Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 giành thắng lợi sau 56 ngày đêm chiến đấu ngoan cường của quân và dân Việt Nam. Với thắng lợi này đã chứng minh chân lý tất yếu của chiến tranh chính nghĩa, đồng thời toát lên đường lối quân sự đúng đắn, sự chỉ đạo tài tình của Trung ương Đảng, chủ tịch Hồ Chí Minh và tài thao lược của vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Song chiến thắng Điện Biên Phủ cũng là kết quả của sự đoàn kết quốc tế, sự ủng hộ giúp đỡ của các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó phải kể đến sự ủng hộ lớn lao của Đảng cộng sản Pháp.
Từ giai đoạn 1936 - 1937 mặt trận nhân dân Pháp với những người cộng sản làm nòng cốt đã sát cánh cùng các chiến sỹ cách mạng và nhân dân Việt Nam đấu tranh cho những quyền lợi dân chủ cơ bản. Nhưng do mối quan hệ giữa Đảng cộng sản Pháp và Đảng cộng sản Đông Dương bị gián đoạn trong một thời gian dài, một phần do tình hình chính trị nước Pháp khiến cho Đảng cộng sản Pháp chưa thể có được một chính sách thật sự đúng đắn với các nước thuộc địa. Sau ngày 02/9/1945, bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa và đại diện cho toàn dân tộc Việt Nam trịnh trọng tuyên bố đã truyền xa tới năm châu bốn biển. Tuyên ngôn độc lập đã thể hiện rõ: “thoát ly hẳn quan hệ Thực dân Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký với nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”. Ngay sau khi kí kết Hiệp định sơ bộ giữa Việt Nam và Pháp vào ngày 09/3/1946, đến ngày 16/4/1946, phái đoàn Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu đã tới Pháp. Trong cuộc gặp gỡ với Đảng cộng sản Pháp hai bên đã thông tin cụ thể về tình hình hoạt động của hai Đảng và thiết lập lại mối quan hệ.
Tháng 1/1947, Ô ri ôn (Vincent Auriol) người của Đảng Xã hội trúng cử Tổng thống nước Pháp, nội các Ra ma đi ê (Paul Ramadier) được thành lập trong chính phủ mới có 5 Bộ trưởng là đảng viên của Đảng cộng sản Pháp. Đảng cộng sản Pháp vẫn kiên trì đấu tranh cho giải pháp hòa bình ở Việt Nam, đòi chính phủ Ra ma đi ê phải điều đình với chính phủ Hồ Chí Minh và vạch rõ cho nhân dân Pháp thấy rằng cuộc chiến tranh ở Đông Dương làm tăng sự lệ thuộc của Pháp vào Mỹ, đe dọa nền độc lập của chính nước Pháp. Trong các phiên họp quốc hội, các nghị sĩ đảng viên Đảng cộng sản đã lớn tiếng lên án phái chủ chiến. Nữ đồng chí Véc mét (Jeannette Vermersch) đã phẫn nộ lên án các đảng phái chủ chiến: “Các ngài quên rằng nhân dân Việt Nam đang ở trên đất nước của họ. Không phải họ là kẻ xâm lược mà chính là các ngài… Không phải nhân dân Việt Nam ném bom Mác xây mà đó chính là các ngài đã ném bom Hải Phòng…” còn bên ngoài thì các tổ chức của nước Pháp như Tổng công đoàn, Liên đoàn phụ nữ, Liên đoàn thanh niên… đã có nhiều hình thức đấu tranh khác nhau như: lấy chữ kí đòi hòa bình ở Việt Nam để trao cho các ủy viên Hội đồng thành phố, các Nghị sĩ, Bộ trưởng, Tổng thống… mít tinh biểu tình trong khắp cả nước, tổ chức những buổi họp mặt mang tên “Vì Việt Nam”; các bà mẹ Pháp đòi trả con, hòm phiếu đòi hòa bình ở Việt Nam…
Từ năm 1949 đến 1953 tình hình thế giới và Việt Nam có nhiều chuyển biến bất lợi cho phe đế quốc, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam liên tiếp giành thắng lợi trên chiến trường Đông Dương, chính phủ Hồ Chí Minh đã làm chủ hầu hết các vùng trọng yếu đẩy quân Pháp lâm vào thế phòng ngự lúng túng. Nền kinh tế Pháp suy kiệt do gánh nặng duy trì cuộc chiến tại Đông Dương và phải lệ thuộc vào đế quốc Mĩ. Trước hoàn cảnh đó Đảng cộng sản Pháp đã phát động những cuộc bãi công ở các cảng có tàu chở trang thiết bị và vũ khí sang Đông Dương, các cuộc đấu tranh rầm rộ của công nhân bốc dỡ không chịu chuyển hàng lên tàu, bất chấp sự đàn áp, giam cầm, tù đày của chính quyền phản động. Các cuộc đấu tranh luôn gắn với yêu cầu rút quân đội viễn chinh về nước, đòi hòa bình ở Việt Nam, đòi điều đình với chính phủ Hồ Chí Minh… Điển hình phải kể đến vụ Ray mông điên (Raymond) nằm trên đường xe lửa ngăn đoàn tàu chở vũ khí ngày 24/02/1949 và chiến dịch đòi trả tự do cho Hăng ri mác tanh (Henri Martin) một đảng viên của Đảng cộng sản Pháp đã từng có mặt trên chiến trường Đông Dương và khi trở về Pháp đã tố cáo tội ác của phe hiếu chiến Pháp xâm lược Việt Nam. Trong suốt 3 năm (1950 - 1953), những người cộng sản Pháp đã phối hợp với các tổ chức thanh niên, phụ nữ, công nhân… tổ chức đấu tranh biểu tình, biến vụ Hăng ri mác tanh thành ngòi nổ làm vang động vấn đề Việt Nam trong tâm trí nhân dân Pháp, tạo thành sức mạnh chưa từng có ở khắp thành thị và nông thôn nước Pháp, làm thức tỉnh lương tri của đông đảo nhân dân Pháp và các tầng lớp trí thức. Tất cả tạo thành cuộc đấu tranh mãnh liệt phản đối cuộc chiến tranh ở Đông Dương, buộc Tổng thống Pháp phải trả tự do cho Hăng ri mác tanh vào ngày 02/8/1953.
Ngày 07/5/1954, sau chiến thắng vang dội của quân đội nhân dân Việt Nam tại chiến trường Điện Biên Phủ, kết thúc toàn bộ chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954. Chỉ một ngày sau sự kiện Điện Biên Phủ, vấn đề Đông Dương đã được đề cập trên bàn Hội Nghị Giơ ne vơ.
Việc ngừng bắn và những điều kí kết trong Hiệp định Giơ ne vơ là thành công vang dội của cả nhân dân Pháp và nhân dân Việt Nam, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Đảng cộng sản Pháp. Bằng hoạt động tích cực và to lớn của mình, Đảng cộng sản Pháp đã triệt để thực hiện luận cương về sự liên minh giữa phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa với chính đảng cách mạng ở chính quốc. Việc tìm hiểu thấu đáo những hoạt động của Đảng cộng sản Pháp và những người cộng sản Pháp phối hợp với nhân dân ta trong cuộc kháng chiến từ 1946 - 1954 đặc biệt trong thắng lợi chung của chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ góp phần củng cố, tăng cường hiểu biết và quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước./.