Trong chuyến công tác tại Hà Nôi vào tháng 11/2013, tôi cùng một đồng chí đồng nghiệp đã tìm đến nhà bác cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Đàn, người Đại đội trưởng chỉ huy Đại đội 815 thuộc Tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367, Đại đoàn 351, đơn vị có thành tích bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên của quân viễn chinh Pháp trên bầu trời Điện Biên Phủ.

Ngôi nhà của cựu chiến sỹ Điện Biên năm xưa nằm trên ngõ nhỏ của phố Ngọc Hà. Mở của đón chúng tôi và nghe giới thiệu: chúng cháu là cán bộ của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ xin được gặp bác để tìm hiểu thông tin về hiện vật. Bác Đàn hỏi lại: Tận Điện Biên cơ à! Rồi vui vẻ rót nước mời chúng tôi. Người chỉ huy đơn vị anh hùng năm nào nay đã ngoài 80, mái tóc bạc trắng nhưng da dẻ vẫn hồng hào, phong thái nhanh nhẹn. Khi được hỏi về việc chỉ huy Đại đội 815 sử dụng pháo cao xạ bắn máy bay Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác Đàn chậm rãi kể:

Đầu năm 1953, Trung đoàn pháo cao xạ 367 được thành lập thuộc biên chế của Đại đoàn 351 bao gồm: 72 khẩu 37mm, tổ chức thành 6 tiểu đoàn, (trong 72 khẩu này, 24 khẩu tham gia ở lòng chảo Điện Biên Phủ, tới đợt 3 chiến dịch, 12 khẩu được điều lên lòng chảo (Tiểu đoàn 396). Các tiểu đoàn cao xạ ở Điện Biên Phủ bao gồm 2 Tiểu đoàn 394 và Tiểu đoàn 383. Các đại đội cối 120mm được phân công phối thuộc trong đội hình các đại đoàn bộ binh, số lượng 20 khẩu. Các đại đội 12,7mm, có 10 đại đội, 60 khẩu. Khi tham gia học tập huấn luyện tại Trung Quốc, Đại đội 815, Tiểu đoàn 383 là đơn vị xuất sắc luôn giành thành tích trong việc bắn thử. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các chiến sỹ Đại đội 815 làm nhiệm vụ kéo pháo ra khi thay đổi phương châm từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”, có tấm gươn dũng cảm của đồng chí Nguyễn Quang Thuận, sau khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ đồng chí Thuận đã vinh dự được về báo công với Bác Hồ  tại chiến khu Việt Bắc.

Nói đến chiến dịch Điện Biên Phủ còn ít tư liệu thông tin về Sở chỉ huy của Trung đoàn 367, tôi là một trong những người được cử đi chọn địa điểm để đặt sở chỉ huy và cuối cùng cấp trên thống nhất chọn điểm cao 630 làm địa điểm đặt sở chỉ huy. Đây là một quả đồi nằm gần Tiểu đoàn 383 cách cụm cứ điểm Him Lam 3km, là địa điểm thuận lợi có thể quan sát toàn bộ lực lượng địch và chỉ huy lực lượng của ta.

Việc tìm vị trí để xây dựng các trận địa pháo cao xạ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ huy trung đoàn pháo cao xạ (Nguyễn Quang Bích) báo cáo: Trên những địa hình hiện tại, nếu căn cứ vào bài học ở nhà trường, thì chỉ đạt được một trong tám điều kiện phải có để thiết lập một trận địa pháo cao xạ, đó là: “Không gần đường dây cao thế quốc gia”! Nhưng ta không hoàn toàn lệ thuộc vào quy tắc đã học mà đã cố gắng phát huy tinh thần sáng tạo của quân đội nhân dân, của pháo binh cách mạng Việt Nam. Các trận địa pháo cao xạ bố trí rải rác trong lòng chảo và lưu động trong chiến đấu.

Sau khi tấn công Him Lam ngày 13/3/1954, lực lượng cao xạ đã bắn bị thương  một máy bay Pháp, những chiếc còn lại trút bom bừa bãi rồi tháo chạy. Đêm 13/3 các chiến sỹ Đại đội 815 đã họp bàn rút kinh nghiệm, tìm lý do tại sao chưa bắn rơi được máy bay, đại đội cử chiến sỹ trèo lên đỉnh núi Tà Lèng mang theo bộ phận đo xạ lên để nghiên cứu tìm cự ly và phần tử bắn cho chính xác. Vào khoảng 7 giờ 30 phút  sáng ngày 14/3/1954, trên bầu trời Điện Biên xuất hiện máy bay trinh sát Moran của Thực dân Pháp đi thám thính, các chiến sỹ pháo cao xạ của Đại đội 815 chuẩn bị vào tư thế chiến đấu. Khi chiếc máy bay trinh sát của Pháp lượn mấy vòng trên không rồi bất ngờ xà xuống thấp hơn để nhìn rõ mục tiêu. Chỉ chờ thời cơ đó, khẩu đội 3 cùng với các khẩu đội khác bắt đầu tung lưới lửa lên bầu trời. Các chiến sỹ của khẩu đội 3 đã bắn trúng mục tiêu, chiếc máy bay Moran bốc cháy ngùn ngụt rồi lao xuống bản Púng Tôm. Người đạp cò bắn cháy chiếc máy bay là đồng chí Nguyễn Quang Thuận thuộc khẩu đội 2, Đại đội 815 (do pháo thủ làm nhiệm vụ đạp cò của khẩu đội 3 bị thương trong trận đánh vào cứ điểm Him Lam, nên đồng chí Nguyễn Quang Thuận được lệnh điều chuyển sang khẩu đội 3 làm nhiệm vụ đạp cò bắn). Đây là chiếc máy bay đầu tiên của Thực dân Pháp bị bắn cháy trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi bắn cháy chiếc máy bay đầu tiên, Bộ chỉ huy chiến dịch đã điện khen, tặng cờ cho đơn vị pháo cao xạ trong đó có Đại đội 815. Và đặc biệt là các chiến sỹ của khẩu đội 3 đã được tặng huân chương với thành tích bắn cháy chiếc máy bay đầu tiên trên bầu trời Điện Biên Phủ.

Qua câu chuyện của người Cựu chiến binh năm xưa, chúng tôi những người trực tiếp làm công tác sưu tầm tư liệu, hiện vật, thông tin liên quan đến sự kiện Điện Biên Phủ dường như cảm thấy tự hào hơn về công việc đầy ý nghĩa “tái hiện lịch sử” của mình; chúng tôi có thêm những tư liệu quý báu giúp cho thế hệ sau hiểu đầy đủ về những chiến công thầm lặng của lớp lớp cha ông.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.710
      Online: 46