Không trực tiếp cầm súng, không dấn thân vào mưa bom bão đạn nhưng những chiến công thầm lặng của những chiến sĩ làm công tác phá bom chưa bao giờ hết nguy hiểm, trong chiến dịch Điện Biên Phủ đó còn là kỳ tích oanh liệt góp phần to lớn trong chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

Từ sau chiến dịch biên giới Thu - Đông 1950 địch bắt đầu sử dụng không quân để ném bom nổ chậm hoặc dùng pháo tầm xa ngăn chặn đường chi viện từ hậu phương ra tiền tuyến. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ta phải mở hàng trăm con đường lên Điện Biên Phủ. Đó là con đường số 41 từ Lạng Sơn qua Cao Bằng; là con đường số 3 qua Bắc Cạn về Thái Nguyên; là con đường 13 từ Yên Bái ra đường 41 đi Hòa Bình, Lai Châu; là con đường sông Hồng, sông Mã từ Thanh Hóa, đồng bằng Liên khu III ngược lên Tây Bắc; đường Tạ Khoa, Cò Nòi; đường Pa Nậm Cúm về Lai Châu trên sông Nậm Na với hàng trăm thác ghềnh; trực tiếp là con đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ. Đấy là chưa kể đến những con đường trên triền núi, đường kéo pháo bằng tay và sau này là những con đường cơ động cho pháo. Những con đường ấy, từ không có đến có, từ đường bụi cây giăng kín lối từ lâu đã không có dấu chân người được phát quang, sửa sang đảm bảo lưu thông thuận lợi; từ đường mòn chỉ dành cho người và ngựa đi bộ đã có thể cho xe vận tải đi qua; từ những thác ghềnh hung dữ đến những đường sông thuyền, bè tấp nập đua nhau vượt sóng. Để ngăn chặn bước tiến của quân ta, địch liên tục cho máy bay trinh sát, máy bay chiến đấu thả bom bươm bướm, bom phá, bom napan nhằm phá hoại các con đường của ta. Bên cạnh những chiến sĩ công binh làm công tác mở đường thì đó còn là những chiến sĩ công binh phá bom. Trên mọi địa hình, không có ống nhòm, người chiến sĩ phá bom phải đặt đài quan sát ở vị trí thuận tiện vừa bí mật nhưng cũng phải dễ quan sát, có thể cheo leo trên cây cao hoặc hầm bí mật bên những sườn đồi, để rồi cứ mỗi lần máy bay địch đi qua có thể nhanh xóng xuống trận địa đánh dấu vị trí bom rơi. Đài quan sát ở nơi nào, người chiến sĩ phá bom phải thuộc kỹ địa hình, địa vật nơi đó như lòng bàn tay của mình. Đến khi bị bom đạn địch cày xới cũng cần phải nhớ chính xác từng vị trí, cột mốc mới làm tốt được công việc của mình.

Công việc chống bom nổ chậm diễn ra một cách lặng lẽ, không sôi động, ào ạt như ra mặt trận nhưng đòi hỏi sự tỉnh táo và lòng dũng cảm phi thường. Máy bay kéo đến ầm ầm hàng đàn cũng không được nao lòng, rối trí mà vẫn phải ngẩng cao đầu đếm số bom rơi, quả nào chưa nổ, quả nào đã nổ. Có đồng chí Trung đội trưởng Chu Mai Lâm, nhiều lần máy bay đến phá đường, đồng chí thấy đứng trong hầm quan sát không được rõ và bao quát được nên đã đững hẳn lên miệng hầm để quan sát cho chính xác và hưỡng dẫn tỉ mỉ cho tổ mình vị trí cụ thể từng quả bom rơi. Một bữa địch phá đường xong, phát hiện ra đài quan sát nên quay sang oanh tạc. Đồng chí Lâm đang đứng trên miệng hầm, mắt nhìn thấy bom nổ trên không gần đó, miệng báo cáo cho tổ đội nhưng chân vẫn nhanh chóng nhảy xuống dưới hầm trú ẩn. Máy bay đi qua, đồng chí Lâm vẫn tiếp tục giữ vững tay súng, tiếp tục dõi theo địch.

Phải trông thấy các bắp thịt cánh tay những đồng chí công binh cuộn lên khi giáng những chát cuốc dồn dập mới thấy cái quyết liệt của giây phút tranh chấp giữa sự sống và cái chết. Tâm trạng của những người chiến sĩ ấy căng thẳng nhưng không được phép do dự. Trái bom nằm im trong lòng đất không biết sẽ nổ lúc nào. Chỉ một chút thiếu chính xác hoặc không may mắn, thân xác sẽ trở thành tro bụi. Có đứng trước nguy hiểm mới thấy, không phải họ không thích sống mà tình yêu tổ quốc, yêu đồng bào đã hóa thành lòng dũng cảm, ý chí kiên cường, sẵn sàng hi sinh thân mình, không tiếc máu xương để chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Họ thấy tự hào vì đã sống, chiến đấu, cống hiến và hi sinh vì chính nghĩa. Có những đêm trăng, người chiến sĩ công binh đốt đuốc cho đồng đội mình gỡ bom, miệng vẫn cười, vẫn hát:

Mặc cho bom nổ chặn đầu

Chúng ta cố gắng sửa mau xong đường

Dù rằng có phải tử thương,

Chúng ta cũng quyết mở đường vinh quang.

