Nhìn bề ngoài, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hoành tráng, hiện đại và cực kỳ uy lực. 49 cứ điểm, với 8 trung tâm đề kháng được định hình một cách nhanh chóng trong ba phân khu trải dài khắp lòng chảo Mường Thanh. Mỗi cứ điểm là một hệ thống phòng ngự với binh lực, hỏa lực lợi hại, được trang bị các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh tối tân, được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt; bản thân mỗi cứ điểm lại có khả năng chi viện cho các cứ điểm khác khi cần, tạo nên một mạng lưới liên hoàn của toàn bộ Tập đoàn cứ điểm. Tuuy nhiên, lính Pháp đã phải sống và chiến đấu một cách cực khổ ngay từ khi trận chiến còn chưa bắt đầu.
Ở Hồng Cúm, suốt ngày phải đào hầm, đắp công sự mà khẩu phần ăn ít, có lúc phải thức ăn ôi, thiu khiến chúng rất bức xúc, nhiều lần phản đối nhưng cũng không cải thiện được tình hình. Có tên cai Ma rốc xin thằng quan ba cho ăn thêm nhưng bị thằng quan ba mắng “Đói thì khâu bớt mồm lại”. Bị sỉ nhục, tên cai ức quá về khóc với đồng đội “Chỉ có chó mới có mõm mà thôi!” rồi lấy tiểu liên bắn vào cạnh sườn tự tử. Đã thế, bọn chỉ huy lại tìm đủ mọi cách để moi tiền lính, bán đồ ăn, thức uống với giá đắt gấp mấy lần: 1 chai rượu mua ở Hà Nội giá 65 đồng, chúng bán 180 đồng. Mấy tên phi công cũng tranh thủ cơ hội kiếm tiền, mỗi chuyến bay lại cố chở thêm ít hàng bán ngay tại sân bay sau khi hạ cánh.
Từ cuối tháng 3 năm 1954, bằng pháo cao xạ và hỏa lực của các loại súng, ta loại bỏ được hoạt động của sân bay Mường Thanh, con đường tiếp viện duy nhất lúc này của Pháp là bay cao thả dù. Sân bay bị uy hiếp đặt ra cho bộ chỉ huy Pháp hàng loạt vấn đề nan giải mang tinh lâu dài. Con nhím Điện Biên Phủ đã mất đi một sức mạnh quan trọng là lực lượng không quân tại chỗ, không còn khả năng di chuyển thương binh, không thể bảo đảm việt tiếp tế lâu dài cho một đội quân 12.000 người chỉ bằng thả dù ở một khu vực vùng trời cũng như các bãi thả dù đã bị cao xạ và pháo mặt
Có tên lính Lê dương ăn cắp rượu trong các hòm do máy bay thả dù xuống liền bị trói tay, đánh vỡ mặt, sưng cả người. Tên khác bê xuất ăn trưa gặp tên chỉ huy quan hai gồm 1 bát canh loãng như nước suối, 1 miếng thịt bò bít tết cao su, 1 miếng bơ bằng ngón chân cái và 1 khoanh bánh mốc ruột đã bở thành bột. Tên lính hỏi viên quan hai “Liệu ông có ăn được không?” và nhận được câu trả lời “Không ăn được”. “tôi cũng không ăn được”, tên lính nói tiếp và quảng cả bữa ăn đi. Ngay sau đó tên lính ấy bị 15 ngày tù. Tại nhiều đơn vị khác, bọn chỉ huy còn đặt ra những luật lệ oái oăm, hễ lính dưới quyền mà vi phạm sẽ bị phạt tù ngay, nó có lệ cứ vuốt râu bên trái là 15 ngày, vuốt râu bên phải là tù 30 ngày, lính cứ trông thấy mà chịu phạt.
