Trong mỗi chúng ta có lẽ không ai là không biết hoặc ít ra cũng đã đặt chân đến Bảo tàng; nhưng không phải ai cũng hiểu được hết chức năng, nhiệm vụ cũng như cách thức hoạt động và duy trì công tác nghiệp vụ như thế nào. Trong khuôn khổ bài viết này, xin giới thiệu một số hoạt động của Bảo tàng và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điên Biên Phủ qua những ý kiến tổng hợp, đánh giá của đồng chí Vũ Thị Tuyết Nga - Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Trong cuốn “Sổ tay công tác văn hóa quần chúng” của giáo sư Lâm Bình Tường đã định nghĩa: “Bảo tàng là cơ quan nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Là cơ quan nghiên cứu khoa học: Bảo tàng đã nghiên cứu, sưu tầm và bảo quản những di tích lịch sử văn hóa, những đối tượng lịch sử tự nhiên và những di tích khác, những nguồn tư liệu đầu tiên của kiến thức khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Là cơ quan giáo dục khoa học: Bảo tàng đã thường sử dụng những thành quả nghiên cứu của mình vào trong công cuộc giáo dục khoa học thông qua phần trưng bày của mình và trong các tập san phổ cập khoa học”.
Theo định nghĩa của Luật Di sản Văn hóa đã ban hành và sửa đổi ngày 25/12/2011: “Bảo tàng là thiết chế văn hóa có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng”.
Từ những định nghĩa trên cho thấy, ngoài những chức năng như thông tin, tài liệu hóa khoa học và phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của quần chúng nhân dân. Bảo tàng có 2 chức năng cơ bản đó là:
- Nghiên cứu khoa học;
- Giáo dục phổ biến khoa học.
Tùy thuộc vào loại và loại hình của Bảo tàng mà các khâu công tác như nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, giáo dục được tiến hành cho phù hợp
Từ những năm 90 các nhà nghiên cứu Bảo tàng học đã chia thành 6 loại hình Bảo tàng cơ bản:
- Bảo tàng thuộc loại hình lịch sử xã hội;
- Bảo tàng thuộc loại hình khoa học và lịch sử tự nhiên;
- Bảo tàng thuộc loại hình nghệ thuật;
- Bảo tàng thuộc loại hình khoa học kỹ thuật;
- Bảo tàng thuộc loại hình nhóm văn học (đề cập đến lịch sử văn hóa của mỗi quốc gia);
- Bảo tàng khảo cứu địa phương
Ngày nay các Bảo tàng đã phát triển phong phú, đa dạng cả về chất lượng và số lượng, việc phân loại được chia thành các nhóm nhỏ hơn để đáp ứng việc nghiên cứu và tiếp cận Bảo tàng.
Trong lý luận Bảo tàng học, hệ thống phân loại gồm nhiều tiêu chí khác nhau, do mục đích nghiên cứu khác nhau, nhưng phân loại và loại hình bảo tàng rất quan trọng nó dựa trên cơ sở chức năng và mục đích ra đời của bảo tàng đó để định hướng hoạt động và phát triển của bảo tàng
Đi sâu vào nghiên cứu bảo tàng lưu niệm sự kiện như Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, là loại bảo tàng lưu niệm thuộc loại hình bảo tàng lịch sử xã hội. Là cơ quan nghiên cứu khoa học và giáo dục, phổ biến khoa học, là kho chủ yếu để gìn giữ những di tích, di sản văn hóa vật chất và tinh thần, nhằm ghi lại những kỷ niệm về sự kiện lịch sử trọng đại chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
Với tính chất đặc biệt là loại bảo tàng lưu niệm, kỉ niệm (lưu lại, giữ lại) chức năng và nhiệm vụ cơ bản của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là:
- Tài liệu hóa khoa học về sự kiện chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ bằng hiện vật gốc;
- Gìn giữ những hiện vật đó như những di sản văn hóa vật chất bằng pháp lý và biện pháp kỹ thuật để từ đó kéo dài tuổi thọ của hiện vật, phục vụ cho công tác nghiên cứu, khai thác phát huy giá trị đặc biệt to lớn của di tích chiến trường Điện Biên Phủ.
- Nghiên cứu các hình thức trưng bày, triển lãm và các hình thức khác để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, hưởng thụ văn hóa đồng thời giáo dục quần chúng nhân dân về truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
- Cũng giống như các Bảo tàng lưu niệm khác, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có đặc trưng riêng biệt đó là tạo ra những điều kiện để khách tham quan có nhận thức cảm tính, trực tiếp từ những hiện vật gốc trưng bày và bản thân các điểm di tích đang tồn tại. Những điều kiện ấy được tạo ra nhờ các khâu công tác của Bảo tàng như sưu tầm, bảo quản, trưng bày, giới thiệu … về những hiện vật gốc - nguồn sử liệu đầu tiên của kiến thức.
Trong công tác trưng bày của loại Bảo tàng lưu niệm sự kiện như Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện biên Phủ, thường có 3 loại hiện vật chính:
- Hiện vật gốc có xuất xứ lưu niệm. Đây là hiện vật chủ thể của kho cơ sở, những hiện vật này có liên quan trực tiếp đến sự kiện chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, tạo ra sự xúc động cho người xem.
- Hiện vật gốc không có xuất xứ lưu niệm hay còn gọi là “hiện vật đồng thời”, loại này mang tính thứ yếu không được quá lạm dụng sử dụng loại này vì nó đã có cùng thời với hiện vật gốc và giống vẻ “bề ngoài” nhưng không trực tiếp tham gia vào sự kiện.
- Hiện vật làm lại khoa học và chính xác, đây là loại hiện vật đặc biệt được sử dụng để bổ trợ cho công tác trưng bày và phải trải qua quá trình nghiên cứu tỉ mỉ, khoa học.
Thực tế tại kho cơ sở và trên hệ thống trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, loại hiện vật gốc có xuất xứ lưu niệm là chủ yếu. Nhưng tổng số hiện vật mới có trên 3.000 là quá ít, đối với một sự kiện đã trải qua 60 năm nhưng tầm vóc và ý nghĩa có ảnh hưởng không chỉ phạm vi cả nước mà là bước ngoặt quan trọng trong tiến trình lịch sử thế giới như chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ thì việc nghiên cứu tìm hiểu và đề ra các giải pháp đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích là mục tiêu quan trọng.
Trong những năm qua, hoạt động tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chủ yếu tập trung vào công tác lưu giữ, bảo vệ và tuyên truyền phát huy giá trị của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Công tác sưu tầm mới chỉ thực hiện định kỳ hằng năm bằng nguồn kinh phí thường xuyên với số lượng khá ít. Đặc biệt nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, công trình Bảo tàng được đầu tư xây dựng quy mô hơn, diện tích trưng bày lên đến 1.252 m2 nhưng lại không có đề án sưu tầm hiện vật phục vụ công tác trưng bày, dẫn đến hệ thống trưng bày mới thiếu nhiều hiện vật gốc tiêu biểu đã dự kiến trong đề cương trưng bày.
Thiết nghĩ, để bảo tồn và phát huy giá trị của những di tích, di sản có giá trị song song với việc lưu giữ, bảo vệ, tuyên truyền, khai thác, cần đầu tư nguồn kinh phí cho công tác nghiên cứu, tôn tạo, bảo quản kéo dài tuổi thọ hiện vật và đặc biệt là công tác sưu tầm để có nguồn tài liệu hiện vật đáp ứng công tác nghiên cứu, trưng bày phục vụ khách tham quan. Đây cũng là một tiêu chí quan trọng trong việc xếp hạng bảo tàng theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.