Tập đoàn cứ điểm Nà Sản nằm trên cao nguyên Nà Sản, là một lòng chảo thuộc địa phận xã Chiềng Mun - huyện Mai Sơn - tỉnh Sơn La với diện tích khoảng 10km2 được bao quanh bởi các dãy núi cao trên 700m. Tại đây có sân bay, Sở chỉ huy, một số đồn bốt, hệ thống hỏa lực mạnh của bốn khẩu pháo 105mm và nhiều đường giao thông hào vây quanh bảo vệ khu trung tâm. Lực lượng chiếm đóng tại Nà Sản gồm 8 tiêu đoàn, sau được tăng cường thêm 2 tiểu đoàn dưới sự chỉ huy của Tướng Gill.

Bằng cách xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Pháp coi đây là nước cờ quyết định nhằm giải quyết tình hình chiến sự tại Đông Dương trong khi lực lượng chiến đấu tại các nước sở tại đang "nổi dậy" một cách mạnh mẽ. Không phải chỉ đến khi kế hoạch Navarre đang có nguy cơ sụp đổ, người Pháp mới khởi động việc xây dựng một căn cứ quân sự mạnh tại đây. Trước đó, một Tập đoàn cứ điểm đã được thí nghiệm tại Nà Sản nhưng bất thành do chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng và chỉ mang tính chất bị động đối phó sau khi Pháp thất bại liên tiếp trong chiến dịch Tây Bắc của Việt Minh. Tuy nhiên đây cũng chính là khởi đầu cho những gì diễn ra sau đó ở Điện Biên Phủ, chính thức đặt dấu chấm hết cho số phận quân viễn chinh Pháp tại bán đảo Đông Dương.

Tập đoàn cứ điểm Nà Sản nằm trên cao nguyên Nà Sản, là một lòng chảo thuộc địa phận xã Chiềng Mun - huyện Mai Sơn - tỉnh Sơn La với diện tích khoảng 10km2 được bao quanh bởi các dãy núi cao trên 700m. Tại đây có sân bay, Sở chỉ huy, một số đồn bốt, hệ thống hỏa lực mạnh của bốn khẩu pháo 105mm và nhiều đường giao thông hào vây quanh bảo vệ khu trung tâm. Lực lượng chiếm đóng tại Nà Sản gồm 8 tiêu đoàn, sau được tăng cường thêm 2 tiểu đoàn dưới sự chỉ huy của Tướng Gill.

Cũng như Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quan trọng nhất của khu căn cứ quân sự này là sân bay Nà Sản, có nhiệm vụ tiếp tế cho quân Pháp đang làm nhiệm vụ tại đây. Sân bay này được xây dựng từ năm 1950 khi quân Pháp đặt sự thống trị, đàn áp nhân dân các dân tộc Tây Bắc sau khi chiếm được quyền kiểm soát từ tay Việt Minh. Ban đầu sân bay Nà Sản để phục vụ cho nhu cầu đi lại với hệ thống đường băng ngắn, nhỏ và kết cấu đơn giản, sau này được mở rộng, kéo dài và nâng cấp nền lát ghi sắt, có thể đáp ứng cho loại máy bay Dakota cất và hạ cánh. Trong khoảng thời gian gần một tháng từ khi quân Pháp rút về đây, chúng liên tục tăng viện lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược, dây thép gai và những vật liệu cần thiết để củng cố khu căn cứ quân sự này.

Vì thời gian gấp rút nên hệ thống công sự ở đây được làm nhanh chóng bằng những vật liệu thô sơ như tre, gỗ, .. và được xây, đắp tạm thời để ở và chiến đấu. Có khoảng gần 30 cứ điểm là những đường hào đứt đoạn, lộ thiên, hai bên được che chắn bằng những bao cát, ụ đất cao và cành cây chặt vội. Mỗi cứ điểm không có hệ thống hỏa lực riêng, không có khả năng chiến đấu độc lập và phải dựa vào các cứ điểm khác để chống lại sự tiến công của đối phương. Hệ thống bảo vệ vòng ngoài cũng được hình thành đơn giản từ số ít dây thép gai, khoảng 2 đến 3 lớp và hệ thống mìn được cài thưa thớt. Vật chướng ngại chủ yếu vẫn là những cành cây to, xếp chồng lên nhau một cách ngổn ngang, chủ yếu là tre, vầu làm vật cản. Tại các cứ điểm tại khu trung tâm, xung quanh sân bay được ưu tiên hơn, xây dựng kiên cố bằng xi măng, cát, lát tấm ghi sắt. Hầm chỉ huy trung tâm còn có hệ thống giao thông hào tương đối an toàn thoát ra sân bay trong trường hợp cần thiết.

