Trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, nhất là từ năm 1950, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã được các nước bạn là Liên Xô và Trung Quốc viện trợ cho rất nhiều loại vũ khí, khí tài chiến tranh. Số lượng này tuy không nhiều nhưng đều là những vũ khí quan trọng, nhiều loại vũ khí Việt nam có rất ít hoặc không có đã góp phần không nhỏ trong cuộc chiến chống quân Pháp xâm lược; nổi bật là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, kết thúc thời đại Pháp đô hộ Việt Nam trong gần 100 năm.
Thời gian này Liên Xô viện trợ cho Việt Nam một trung đoàn pháo cao xạ 37mm, xe vận tải và vật tư quân y. Trung Quốc viện trợ vũ khí để trang bị cho một số đơn vị bộ binh, pháo binh và vận chuyển hàng viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam. Ta có được sự ủng hộ, viên trợ này là do thiết lập quan hệ ngoại giao từ trước đó. Ngày 20/1/1950 Việt Nam và Trung Quốc chính thức đặt mối quan hệ ngoại giao, sau khi đặt mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên đường tới Bắc Kinh. Ngày 3/2/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Bắc Kinh sang Moscow để dự cuộc họp với các nhà lãnh đạo các nước Trung Quốc và Liên Xô. Trong cuộc họp này, có đồng chí Nguyên soái Stalin, Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai ở Moscow, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Liên Xô giúp trang bị cho Việt Nam 10 sư đoàn bộ binh và một trung đoàn pháo cao xạ. Sau cuộc họp, đồng chí Nguyên soái Stalin đồng ý với yêu cầu của Việt Nam, tuy nhiên đề xuất phân công vai trò giữa Liên Xô và Trung Quốc: “Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam những thứ đang cần, những thứ gì Trung Quốc chưa có thì hãy lấy trong số hàng Liên Xô đã viện trợ cho Trung Quốc chuyển cho Việt Nam và sẽ được Liên Xô hoàn trả”. Liên Xô cung cấp cho Việt Nam 1 trung đoàn pháo cao xạ 37mm, một số xe vận tải và vật tư quân y. Trung Quốc trang bị vũ khí cho một số đơn vị bộ binh, pháo binh và vận chuyển hàng viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam.
Thực hiện theo thỏa thuận với Liên Xô, ngày 13/4/1950, Trung Quốc chuyển giao chuyến hàng đầu tiên cho Việt Nam tại Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, trong đó vũ khí bộ binh bao gồm 1.990 súng trường và 27 trung liên Mỹ, 43 trung liên Anh, 29 trung liên và 24 đại liên Trung Quốc. Cuối tháng 4/1950, Trung đoàn bộ binh 88 và 102 thuộc Đại đoàn 308 theo đường Hà Giang hành quân sang Vân Nam, Trung Quốc để tiếp nhận vũ khí viện trợ và huấn luyện. Trung đoàn bộ binh 209 và Tiểu đoàn pháo binh 410 của Đại đoàn 308 cũng đi theo đường Cao Bằng qua Hoa Đồng tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Sau đó, các đại đoàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam thành lập và được trang bị bằng những loại vũ khí được Trung Quốc và Liên Xô viện trợ gồm tiểu liên kiểu 50 bắn đạn 7,62x25mm và súng trường kiểu 24, trung liên ZB-26, đại liên Kiểu 24 bắn chung cỡ đạn 7,92x57mm.
Cũng từ năm 1950, Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam 8 khẩu súng cối 82mm do Liên Xô chế tạo. Tính đến chiến dịch Điện Biên Phủ, phần lớn hỏa lực súng cối từ cấp trung đoàn trở lên đã được trang bị thống nhất bằng súng cối 82mm viện trợ với tổng cộng 176 khẩu sản xuất bởi cả Liên Xô và Trung Quốc tham gia chiến đấu.
Ở cấp tiểu đoàn được trang bị súng cối 60mm kiểu 31, hỏa lực bắn thẳng cấp trung đoàn và đại đoàn được biên chế thêm các phân đội súng không giật ĐKZ 57mm M18 của Mỹ. Đến đợt cuối chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc đã viện trợ gấp rút thêm cho Việt Nam 1 tiểu đoàn gồm 12 khẩu ĐKZ75mm M20 của Mỹ cùng với 4.000 viên đạn. Kể từ tháng 4/1950, Trung Quốc tiến hành vận chuyển và bàn giao cho Việt Nam hàng chục khẩu sơn pháo 75mm kiểu 41 đều do Nhật sản xuất. Số vũ khí này giúp trang bị cho Trung đoàn pháo binh 675 đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam thành lập ngày 20/11/1950 cũng như một số phân đội pháo nằm trong các đơn vị bộ binh. Đây là hỏa lực chủ yếu của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong các chiến dịch lớn trên chiến trường chính Bắc Bộ trong giai đoạn 1950 - 1953. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 675 tham gia chiến đấu với 18 khẩu pháo sơn pháo 75mm.
