Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định “Kỷ luật là sức mạnh của Quân đội” và rằng ““Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”, “Bộ đội không có kỷ luật đánh giặc nhất định thua”. Tư tưởng đó luôn xuyên suốt trong hai cuộc chiến tranh kháng chiến chống Pháp và Mỹ cứu nước của Nhân dân ta, trở thành biện pháp hữu hiệu nâng cao tinh thần và trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong chiến đấu, đánh thắng kẻ thù xâm lược.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ cũng chưa bao giờ lơ là công tác giáo dục, chỉnh huấn đối với bộ đội , nghiêm khắc đề cao kỷ luật và thi hành kỷ luật đối với những người vi phạm. Với trách nhiệm “Tướng quân tại ngoại”, với quyết tâm cao nhất “Đánh chắc thắng” và tiêu diệt bằng được quân Pháp, trước khi chính thức nổ súng tấn công vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký Quyết định của Bộ Tổng Tư lệnh về 5 điều kỷ luật chiến trường thi hành trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nội dung như sau:

“Để thực hiện quyết tâm của Hồ Chủ tịch, Trung ương Đảng và Chính phủ,

Để bảo đảm sự chấp hành triệt để mệnh lệnh tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh,

Để cho tất cả các binh chủng bộ binh, pháo binh, công binh phát huy đến cao độ tinh thần chiến đấu dũng cảm và hiệu lực kỹ thuật của mình,

Để cho mỗi người cán bộ và chiến sĩ nhận rõ trách nhiệm của mình trước toàn quân trong cuộc chiến đấu to lớn sắp đến,

Để giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch,

Bộ Tổng tư lệnh quyết định công bố NĂM ĐIỀU KỶ LUẬT CHIẾN TRƯỜNG sau đây để toàn thể cán bộ và chiến sĩ triệt để tuân theo:

1 - Cán bộ và chiến sĩ người nào, đơn vị nào giữ vững quyết tâm trong mọi tình huống, đặc biệt trong những tình huống khẩn trương gay go triệt để chấp hành mệnh lệnh cấp trên, chiến đấu anh dũng, tiêu diệt nhiều địch, bắt nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí, bắn rơi nhiều phi cơ v.v…, hoàn thành nhiệm vụ tác chiến thì được khen thưởng.

Người nào, đơn vị nào tỏ ra dao động, không triệt để chấp hành mệnh lệnh, lùi bước trước quân địch, do dự trước khó khăn, kiếm cớ trốn tránh nhiệm vụ thì bị trừng phạt.

2 - Cán bộ và chiến sĩ người nào, đơn vị nào giữ đúng kỷ luật bí mật, phòng không, phòng gian nhất là trong trường hợp hành quân, trú quân gần địch, không tiết lộ kế hoạch tác chiến và hành động của bộ đội thì được khen thưởng.

Người nào, đơn vị nào kém tinh thần cảnh giác, không giữ đũng kỷ luật bí mật, phòng không, phòng gian, để tiết lộ kế hoạch tác chiến và hành động của bộ đội, để lộ đường hành quân và vị trí trú quân, gây thiệt hại cho bộ đội, làm ảnh hưởng đến thắng lợi của chiến dịch, thì bị trừng phạt.

3 - Cán bộ và chiến sĩ người nào, đơn vị nào giữ đúng kỷ luật thời gian, hợp đồng chặt chẽ với đơn vị bạn, giữa bộ binh với pháo binh, giữa bộ binh với bộ binh v.v… hoàn thành nhiệm vụ tác chiến thì được khen thưởng.

Người nào, đơn vị nào không theo đúng kỷ luật thời gian, không phối hợp chặt chẽ với đơn vị bạn, khiến bản thân mình không làm tròn nhiệm vụ lại gây tổn thất và khó khăn cho đơn vị bạn thì bị trừng phạt.

4 - Cán bộ và chiến sĩ người nào, đơn vị nào, trong trường hợp chiến đấu gay go, thương vong nhiều mà vẫn tích cực khẩn trương, nhanh chóng chấn chỉnh bộ đội để chiến đấu liên tục, nắm vững thời cơ, tiêu diệt nhiều địch thì được khen thưởng.

Người nào, đơn vị nào không tích cực khẩn trương, chậm chạp, uể oải, không chú ý chấn chỉnh bộ đội, do đó bỏ qua cơ hội, không chiến đấu liên tục, không làm tròn nhiệm vụ thì bị trừng phạt.

5 - Cán bộ và chiến sĩ người nào, đơn vị nào cháp hành đúng chính sách thương binh tử sĩ, chính sách chiến lợi phẩm, chính sách tù hàng binh thì được khen thưởng.

Người nào, đơn vị nào không chấp hành đúng chính sách thương binh tử sĩ, hủy hoại hoặc sử dụng bừa bãi chiến lợi phẩm, bắn giết hành hạ tù hàng binh, thì bị trừng phạt.

                                                            Tháng 3 năm 1954

                                      TỔNG TƯ LỆNH QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

                                                                    Đại tướng

                                                             VÕ NGUYÊN GIÁP

Thực hiện đúng Quyết định đã ban bố, khi chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn đang trong giai đoạn gay go, ác liệt, Bộ Tổng tư lệnh đã nghiêm khắc kỷ luật và đưa ra Tòa án binh xét xử một số người vi phạm, làm gương răn đe cho bộ đội trên toàn mặt trận.

