Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là đỉnh cao của trí tuệ quân sự Việt Nam, chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Pháp, ánh sáng soi đường của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Chiến thắng ấy là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó sự thay đổi phương châm chiến đấu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào phút chót có ý nghĩa quyết định tới cục diện trận đấu.
Cuối năm 1953, đúng như kế hoạch đã đề ra, người Pháp bắt tay vào xây dựng ở Điện Biên Phủ một tập đoàn cứ điểm quân sự phòng thủ chưa từng có ở Đông Dương nhằm thu hút quân chủ lực Việt Nam để giao chiến. 49 cứ điểm nằm trong 8 cụm cứ điểm chia làm ba phân khu Bắc, Trung, Nam dọc thung lũng Mường Thanh là những pháo đài quân sự được đánh giá là “không thể công phá”. Bằng sức mạnh không quân uy lực, hệ thống bảo vệ từ hàng rài dây thép gai, những bãi mìn chi chít dày đặc đến hệ thống vũ khi, máy móc, xe tăng thuộc loại hiện đại nhất thế giới và những lính chiến dũng mãnh đủ các thành phần từ lính Lê dương, Âu, Phi từng tham gia chiến tranh thế giới thứ hai tập trung tại Điện Biên Phủ cho thấy Pháp cũng dồn mọi nỗ lực vào trận chiến này. Đều là những người được đánh giá rất cao, từ Navarre cho đến Cogny và De Castries đều cố công biến Điện Biên Phủ thành “máy xay thịt”, tiêu diệt Quân đội Việt Nam, đàn áp phong trào cách mạng đang phát triển, trở lại vị trí thống trị tại đất nước này.
Tới chiến dịch Điện Biên Phủ, Quân đội Việt Nam vẫn một Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã dẫn dắt đội quân Việt Minh từ những ngày đầu mới thành lập, tới nhiều chiến thắng quan trọng trước trận Điện Biên Phủ. Lên đường ra mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang trong mình sứ mệnh nặng nề, quyết tâm giành thắng lợi bằng được, kết thúc chiến tranh, chấm dứt sự đô hộ của Thực dân Pháp đã kéo dài nhiều năm. Lời Bác Hồ dặn “Chắc đánh mới đánh, không chắc thắng không đánh” như kim chỉ nam, mệnh lệnh tuyệt đối, định hướng trong từng nhiệm vụ chỉ huy chiến đấu tại Điện Biên Phủ.
Căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ chỉ huy chiến dịch thực hiện phương châm tác chiến “Đánh nhanh, thắng nhanh” trong 3 đêm 2 ngày. Kế hoạch tác chiến được phổ biến tới các đơn vị ngoài mặt trận, dự kiến ngày nổ súng là 25/1/1954. Mọi công tác được chuẩn bị kỹ lưỡng, trong tư thế sẵn sàng chỉ chờ mệnh lệnh. Đa số mọi người đều nhất trí, đồng thuận theo phương án này nhằm giải quyết vấn đề tiếp tế hậu cần trong điều kiện Điện biên Phủ quá xa hậu phương. Mặt khác, nếu thời gian chuẩn bị dài địch sẽ tăng thêm quân, tập đoàn cứ điểm ngày càng mạnh, sẽ làm ta mất cơ hội tiêu diệt địch. Thêm vào đó, tinh hoa của quân đội đã tập trung hết vào trận này, ta đang có những lực lượng chủ chốt, mạnh nhất trong trận đấu này và sự xuất hiện lần đầu của lựu pháo và cao xạ sẽ làm quân địch choáng váng.
Không phải đến cận ngày nổ súng Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới có quyết định thay đổi phương châm. Trước đó, ông đã nhận thấy một số vấn đề không ổn nếu đánh theo phương án này:
Đã có đơn vị đề nghị trả lại bớt pháo vì quá nhiều, tiền lệ chưa từng có.
Khi được hỏi những vấn đề khúc mắc hoặc những khó khăn cần giải quyết, không thấy ai có thắc mắc, tất cả chỉ thể hiện quyết tâm chiến đấu cao và hăng hái nhận nhiệm vụ.
Gần đến ngày mở màn, nhiều pháo của ta vẫn chưa vào tới vị trí đã định. Tại những vị trí đặt pháo lại vô cùng trống trải, nếu tinh ý địch sẽ phát hiện ra và phản pháo, ta sẽ chịu nhiều tổn thất.
Mỗi ngày Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lại được củng cố, bằng rất nhiều xe tăng, pháo 105mm, 155mm, vũ khí hiện đại và lính chiến đấu.
Càng đến gần ngày đã định, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại càng băn khoăn, suy nghĩ nhiều hơn. Thời gian dự định nổ súng là ngày 25/1 sau hoãn lại một ngày vì bị địch phát hiện ngày giờ. Đêm 25, rạng sáng ngày 26/1, là một đêm mất ngủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nắm lá ngải được băng trên đầu Đại tướng đã trở thành kỷ niệm không thể nào quên đối với mỗi người tại Sở chỉ huy trong khu rừng Mường Phăng.