Đúng lúc máy bay trinh sát lượn qua, anh dụi duốc và hát tiếp:

Tình bằng ai ơi! Máy bay thì mặc máy bay,

Trăng non tranh thủ tay nhanh, ta đào. Tang tính tình!

Biết được các tuyến đường đèo là yếu điểm chí tử của con đường vận tải, quân Pháp tập trung một số lượng lớn máy bay liên tục bắn phá. Đoạn đèo Lũng Lô, chúng rót hàng chục loại bom, nhưng phổ biến nhất vẫn là bom phá, bom sát thương bươm bướm, bom chông và bom nổ chậm. Công việc phá bom ở đèo khó gấp nhiều lần đường bằng phẳng vì san lấp rất vất vả và mất thời gian, nếu làm không cẩn thận, bom nổ chậm có thể nổ bất cứ lúc nào hoặc bom chông bắn ra những chiếc đinh chông khắp nơi khiến xe thồ, vận tải, xe đẩy bị xịt lốp.

Khi tìm được bom nổ chậm, chiến sĩ ta sẽ ốp bộc phá vào kích nổ luôn, vừa đỡ mất công kéo lên mặt đất, vừa đỡ nguy hiểm. Câu chuyện về đồng chí Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Phai, có lần đồng chí áp thuốc nổ 1 quả bom nhưng chỉ nổ cái kíp, phải chuẩn bị lại. Quả này nổ xong lại tiếp tục đào luôn sang quả khác. Đang đào thì 1 quả gần đấy nổ, đất đá bắn đầy người, đồng chí Phai vẫn bình tĩnh đào. Máy bay địch lượn đi lượn lại phía trên hòng phá hoại hoạt động của ta, đồng chí vẫn kiên nhật nằm im rồi lại đào, như thế đấn 4 lượt. Cuối cùng đồng chí phá được quả bom thứ 2 đó, lập thành tích trong 3 giờ đồng hồ cùng tổ và 2 đồng chí đơn vị bạn phá được 2 quả bom nổ chậm. Tuy nhiên cũng có đồng chí quý bộc phá như quý vàng, vì bộc phá cũng hiếm, chỉ để dành cho chiến đấu nên kéo lên mặt đất rồi tháo kíp. Tháo xong, thuốc nổ từ những quả bom ấy sẽ được tận dụng để đánh địch.

Không ai là không nhớ 9 người dũng sĩ phá bom nổ chậm trên đường 41 đêm 09/12/1953. Đó là các đồng chí Hà Văn Hân, Nguyễn Văn Đường, Đặng Đình Dương, Nguyễn Văn Hàm, Phùng Văn Thạch, Trần Đăng Thoàn, Trịnh Xuân Lưu và Nguyễn Văn Canh. Người thì mới ốm khỏi, người thì đang bị thương, người thì vừa làm việc 7 giờ đồng hồ liên tiếp nhưng được tin có bom nổ chậm thì nhất định ở lại, tất cả đều xung phong đi phá bom. Đốt đuốc vừa cuốc vừa cào, vừa hát thì bỗng nhiên 1 tia chớp lóe lên  kèm theo đó là tiếng nổ lớn. Các đồng chí nằm xuống ngay tại trận địa bên những chiếc cuốc xẻng đã vụn vỡ của mình. Duy có 2 đồng chí Trịnh Xuân Lưu và Nguyễn Văn Canh bị hất lộn xuống khe, tức ngực ngất đi, đất phủ kín người. Lúc sau tỉnh dậy tự tay móc đất trong mồm, mũi ra, lòng căm phẫn vô cùng nhưng vẫn tìm cuốc xẻng đào bới tìm đồng đội, đồng chí mình và tiếp tục công việc phá bom.

Theo số liệu thống kê sau này, trên đoạn đường Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ, địch ném mỗi ngày đêm bình quân 13 tấn bom; số lượng này trên đèo Pha Đin, giữa đoạn đường Sơn La - Lai Châu là 17 tấn. Đoạn giữa Cò Nòi và yên Bái là 14 tấn, ngã ba Cò Nòi 69 tấn; riêng đèo Lũng Lô mỗi ngày 31 tấn bom. Tuy nhiên, những con đường vẫn liên tiếp được mở ra. Quân đội Nhân dân Việt Nam ta đã tạo nên những con người anh hùng, những chiến sĩ gan dạ, anh dũng, những người con ưu tú của dân tộc. Ý chí kiên cường của họ đã tạo nên những con đường bất hủ, những con đường huyền thoại, con đường dẫn tới chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”:

“Đường đã thông suốt!Đường chiến thắng! Đường vinh quang!

Mời các đồng chí bộ binh tiến vào”./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 698.198
      Online: 113