Đồng thời với việc thành lập trung đoàn pháo mang vác, Bộ Tổng tư lệnh cũng quyết định chuyển đổi và xây dựng Trung đoàn bộ binh 34 thành trung đoàn pháo cơ giới đầu tiên. Tháng 3/1951, Trung đoàn 34 đổi tên thành Trung đoàn pháo binh 45 với trang bị ban đầu là 2 khẩu lựu pháo 105mm Mỹ loại M2A1 thu được trong chiến dịch Biên giới.
Tháng 6/1950, Trung Quốc chuyển giao cho Việt Nam 30 xe vận tải GMC đầu tiên do Mỹ sản xuất, sau đó kết hợp với số xe chiến lợi phẩm trong chiến dịch Biên Giới biên chế cho 2 đại đội xe vận tải đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ 1950 đến 1954, Việt Nam tiếp nhận thêm nhiều đợt viện trợ, đặc biệt trong đó đợt bổ sung lớn nhất vào tháng 3/1954 nhằm phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ có 228 xe vận tải và hàng trăm lái xe, thợ sửa chữa được đào tạo ở Nam Ninh - Quảng Tây - Trung Quốc về nước.
Tháng 6/1951, trên cơ sở viện trợ do Trung Quốc chuyển giao, tiểu đoàn phòng không đầu tiên mang phiên hiệu 387 trực thuộc Đại đoàn 308 được thành lập. Tính đến đầu năm 1953, lực lượng phòng không của Việt Nam đã phát triển lên tới 8 tiểu đoàn (bao gồm 1 tiểu đoàn trực thuộc Bộ tổng tư lệnh, 1 tiểu đoàn của Liên khu 5 và 6 tiểu đoàn của 6 đại đoàn bộ binh) cùng một số đại đội phòng không trực thuộc Bộ và các liên khu, tỉnh...
Trang bị của các đơn vị này có 500 khẩu súng máy phòng không 12,7mm kiểu DShK do Liên Xô chế tạo. Tháng 5/1951, Đại đội 612 trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu, đơn vị phòng không đầu tiên sử dụng pháo cao xạ của được thành lập. Đại đội được trang bị 4 khẩu pháo cao xạ 37mm kiểu 1939 do Liên Xô chế tạo, làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Tà Lùng (Cao Bằng), một vị trí quan trọng trên tuyến giao thông Việt Nam-Trung Quốc.
Tháng 7/1951, trung đoàn hành quân sang Mông Tự, Vân Nam, Trung Quốc huấn luyện và tiếp nhận 20 khẩu lựu pháo 105mm M2A1 do Trung Quốc cung cấp. Sau khi về Việt Nam vào tháng 11/1953, Trung đoàn 45 được bổ sung thêm 4 khẩu pháo 105mm chiến lợi phẩm của chiến dịch Biên giới và chiến dịch Tây Bắc, nâng tổng số lên 24 khẩu biên chế thành 6 đại đội hỏa lực.
Ngày 1/4/1953, theo quyết định do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký, Trung đoàn 367 – trung đoàn phòng không đầu tiên của QĐNDVN được thành lập. Ngày 17/4/1953, trung đoàn bắt đầu hành quân sang Trung Quốc. Các tiểu đoàn hỏa lực được huấn luyện tại Tân Dương tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc. Khi về nước vào tháng 11/1953, trung đoàn được biên chế 6 tiểu đoàn hỏa lực, trang bị tổng cộng 72 khẩu pháo cao xạ 37mm kiểu 1939 và 72 khẩu súng máy phòng không 12,7mm của Liên Xô.
Đến tháng 4/1954, khi chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào giai đoạn tổng công kích, Trung Quốc viện trợ gấp cho Việt Nam 1 tiểu đoàn hỏa tiễn H6 gồm 12 hệ thống pháo phản lực bắn loạt 6 nòng cỡ 102mm. Tiểu đoàn H6 mang phiên hiệu d244/e675/f351 đã kịp thời tham gia chiến đấu trong đợt tấn công cuối cùng với tổng cộng 836 viên đạn được bắn (chiếm 20,9% cơ số đạn dự trữ).
Tính đến 1954, lực lượng vận tải cơ giới của Việt Nam đã phát triển lên 16 đại đội với 628 xe vận tải các loại gồm cả GAZ-63 của Liên Xô và GMC của Mỹ (chiếm khoảng 20%), trong đó số xe viện trợ lên tới khoảng 490 chiếc, chiếm gần 80% biên chế.
Có thể nói, những vũ khí được các nước bạn Liên Xô và Trung Quốc viện trợ đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Bên cạnh đó còn khẳng định tình đoàn kết hữu nghị của các nước trong công cuộc đấu tranh và giải phóng đất nước./.