Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau khi loại bỏ được hoạt động của sân bay Mường Thanh, để tiếp tế cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Pháp phải thả những dù hàng từ trên cao xuống. Hơn nửa số dù hàng đó rơi vào tay bộ đội Việt Nam, trong đó có khá nhiều hàng hóa, vật dụng có giá trị. Đó là những thắng lợi của quân ta ngay tại mặt trận, khiến cho tình cảnh quân đồn trú Pháp ngày càng nguy khốn, mất tinh thần chiến đấu và thất bại thảm hại tại Điện Biên Phủ
Chỉ 5 ngày sau khi nổ súng tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ta đã dành được những thắng lợi quan trọng tại Him Lam, Độc lập, Bản Kéo, mở cửa phía Bắc và Đông Bắc vào trung tâm Mường Thanh. Hội nghị triển khai kế hoạch hành động trong đợt tấn công thứ hai dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 3 được tiến hành, trong đó ta tập trung lực lượng thiết kế những đường giao thông hào xung quanh tập đoàn cứ điểm của địch, siết chặt vòng vây tạo thành những “thòng lọng” nhỏ dần về phía Sở chỉ duy của địch.
Bằng nhiều cách, ta đẩy mạnh tiêu diệt địch, phong trào “săn Tây bắn tỉa” nổi lên tại các đơn vị bộ đội. Với những tính toán về hiệu quả và tính khả thi của việc vận chuyển bằng đường hàng không, nhưng từ sau khi kết thúc giai đoạn một của cuộc chiến, thời tiết tại Điện Biên Phủ ngày càng trở nên xấu hơn khiến cho thế mạnh về không quân của Pháp gần như bị tê liệt, không phát huy tác dụng. Giao thông hào xuất hiện chung quanh các cụm cứ điểm. Các trận địa pháo mặt đất và pháo cao xạ mọc lên dày đặc xung quanh các dãy đồi cao, hỏa lực phòng không cũng ngày được xiết chặt trên bầu trời. Tình thế của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đang theo chiều hướng xấu. Việc thả dù và di tản thương binh ngày càng khó khăn hơn. Máy bay hạ cánh một cách gấp rút trong vài phút rồi lại phải bay đi do luôn bị pháo kích dữ dội. Không lâu sau đó việc hạ cánh ban ngày cũng không thực hiện được, máy bay phải đáp xuống vào ban đêm, trên một đường băng không được chiếu sáng. Và mặc dù phi công đã rất can đảm nhưng cuối cùng quân đội Pháp đã phải hủy bỏ hoàn toàn việc di tản thương binh bằng máy bay. Chiếc trực thăng cuối cùng bị bắn rơi lúc cất cánh vào ngày 23/3. Chiếc máy bay cuối cùng di tản thương binh vào ngày 26/3. Đến ngày 30/3 1954 không một chiếc máy bay nào tiếp cận được với Sân bay Mường Thanh. Điều này cho thấy, cầu hàng không mà Bộ chỉ huy Pháp đặt rất nhiều kỳ vọng trên thực tế lại không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cấp thiết của Tập đoàn cứ điểm khổng lồ tại Điện Biên Phủ.
Từ ngày 30/3, là giai đoạn quyết định của trận đánh. Các cuộc tiến công vào các cụm cứ điểm phía Đông và một số vị trí bảo vệ sân bay ở phía Tây, các trận địa pháo và lô cốt, hầm công sự của Pháp ngày càng trở nên dữ dội. Bộ đội ta nhanh chóng chiếm được các điểm tựa quan trọng nhất, pháo binh và pháo cao xạ ngày càng được đưa vào gần phân khu trung tâm. Đêm 1/4, ta đột nhập bất thần vào vị trí 106 bảo vệ sân bay về phía Tây và tiêu diệt gọn. Đêm 2/4, uy hiếp cứ điểm 311A ở phía Tây rồi chiếm hẳn vị trí này. Đêm 18/4, diệt vị trí 105 bảo vệ phía Bắc sân bay. Trận địa bao vây của ta từ phía Đông, Tây, Bắc cũng tiến vào sân bay, cắt ngang sân bay và cuối cùng Sân bay Mường Thanh đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Phạm vi chiếm đóng ngày càng bị thu hẹp. Quân Pháp không thể tiếp cận được với sân bay. Mọi tiếp viện cho Điện Biên Phủ chỉ còn trông chờ vào dù tiếp tế. Lính được thả dù vào ban đêm còn thực phẩm và đạn dược vào ban ngày. Tuy nhiên, Pháp không thể thường xuyên duy trì được các hoạt động tiếp tế đó. Phong trào “săn tây bắn tỉa” của ta ngày càng phát triển, máy bay Pháp buộc phải bay cao hơn và thả dù từ độ cao hơn 2.000m, cộng với gió mạnh khiến nhiều dù thả đồ tiếp tế rơi không đúng chỗ, lạc sang trận địa bao vây của đối phương. Pháo cao xạ của ta kiểm soát chặt chẽ và làm chủ bầu trời. Hoạt động không quân bị thu hẹp lại, tinh thần sĩ quan, binh lính Pháp căng thẳng và sút kém trông thấy.
