Điện Biên là tỉnh miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tổ quốc, là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, được du khách và bạn bè quốc tế biết đến không chỉ bởi phong cảnh hùng vĩ, sự đa dạng về văn hóa của 19 dân tộc, mà còn bởi hệ thống các di tích lịch sử cách mạng gắn với công cuộc dựng nước và giữ nước của cha ông. Nhắc đến Điện Biên là nhắc đến một trong những chiến trường ác liệt nhất gắn với chiến thắng vĩ đại làm chấn động thế giới, nơi kết thúc cuộc chiến tranh thần thánh chống Thực dân Pháp xâm lược. Lịch sử đấu tranh giành độc lập trên mảnh đất Điện Biên là những trang sử hào hùng, là chiến công hiển hách của thế hệ đi trước, là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên hôm nay.

 

Chiến dịch Điện Biên Phủ được bắt đầu từ ngày 13/3/1954, phát triển qua 3 giai đoạn, đến ngày 7/5/1954 đã kết thúc thắng lợi rực rỡ. Thắng lợi quân sự trên chiến trường Điên Biên của ta đã buộc thực dân Pháp và quan thầy Mỹ phải đặt bút ký Hiệp định Giơnevơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương

Di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ là bằng chứng về chiến thắng lẫy lừng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, thể hiện ý chí quyết tâm của cả dân tộc trước một lực lượng quân sự có đủ cả phương tiện chiến tranh hiện đại. Chiến thắng Điện Biên Phủ cho thấy sự lãnh đạo sáng suốt với nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Về ý nghĩa của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: "Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến lược quy mô lớn, tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương hồi bấy giờ của đội quân viễn chinh xâm lược Pháp được đế quốc Mỹ giúp sức. Thắng lợi rực rỡ của trận quyết chiến lược ấy đã có ý nghĩa quyết định đối với toàn cục diện quân sự và chính trị trên chiến trường Đông Dương, đến thành công của Hội nghị Giơ-ne-vơ, đưa cuộc kháng chiến lâu dài anh dũng của quân dân ta chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đến thắng lợi vĩ đại" và "Điện Biên Phủ vĩnh viễn được các dân tộc trên thế giới ghi nhớ như là một trong những trang sử huy hoàng nhất của phong trào giải phóng dân tộc của hàng  triệu người trên trái đất".

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1272/QĐ-TTg, ngày 12/8/2009).

63 năm qua, khu vực diễn ra trận Điện Biên lừng lẫy toàn cầu đã có nhiều thay đổi, nhưng những di tích liên quan đến sự kiện lịch sử đặc biệt này vẫn luôn được quan tâm bảo vệ và phát huy giá trị.

Nếu khi xưa, Điện Biên Phủ là những hệ thống công sự, hầm, hào từng được tôn vinh là “Biểu tượng của đại Pháp”, thì ngày nay vẫn mảnh đất đó, nhưng những hầm hào, công sự đã trở thành di tích của một chiến thắng lớn của dân tộc. Từ sau năm 1964 vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị của Di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ bắt đầu được quan tâm đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo và phục vụ tham quan. Đặc biệt là năm 2004 kỷ niệm 50 năm, năm 2014 kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, với sự quan tâm của Đảng, nhà nước, khu di tích đã được đầu tư khoản kinh phí khá lớn cho việc trùng tu tôn tạo, Vì vậy, khá nhiều các hạng mục công trình hiện nay đang tồn tại trong tình trạng kỹ thuật khá tốt, hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng đã thực sự đem lại hiệu quả rõ nét, là nền tảng cho sự phát triển du lịch. Đối với những di tích quan trọng, có giá trị đã đưa vào phục vụ khách tham quan nổi bật là các di tích tiêu biểu như: Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, Di tích Đường kéo pháo, Đồi A1, hầm Đờ Cát, Di tích đồi D1 (Tượng đài chiến thắng). Công trình Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ  được hoàn thành với hệ thống trưng bày ấn tượng, độc đáo, với gần 1.000 tài liệu, hiện vật và nhiều cảnh tượng cảnh quan lịch sử đã tái hiện sinh động 56 ngày đêm của chiến dịch. Năm 2016  Điện Biên đón khoảng gần 400.000 lượt khách trong nước và quốc tế tới tham quan, tìm hiểu và số lượng này tăng lên mỗi năm.

Hiện nay, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên đang nỗ lực hết mình với việc đẩy mạnh các nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh giao nhằm đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân cả nước. Một trong các nhiệm vụ đó là việc tăng cường các hoạt động bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị  của Di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ, cụ thể là: đảm bảo an toàn, an ninh trật tự và thường xuyên tu sửa, bảo quản tại các điểm di tích lịch sử. Bên cạnh đó những nội dung lịch sử, thuyết minh tại các điểm di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ được chỉnh sửa, bổ xung, đáp ứng nhu cầu thực tế.

