Đồng chí Nguyên Phú Xuyên Khung là một trong 3 người tham gia điểm hỏa khối bộc phá 960kg trên Đồi A1 trong đêm trước ngày giải phóng. Nhờ khối bộc phá này, ta đã phá được tầm hỏa lực của địch, tấn công và tiêu diệt cứ điểm mạnh nhất, ác liệt nhất của Pháp trong hệ thống tập đoàn 49 cứ điểm của Thực dân Pháp.
Nguyễn Phú Xuyên Khung sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, là 1 trí thức sớm giác ngộ cách mạng. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nghe theo tiếng gọi của Đảng, Nguyễn Phú Xuyên Khung xách balo lên đường nhập ngũ.
Tháng 2/1947, Nguyễn Phú Xuyên Khung là Đại đội trưởng Đề thám. Tháng 10/1949 đồng chí là Trung đội trưởng thuộc Đại đoàn 308, vừa mới thành lập, đến tháng 11/1950, là Đại đội phó công binh. Tháng 1/1953 là Đại đội trưởng huấn luyện rà phá bom mìn thuộc Đại đoàn 351. Tháng 3/1954, Trưởng Ban tác huấn Trung đoàn Công binh 151. Năm 1964, đồng chí giữ chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 229 Công Binh. Đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung là một trong những người được học tập và tham gia các lớp tập huấn về bom, mìn nên là người có kỹ thuật và kinh nghiệm. Quá trình đã tôi luyện đồng chí phát huy sáng tạo để nghiên cứu cách thức tháo gỡ các loại bom nổ chậm, bom bướm và các loại bom có tính chất bẫy. Ở những vị trí và cương vị khác nhau, đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cấp trên giao.
Để thực hiện chiến dịch Điện Biên Phủ, ta thực hiện mở đường, sửa đường đảm bảo hành quân, vận chuyển cho nhiều phương tiện. bên cạnh đội công binh phá đá, mở đường, còn xuất hiện những đơn vị rà phá bom mìn, vô hiệu hóa những loại bom mà máy bay Pháp thả xuống nhằm ngăn chặn công việc của quân ta. Đội công binh này do đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung đội trưởng đội nghiên cứu phá và tháo bom nổ chậm chỉ huy.
Với thành tích vượt trội trong công tác phá bom, mở đường, trong đó có nhiều quả bom nguy hiểm, phức tạp hoặc trong những hoàn cảnh gian khổ, có thể hi sinh bất cứ lúc nào nhưng đồng chí vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao phó. Đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung đã được Trung đoàn 151 tặng thưởng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua” ngày 18/6/1953 và được Bác Hồ tặng cho chiếc áo lụa, kỉ vật hôi phụ nữ Kiến An, Hải phòng tặng Bác.
Ngày 13/3/1954, sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng, ta nổ súng tấn công vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Theo kế hoạch sẽ thực hiện 3 đợt tấn công vào căn cứ của Pháp. Kết thúc đợt 1 phía Bắc và Đông Bắc, ngày 30/3, ta tiến hành đợt thứ hai, mục tiêu là dãy phòng ngự phía Đông, sân bay Mường Thanh và một số cứ điểm khác. Trong khi ta nhanh chóng chiếm được các Đồi D1, D2, D3, C1, E1 thì tại cứ điểm A1, cuộc chiến diễn ra dai dẳng, giằng co quyết liệt và kéo dài. A1 là cứ điểm quan trọng, lá chắn vững chắc nhất che chở cho trung tâm chỉ huy địch nên lực lượng đông, hỏa lực mạnh. Ngoài ra, tại cứ điểm này còn có hầm ngầm cố thủ, tiêu diệt được căn hầm này ta mới chiếm được Đồi A1.
Về phía quân ta việc xác định vị trí hầm và việc áp sát tiêu diệt là khó khả thi trong điều kiện địch đã tập trung binh, hỏa lực mạnh nhất về đây hòng chiếm lại những vị trí đã mất. Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã có những tính toán kiên quyết để tiêu diệt bằng được căn hầm. Một kế hoạch “Lấy hầm trị hầm” được vạch ra, có tính chất quyết định tiêu diệt cứ điểm A1. Sáng kiến đào đường hầm để đưa bộc phá nghìn cân vào phá sào huyệt được đề xuất bởi Trung đoàn 174 và đây sẽ là một kỳ công, một bất ngờ ta dành cho Pháp trên cao điểm quan trọng này.
