60 năm đã trôi qua kể từ ngày quân ta kéo cờ chiến thắng trên nóc hầm De Castries. Kể từ đó, Điện Biên Phủ được nhắc đến với chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đến với Điện Biên Phủ hôm nay, du khách được thăm lại những di tích lịch sử của chiến trường năm xưa; hơn thế nữa, khi đi giữa những tán rừng đại ngàn của khu di tích Mường Phăng, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, ký ức về một thời kỳ chiến đấu và chiến thắng oanh liệt, hào hùng của dân tộc như được tái hiện. Mường Phăng, một trong những điểm nhấn làm nên sức hấp dẫn độc đáo và riêng có ở Điện Biên. Nơi đây đã và đang từng bước được đầu tư, tôn tạo nhằm bảo vệ các giá trị chân thực của lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm cho các thế hệ ngày nay và mai sau.

Nằm cách Sở chỉ huy chiến dịch 300m về phía Đông Bắc là nơi quân và dân ta long trọng tổ chức lễ duyệt binh mừng chiến thắng vào ngày 13/5/1954. Trong Dự án tôn tạo Di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Ban quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ đã thực hiện ý tưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp quy hoạch thành khuôn viên trên nền bãi duyệt binh cũ và đặt một cụm tượng đài nhân kỷ niệm 55 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ.

Cùng với di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, cụm Tượng đài chiến thắng tại Công viên Mường Phăng cũng là một điểm dừng chân không thể bỏ qua khi đến với khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Người dân địa phương quen gọi nơi này với cái tên thân thiết “Tượng đài mừng công”.

Quy trình làm tượng trải qua nhiều cuộc họp, nhiều bước, từ chọn mẫu sáng tác đến chất liệu, kích thước. Năm 2005, sau khi nhận được đề cương sáng tác của Hội đồng Nghệ thuật tỉnh Điện Biên, tác giả Trịnh Thế Hội đã nghiên cứu tài liệu và 2 lần lên Điện Biên thực tế tận mắt ngắm nhìn không gian và từ đó có tư duy bố cục hợp lý. Để có được tác phẩm hoàn hảo nhất, trong quá trình xây dựng Tượng đài chiến thắng Mường Phăng đã có sự tham gia của nhiều tổ chức, đơn vị có liên quan từ Trung ương đến địa phương, nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các tướng lĩnh và đặc biệt là hai lần tham gia góp ý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người có vai trò to lớn trong cuộc chiến vĩ đại của dân tộc.

Chiều ngày 11/5/2006, tại văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đại diện các đơn vị: Bộ Văn hóa: đồng chí Hoàng Đức Toàn; Tỉnh Điện Biên: đồng chí Lại Quang Trung - Giám đốc Sở Văn hóa, đồng chí Vũ Nam Hải - Giám đốc Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ;  Hội đồng nghệ thuật: đồng chí Trần Khánh Chương, đồng chí Lê Mã Lương; đơn vị sáng tác, phác thảo gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Lai, Chu Văn Hải, Trịnh Thế Hội, báo cáo về sáng tác phác thảo tượng đài đặt tại Công viên chiến thắng ở Mường Phăng. Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tóm tắt về ý nghĩa chiến thắng Điện Biên Phủ và nhấn mạnh xây dựng tượng đài phải thể hiện đầy đủ các đơn vị tham gia chiến dịch từ dân công, thanh niên xung phong, các đồng bào dân tộc, thể hiện khí thế chiến thắng. Các đồng chí: Đại Tướng Chu Huy Mân, Thượng tướng Trần Văn Quang, Trung tướng Phạm Hồng Sơn, Trung tướng Phạm Hồng Cư, Thiếu tướng Nguyễn Trung Kiên, Đại tá Đào Văn Trường, Đại tá Trần Độ đã tham gia góp ý kiến xây dựng tượng đài. Sau khi nghe mọi người nêu ý kiến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết luận: đồng ý với phác thảo của tác giả Trịnh Thế Hội và bổ sung một số nội dung: pháo cao xạ 37 mm, hình tượng xe ô tô vận tải, đồng chí Lò Văn Hặc nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu (ngay sau khi họp xong, đồng chí Vũ Nam Hải đã sưu tầm ảnh đồng chí Lò Văn Hặc), khắc tên 5 đại đoàn vào 5 lá cờ. 

Có mặt tại buổi lễ mừng công long trọng năm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần tái hiện sinh động thời khắc lịch sử thiêng liêng ấy. Chắc hẳn, khi những người con đã chiến đấu tại chiến trường xưa hay bao thế hệ mai sau được chiêm nhưỡng tác phẩm này đều sẽ có cùng một dòng cảm xúc, một niềm tự hào dân tộc và một lòng biết ơn những chiến sĩ đã dũng cảm đấu tranh giành lại từng tấc đất, quyết không cam chịu nỗi đau mất nước, mất độc lập, chủ quyền.

