Trong chiến dịch Điện Biên Phủ ta chia làm ba đợt tấn công, phục kích vào từng phân khu của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, lần lượt bóc từng lớp vỏ cứng, chắc của chúng. Mỗi đợt tấn công là từng trận đánh nhỏ vào các cụm cứ điểm, cứ điểm hoặc từng vị trí của quân đối phương và phải đảm bảo “chắc thắng”, do đó công tác tư tưởng nhằm vực dậy tinh thần và củng cố quyết tâm cho bộ đội sau mỗi trận đánh là nhiệm vụ quan trọng của mỗi đơn vị đại đội.

Để làm tốt nhiệm vụ đó, người cán bộ chính trị tại từng đơn vị phải là người nắm rõ được tình hình điểm yếu, mạnh của đơn vị mình; phải đi sâu sát vào đời sống tinh thần và tư tưởng của từng chiến sĩ. Trước trận đánh những khó khăn, suy nghĩ gì còn vướng mắc, chưa thể giải quyết được có thể ảnh hưởng tới kết quả của trận đánh? Trong trận đánh, chắc chắn không thể tránh khỏi hi sinh, mất mát, làm thế nào để bộ đội không ngại khó, ngại khổ, sợ hi sinh, tiếp tục chiến đấu để giành thắng lợi cuối cùng cho chiến dịch?

Ngay sau ngày giải phóng, trong bức thư gửi cán bộ, chiến sĩ Điện Biên Phủ, Bác Hồ có viết: “… Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình…”. Không phải chỉ đến khi chiến dịch kết thúc, ta mới lấy đó để giáo dục bộ đội cho những trận đánh sau này. Ngay từ mỗi trận đánh nhỏ kể từ ngày đầu tiên tấn công vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy chiến dịch đã chủ động thực hiện tốt công tác chính trị, đảm bảo tinh thần chiến đấu cao nhất cho từng cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận. Trước đó, ta cũng đã giải quyết tốt vấn đề tư tưởng cho mọi người khi chuyển phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” trong 3 đêm 2 ngày đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ lâu sang phương châm “Đánh chắc, tiến chắc” chỉ sau một đêm và trước giờ dự định nổ súng vài giờ đồng hồ. Mỗi cán bộ, chiến sĩ đều ghi rõ lời dặn của Bác: “Chiến dịch Điện Biên Phủ là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với Quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”

Ngày 13/3/1954, ta mở đợt tấn công vào Trung tâm đề kháng Him Lam, một trong những cứ điểm mạnh nhất, cửa ngõ dẫn lối vào sâu trong sào huyệt của địch. Trong vòng 5 ngày, lần lượt các vị trí khác ở vòng ngoài cùng với Him Lam là Độc Lập và Bản Kéo đều bị ta tiêu diệt. Chiến thắng này không mấy khó khăn do được chuẩn bị rất kỹ lưỡng sau nhiều lần đổi ngày tấn công, lựa chọn những phương thức có lợi nhất để đảm bảo trận đầu thắng lợi. Tuy nhiên, đó mới chỉ là vòng ngoài, khó khăn thực sự còn chưa bắt đầu, sức mạnh chính của tập đoàn cứ điểm vẫn nằm trong phân khu trung tâm. Do đó, tại mỗi đơn vị tiếp tục quán triệt nhiệm vụ tới toàn bộ cán bộ, chiến sĩ không được quá tự mãn mà chủ quan, khinh địch; cần kịp thời lấy ngay ý nghĩa thắng lợi đó giáo dục bộ đội phát huy cao độ ý chí chiến đấu, dự kiến mọi khó khăn, xác định xây dựng trận địa chuẩn bị cho đợt tấn công thứ hai mà Bộ chỉ huy chiến dịch đã đề ra là cuộc chiến đấu thực sự, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, chiến đấu anh dũng, tiêu diệt địch bằng được.