Thời gian này, hầu như đêm nào bộ đội ta cũng đoạt được dù tiếp tế. Gạo, bánh mỳ, rau xanh, thuốc lá, kẹo, đồ hộp, có cả đá lạnh, Giữa mặt trận, lại cách xa hậu phương, bữa cơm bộ đội chủ yếu là cá khô, lạc, rau rừng, nay thu được những chiến lợi phẩm này quả là rất đáng quý, bữa ăn của bộ đội thường xuyên được cải thiện. Có những thùng hàng gồm rất nhiều dăm bông, xúc xích, bò bít tết, rượu vang, bánh bích quy, nho khô, kẹo ngọt, socola, đường, sữa, bộ đội ta lại được những bữa liên hoan nho nhỏ; anh nuôi tại các đơn vị phấn khởi trông thấy.
Bộ đội ta còn đoạt được kiện hàng gồm toàn dụng cụ y tế mới toanh gồm đủ các loại, trong đó có cả những túi máu khô thuộc nhiều nhóm máu khác nhau mà ta chưa từng có. Đây là những thứ hàng quý hiếm, vô cùng cần thiết đối với công tác quân y trong điều kiện thiếu thốn tại mặt trận, góp phần cứu chữa thương binh khi cuộc chiến đang vào giai đoạn gay go, ác liệt nhất. Rồi cả đạn pháo 105mm, tuy không nhiều nhưng cũng đủ phấn chấn với các đơn vị lựu pháo bởi ta đang thiếu loại đạn đại bác này. Ta đã sử dụng chính những chiến lợi phẩm này, dội ngược lại vào đội hình quân địch, khiến chúng khiếp vía.
Tại nhiều đơn vị cuộc sống sinh hoạt cũng được nâng cao. Bộ đội ta ngủ trên những lớp dù dầy, êm không khác đệm là mấy. Dù cũng được căng, trải khắp nóc, tường hầm, hào với đủ màu sắc bắt mắt. Có thuốc lá để hút, có dao cạo râu, nhiều anh em còn có áo may ô để mặc, có nước hoa để sức. Sau chiến thắng, nhiều chiến sĩ còn có quà về cho gia đình, người thân chính từ những dù hàng đã đoạt được.
Rất nhiều dù hàng không chỉ bị mất vào tay Quân đội Việt Nam mà còn bị chính những tên lính Pháp đói khát giấu kín để dùng dần, thậm chí chúng còn đánh chém lẫn nhau để tranh đoạt thức ăn, đồ uống. Cuối tháng 4/1954, De Castries được thăng cấp Thiếu tướng cùng một loạt sĩ quan tùy tùng dưới quyền. Đây là một động thái nhằm khích lệ tinh thần quân đồn trú Pháp trong khi Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đang ngày càng nguy khốn. Hà Nội gửi lên một dù hàng trong đó có lon Thiếu tướng của De Castries, những vật phẩm để liên hoan, thư và những đồ mừng vợ De Castries gửi riêng cho chồng được thả xuống Điện Biên Phủ bằng đường hàng không. Số phận thùng hàng đó không biết đi tới đâu nhưng chưa bao giờ đến được tay De Castries. Trong đêm liên hoan mừng lên cấp được tổ chức một cách ảm đạm ngày 25/4, De Castries đeo tạm lon được chế tác từ vỏ hộp bia, nhấp những ngụm rượu vang chua chát mà tinh thần lo nhiều hơn là vui. Tài liệu sau này ghi rằng, dù hàng đó được thả lạc xuống Đồi C1, một lính Pháp nhặt được, bên ngoài ghi rõ gửi tận tay cho De Castries, nhưng tên lính đó lại tò mò mở kiện hàng ra xem, thấy có 2 chai rượu ngon bị vỡ nên không dám gửi cho cấp trên nữa. Lon Thiếu tướng của De Castries bị chôn đi, còn lại vật phẩm thì lính Pháp đó chiếm thành của mình, mãi 20 năm sau mới dám tiết lộ thông tin.
Dù biết Quân đội Việt Nam chiếm được nhiều hàng tiếp tế nhưng Pháp vẫn buộc phải thả dù, bởi chúng không còn lựa chọn nào khác. Nếu muốn thả dù đúng vị trí cần xuống thấp hơn, nhưng giữa những cơn mưa đạn pháo của ta khi chỉ cần thấy bóng dáng máy bay Pháp, chúng biết không thể mạo hiểm. Để duy trì sự sống cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chúng vẫn phải tiếp tế thả dù với số lượng ngày càng tăng dần, với hi vọng dù không thể lật ngược được tình thế thì cũng duy trì chiến đấu cho đến khi đạt được những thỏa thuận có lợi tại Hội nghị Giơnevơ sắp bàn tới vấn đề Đông Dương đang diễn ra tại Thụy Sĩ.
Chưa có tài liệu thống kê chính xác ta đoạt được bao nhiều dù tiếp tế của Pháp, số liệu ước chừng khoảng hơn 1/3 dù hàng Pháp thả xuống Điện Biên Phủ được cho là tương đối gần nhất với thực tế./.