Trong hệ thống trưng bày của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có hàng ngàn tài liệu, hiện vật có giá trị trong đó có nhóm hiện vật đặc biệt, là kỷ vật của anh hùng LLVTND Tô Vĩnh Diện. Hiện vật tuy đơn sơ, mộc mạc, nhỏ bé nhưng chứa đựng giá trị lịch sử, tình cảm thiêng liêng và minh chứng cho cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Trong suốt thời gian tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Tô Vĩnh Diện đã không quản hy sinh, gian khổ cùng với các chiến sỹ từng ngày kéo pháo vào trận địa để đảm bảo cho chiến dịch Điện Biên Phủ được toàn thắng.
Đồng chí Tô Vĩnh Diện thuộc Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367, Đại đoàn 351. Sinh năm 1924 tại xã Nông Trường, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, là Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, lên 9 tuổi Tô Vĩnh Diện đã phải cùng mẹ lên núi Nưa kiếm củi để sống, 15 tuổi làm tá điền cho địa chủ Mậu Thôn và chịu bao cảnh áp bức bất công. Cách mạng Tháng tám thành công đã đổi đời cho cả dân tộc và gia đình anh
Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946, với lòng căm thù giặc và bọn cường hào ác bá sục sôi, đồng chí Tô Vĩnh Diện đã ý thức được trách nhiệm của mình trước vận mệnh của đất nước là đánh đuổi giặc thù để giành độc lập tự do cho dân tộc, năm 1946 anh tham gia dân quân tại địa phương và năm 1949 anh xung phong lên đường nhập ngũ. Tháng 3/1953, anh được triệu tập để tham gia lực lượng pháo phòng không sắp thành lập. Khi đơn vị cao xạ được thành lập, anh cùng đơn vị sang Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc để huấn luyện. Trong thời gian huấn luyện, anh được chỉ định là Trung đội phó thuộc Đại đội 829, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367 và được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.
Sau 8 tháng huấn luyện ở Trung Quốc, tháng 12/1953, Tô Vĩnh Diện cùng đơn vị về nước và ngay lập tức hành quân lên Điện Biên Phủ để chuẩn bị tham chiến. Anh được điều về Đại đội 827 làm Trung đội phó Trung đội 2, trực tiếp phụ trách Khẩu đội 3 thay Khẩu đội trưởng bị thương. Khẩu đội của anh được giao sử dụng khẩu pháo cao xạ 37mm số hiệu 510681, thuộc loại pháo phòng không 37mm 1 nòng mẫu 61-K kiểu M1939 có gắn lá chắn đạn với 2 cửa ngắm dành cho pháo thủ số 1 và số 2, do Liên Xô sản xuất và viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Để giữ bí mật bất ngờ cho hai loại pháo lựu 105mm và cao xạ 37mm lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường, các đơn vị này đều hành quân vào ban đêm, liên tục trong các ngày 13, 14 và 15 tháng 1/1954, từ Tuần Giáo vào tập kết ở KM63. Sau đó, từ vị trí tập kết, bộ đội phải kéo pháo bằng sức người trên đường quân sự mới mở, có chỗ phải vượt qua núi cao 1.150m để vào trận địa cách xa vị trí tập kết 15km. Từ trưa ngày 16/1, được sự trợ giúp của bộ binh và công binh, các đơn vị bắt đầu kéo pháo, đến ngày 24/1 mới đưa được pháo vào trận địa.
Tuy nhiên trận đánh đã không diễn ra như dự kiến, ngày 26/1/1954, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định đổi phương án tác chiến từ "Đánh nhanh thắng nhanh" sang "Đánh chắc tiến chắc". Các đơn vị pháo binh nhận được mệnh lệnh phối hợp với bộ binh kéo pháo ra trong đó có đơn vị của anh Tô Vĩnh Diện.
Đêm ngày 1/2/1954, trời mưa, đường trơn, trên đường kéo pháo ra, đến dốc Chuối bỗng dây tời bị đứt, khẩu pháo chao đảo rồi lao nhanh xuống vực. Trước tình hình đó đồng chí Tô Vĩnh Diện hô to “Quyết bảo vệ pháo” và lao vào cứu pháo, khẩu pháo khựng lại nhưng hàng tấn sắt thép ấy đã đè lên người anh và anh đã anh dũng hy sinh. Trung đội trưởng Trần Quốc Trân, chính trị viên tiểu đoàn Phạm Đăng Ty cùng đồng đội nghiêng mình trước người khẩu đội trưởng 26 tuổi “kiên cường hy sinh thân mình cứu pháo”. Tấm gương hy sinh của anh được toàn mặt trận học tập, noi gương, đưa pháo ra trọn vẹn và an toàn.
Năm 1956, anh Tô Vĩnh Diện được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Đây là phần thưởng cao quí Nhất mà Đảng và Nhà nước muốn tri ân đến con người bất tử, vì anh cũng chính là người đã tạc nên “Dáng đứng Việt Nam” của thế kỷ 20.
Chiến tranh đã lùi xa, những kỷ vật của anh Tô Vĩnh Diện hiện hữu trong Bảo tàng như nhắc nhở cho chúng ta về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Nhóm hiện vật của đồng chí Tô Vĩnh Diện cùng với các hiện vật khác ở đây đã góp phần tuyên truyền giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau về đọ lý uống nước nhớ nguồn. Nhóm hiện vật gồm:
Con dao: Được làm bằng thép, có kích thước dài 40cm, rộng bản 5.2cm. Đây là di vật đã gắn liền với đồng chí Tô Vĩnh Diện. Theo lời kể của đồng chí Trần Quốc Trân nguyên Trung đội trưởng của đồng chí Tô Vĩnh Diện thì vào chiều ngày 1/2/1954, đồng chí Tô Vĩnh Diện đã sử dụng con dao này vào rừng để chặt cây ngụy trang cho pháo tránh sự phát hiện của máy bay Pháp.
Bi đông: Có kích thước cao 18cm, đường kính miệng 3,3cm, chu vi 37cm được làm bằng nhôm màu xanh quân sự. Trên bi đông có chữ Phạm 83. Đây là chiếc bi đông được cấp phát trong thời gian đồng chí Tô Vĩnh Diện tham gia khóa học về pháo tại Nam Ninh - Trung Quốc.
Bát sắt: Cũng giống với chiếc bi đông, chiếc bát sắt này cũng được cấp phát trong thời gian đồng chí Tô Vĩnh Diện tham gia khóa học về pháo tại Nam Ninh - Trung Quốc.
Áo bông: Đây là một trong nhưng hiện vật quí của Bảo tàng, chiếc áo này anh Tô Vĩnh Diện đã mặc trong suốt thời gian kéo pháo. Mặc dù thời tiết vào mùa đông lạnh giá nhưng chiếc áo đã thấm đẫm những giọt mồ hôi trong khi kéo pháo. Áo đã bạc màu nhưng giá trị lịch sử của nó vẫn còn nguyên vẹn như minh chứng cho lòng quyết tâm, quả cảm của anh nói riêng và của các chiến sỹ Điện Biên nói chung.
Hành trang của người lính cụ Hồ giản dị và gần gũi, nhưng với lòng quyết tâm của những người con quyết hy sinh để bảo vệ tổ quốc, các anh đã làm nên lịch sử, lịch sử của dân tộc Việt Nam nói riêng, lịch sử của thế giới nói chung. Để lưu giữ và phát huy giá trị những kỷ vật gắn với cuộc đời quân ngũ của đồng chí Tô Vĩnh Diện cho thế hệ hôm nay và mai sau, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã sưu tầm và trưng bày nhóm hiện vật của anh để phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước./.