Điện Biên, miền đất lịch sử anh hùng, 1 vùng núi đẹp như tranh với rợp trời hoa ban trắng khi xuân về, cánh đồng Mường Thanh trải rộng ngút ngán tầm mắt, dòng Nậm Rốm êm đềm chảy như bản tình ca và các chứng tích về một thời bom đạn vẫn còn đó trên mỗi tấc đất Điện Biên hôm nay.

Điện Biên là một tỉnh miền núi biên giới nằm ở phía Tây Bắc, là quê hương của của 19 dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam thống nhất.

Cùng với quá trình hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, tỉnh Điện Biên có một truyền thống đấu tranh cùng các dân tộc anh em nhằm từng bước xây dựng khối đoàn kết không gì lay chuyển nổi các cộng đồng dân tộc Việt Nam. Lịch sử Điện Biên là lịch sử của quá trình đấu tranh gay gắt đó và nó chỉ kết thúc khi tiếng kèn chiến thắng Điện Biên vang dậy.

Vùng Điện Biên từ xa xưa đã có một vị trí quan trọng, là một miền kinh tế trù phú, một trung tâm chính trị văn hóa của đồng bào miền núi. Đời này qua đời khác nơi đây đã thu hút hết lớp cư dân này tới lớp cư dân khác đang trên con đường tìm một cuộc sống ổn định và ấm no. Bằng sức lao động kiên trì và sáng tạo, hết thế hệ này đến thế hệ khác đã khai phá mở mang vùng biên cương với nỗi mơ ước thiết lập một cuộc sống tràn đầy hạnh phúc. Nhưng lịch sử Điện Biên trước kia không chỉ có hòa bình xây dựng mà còn đấu tranh bảo vệ thành quả lao động của mình. Các cuộc tranh chấp liên miên giữa các thế lực phong kiến địa phương hay từ nơi khác đến, tiếp đó là sự xâm lược và thống trị tàn bạo của kẻ thù bên ngoài từ nhiều phương tới, đã làm cho cuộc sống của nhân dân Điện Biên trong những thời gian dài phải đẫm máu và nước mắt.

Căn cứ vào các sách lịch sử như An Nam Chí Lược (Đời Trần), Dư Địa Chí (Đời Lê), các chính sử như: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thông giám cương mục, Đại Nam thực lục...các chính sử Trung Quốc đời Hán, đời Đường. Từ đời Hùng Vương dải đất này đã thuộc nước Văn Lang, đến thời Hán thuộc Giao Chỉ, đời Tùy Đường thuộc Châu Chi, đời Lý đó là miền Ninh Viễn, lộ Đà Giang. Đời Lê thuộc trấn Gia Hưng. Đến năm Tân Sửu (1841) đời Thiệu Trị, Châu Ninh Biên mới được đổi tên thành Điện Biên hay Điện Biên Phủ và có nghĩa là "Biên giới vững vàng".

Ngày 07/5/1954 dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên cùng với nhân dân cả nước đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu". Chiến thắng Điện Biên Phủ là một minh chứng hùng hồn về sự phát huy sức mạnh tổng hợp của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sức mạnh đó được hun đúc qua những năm, tháng của cuộc chiến tranh đã được Đảng và Chủ Tịch Hồ Chí Minh dẫn đường chỉ lối, tạo thành một khối vững chắc để nghiền nát của chủ nghĩa thực dân Pháp tại Việt nam, góp phần quan trọng làm tan dã chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.

Trận  Điện Biên Phủ được nhắc đến như một chiến thắng vĩ đại nhất của một nước thuộc địa nhỏ bé ở Đông Nam Á chống lại đội quân hùng mạnh của một cường quốc phương Tây. Với ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần yêu nước sâu sắc Điện Biên Phủ là một trong những chiến thắng quan trọng nhất trong lịch sử chiến tranh của Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ đã qua đi từ khoảnh khắc lịch sử của mùa xuân năm 1954, Điện Biên Phủ đã trở thành biểu tượng cho hòa bình, độc lập dân tộc và dân chủ, là thiên anh hùng ca về tinh thần quyết chiến, quyết thắng, là niềm tin của các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới, làm nức lòng bạn bè khắp năm châu.