Việc đào đường hầm tốn khá nhiều thời gian và công sức của các chiến sĩ ta. 25 cán bộ, chiến sĩ dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung cán bộ công binh của Bộ, đã tiến hành công việc ngay trước mũi súng quân địch, trong tầm kiểm soát của lựu đạn. Đất đồi A1 rất rắn, cứng, ngay việc đào cửa hầm ta mất ba đêm và đổ máu vì đạn địch. Trong quá trình đào các chiến sĩ ta liên tiếp nối nhau, đầu người này nối chân người kia lấy quạt nan tự đan quạt không khí vào bên trong mới tiếp tục được công việc; đèn Xô lếch sách tay cũng được sử dụng để lấy ánh sáng. Việc đào đường hầm kéo dài hơn dự kiến. Đến gần ngày quyết định cũng là lúc ta chạm phải đá cứng nghi là hầm ngầm, việc đào đường hầm được lệnh dừng lại, lúc này đường hầm ngầm dưới đất dài 33m, ta đào thêm một ngách ở cuối đường hầm mỗi chiều 1,5m để chứa thuốc nổ. Số thuốc nổ 960kg chỉ được cấp một phần gần 200kg, còn lại các chiến sĩ ta đã phải tháo từ những quả mìn chưa nổ mà Pháp thả dù xuống, một việc cực kỳ nguy hiểm. Khi mọi việc đã xong, quyết định cho nổ khối bộc phá vào 20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954 do đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung, Nguyễn Điệt và Nguyễn bạch điểm hỏa. Ta cũng quyết định lấy tiếng nổ của khối bộc phá làm hiệu lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận.
Đúng thời điểm quyết định, khối bộc phá được điểm hỏa gần đỉnh đồi. Một tiếng nổ trầm không được như mong đợi phát ra từ phía A1. Một cột khói lớn bốc lên cao cách hầm ngầm không xa. Khối bộc phá tiêu diệt được một đại đội địch và làm nhiều lính Pháp bị thương. Ta đã tạo ra được một lợi thế trên tuyến ngang đồi, tạo thời cơ cho các chiến sĩ Trung đoàn 174 tiến lên đánh chiếm hầm chỉ huy cứ điểm. Tại đây cuộc chiến diễn ra bằng tất cả những gì hai bên có: bằng lưỡi lê, lựu đạn, tiểu liên trên từng chiến hào, ụ súng.
Cuộc chiến ở đây kéo dài thêm 3 giờ đồng hồ nữa, trước khi địch có những hành động tiếp theo lúc trời sáng, ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm A1. Đến lúc này ta đã tiến công, phòng ngự trên đồi A1 39 ngày đêm, loại 4 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn cơ động của địch, diệt 825 tên địch.
A1, C1, C2 những điểm cao phía Đông lần lượt bị mất, “chiếc chìa khóa của Tập đoàn cứ điểm đã lọt vào tay ta”, Sở chỉ huy của tướng De Castries nằm trong tầm hoả lực bắn thẳng của bộ binh. 15 giờ ngày 07/5/1954, từ các hướng quân ta đồng loạt tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống De Castries cùng toàn bộ tham mưu của chúng. Sau khi truy quét nốt số tàn binh có trốn chạy sang Thượng Lào, chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức chấm dứt vào 24 giờ cùng ngày.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí cũng trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch quan trọng trên chiến trường miền Nam. Ghi nhận công lao, thành tích to lớn của đồng chí, ngày 21/10/2014, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân cho đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung. Sau đó, gia đình đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung đã tặng lại Bằng khen Truy tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân cho đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung nguyên Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 151 (nay là Lữ đoàn Công binh 229) Binh chủng công binh, có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược cho Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ làm hiện vật trưng bày./.