Một số tù binh sau này kể lại rằng, ngay từ sau khi kết thúc cuộc tấn công thứ nhất của quân ta, từ ngày 17/3 chúng gần như không được cung cấp thịt tươi và rau xanh, chủ yếu là lương khô, đồ hộp. Đến cuối tháng 3, cứ 4 người chia nhau 1kg bánh, hôm sau 1kg bánh lại được chia cho 6 người. Bọn ngụy binh còn thê thảm hơn, mới hôm trước mỗi ngày mỗi người còn được 1 bát cơm, chỉ vài hôm sau đã phải ăn cháo để tiết kiệm gạo. Đến cuối tháng 4, các kho lương thực của địch ngày càng ít đi, thóc dự trữ cũng đưa ra dùng hết. Bọn lính da trắng thì 8 thằng mới được 1,5kg bánh mì và 3 bánh bích quy 1 ngày, bọn lính Lê dương lại chỉ được 1 hộp cát cút 1 ngày. Chúng còn có sáng kiến bỏ bích quy vào vỏ hộp sắt cho nước đun lên ăn thay súp hoặc nấu cháo loãng ăn qua ngày. Đối với bọn lính hôm nào cũng xảy ra chuyện cãi chửi, đánh nhau để tranh ăn, ai không nhanh là mất phần. Nhiều tên đói quá còn đi ăn vụng, ăn cắp. Tình trạng này nghiêm trọng đến mức De Castries phải tuyên bố sẽ xử tử tên nào ăn vụng dù 1 hộp cát cút, nhưng lại sợ lính nổi loạn bèn chú thích thêm “Nhưng hãy tạm ghi sổ lính, sau này về Tòa án quân sự Hà Nội sẽ xử”.
Ăn đã vậy, uống cũng khổ cực không kém. Ở mấy đồn khu Tây Mường Thanh, nước uống cũng phải chia khẩu phần: mỗi ngày mỗi thằng được 1 hộp cát cút nước suối, bởi mỗi lần lấy được ít nước tiếp tế về là phải huy động hàng đại đội kèm theo 2, 3 xe tăng hộ tống và thiệt hại khá nhiều quân số. Tại các hầm trú ẩn của chúng xung quanh sông Nậm Rốm, không 1 tên nào dám ra khỏi hầm. Có lúc khát quá, chúng định thò đâu ra đi lấy nước nhưng lập tức bị triệt hạ ngay. Bất đắc dĩ, chúng đành phải quăng can buộc dây ra sông hòng kéo nước về nhưng cũng bị quân ta bắn thủng can, thu về cái can rỗng. Nước uống đã vậy nói gì đến tắm giặt. Chúng bắt đồng bào ta lấy mũ sắt múc nước vào hầm cho chúng tắm. Chúng còn tổ chức đông người đi tắm, chuẩn bị kỹ càng như đi ra trận. Chúng còn đào giao thông hào tới tận suối, nhưng cũng không dám ngang nhiên ra tắm vì sợ đại bác của ta. Có những tên còn hàng tháng trời không đánh răng, rửa mặt, tắm rửa, tay chân đen sì.
