Từ đợt tấn công thứ hai, ta đẩy mạnh phong trào săn Tây bắn tỉa, phát huy sở trường của nhiều chiến sĩ, nhất là những thiện xạ, góp phần tiêu hao sinh lực địch, lập công, trở thành phong trào thi đua chính trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Kết thúc đợt tấn công thứ nhất, ta đã mở thông cánh cửa chính vào trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và bước vào giai đoạn chuẩn bị cho đợt tấn công thứ hai với nhiệm vụ chính là đào đường hào tiếp cận, bao vây các vị trí của địch. Các đường hào của ta ngày càng siết chặt như chiếc thòng lọng thít chặt lấy khu trung tâm của địch. Ngày 30/3/1954, ta tiếp tục đợt tấn công thứ hai, mục tiêu quan trọng là dãy phòng ngự phía Đông với những trận đánh quyết liệt trên các cao điểm E1, C1, C2, D1, A1. Một số vị trí ta nhanh chóng chiếm được và lập trận địa phòng ngự, ngăn không cho địch chiếm lại và hỗ trợ các đơn vị khác tiếp tục tiến lên tiêu diệt các vị trí khác. Riêng tại A1 và C1, cuộc chiến diễn ra gay gắt, quyết liệt, hai bên giành giật từng thước đất, từng mét chiến hào.
Từ giữa đợt tấn công thứ hai, ta giành được nhiều lợi thế quan trọng trên chiến trường Điện Biên Phủ. Sự hoạt động mạnh và có hiệu quả của pháo cao xạ đã giảm được sức mạnh không quân của Thực dân Pháp. Các máy bay vận tải của đối phương không thể tiếp cận hạ cánh ở Mường Thanh mà phải bay cao thả dù. Việc thả dù cũng càng ngày càng khó khăn bởi sẽ rơi vào tầm hỏa lực của quân ta nên phải ở những độ cao nhất định, trong điều kiện khó khăn nên hơn nửa số dù hàng cung cấp cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị Việt Minh thu giữ. Bên cạnh đó, Bộ chỉ huy chiến dịch đẩy mạnh phong trào săn Tây bắn tỉa, đẩy mạnh tiêu diệt địch bằng nhiều hình thức. Ngày 22/4/1954, đồng chí Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ kêu gọi bộ đội: “Hãy phát huy tinh thần tích cực tiêu diệt địch, nỗ lực thi đua bắn tỉa…". Bộ đội ta nêu cao khẩu hiệu: "Một viên đạn một tên địch, một viên đạn mấy tên địch, kiên nhẫn, tích cực, nhằm đúng mục tiêu, hễ bắn là trúng". Phong trào “săn Tây, bắn tỉa” lan rộng khắp mặt trận, từ các chiến sĩ súng trường, súng máy đến các khẩu đội súng cối, sơn pháo, rất nhiều chiến sĩ thiện xạ xuất hiện và trở thành phong trào thi đua giữa các đơn vị, các chiến sĩ với nhau. Báo Quân đội Nhân dân xuất bản trong thời gian này có đưa tin nhiều tấm gương cá nhân và đơn vị tiêu diệt được nhiều Tây, còn đưa ra kinh nghiệm đối với người chiến sĩ thiện xạ, cụ thể như sau:
1 – Trước hết, người chiến sĩ thiện xạ phải phát huy cao độ tinh thần tích cực diệt địch, nỗ lực thi đua đánh tỉa quân địch. Phải thông suốt về ý nghĩa quan trọng của việc đánh tỉa, làm cho địch càng bị tiêu hoa mệt mỏi, tinh thần sút kém, thương vong chồng chất và càng tạo điều kiện cho ta giánh được những thắng lợi lớn hơn. Đó là điều kiện quan trọng nhất của người thiện xạ.
