Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân đội ta đã không ngừng trưởng thành và phát triển lớn mạnh góp phần làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” trên mảnh đất địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc. Đây là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954 của Việt Nam. Bằng thắng lợi quyết định này, Quân đội Nhân dân Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã buộc quân Pháp tại Điện Biên Phủ phải đầu hàng vô điều kiện vào tháng 5/1954, sau gần 2 tháng chịu trận.
Trên phương diện quốc tế, trận Điện Biên Phủ có một ý nghĩa rất lớn, lần đầu tiên quân đội của một nước thuộc địa châu Á đánh thắng bằng quân sự một quân đội của một cường quốc châu Âu. Được xem là một thảm họa bất ngờ đối với thực dân Pháp và cũng là một đòn giáng mạnh với thế giới phương Tây, đánh bại ý chí duy trì thuộc địa Đông Dương của Pháp và buộc nước này phải hòa đàm và rút khỏi Đông Dương, các thuộc địa ở Châu Phi được cổ vũ cũng đồng loạt nổi dậy. Có thể nói, Điện Biên Phủ như “tiếng sấm” vang rền làm thức tỉnh các dân tộc thuộc địa bị áp bức vùng dậy đấu tranh để giành đ.
Chiến tranh đã lùi xa, những ký ức về chiến tranh, những kỷ vật gắn liền với cuộc chiến của hai bên và các nhân chứng lịch sử sẽ vơi dần theo năm tháng. Hiện nay Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đang lưu giữ trên 3.000 tài liệu, hiện vật, có liên quan trong khi vẫn còn nhiều kỷ vật, hiện vật đang được lưu giữ tại các tổ chức, cá nhân, các gia đình trên khắp mọi miền đất nước. Là đơn vị với chức năng bảo tồn và phát huy giá trị di tích chiến trường Điện Biên Phủ, đây quả là một thách thức không nhỏ, làm thế nào để những kỷ vật, hiện vật ấy được giới thiệu, tuyên truyền đến với đồng bào trong và ngoài nước, có cơ hội phát huy đầy đủ các giá trị của nó, để chiến thắng Điện Biên Phủ mãi là bản hùng ca bất diệt về chiến đấu và chiến thắng. Các chiến công cùng với những hình ảnh của người lính, dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ được lưu giữ, trưng bày và phát huy tác dụng còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của các hiện vật, kỷ vật trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng thời đảm bảo số lượng hiện vật có giá trị trưng bày tại Bảo tàng mới, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Trung ương Cựu Chiến binh và Báo Quân đội Nhân dân phát động phong trào “Hiến tặng tài liệu, hiện vật, kỷ vật liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ” trong cả nước. Từ sau lễ phát động, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã tiếp nhận nhiều tài liệu, hiện vật, kỷ vật cho Bảo tàng từ các tổ chức và cá nhân trên khắp cả nước, đây là niềm vui và là thành công bước đầu nhằm bổ sung những hiện vật quý cho công tác trưng bày, tuyên truyền và lưu giữ lâu dài.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về phong trào “Hiến tặng tài liệu, hiện vật, kỷ vật liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ” được triển khai tích cực bằng nhiều hình thức, biện pháp có hiệu quả như phối hợp với các cơ quan báo chí đưa tin, bài viết về các hoạt động hiến tặng kỷ vật, hiện vật; từ đó, giúp các cơ quan, đơn vị, nhân chứng lịch sử tích cực hưởng ứng tham gia bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm. Đến nay Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã tiếp nhận hơn 300 hiện vật và tư liệu có giá trị. Các đợt tiếp nhận hiện vật, kỷ vật được thực hiện nghiêm túc, chu đáo tạo ấn tượng tốt có tác dụng cổ vũ, động viên, khích lệ phong trào trong đó có nhiều hiện vật tiêu biểu như: Con dao của bác Dũng Chi đã thu được của tướng De Castries sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc; Ống tai nghe của bác Dương Văn Sáu nguyên là cán bộ quân y phục vụ các chiến sỹ trong suốt quá trình kéo pháo; chiếc bật bông của gia đình ông Nguyễn Văn Tư đã sử dụng để bật bông làm áo bông cho các chiến sỹ Điện Biên Phủ;...
Các tài liệu, hiện vật, kỷ vật như một phần máu thịt của những chiến sỹ Điện Biên năm xưa, là những kỷ niệm thiêng liêng trong đời quân ngũ. Trải qua năm tháng giữ gìn, nâng niu, nay các tập thể, cá nhân, các gia đình, các cựu chiến binh đã tự nguyện hiến tặng cho Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ những báu vật đó để trưng bày, giới thiệu và phát huy hiệu quả giáo dục truyền thống đối với thế hệ hôm nay và mai sau. Những hiện vật này vừa có ý nghĩa giáo dục lịch sử truyền thống sâu sắc vừa có giá trị phục vụ công tác nghiên cứu khoa học ở Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đây là những việc làm đầy tình cảm, trách nhiệm thể hiện sự gắn bó sâu sắc của các tập thể, cá nhân, thân nhân gia đình liệt sỹ đối với lịch sử dân tộc.
Để phong trào “Hiến tặng tài liệu, hiện vật, kỷ vật liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ” tiếp tục được triển khai thực hiện, tiếp nhận được nhiều tài liệu, hiện vật, kỷ vật, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mong muốn các tập thể, cá nhân, gia đình các liệt sỹ tiếp tục tham gia sưu tầm và hiến tặng các hiện vật, tư liệu cho Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đồng thời nghiên cứu và tìm hiểu viết về các hiện vật, kỷ vật đã hiến tặng để các hiện vật, kỷ vật này thực sự sống động, phát huy được hiệu quả trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước của quân và dân ta cũng như truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng.
Với những kết quả bước đầu mà phong trào “Hiến tặng tài liệu, hiện vật, kỷ vật liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ” đạt được, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trân trọng cảm ơn Báo Quân đội, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã phối hợp với đơn vị để tổ chức lễ phát động phong trào hiến tặng tài liệu, hiện vật. Cám ơn các tổ chức, cá nhân, gia đình liệt sỹ đã hiến tặng tài liệu, hiện vật, kỷ vật cho Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Mong rằng các cơ quan, tập thể, cá nhân tiếp tục hưởng ứng phong trào “Hiến tặng tài liệu, hiện vật, kỷ vật liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ” để phong trào thực sự đạt được hiệu quả./.