Trước đó, từ đầu năm 1952 tình hình nước Pháp rối ren. Chỉ trong tháng 2 và tháng 3, nội các Pháp đổ liên tiếp ba lần. Tình hình chiến trường Đông Dương vẫn là vấn đề nan giải đối với Chính phủ của chúng. Tại Việt Nam chúng tiếp tục thực hiện chiến lược phòng ngự, ráo riết bình định các vùng tạm chiếm. Chỉ huy Pháp nhiều lần xin viện trợ từ chính quốc nhưng không được chấp nhận vì ngân sách đã cạn. Về phía ta, sau khi phân tích tình hình chiến trường và đánh giá về tương quan lực lượng, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã nhận định phương hướng chiến lược có lợi lúc này là chiến trường rừng núi. Tháng 7 năm 1952, Trung ương Đảng quyết định thành lập khu Tây Bắc, gồm bốn tỉnh Lai ChâuSơn LaLào CaiYên Bái. Đây là một vùng rừng núi trùng điệp, nhiều dãy núi cao hơn 1000m; giữ vị trí chiến lược quan trọng đối với Đông Dương. Ta chủ trương: "Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh", đập tan âm mưu thành lập "Xứ Thái tự trị" và hướng tiến công chiến dịch lên Tây Bắc. Thu - Đông 1952, ta chủ động tiến lên Tây Bắc, chia làm 3 đợt tấn công rõ rệt.

Trong đợt tấn công đầu tiên từ 14 đến 23/10/1952 ta đã giải phóng và kiểm soát một vùng đất đai rộng lớn, khoảng 10.000m2 khu vực tả ngạn sông Đà, sông Hồng và Quỳnh Nhai; loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.500 địch quân, thu nhiều vũ khí, đạn dược của địch. Đợt hai chiến dịch bắt đầu từ 17 đến 23/11/1952, ta truy quét địch tại nhiều địa phương trên địa bàn bốn tỉnh khu Tây Bắc. Thắng lợi quan trọng nhất trong đợt này là gây thiệt hại nặng nề khi tiêu diệt gọn các Tiểu đoàn 3 Ma Rốc, Tiểu đoàn 3 Thái, Tiểu đoàn 55 nguỵ, Tiểu đoàn 58 Lào, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 2 dù, Tiểu đoàn Thái khố xanh và nhiều vũ khí quân trang, quân dụng. Toàn bộ Lai Châu và Sơn La (trừ Nà Sản) và một số xã, huyện ở Lào Cai và Hòa Bình được giải phóng.

Sau hai lần thất bại, chỉ huy quân viễn chính Pháp tại Đông Dương lúc này là Salan đã rút quân về Nà Sản, kiên quyết giải quyết quân đối phương dưới hình thức Tập đoàn cứ điểm trong điều kiện địa hình rừng núi như ở Tây Bắc. Nà Sản đã được củng cố từ trước đó để trở thành nơi rút quân an toàn của Pháp trong trường hợp thất thủ ở Nghĩa Lộ. Và thực tế đã cho thấy, mặc dù không thể làm tiêu hao nhiều sinh lực quân đối phương tại đây, nhưng Tập đoàn cứ điểm Nà Sản đã ngăn chặn được mục tiêu giải phóng nốt vùng đất cuối cùng tỉnh Sơn La. Sau ba ngày tiến công ồ ạt vào Tập đoàn cứ điểm Nà Sản, Việt Minh vấp phải sự chống trả quyết liệt của địch, lại thêm máy bay tăng cường, thả dù, ném bom hàng nghìn quả đạn pháo, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định dừng chiến dịch Tây Bắc, rút khỏi Nà Sản vào đầu tháng 12/1952.

Trong cuốn "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử", Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Sau chiến dịch Tây Bắc, cuối năm 1952, bộ đội ta đã tập trung nghiên cứu đánh tập đoàn cứ điểm. Ta nhận thấy đây có thể là cách đối phó cuối cùng của địch trước một cuộc tiến công trên địa hình rừng núi. Nếu diệt được tập đoàn cứ điểm gồm một số tiểu đoàn quân tinh nhuệ của địch ta sẽ tạo nên bước chuyển biến mới trong chiến tranh. Bản chất chiến tranh xâm lược buộc quân địch phải phân tán lực lượng để thực hiện nhiệm vụ chiếm đóng. Một tập đoàn cứ điểm lớn bị tiêu diệt sẽ kéo theo sự phá sản của chiến lược "chiến tranh đồn binh" cổ điển của quân xâm lược".

Đến giữa năm 1953 địch vẫn duy trì tập đoàn cứ điểm Nà Sản bằng cách tiếp tục tăng viện cho dù Salan, người sáng lập ra nó đã bị triệu hồi về nước vì không làm hài lòng chính phủ Pháp khi không thể "bình ổn"được Đông Dương. Tháng 5/1953, tướng mới Navarre tiếp quản, nhận nhiệm vụ mới cho ra đời bản kế hoạch mang tên mình, đã thực hiện những hành động chiến lược trên khắp các chiến trường để Việt Minh không kịp ứng phó. Việc duy trì căn cứ quân sự ở Nà Sản nhằm đánh lạc hướng Việt Minh và trên thực tế ta vẫn tập trung mục tiêu nhằm tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm này.

