Hiểm họa rác thải nhựa hiện đang là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu, bởi chúng có tác động xấu đến sức khỏe và cả môi trường sống của chính chúng ta. Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc, mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và khoảng 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói. Từ năm 1969 đến nay, lượng nhựa tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và sẽ có tăng nhanh theo cấp số nhân trong tương lai.

Theo báo cáo của Hiệp hội nhựa, năm 2015, Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn nhựa, trong đó, khoảng 80% nguyên liệu nhập khẩu sử dụng từ nhựa phế liệu. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8kg/năm/người năm 1990, tăng lên 41kg/năm/người vào năm 2015. Bộ TN&MT ước tính, trung bình mỗi người sử dụng, thải bỏ 1 túi nilon/ngày, mỗi năm có khoảng hơn 31,4 tỉ túi nilon bị thải ra nhưng chỉ có khoảng 17% trong số này được tái sử dụng. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa “ô nhiễm trắng”. Theo đó, phải mất hàng trăm, hàng nghìn năm thì các chất thải từ nhựa và nilông mới bị phân hủy. Chúng cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật, làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, thu hẹp không gian sống của sinh vật và gây độc cho môi trường

Cũng theo phát biểu của Liên Hợp Quốc thì lượng rác thải mà mỗi năm thế giới thải ra môi trường này đủ để bao quanh trái đất 4 lần, số lượng này còn không ngừng tăng lên mỗi ngày.  

Rác thải nhựa có thời gian phân huỷ dài, và trong quá trình phân huỷ lên đến cả 100 năm thậm chí 1000 năm đó, chúng sẽ bị phân rã thành các mảnh nhựa siêu nhỏ. 

Những hạt vi nhựa (microplastic) này đi vào nguồn nước, đất, không khí, thức ăn… và khi con người tiếp xúc, ăn phải những mảnh vi nhựa này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. Đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như mất cân bằng hoóc-môn, bệnh về hô hấp, bệnh về thần kinh… 

Ngoài ra, theo các nhà khoa học việc xử lý rác thải nhựa bằng cách đốt cũng gây ra nhiều nguy hiểm cho sức khoẻ cả cộng đồng. Khi đốt rác thải nhựa sẽ tạo ra khí dioxin và fura… gây khó thở, rối loạn tiêu hoá, làm tăng khả năng ung thư…

Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết hiện trên biển có khoảng 393 triệu tấn nhựa đang phân tán khắp nơi và trở thành mối đe dọa nguy hiểm cho sinh vật biển.

Có đến hơn 260 loài sinh vật biển bị vướng hay ăn phải các mảnh rác thải nhựa trên biển, gây phá hủy tế bào, tác động xấu tới hệ tiêu hóa… hoặc làm tắc khí quản gây ngạt thở. Theo thống kê, bình quân trong mỗi con cá chứa khoảng 2.1 mảnh vi nhựa. Đây chính là nguyên nhân gây tử vong cho nhiều loài động vật. 

Việc trong sinh vật biển chứa nhiều mảnh vi nhựa, các rác thải nhựa trôi nổi trên biển, cũng là nguyên nhân gây phá huỷ hay suy giảm đa dạng sinh học, làm thay đổi cấu trúc, thành phần của hệ sinh thái biển.

Ngoài ra, rác nhựa gây ra một bãi rác khổng lồ trên biển, làm ô nhiễm trầm trọng môi trường biển, khiến nhiều sinh vật biển không còn “nhà” để sống và phát triển.

Chất thải nhựa do khó phân huỷ nên khi xử lý bằng cách chôn lấp sẽ tồn tại cả trăm năm dưới đất. Lúc này các hạt vi nhựa bị phân rã sẽ làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, hoặc gây ra thay đổi tính chất vật lý của đất, làm đất không giữ được nước, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh. 

Còn với những rác thải nhựa do bị vứt hoặc bị cuốn trôi theo nước mưa xuống cống, sông, hồ, sông… sẽ làm thu hẹp diện tích ao, hồ, sông; gây cản trở các dòng chảy, tắc cống rãnh thoát nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt của con người…

Nhận thức rõ những nguy hiểm của rác thải nhựa đối với sức khoẻ con người và môi trường, Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã tuyên truyền đến toàn thể viên chức và người lao động những tác hại của rác thải nhựa, từ đó đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cá nhân trong việc thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần, túi tự phân huỷ... Do đặc thù của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là đơn vị đón tiếp, phục vụ đông đảo các đối tượng khách tham quan nên việc đảm bảo cảnh quan, vệ sinh môi trường có vai trò rất quan trọng. Để xử lý lượng rác thải lớn từ khách tham quan, đặc biệt là rác thải nhựa, chai nước, bao bì, túi nilon… đơn vị thường xuyên tổ chức cho viên chức, lao động tiến hành vệ sinh môi trường, cải tạo cảnh quan, thu gom, phân loại rác thải tại khu vực Bảo tàng. Hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, vì một môi trường “Không rác thải nhựa”.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.823
      Online: 34