Đợt tấn công thứ hai là đợt kéo dài nhất, gian khổ nhất, khó khăn nhất và hi sinh mất mát nhiều nhất, do đó công tác tư tưởng được đẩy mạnh, quan tâm nhằm kịp thời chấn chỉnh và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tổng cục chính trị cử những phái viên của mình tới từng đơn vị, cùng với cán bộ cơ sở giải quyết những khó khăn về đời sống sinh hoạt, tinh thần cán bộ chiến sĩ. Trong thời gian này, bùn ngập các chiến hào, muỗi, vắt, thiếu rau xanh, nước sạch đe dọa cuộc sống của chiến sĩ trong điều kiện chiến hào ta ngày càng lộ liễu vì ngày càng tiến gần đến trung tâm Mường Thanh. Ta từng bước khắc phục khó khăn, về cơ bản vẫn là tinh thần chiến đấu.

Tại nhiều đơn vị, xuất hiện nhiều biểu hiện tiêu cực, ngại hi sinh, ngại gian khổ, cá biệt có trường hợp bỏ nhiệm vụ giữa trận đánh. Ở một số đại đội có tình trạng ỷ lại, chờ đợi nhân danh chiến thắng của đại đoàn hay trung đoàn. Hay như có đơn vị không thường xuyên sinh hoạt, trước trận đánh cán bộ giải thích ý nghĩa trận đánh để anh em quyết tâm nhưng khi kết thúc, kết quả thế nào, ý nghĩa quan trọng đến đâu chiến sĩ lại không hề biết. Thế mới biết công tác chính trị cần kịp thời, thường xuyên, phải đúng và trúng.

Tuy nhiên về cơ bản tinh thần bộ đội vẫn ổn định, đa số vẫn nêu cao quyết tâm và tinh thần chiến đấu. Công tác giáo dục chính trị đã tập trung làm cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ nhận rõ tình hình khó khăn của địch và những điều kiện tất thắng của ta. Từ cán bộ tới chiến sĩ đều đã tiến hành kiểm điểm, đặc biệt là dập tắt mọi tư tưởng “hữu khuynh tiêu cực”, nhận thức rõ tình hình, nâng cao quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Chưa chiến dịch nào đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ được quan tâm đến vậy. Văn công biểu diễn tại chiến hào, trong hầm pháo, hát cho bộ đội ở vị trí tiền tiêu nghe qua máy điện thoại; Tòa soạn báo được lập ra ngay tại mặt trận đã nhanh chóng truyền đạt các chủ trương của các cấp lãnh đạo, cập nhật tình hình chiến sự tại trận địa cũng như các hoạt động tại địa phương được chuyển ra khắp các chiến hào tới tận tay cán bộ, chiến sĩ; đã có nhiều bài thơ, văn, bài hát và những thước phim tư liệu quý giá ra đời trong thời gian này.

Tại Điện Biên Phủ chiều 07/5/1954 chúng ta đã tiêu diệt và bắt trên 16.200 quân địch, trong đó có toàn bộ cơ quan chỉ huy của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, 1 tướng, 16 viên quan năm, 1.749 sĩ quan và hạ sĩ quan. Lực lượng địch bị tiêu diệt bao gồm 17 tiểu đoàn bộ binh tinh nhuệ (có 7 tiểu đoàn dù), 3 tiểu đoàn pháo binh, gần 1 tiểu đoàn công binh, tổng cộng là 21 tiểu đoàn. Lần đầu tiên trong lịch sử ta bắt sống được Bộ chỉ huy của quân đối phương và một lượng tù binh lớn đến như vậy. Ta hoàn thành nhiệm vụ “Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch, đập tan kế hoạch Navarre, đánh bại âm mưu kéo dài chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp - Mỹ, mở ra một cục diện mới cho kháng chiến”.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là đỉnh cao chói lọi trong trang sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chấm dứt cuộc kháng chiến thần thánh chống Thực dân Pháp xâm lược và có tác động mạnh mẽ tới phong trào giải phóng dân tộc của các nước trên Thế giới. Đến nay sau hơn 6 thập kỷ nhìn lại, những quyết sách, tư tưởng trong chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn mang ý nghĩa thời đại và tầm quan trọng nhất định trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 698.264
      Online: 109