Cuốn “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” ghi lại rất rõ những những trăn trở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
Thứ nhất: Bộ đội chủ lực ta đến nay chỉ tiêu diệt cao nhất là tiểu đoàn địch tăng cường, có công sự vững chắc ở Nghĩa Lộ. Ở Nà Sản, chúng ta mới đánh vào vị trí tiểu đoàn, dưới tiểu đoàn, công sự dã chiến nằm trong tập đoàn cứ điểm, vẫn có những trận không thành công, bộ đội thương vong nhiều.
Thứ hai: Trận này tuy ta không có máy bay, xe tăng, nhưng đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh, pháo binh với quy mô lớn lần đầu, mà lại chưa qua diễn tập. Vừa qua, có trung đoàn trưởng xin trả lại pháo vì không biết phối hợp thế nào.
Thứ ba: Bộ đội ta từ trước tới nay mới chỉ quen tác chiến ban đêm, ở những địa hình dễ ẩn náu. Chủ lực ta chưa có kinh nghiệm công kiên ban ngày trên trận địa bằng phẳng, với một kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh và xe tăng. Trận đánh sẽ diễn ra trên một cánh đồng dài 15km và rộng 6 – 7km. Tất cả mọi khó khăn đó đều chưa được bàn bạc kỹ và tìm cách khắc phục. Nhưng giải quyết ra sao? Pháo binh đã vào vị trí, các đại đoàn đều có mặt ở tuyến xuất phát xung phong. Quyết định hoãn trận đánh một lần nữa sẽ tác động tới tinh thần bộ đội như thế nào...?
Và kế hoạch hoãn binh được quyết định khi thời gian nổ súng chỉ còn vài giờ đồng hồ. Một cuộc hợp Đảng ủy được triệu tập ngay sáng ngày 26/1/1954. Trước đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng thảo luận với đoàn cố vấn Trung Quốc về kế hoạch của mình và nhận được sự đồng thuận từ đoàn cố vấn.
Thay đổi kế hoạch tác chiến là cả một vấn đề lớn trong khi tất cả mọi người đã được quán triệt để đánh nhanh. Có khá nhiều ý kiến đưa ra đề nghị không nên thay đổi kế hoạch, tuy nhiên trước những phản biện chắc chắn của Đại tướng, phương án “Đánh chắc, tiến chắc” được thông qua mặc dù vẫn còn nhiều thắc mắc.
“Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là "đánh chắc thắng", cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc". Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới”. Và đó là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bác Hồ và Trung ương nhất trí cho rằng “quyết định thay đổi cách đánh từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” là hoàn toàn đúng. Trung ương Đảng và Chính phủ động viên toàn dân dốc sức chi viện cho Điện Biên Phủ để giành toàn thắng. Hội đồng cung cấp Trung ương đã được thành lập do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng trực tiếp làm Chủ tịch để chỉ đạo các địa phương huy động nhân vật lực phục vụ tiền tuyến”.
Ngày 13/3/1954, sau nhiều ngày tháng chuẩn bị, thời cơ chín muồi, ta nổ súng vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bằng loạt đạn pháo vào cứ điểm đầu ngõ phía Bắc, đồi Him Lam. 56 ngày đêm sau đó, từng vỏ bọc của Tập đoàn quân sự lần lượt được mở ra, những cứ điểm mạnh nhất, uy lực nhất cũng không thoát khỏi sức tấn công như vũ bão của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ta đã giành được thắng lợi trọn vẹn, to lớn nhất từ trước tới nay, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp sau nhiều năm bị đô hộ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã từng tâm sự trong cuốn sách của mình: “Chỉ mười năm sau, nhân dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, một số đồng chí phụ trách các đại đoàn mới nói thực với tôi ý nghĩ của mình. Chính ủy Đại đoàn công pháo Phạm Ngọc Mậu nói: "Khi có lệnh kéo pháo ra, đúng là: "được lời như cởi tấm lòng?". Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn nói: "Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ". Riêng đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ nói: "Ở Thầm Púa, khi nghe phổ biến pháo binh của ta sẽ bắn hai ngàn viên pháo 105mm, ai cũng trầm trồ, cho rằng quân địch sẽ tan nát. Nhưng tôi hoàn toàn không tin như vậy! Ở Tu Vũ, địch đã bắn năm ngàn quả pháo mà đồn vẫn bị Trung đoàn 88 tiêu diệt. Hai ngàn quả pháo với một tập đoàn cứ điểm rộng nhiều cây số vuông như Điện Biên Phủ có là bao! Tôi nghĩ nếu lần đó cứ "đánh nhanh giải quyết nhanh'' thì cuộc kháng chiến có thể lui lại mười năm?". Thật là một bài học sâu sắc về dân chủ nội bộ!”
Sau nhiều năm rất nhiều tài liệu đều nhận định việc thay đổi cách đánh này vào phút chót mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, là yếu tố quyết định dẫn tới thắng lợi của chiến dịch, chấm dứt giấc mộng thực dân của Pháp tại Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung, là tiền đề cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này./.