Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Tổng quân ủy, Liên khu ủy khu V và Đảng ủy tư lệnh Liên khu quyết định chọn Đông Bắc Kon Tum là hướng chính trong kế hoạch tấn công lên Tây Nguyên. Chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ, ta giải phóng tỉnh Kon Tum, tiêu diệt 2.600 sinh lực địch.

Ngày 20/1/1954, Navarre huy động 30 tiểu đoàn cơ động mở cuộc hành binh Át-lăng tiến công vào Tuy Hòa (Phú Yên). Trước âm mưu và hành động quân Pháp, quán triệt phương châm chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bộ Tổng tham mưu, Khu ủy Khu V quyết định mở chiến dịch Bắc Tây nguyên. Phương châm tác chiến là: “chỉ sử dụng bộ đội địa phương, du kích và một bộ phận nhỏ quân chủ lực để đối phó với quân Pháp, bảo vệ hậu phương, còn đại bộ phận quân chủ lực tập trung tiến công ở hướng chính phía Đông Bắc Kon Tum, hướng phối hợp trên đường 19”. Đồng chí Nguyễn Chánh Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu - người vừa mới ra Việt Bắc dự và nhận nhiệm vụ tại Hội nghị Bộ Chính trị (9/1953) trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy chiến dịch.

Mục tiêu của chiến dịch này là kiểm soát được thị xã Kon Tum và một số vị trí chiến lược quan trọng ở Bắc Tây nguyên; tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch; buộc Navarre phải bỏ dở cuộc hành quân Át-lăng, rút lực lượng lên ứng cứu cho Tây Nguyên khiến kế hoạch tập trung binh lực của Pháp bị phá vỡ, phối hợp chặt chẽ với mặt trận chính Điện Biên Phủ.

Cuối tháng 1/1954, công tác chuẩn bị cho chiến dịch đã hoàn thành, các đơn vị và lực lượng tham gia đã tập kết đúng nơi quy định, chờ lệnh nổ súng. 23 giờ 30 phút ngày 27/01/1954, chiến dịch bắt đầu. Trên hướng chính, Tiểu đoàn 97 của Mặt trận Miền Tây phối hợp với Tiểu đoàn 89 (Trung đoàn 108) tấn công vào cứ điểm Măng Bút (gồm 2 đại đội địch), cuộc chiến diễn ra rất ác liệt. Đến 5 giời sáng ngày 28/01/1954, cứ điểm Măng Bút bị ta tiêu diệt hoàn toàn. Cùng thời gian, Trung đoàn 108 của ta được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Măng Đen (gồm 3 đại đội), được coi là xương sống của địch ở Đông Bắc Kon Tum, cuộc chiến kéo dài tới 8 giờ đồng hồ ta mới làm chủ được trận địa. tiêu diệt 1.200 địch, thu 500 súng các loại.

Sau đó ta tiến lên phía Bắc Kon Tum, 1000 địch ở các vị trí Đắc Tô, Đắc Sút, Đắc Pét trên đường chiến lược số 14 hoảng sợ bỏ chạy bị quân ta truy kích, tiêu diệt và bắt sống gần hết.

Ngày 07/02/1954, ta tiến về giải phóng thị xã Kon Tum và truy kích cánh quân địch chạy về Playku, tiêu diệt vị trí Đắc Pớt ở phía Nam cắt đứt đường số 19 từ Playku về An Khê. Địch hoảng hốt phải điều 1 bộ phận quân cơ động từ Tuy Hòa lên tăng viện cho Playku và đường số 19. Nhưng đến ngày 18/2, ta lại mở đợt tấn công tiêu diệt vị trí Đắc Đoa là 1 chỉ huy sở tiểu khu trực tiếp án ngữ cho thị xã Playku về phía Đông Bắc, diệt và bắt sống 150 lính Âu - Phi thuộc trung đoàn cơ động của Pháp ở Triều Tiên mới về. Cùng ngày, ta tập kích vào thị xã Playku và thị trấn Biển Hồ, tiêu diệt hơn 2 đại đội địch, phá hủy nhiều kho tàng, đạn dược của chúng.

22 ngày chiến đấu anh dũng ở phía Bắc Tây Nguyên, ta tiêu diệt 2.600 tên địch, thu trên 1.000 vũ khí các loại, 150 tấn đạn, giải phóng toàn bộ tỉnh Kon Tum rộng 14.000km2 gồm 20 vạn dân, với các dân tộc Gia Rai, Xê Đăng, Ba Na, Kà Giàng. Vùng giải phóng giáp giới 3 tỉnh tự do Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và khu giải phóng Hạ Lào.

Ngay sau chiến thắng Kon Tum, Trung ương Đảng đã gửi điện cho quân và dân Tây nguyên, bức điện viết: “Liên khu V đã thành công vượt mức. Cần liên tục chiến đấu, khuyếch trương thắng lợi, phối hợp với toàn quốc. Ra sức tranh thủ củng cố vùng giải phóng, tranh thủ phát triển vào Nam với phương châm: đánh địch đằng trước kết hợp chiến tranh du kích vùng địch hậu. Liên tục chiến đấu trong một thời gian dài để khoét sâu nhược điểm của địch. Tác chiến kết hợp với xây dựng, tiêu diệt kết hợp với củng cố địa phương”. Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi thư cho bộ đội nêu rõ: “Thắng lợi Kon Tum là một thắng lợi to lớn của ta trên chiến trường miền Nam, nó cũng là một trong những thắng lợi to lớn của ta trong mùa xuân này trên chiến trường toàn quốc”.

Chiến thắng Kon Tum là chiến thắng lớn đầu tiên trên chiến trường miền Nam, đánh dấu bước tiến bộ mới của bộ đội chủ lực Liên khu 5. Chiến thắng này chứng tỏ sự chỉ đạo sáng suốt của Hồ Chủ tịch, Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh đã chỉ thị cho bộ đội Liên khu 5  nắm vững thời cơ, chọn nơi sơ hở của địch mà đánh mạnh trong khi chủ lực của chúng bị phân tán và giam chân ở Điện Biên Phủ, Luông phabang, Trung Lào và bị sa lầy ở mặt trận Tuy Hòa. Kết quả, ta giành được nhiều thắng lợi to lớn./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 698.292
Online: 33