Đầu tháng 8/1953, Navarre cho toàn bộ quân rút khỏi Nà Sản bằng đường hàng không và ba ngày sau đó ta mới nhận được thông tin vì chúng đã khéo léo ngụy trang và nghi binh quân ta. Toàn bộ địch quân được chuyên trở bằng máy bay vận tải khiến quân ta tưởng lầm chúng đang tăng cường để chuẩn bị đối phó với ta. Cuộc rút lui diễn ra êm thấm. Sau này ta mới biết chúng không thể duy trì Tập đoàn cứ điểm Nà Sản vì qua chiến dịch Sầm Nưa, nó đã chứng tỏ không có khả năng ngăn chặn các đại đoàn chủ lực của ta tiến sang Thượng Lào.

Sự thất bại của kế hoạch Navarre đã dẫn tới việc xây dựng một tập đoàn cứ điểm được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn tại vùng đất cách Nà Sản hơn 200km. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một hệ thống phòng thủ hoàn hảo, được đầu tư, chi viện chưa từng có và được đặt niềm tin tuyết đối từ mọi cấp lãnh đạo trong chính phủ Pháp. Tướng Gill, sau khi ta rút quân khỏi Nà Sản được thăng chức, đã từ chối nhận nhiệm vụ tại Điện Biên Phủ. Thay thế cho ông ta là De Castries, một người thích thể hiện bản lĩnh và quyền lực, một dịp lớn để giương oai với những gì người ta kỳ vọng ở căn cứ quân sự cỡ bự này.

Về hình thức, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là sự phóng đại hoàn hảo của Tập đoàn cứ điểm Nà Sản. Khắc phục những nhược điểm chưa thể làm được trước đó như khả năng cố thủ và chiến đấu của từng cứ điểm, binh, hỏa lực được trang bị tối đa, hiện đại trong một hệ thống khép kín của cả tập đoàn được bảo vệ một cách không thể tốt hơn, đặc biệt là sức mạnh uy lực của các loại pháo, vũ khí và sức hoạt động mạnh mẽ của sân bay Mường Thanh đã khiến Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được đánh giá rất cao của thế giới và thực sự là một khó khăn lớn đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Dù không có trong kế hoạch Navarre nhưng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lại khiến cho Pháp và Mỹ hthực sự hài lòng vì nó có thể cứu cánh cho những âm mưu không thành trong thời gian này. Với Pháp, mục đích chính là biến Điện Biên Phủ thành cái bẫy khổng lồ nhằm tiêu diệt phần lớn quân chủ lực Việt Nam, bảo vệ Thượng Lào, giành lại quyền chủ động trên chiến trường Đông Dương.

Tuy nhiên, ngay từ khi Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu được đặt nền móng, Việt Minh cũng đã có những tính toán nhằm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm quan trọng này, quyết tâm giải phóng vùng Tây Bắc. Ta đã tính toán đảm bảo hậu cần cho chiến dịch sẽ kéo dài trong nhiều ngày, cử những đơn vị bộ binh và pháo binh tinh nhuệ nhất, đặc biệt là lần đầu tiên sử dụng các loại trọng pháo với sự xuất hiện của lựu pháo 105mm. Từ thực tế chiến trường, ta đã ba lần chuyển địa điểm Bộ chỉ huy chiến dịch, thay đổi phương án tác chiến, thay đổi ngày giờ chiến đấu và kéo pháo cho phù hợp với vị trí chiến đấu. Sau khi đã chuẩn bị xong, 13/3/1954 ta đã chính thức nổ súng vào Tập đoàn cứ điểm, bắt đầu chuỗi 56 ngày đêm gian khổ ác liệt. Ta đã từng bước bóc vỏ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ từ ngoài vào trong, kiên định mục tiêu "đánh chắc, tiến chắc" tiêu diệt lần lượt từng cụm cứ điểm dần tiến tới khu trung tâm và sở chỉ huy địch. Với việc tiêu diệt tấm lá chắn khó khăn cuối cùng là đồi A1, chỉ 12 giờ sau đó, toàn bộ quân Pháp tại Điện Biên Phủ đã phải ra hàng, kết thúc số phận của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. De Castries, vị chỉ huy hống hách, ngạo mạn trước đó cũng không nằm ngoài số phận của một hàng binh. Ta kết thúc cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, trở thành hậu phương vững chắc trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Đến nay, người ta ít biết đến Tập đoàn cứ điểm Nà Sản vì quy mô nhỏ lẻ và còn mang tính chất thụ động đối phó. Tuy nhiên đây là khởi nguồn đầu tiên cho hình thức đánh tập đoàn cứ điểm của Thực dân Pháp, là ý tưởng hình thành Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sau này, là hình thức phòng ngự có ý nghĩa chiến lược lần đầu tiên xuất hiện trong chiến tranh Việt Nam./.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 697.661
Online: 45