2 – Nhiệm vụ của người thiện xạ là: Địch thò ra thằng nào triệt thằng ấy, bất kỳ nó canh gác, tuần liễu, mang cơm, đi tắm, nhặt dù, v.v… Đó là nhiệm vụ chính của người thiện xạ trong cuộc thi đua đánh tỉa này.
3 – Phải chuẩn bị ngắm mục tiêu cho đúng, luôn luôn nắm vững yêu lĩnh mới, bắn cho giỏi, một viên đạn một quân thù.
4 – Phải hết sức giữ gìn vũ khí và máy ngắm (nếu có).
5 – Phải khéo lợi dụng địa hình, địa vật, khéo ngụy trang. Hết sức bí mật tiếp cận địch không để chúng phát giác. Khi rời vị trí phải nhanh chóng và bí mật.
6 – Phải hết sức kiên nhẫn quan sát tìm tòi mục tiêu, biết căn cứ vào những vết tích tinh vi như tiếng động, ánh lửa mà tìm ra mục tiêu và định cự ly cho đúng.
7 – Ra sức tiếp cận mục tiêu đã định nhất là trong lúc phòng ngự nhằm bắn sĩ quan địch, bọn bắn súng máy, bọn mang máy vô tuyến điện, v.v… là những tên quan trọng của địch trong cuộc chiến đấu.
8 – Phải chịu khó chờ đợi, có khi phải rình hàng mấy tiếng đồng hồ mới nắm được thời cơ tốt.
9 – Phải ra sức đào tạo các đồng chí trong tổ mình bắn thật giỏi.
10 – Trong bất cứ trường hợp nào, trên bất cứ địa hình nào người chiến sĩ thiện xạ phải ra sức khắc phục khó khăn tạo điều kiện mà bắn tỉa quân địch.
Trong thời gian này, các chiến sĩ thiện xạ thường đột kích vào những vị trí bất ngờ, tập trung vào mục tiêu, không để thoát bất cứ tên lính địch nào dám ra khỏi hầm trú ẩn xung quanh bờ sông. Ngay cả việc đi lấy nước dưới sông Nậm Rộm cũng trở nên vô cùng khó khăn. Có những tên địch ở ngay bờ sông cũng không dám xuống lấy nước. Chúng ngồi trong công sự quăng những chiến can xuống sông, rồi dùng dây kéo lên. Chiến sĩ bắn tỉa bắn vào can. Chúng chỉ thu về chiếc can rỗng.
Con số địch bị diệt trong thời gian này bằng bắn tỉa rất đáng kể. Chỉ trong vòng mười ngày, ác chiến sĩ bắn tỉa của 312 diệt 110 tên địch, ngang với số quân địch bị loại khỏi vòng chiến đấu trong một trận công kiên! Chiến sĩ bắn tỉa Đoàn Tương Líp của Trung đoàn 88 dùng 9 viên đạn súng trường tiêu diệt 9 tên địch. Chiến sĩ Lục của Trung đoàn 165 trong một ngày bắn tỉa diệt 30 tên địch. Ở Hồng Cúm, chỉ 15 ngày sau khi phát động phong trào bắn tỉa, Trung đoàn 57 đã diệt ngót 100 tên. Ở một đơn vị thuộc Đại đoàn 308 ở phía Tây, chỉ trong vòng 10 ngày, bốn tổ thiện xạ hạ được hơn 100 tên địch. Chiến sĩ Lâm Văn Vượng, với 15 viên đạn diệt 13 tên. Đó là chỉ kể những tên bị chết mà ta trông thấy, còn những tên chết dúi trong bụi, trong hào, không kể. Những tân binh được các chiến sĩ cũ kèm cặp, rèn luyện về chiến thuật và bắn súng trung thực tế chiến đấu ngay trên chiến hào. Họ đều tiến bộ rất nhanh. Có những người sau một thời gian ngắn đã biết sử dụng tất cả các loại súng và trở thành thiện xạ.
