Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa là tỉnh có đóng góp nhiều nhất cả về sức người và sức của, là hậu phương lớn nhất chi viện cho chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại năm 1954
Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch quy mô lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta. Ngay khi biết Thực dân Pháp xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã chấp nhận giao chiến với chúng, chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến chiến lược trong Đông Xuân 1953 - 1954, để kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang ngày càng có lợi cho ta. Kế hoạch chuẩn bị cho cuộc chiến sắp tới được chuẩn bị kỹ lưỡng về lực lượng, hậu cần, kế hoạch quân sự, … và huy động cả nước cùng chung tay thực hiện. Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tháng 12/1953 có viết: “Chiến dịch này là chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Bốn đại đoàn bộ binh (304, 308, 312, 316) và Đại đoàn pháo binh 351 được lệnh hành quân ra mặt trận. Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong lịch sử cả dân tộc đã ra mặt trận cùng bộ đội đánh giặc với đủ lực lượng từ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; già, trẻ, gái, trai từ nhiều địa phương.
Mặc dù Thanh Hóa là địa bàn xa trận địa, đường xá đi lại vô cùng khó khăn, nhưng đây sẽ là một trong những hậu phương chủ chốt cung cấp lương thực, thực phẩm cho chiến dịch. Với Nhân dân Thanh Hóa, trong điều kiện đường lên Tây Bắc phải trèo đèo, lội suối, có những đoạn đường còn phải vừa đi, vừa mở mới thì vận chuyển hậu cần là một vấn đề nan giải, nhưng sẽ khắc phục bằng mọi giá để cung cấp sức người, sức của đúng như yêu cầu, quyết tâm cùng với cả nước nỗ lực không ngừng phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước đó, ngay từ Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV (1952) đã đề ra nhiệm vụ: Phát triển sản xuất, thực hiện dân chủ, cải thiện dân sinh, đẩy mạnh kháng chiến. Tích cực phục vụ tiền tuyến, bảo vệ hậu phương, củng cố khối đoàn kết toàn dân… tỉnh Thanh Hóa chủ trương tích cực đẩy mạnh, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng diện tích, sản lượng cây trồng để tự túc lương thực cung cấp cho kháng chiến, đạt và vượt mọi chỉ tiêu, kế hoạch Trung ương giao. Tỉnh đã thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận, đề ra kế hoạch cụ thể xây dựng hệ thống kho, trạm, sửa chữa đường nhằm nhanh chóng huy động nhân tài, vật lực cho chiến dịch. Lực lượng thanh niên Thanh Hóa nô nức lên đường, tham gia thanh niên xung phong mở đường, sửa đường, hàng ngàn dân công được huy động lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Để chuẩn bị tốt công tác hậu cần, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy Khu IV và Tỉnh ủy Thanh Hóa, toàn bộ lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu từ khắp nơi trong tỉnh được tập trung về kho Cẩm Thủy và kho Lược (Thọ Xuân) để chuyển ra mặt trận. Liên khu còn huy động Thanh niên xung phong xây dựng hệ thống trạm trên tuyến vận tải tiền phương, sửa chữa cầu đường cho bộ đội và dân công ra tuyến trước.
Thời gian cao điểm, ngày 15/4/1954, Thanh Hóa được giao thêm nhiệm vụ trong vòng 20 ngày phải huy động thêm 2000 tấn gạo, 147 tấn thực phẩm và muối cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Để có đủ số lương thực, thực phẩm Trung ương giao cho, Nhân dân Thanh Hóa đã phải ăn ngô, khoai non, dành gạo cho chiến sỹ ngoài mặt trận. Đầu tháng 5/1954, thời điểm giáp hạt, không còn thóc gạo dự trữ sẵn trong điều kiện đòi hổi cấp bách của chiến trường, tỉnh Thanh Hóa đã vận động bà con Nhân dân ra đồng chọn lựa từng hạt thóc chín trước, nhanh chóng phoi khô để cung cấp ra mặt trận. Ấy vậy mà cũng được gần 5.000 tấn thóc vận chuyển lên Điện Biên Phủ.
Tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hiện nay còn trưng bày chiếc xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm, dân công xã Định Liên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, người đã chế tác chiếc xe cút kít hình chữ A, trong đó 1 phần bánh xe được ghép bằng gỗ bàn thờ gia tiên. Với chiếc xe này, ông Bầm đã tải lương thực từ 100 đến 280kg/ chuyến; suốt toàn chiến dịch, ông đã vận chuyển được gần 12.000kg lương thực, được Hội đồng Cung cấp Liên khu 4 tặng bằng khen, được tuyên dương toàn tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra còn trưng bày đôi dép cao su của chị hà Thị Miên, kỷ vật duy nhất còn lại của chị Hà Thị Miên, nữ dân công đã anh dũng hi sinh khi đang trên tuyến đường tải đạn vào mặt trận.
Tính chung trong toàn chiến dịch, tỉnh Thanh Hóa đã đóng góp 30% người trong độ tuổi lao động tham gia dân công với tổng số dân công lên đến 178.924 người và 27 triệu ngày công; hơn 3.500 xe đạp thồ được huy động lên đến gần 16.000 lượt vận chuyển, 1.126 chiếc thuyền, đặc biệt có cả 31 chiếc ô tô, 180 xe bò, 42 ngựa, 3 thớt voi. Thanh Hóa đã vận chuyển ra mặt trận Điện Biên với 9.000 nghìn tấn gạo chiếm 56% và 450 tấn cá khô, 2.000 con lợn, 1.300 con bò, 250.000 quả trứng, 150 tấn đậu, 20.000 chai, lọ nước mắm cùng hàng trăm tấn rau các loại chiếm 40% số thực phẩm sử dụng trong chiến dịch.
Những đóng góp này là sự cố gắng vượt bậc của Nhân dân tỉnh Thanh hóa. Trong điều kiện đời sống của mọi người còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, có vùng không đủ ăn, không đủ mặc, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ quyết tâm thực hiện kháng chiến đến cùng, người dân sẵn sàng "đói hơn", vất vả hơn để nhường lương thực cho bộ đội, đã cho thấy tinh thần "cả nước cùng ra trận" đúng như những lời nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ hai (ngày 13/6/1957), khi đánh giá về công lao của Nhân dân Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”./.