Các chứng tích trong cuộc chiến năm xưa giờ đã trở thành quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ trải dài trên lòng chảo Ðiện Biên bốn bề là núi bao bọc với chiều dài 18km, rộng 6km, trong đó cánh đồng Mường Thanh dài hơn 14km là vựa lúa lớn nhất vùng Tây Bắc của tổ quốc; sông Nậm Rốm chảy cắt ngang chia Điện Biên Phủ thành hai bên tả, hữu tạo nên vùng đất Ðiện Biên Phủ vô cung phì nhiêu, màu mỡ nhưng cũng đầy tự hào. Nổi bật trong hành trình tìm về với cội nguồn lịch sử, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mới được xây dụng, là nơi lưu giữ, trưng bày các hiện vật, tranh, ảnh tư liệu, các mô hình … liên quan đến chiến dịch, mô tả khái quát toàn bộ cuộc chiến đấu đầy hi sinh, gian khổ của quân và dân ta để làm nên chiến thắng vang dội của dân tộc. Đồi Him Lam, nơi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày 13/3/1954; đồi Độc Lập, nơi diễn ra trận đánh chiếm cứ điểm này vào ngày 15/3/1954.

Chạy dọc thung lũng Mường Thanh năm xưa, nơi diễn ra cuộc đọ sức lịch sử năm xưa là đường Võ Nguyên Giáp, con phố chính và lớn nhất thành phố Điện Biên Phủ có các đồi C, D, E là những quả đồi diễn ra các trận đánh rất ác liệt, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất. Trên mỗi quả đồi có gắn tên bằng các chữ cái khá to ở vị trí dễ quan sát nhất, từ xa có thể nhìn rõ. Ngày 7/5/2004, Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ xây dựng với quy mô hoành tráng đã được khánh thành trên đồi D1 nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng cho chiến thắng và hòa bình. Đồi A1, quả đồi quan trọng nhất trong dãy đồi phía Đông bảo vệ Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây là nơi ta và địch giành nhau từng tấc đất, từng mét giao thông hào; cứ điểm đánh ác liệt nhất và kéo dài nhất có tính chất quyết định cho toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại đây, quân ta đã bí mật đào liên tục trong hơn 2 tuần một đường hầm từ ngoài hàng rào dây thép gai vào sát hầm ngầm của Pháp để đặt một lượng thuốc nổ gần 1 tấn nhằm công phá hầm chỉ huy cứ điểm A1 của Pháp. 20 giờ 30 phút ngày 06/5/1954, khối thuốc nổ này đã làm nổ tung vị trí này đồng thời cũng là hiệu lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận. Rạng sáng ngày 07/5/1954, quân ta đã hoàn toàn chiếm lĩnh đồi A1 và chỉ hơn 12 giờ sau đó toàn thể quân viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ đã kéo cờ trắng xin hàng.

Hầm chỉ huy của tướng De Castries nằm gần cầu Mường Thanh là nơi tướng De Castries cùng Bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã bày mưu tính kế nhằm tiêu diệt quân chủ lực Việt Nam cũng là nơi tên tướng bại trận bị bắt sống. Vị trí hầm, hình dáng, kích thước, cấu tạo của hầm chỉ huy… hiện nay đã được tôn tạo, trùng tu bằng những vật liệu bền vững hơn với thời gian nhưng vẫn được giữ nguyên hiện trạng ban đầu. Hiện nay tại đây và một số di tích khác đã được đầu tư công trình mái che hiện vật ngoài trời, là kết quả của công cuộc xã hội hóa, nhằm bảo vệ di tích một cách tối ưu nhất. Sân bay Mường Thanh và cứ điểm 206 cách đó không xa nằm ở vị trí trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hiện sân bay đã được cải tạo, nâng cấp thành Cảng hàng không quốc tế Điện Biên Phủ nằm trong hệ thống đường bay của Hàng không dân dụng Việt Nam.

Di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng, cách thành phố Ðiện Biên Phủ gần 40km, bên cạnh khu du lịch sinh thái hồ Pá Khoang. Đây là một hệ thống liên hoàn những lán làm việc của các cơ quan Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ trong đó có lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Công trình vĩ đại nhất tại Mường Phăng chính là đường hầm xuyên sơn nối hai lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Đường hầm dài 69m, đào xuyên qua đồi để tránh bom và đạn, pháo. Những bậc tam cấp dẫn lên miệng hầm (cũng là lán của Đại tướng) nay đã phủ rêu phong của thời gian nhưng vẫn còn đó bóng dáng của người chỉ huy tài ba, lỗi lạc một thời.

60 năm đã qua, chiến trường Điện Biên Phủ hôm nay đã phủ màu xanh của sự sống, các công trình, nhà máy, đô thị mọc lên san sát đã cho thấy sự đổi thay từng ngày của mảnh đất này. Phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, truyền thống đại đoàn kết toàn dân, tinh thần quyết tâm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc thành phố quyết tâm phấn đấu xây dựng thành phố Điện Biên Phủ vững về chính trị, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, trở thành trung tâm kinh tế khu vực Tây Bắc trong tương lai.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 697.931
Online: 49