Ăn uống không đủ, sinh hoạt thiếu đủ thứ khiến lính Pháp ốm liên tục, không đảm bảo quân số chiến đấu. Ốm cũng không yên, còn bị phạt tù, bớt khẩu phần ăn và cắt lương. Những tên ốm nhẹ thì phải trả nhiều tiền mới được chăm sóc, chữa trị; những tên bị nặng thì chỉ chờ chết, có lúc chất đống nằm đè lên nhau ngắc ngoải. Mùa mưa tới, các hầm công sự của quân Pháp trở nên lầy lội, nhếch nhác. Trong hầm là một mớ hỗn độn cả người sống và người chết. Số quân Pháp đã chết không có chỗ chôn, số thương binh không di tản được, lại không được cấp cứu kịp thời chất đầy trong các hầm công sự của Pháp và chỉ chờ chết. Số còn lại cố trú ẩn trong hầm với một tinh thần hoảng loạn, sợ sệt; bệnh tật, đói khát. Khốn khổ nhất là chuyện vệ sinh, mùi xú uế nồng nặc, người ngợm những tên lính bẩn thỉu, quần áo hôi hám, râu ria xồm xoàm, chấy rận đầy quần áo, tóc tai. Tình cảnh của quân đồn trú Pháp ngày càng trở nên cùng cực, bi đát hầu như ngày nào cũng có lính đào ngũ hoặc đầu hàng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nhất là lính Thái, sống khổ cực, suốt ngày khóc lóc nghĩ tới gia đình, vợ con nên càng bị hành hạ, bỏ đói, chỉ chờ cơ hội là trốn vào trong rừng hoặc chạy về phía Việt Minh khi thấy họ xuất hiện. Nhiều lính Ma rốc còn lùng tìm hoặc mua bằng được của đồng bào địa phương tờ truyền đơn coi đó là giấy thông hành sang với Việt Minh. Một số lính lê dương thoát chết ở Him Lam bổ sung về các đơn vị từ chối tiếp tục chiến đấu, thậm chí một số bỗng dưng biến mất! Có thể họ đã chạy sang hàng ngũ đối phương, cũng có thể họ đã trở thành những "con chuột Nậm Rốm”.
Từ khi bị vây hãm từ lính đến chỉ huy đều mất tinh thần. Chỗ nào hầm chắc chắn, an toàn bọn quan chỉ huy chiếm hết, mặc lính chui rúc hay nằm trơ ngoài trời. Trận địa tấn công và bao vây của bộ đội Việt nam ngày càng siết chặt lấy khu trung tâm mà tại nhiều vị trí của lính Pháp, chúng ở trong hầm nghe tiếng cuốc xẻng mà chỉ ngồi im không dám động tĩnh gì, bọn quan còn hèn hạ hơn, lẩn trốn vào sâu hơn, kín hơn và dồn lính ra chịu trận. Chuyện đáng nói nhất là những tên đứng đầu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cũng vô cùng hoảng loạn. Ngay từ khi Him Lam bị mất, Keller - tham mưu trưởng mất tinh thần, từ chối làm việc, chọn một căn hầm vững chắc, úp chiếc mũ sắt lên mặt, ngồi suốt ngày không nói năng gì, sau bị triệu tập về Hà Nội. De Castries không ra khỏi hầm làm việc như trước nữa; Piroth - chỉ huy pháo thì tự sát bằng quả lựu đạn ngay trong căn hầm chỉ huy. Buổi tiệc mừng lên cấp cho De Castries và accs sĩ quan tùy tùng vào cuối tháng 4/1954 cũng ảm đạm, thê thảm khi lon Thiếu tướng của De Castries được chế tác từ vỏ đồ hộp, được chúc tụng bằng thứ rượu vang chua loét và tinh thần khiếp đảm của binh lính.
Đêm 01/5/1954, ta mở đợt tấn công thứ 3 vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Bằng nỗ lực phi thương, ta đã đào hệ thống hầm ngầm đặt khối bộc phá tại cứ điểm A1, tiêu diệt địch và chiếm được cứ điểm này vào rạng sáng ngày 7/5, tình thế của Tập đoàn cứ điểm đã như “ngàn cân treo sợi tóc”. 17 giờ chiều, sau những cuộc tấn công từ bốn phái hướng về chỉ huy sở của De Castries, cờ trắng mọc khắp nơi trên các hầm công sự của Pháp, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Việt Minh. Lần đầu tiên ta bắt sống được toàn bộ Bộ chỉ huy của quân đối phương và toàn bộ địch quân giơ tay đầu hàng. Với nước Pháp, đó là sự thảm bại. Với quân đồn trú Pháp trong các hầm công sự ngập ngụa bùn lầy và xác chết, có thể đó là sự giải thoát./.