Phong trào lan rộng, sôi nổi trên toàn mặt trận. Nhiều câu thơ hay cũng xuất hiện trong thời gian này:
“Mỗi ngày làm một, hai tên
Nhiều ngày cộng lại rất phiền cho Tây”
Hay:
“Đốn đời cho lũ giặc Tây
Ở Điện Biên Phủ sống ngày như đêm
Quân ta vậy bốn bên chặt chẽ
Chia từng người “chim sẻ” tiêu hao.
Tây mà đi lại miệng hào
Súng trường ta tỉa lộn nhào chết tươi!
Nhớ câu chuyện nực cười thắt ruột
Rằng một hôm có 1 thằng Tây
Dáng chừng mót quá loay hoay
Nhìn ngang nhìn ngửa trèo ngay lên hào
Đang cái lúc: Ối chao là sướng
Ngồi rung rinh bụng tưởng là yên.
Ngờ đâu bộ đội cạnh bên
Bóp cò đánh “độp” đạn ghim vỡ đầu!
Chỉ kịp rẫy chẳng kêu gì được
Lăn đùng ngay không kịp thở than
Lòng anh bộ đội hân hoan:
Mừng anh thiện xạ của đoàn giỏi ghê!
Còn lũ giặc thảm thê tái mặt,
Lính nhìn quan, quan gắt lung tung:
“Đồ ngu như lơn không cùng
Đi ngoài cũng chết còn hòng làm chi?”
Thế rồi quan khóc tỷ ty
“Ối trời một lính âm ty nữa rồi!”
Tây hời Tây hỡi Tây ơi!
Tao còn đánh tỉa, Tây thời đi … Tây!”
Giăng Pu-tiên, sĩ quan giúp việc của Navarre, bị bắt trong những ngày cuối chiến dịch, đã kể lại rằng: Ngày 16, một đoàn 35 lính ngụy do một đại úy Pháp chỉ huy, tải nước đến vị trí Huy –ghét 6 (ta gọi là cứ điểm 105, Bắc sân bay). Họ đi trên con đường ngoằn nghèo, gò lưng xuống vì phải mang nặng và cũng vì sợ sệt. Tới đích, sau khi vượt quãng đường hơn một kilômét, chỉ còn 7 người sống sót, cõng 5 can nước. Tính ra, mất 28 mạng để đổi lấy cho mỗi người trong cứ điểm một phần tư lít nước giữa nắng hè trên cánh đồng Mường Thanh. Đêm 16 rạng ngày 17, muốn ra sông lấy một vài can nước và thu chừng nửa tá hòm quân nhu được thả xuống, hai đại đội phải chiến đấu trong vòng 10 tiếng đồng hồ.
Phong trào săn Tây bắn tỉa đã làm cho địch không dám ló ra ngoài công sự. Vòng vây của ta ngày càng khép chặt sát địch. Chúng ở ngay trong tầm súng các cỡ của ta và trở thành những “bia sống” của những thiện xạ náu mình tại những chỗ bất ngờ ngay sát vị trí của chúng.
Săn Tây bắn tỉa kết hợp với đoạt dù tiếp tế thực sự là những cuộc đấu trí, đấu lực căng thẳng giữa ta và địch, khoét sâu vào tinh thần chiến đấu thấp kém của địch khiến chúng vừa đói ăn, khát nước lại luôn căng thẳng mệt mỏi từ đó không còn ý chí chiến đấu. Địch quân ngày càng thiếu lương ăn, nước uống, thuốc chữa bệnh và điều đáng sợ khác hơn là lực lượng của chúng không ngừng bị tiêu hao bởi lính bị chết, bị thương và đào ngũ dẫn đến khủng hoảng quân số nghiêm trọng. Trong Vài hồi ức về Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Hàng ngày, ở sở chỉ huy, khi nghe báo cáo số địch chết vì bị bắn tỉa, số lương thực, đạn dược của địch thả dù mà bộ đội ta đã đoạt được, tôi chẳng khỏi nghĩ, chúng ta đang cho kẻ địch nếm những đòn cay đắng nhất”./.