 Nhằm phát huy giá trị to lớn của các di tích lịch sử chiến tường Điện Biên Phủ, ngoài việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo, ngành còn đặc biệt chú ý tới việc đổi mới phương pháp trưng bày tại nhà Bảo tàng và tại các điểm di tích để thấy được tính nghệ thuật, sự phong phú, hấp dẫn của các hiện vật và làm sống lại cuộc kháng chiến trường kỳ sau hơn nửa thế kỷ. Cùng với các nội dung trên là việc đào tạo, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho thuyết minh viên, hướng dẫn viên tại các diểm di tích, đây là việc được làm thường xuyên và hiệu quả trong thời gian qua.

Hoạt động khai thác, phát huy giá trị của các di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ đã được quan tâm, nâng cao chất lượng công tác thuyết minh, hướng dẫn tại các điểm di tích bằng cách tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên Du lịch và các Thuyết minh viên tại điểm đạt yêu cầu cả về trình độ, ngoại ngữ, cách giao tiếp, ứng xử với khách. Đây cũng là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị lịch sử của các di tích nói chung, Di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ nói riêng

 Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ trong những năm qua  đã đạt được hiệu quả tích cực. Tuy nhiên vẫn còn một số bất cập.Vấn đề cần nói đến đầu tiên, cũng là nỗi lo chung của toàn ngành là vốn đầu tư dành cho công tác Bảo tồn tôn tạo, trùng tu các di tích còn thiếu và yếu. Với những dự án được đầu tư thì còn dàn trải, không tập trung ảnh hưởng tới chất lượng của công trình. Vì vốn ít nên việc đầu tư mới chủ yếu ở những di tích quan trọng, gần trung tâm, còn đối với những di tích xa trung tâm thì hầu như vẫn còn bỏ hoang, chưa được quy hoạch, khoanh vùng;  kéo theo đó vấn đề về nhân lực tại các điểm di tích cũng hạn chế. Hiện nay Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ mới có 45 điểm di tích thành phần được công nhận, nhưng  việc Bảo tồn, tôn tạo mới chỉ tập trung vào một số di tích tiêu biểu như Đồi A1, Sở chỉ huy Mường Phăng, hầm Đờ Cát, Đường kéo pháo, Trận địa pháo..., còn lại các di tích xa trung tâm như: Sở chỉ huy Thẩm Púa; Sở chỉ huy Huổi He; Đài quan sát của Sở chỉ huy Mường Phăng; Sở chỉ huy của các trung đoàn, đại đoàn; Bệnh viện tiền phương; Trụ sở Báo Quân đội nhân dân… chưa được khoanh vùng cắm mốc và đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo. Bên cạnh đó, tác động của thiên nhiên, thời tiết, các yếu tố ngoại vi mà đặc biệt là trải qua thời gian khá dài các di tích đang mất dần các yếu tố gốc và bị bào mòn trầm trọng. Ngày càng nhiều các hộ dân cư sinh sống xung quanh đang làm thay đổi môi trường, cảnh quan di tích, thậm chí là tình trạng xâm lấn di tích cũng đang diễn ra ngày càng nhiều khiến cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di tích bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 Ngoài ra, một trong những cơ sở để thực hiện công tác Bảo tồn và phục hồi di tích đó là những thông tin, tư liệu do các nhân chứng lịch sử cung cấp, những chứng cứ khoa học liên quan đến Di tích chiến trường Điện Biên Phủ  ngày càng ít, sẽ vô cùng khó khăn cho công tác Bảo tồn và phục dựng lại những yếu tố cấu thành di tích để đảm bảo tính chân thực của lịch sử đối với sự kiện đã diễn ra hơn 60 năm.

Việc đầu tư cho công tác Bảo tồn, tôn tạo và phục hồi di tích chưa thực sự gắn với việc khai thác, phát huy giá trị của di tích với tư cách là sản phẩm du lịch. Nhiều di tích còn thiếu hụt các công trình phụ trợ, các khu quản lý và dịch vụ, giao thông đi lại gặp khó khăn.

Do tính chất đặc thù của loại hình di tích lịch sử, lại phải chịu những tác động mạnh mẽ của điều kiện tự nhiên và với thực trạng di tích trên địa bàn tỉnh hiện nay, đã và đang đặt ra những vấn đề cấp bách trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích trong thời gian tới.