Báo Quân đội Nhân dân số 141, ngày 11/4/1954 đăng Thông báo Kỷ luật đối với hai đồng chí An, Huy ở mức độ cảnh cáo vì: Không điều tra nghiên cứu, nắm vững địch tình; không chấp hành mệnh lệnh làm trận địa xung phong đủ, không bố trí kế hoạch cụ thể đánh tung thâm đánh viện; không hoàn thành nhiệm vụ để thương vong nhiều cán bộ và chiến sĩ. Khai trừ Đảng tịch, quân tịch truy tố trước Tòa án binh Tiểu đoàn trưởng Kha vì đã giao động không chấp hành mệnh lệnh trong khi gặp khó khăn ở Đồi A1, tự ý bỏ bộ đội, chạy về sau trốn nhiệm vụ, không xứng đáng là một quân nhân cách mạng.

Ngày 11/4/2017, Tòa án binh mặt trận lần đầu tiên đưa ra xét xử vụ V.V.K cán bộ tiểu đoàn phạm kỷ luật chiến trường. Sau khi ông Chánh án Tòa án binh mặt trận nghe công tố viên buộc tội, các cán bộ và chiến sĩ cùng đơn vị V.V.K tố cáo, một số cán bộ và chiến sĩ căm phẫn đề nghị tòa xử tử hình đã kết luận và tuyên án V.V.K phạm các tội: “Bỏ nhiệm vụ tác chiến, không thi hành mệnh lệnh của trung đoàn trưởng, tự ý rút lui trước địch trong khi đang chiến đấu; hoang báo tình hình làm khó khăn cho sự chỉ đạo của cấp trên; không chấp hành mệnh lệnh của chính ủy trung đoàn, không trực tiếp lên mặt trận gặp trung đoàn trưởng để chuyển đạt nhiệm vụ và kế hoạch tác chiến. Như vậy V.V.K đã kháng mệnh lệnh trên, đã bỏ trốn nhiệm vụ, tự ý rút lui trước địch khi đơn vị đang tác chiến, do đó đã làm tổn hại đến xương máu của chiến sĩ và ảnh hưởng đến thắng lợi của trận đánh. V.V.K đã phạm kỷ luật chiến trường rất nặng không những không xứng đáng là một cán bộ mà còn không xứng đáng là một quân nhân của quân đội cách mạng chúng ta. Tội trạng của V.V.K theo sắc lệnh của Chính phủ và kỷ luật của quân đội phải xử tử, nhưng xét là lần đầu tiên phạm tội và cũng là lần đầu tiên tòa án binh xử tội phạm kỷ luật chiến trường nên tòa khoan hồng cho tội chết và tuyên án 10 năm tù, khai trừ khỏi quân tịch để làm gương cho toàn quân”.

Đến ngày 17/4/1954 Tòa án binh mặt trận tiếp tục sử 2 can phạm thuộc tổng trạm vận chuyển thương binh của Cục Quân y là Ngô Thanh - cán bộ tiểu đoàn, đội trưởng tổng trạm tải thương và Hoàng Long - cán bộ đại đội hiện làm chính trị viên phó tổng trạm tải thương vì đã làm trái mệnh lệnh chỉ thị của thượng cấp, phạm điều thứ 5 trong 5 điều kỷ luật chiến trường; thiếu tinh thần trách nhiệm trước cấp trên và binh sĩ; không tôn trọng chính sách thương binh tử sĩ của Chính phủ, cụ thể là không trông nom săn sóc thương binh đầy đủ. Để bảo đảm việc chấp hành kỷ luật chiến trường nghiêm ngặt; để bảo đảm việc châp hành chính sách thương binh của Chính phủ; để giáo dục tinh thần trách nhiệm cho toàn thể cán bộ Quân y, Cung cấp và cho các cấp chỉ huy quân sự và chính trị, Tòa tuyên án phạt Ngô Thanh khai trừ quân tịch, 2 năm tù; Hoàng Long khai trừ quân tịch, 1 năm tù.

Tuy nhiên đó chỉ là những trường hợp cá biệt không tránh khỏi trong điều kiện khó khăn, gian khổ và kéo dài của chiến dịch Điện Biên Phủ. Điều đáng nói là bên cạnh số ít những thành phần xấu là rất nhiều tấm gương hi sinh anh dũng, chiến đấu dũng cảm, nhiều đơn vị lập công xuất sắc, nhiều cá nhân diệt được nhiều giặc, có những sáng kiến hay trong chiến đấu, lao động và sinh hoạt được nêu gương, biểu dương, được Báo Quân đội Nhân dân ca ngợi. Bộ Tổng tư lệnh cũng nhiều lần tặng thưởng Huân, huy chương ngay tại mặt trận kịp thời động viên tinh thần, khích lệ cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận học tập, noi theo.

Quân đội của chúng ta là quân đội có kỷ luật sắt đá và nghiêm minh. Càng trong chiến đấu, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật càng trở nên quan trọng, chính đáng, bảo vệ kỷ cương, mệnh lệnh của Chính phủ, quyền lợi của quần chúng vì một mục tiêu cao đẹp là dành độc lập cho dân tộc. Xử phạt kịp thời, sáng suốt những người vi phạm đã có tác dụng răn đe, giáo dục nhưng cũng đồng thời để lộ những khuyết điểm nghiêm trọng về tư tưởng, chính sách, tác phong và giáo dục cán bộ chiến sĩ. Trước khó khăn, gian khổ, nếu có tinh thần trách nhiệm, nếu có tinh thần đồng đội và đặt lợi ích của tập thể lên trên thì những sự việc đáng tiếc như đã nêu là có thể tránh được./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.710
      Online: 45