong chiến đấu, bộ đội không chỉ cần sức khỏe, kỹ thuật, tinh thần dũng cảm mà cũng cần phải có vũ khí tốt mới chiến đấu được với kẻ thù. Hơn nữa, nếu địch xông tới, lựu đạn không nổ, súng tịt chẳng những không giết được giặc mà còn nguy hiểm cho bản thân. Việc giữ gìn vũ khí là rất quan trọng, cần lau chùi, kiểm tra thường xuyên như ăn cơm và uống nước hằng ngày./.