Trong năm 2013, tỉnh Điện Biên đã tiến hành điều tra, kiểm kê di tích trên toàn tỉnh. Đây là hoạt động quan trọng nhằm nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học, pháp lý cho di tích, là căn cứ để khoanh vùng, quy hoạch và tiến tới phân loại xác định thứ tự ưu tiên đầu tư để khai thác phục vụ phát triển du lịch.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng trực tiếp quản lý  di tích đẩy mạnh việc nghiên cứu, bổ xung thông tin khoa học cho di tích, sưu tầm các tư liệu, hiện vật liên quan đến di tích, khai thác các nguồn tài liệu, nhân chứng một cách toàn diện.

Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị di tích, phối hợp với chính quyền và nhân dân tại các địa bàn có di tích cùng phối hợp bảo vệ di tích, chống các hoạt động phá hoại di tích, nâng cao sự hiểu biết và nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị  di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó công tác xã hội hóa trùng tu tôn tạo di tích cũng được đẩy mạnh và đã thu được những kết quả đáng kể. Hiện nay đối với một số di tích và hiện vật ngoài trời của di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ đã được xây dựng công trình mái che. Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục kêu gọi, vận động toàn xã hội sẽ chung tay cùng tỉnh Điện Biên trong hoạt động có ý nghĩa này.

Di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ  là các chứng tích chiến tranh và hầu hết tồn tại ở dạng phế tích nên việc tu bổ, tôn tạo gặp nhiều khó khăn không chỉ kinh phí mà còn về các phương án, mức độ và tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, để quản lý, bảo vệ và khai thác phát huy giá trị của Di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ phục vụ cho chiến lược phát triển du lịch chung của cả tỉnh, thiết nghĩ cần có những giải pháp đồng bộ như sau:

- Thực hiện nghiêm túc Luật Di sản Văn hóa và các thông tư, chỉ thị của các Bộ ngành trung ương trong việc tăng cường công tác bảo vệ và giữ gìn Di sản Văn hóa. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong việc đưa nội dung giáo dục ý thức bảo vệ Di sản Văn hóa vào các chương trình học của ngành Giáo dục.

- Tuyên truyền giáo dục bằng mọi phương tiện thông tin đại chúng như: sách, báo, tạp chí, phim ảnh, phóng sự để mọi tầng lớp nhân dân nhận thấy tầm quan trọng của việc giữ gìn bảo vệ Di sản Văn hóa nói chung và Di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ nói riêng.

- Cần có sự quan tâm đầu tư kịp thời nguồn kinh phí cho công tác Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ  trước khi những yếu tố gốc của di tích bị mai một và mất đi hoàn toàn sẽ là khó khăn lớn cho việc phục hồi giữ gìn những giá trị to lớn của di tích, ảnh hưởng không nhỏ trong việc giáo dục truyền thống đến các thế hệ mai sau.

- Khi Quy hoạch phát triển đô thị cần có sự quan tâm định hướng quy hoạch không gian Bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử cách mạng. Đặc biệt là di tích chiến trường Điện Biên Phủ hiện tại đang nằm đan xen với các khu dân cư, khu đô thị, cần tính toán đảm bảo hài hòa giữa vấn đề Bảo tồn và phát triển, tránh quy hoạch giao thông đi lại cắt ngang di tích. Ngoài ra quy hoạch cần đề xuất tính toán cơ cấu phân khu chức năng gồm: khu Bảo tồn di tích; khu dân cư; khu đô thị - nông thôn; khu phát triển các dịch vụ công cộng, dịch vụ du lịch; vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên để phù hợp với định hướng bảo tồn và phát huy giá trị khai thác tiềm năng phát triển du lịch

- Quan tâm hỗ trợ kinh phí cho tỉnh với các Dự án đầu tư đồng bộ cho di tích, từ việc tôn tạo phục hồi những yếu tố gốc tới tôn tạo cảnh quan sân vườn, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, phòng cháy, chống trộm, xây dựng các khu quản lý và dịch vụ, đầu tư cơ sở hạ tầng hệ thống giao thông đi lại để các điểm di tích trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.    

 - Cần nghiên cứu cải tiến và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý di sản hiện nay theo một cơ chế tách bạch, rành rọt, thực hiện được ba chức năng lớn: bảo vệ, trùng tu, khai thác.

Với tinh thần nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã đề ra: lấy mục tiêu phát triển du lịch làm kinh tế mũi nhọn thì việc quản lý bảo vệ và khai thác phát huy giá trị các di tích lịch sử trong đó có Di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ nếu được thực hiện đồng bộ sẽ đem lại hiệu quả vô cùng lớn./.

- Vũ Nga -


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 698.008
Online: 81