Chiều ngày 5/10/2017, ngài Mohamed Berrah - Đại sứ An - giê - ri tại Việt Nam cùng phu nhân đã đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trong chuyến thăm và trao đổi hợp tác quốc tế giữa tỉnh Điện Biên và các địa phương của An-giê-ri.
Cùng đi với đoàn còn có đại diện Hội hữu nghị Việt Nam - An-giê-ri, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Sở Ngoại vụ tỉnh Điện Biên. Đến thăm Bảo tàng, được nghe giới thiệu về chiến thắng "Lừng lẫy năm chấu, chấn động địa cầu" năm 1954 của, ngài Đại sứ cùng phu nhân vô cùng xúc động trước sự chiến đấu, hi sinh anh dũng để giành độc lập dân tộc của Nhân dân Việt Nam. Ngài Đại sứ bày tỏ niềm tự hào sâu sắc về tình cảm thiêng liêng giữa Nhân dân Việt Nam và Nhân dân An-giê-ri trong cuộc chiến tranh chống chế độ thực dân và khẳng định: Người dân An-giê-ri coi chiến thắng Điện Biên Phủ như chiến thắng của dân tộc mình, là động lực và niềm tin để Nhân dân An-giê-ri đứng lên thực hiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vào tháng 11/1954 và giành thắng lợi vào năm 1962.
Trong Sổ cảm tưởng tại Bảo tàng ngài Đại sứ viết:
"Cuộc chiến hào hùng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử và được toàn thế giới công nhận như một sự phá vỡ trật tự cũ và khởi đầu sự chấm dứt đế quốc thực dân Pháp.
An-giê-ri, mặc dù dưới ách thống trị của thưc dân đã đoàn kết vì sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam. Chính vì vậy các công nhân phu bến tàu người An-giê-ri đã từ chối vận chuyển thiết bị quân sự dành cho quân đội Pháp vào Việt Nam tại các cảng An-giê và Oran.
Cũng phải nói rằng nhiều người lính An-giê-ri bỏ quân đội thực dân, từ chối đấu tranh chống lại những người anh em Việt Nam.
Chủ tịch Ferhat Abbas đã viết vào năm 1962 rằng: "Điện Biên Phủ không chỉ là một thắng lợi quân sự, trận đánh này vẫn là một biểu tượng cho các dân tộc thuộc địa, đó là khẳng định của người Châu Á, Phi châu đối với người Châu Âu"".
Ngay sau đó, ngài đại sứ An-giê-ri cùng đoàn còn tham quan một số Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ xung quanh thành phố./.
- Hồng Linh -