Cụm tượng đài được xây dựng với kinh phí 9,7 tỷ đồng, tổng chi phí trên 13 tỷ đồng. Được ghép từ 102 tấm đá xanh Thanh Hóa. Đơn vị thể hiện: Trung tâm mĩ thuật và đầu tư phát triển văn hóa – Chi nhánh công ty TNHH nhà nước một thành viên cung ứng nhân lực và thương mại quốc tế Hà Nội. Khởi công lắp đặt ngày 5/1/2008, khánh thành vào tháng 3/2009.

Cụm tượng đài nặng 700 tấn với chiều cao 9,8m, rộng 6m, dài 15,58m; cấu trúc của cụm tượng đài gồm 25 nhân vật cao bình quân 2,7m (13 nhân vật toàn thân, 12 nhân vật bán thân) đại diện các lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Cùng 6 lá cờ, trong đó có 5 lá cờ nhỏ cao 7m, thể hiện 5 đại đoàn tham gia chiến dịch: đại đoàn 312, 316, 308, 304, 351; 1 lá cờ lớn ở giữa là lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” cao 9m, dưới lá cờ có bức phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trang trọng ở chính giữa đọc bức thư của Bác Hồ, hai bên là Đại Tướng Hoàng Văn Thái, phó Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, tham mưu trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ (bên phải) và đồng chí Lò Văn Hặc, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Lai Châu (bên trái). Ngoài ra các hình tượng khác tượng trưng các binh chủng đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như: pháo binh, bộ binh, công binh, thông tin, quân y, cao xạ, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, mỗi người một vẻ trông thật hoành tráng, đó còn là những tấm gương về đức hi sinh, lòng quả cảm và tinh thần yêu nước, tinh thần đấu tranh vì nền độc lập tự do của tổ quốc. Khối cây rừng và vũ khí, khối bệ tượng có tạo hình nghệ thuật, bệ tượng cao 1,25m, rộng 3m, dài 16,4m. Phía sau tượng là xe tăng, pháo cao xạ, toát lên hình ảnh chiến thắng oai hùng của quân và dân ta.

          Đồng chí Vũ Nam Hải, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cho biết: Nhóm tượng thể hiện mối quan hệ tổng hòa, vị trí trung tâm là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tổng tư lệnh chiến dịch, các nhân vật xung quanh hướng vào giữa, hội tụ các đại biểu ưu tú của các đơn vị, thể hiện tướng sĩ một lòng, quân dân một ý chí. Đồng chí Lò Văn Hặc, dân tộc Thái, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Tỉnh Lai Châu, người sớm đi theo cách mạng, là người vinh dự được đứng bên cạnh Đại tướng, thể hiện tình quân dân bền chặt, gắn bó.

Khối tượng đài đặt ở không gian mở, có quy mô hoành tráng, đường nét sắc sảo, bố cục chặt chẽ, nội dung sâu sắc. Đây là một công trình văn hóa vật thể, lịch sử thể hiện lòng biết ơn đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương chiến đấu với quân thù giành lại chủ quyền cho đất nước, tượng trưng cho tinh thần bất khuất, trường tồn của chiến thắng vĩ đại, “thiên sử vàng” trong lịch sử quân sự nước nhà và cả nhân loại. Các anh mãi hiện hữu trong khu rừng đại ngàn, lặng lẽ ngắm nhìn nơi lòng chảo an bình, ngày càng hội nhập và phát triển; ngắm nhìn dòng sông Nậm Rốm xanh rì, hiền hòa, góp phần nuôi dưỡng cánh đồng Mường Thanh. Khung cảnh yên bình hôm nay là mong ước, lý tưởng của bao thế hệ đi trước, chính vì vậy, chúng ta hãy có ý thức về nhiệm vụ, quyền hạn, cũng như  trách nhiệm của mình sao cho xứng đáng với công lao to lớn của cha anh. Cần thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Cụm tượng đài Chiến thắng Mường Phăng góp phần khẳng định quyết tâm chiến đấu và chiến thắng của quân và dân ta; là biểu tượng truyền thống chống giặc ngoại xâm, tinh thần đoàn kết dân tộc, mang đậm giá trị lịch sử, ở đó toát lên sự linh thiêng, khí phách hào hùng của dân tộc Việt Nam. Du khách về với Mường Phăng,  về với cội nguồn, cội nguồn của lịch sử, cội nguồn của chiến thắng. Nơi đây mãi mãi ghi dấu những giá trị lịch sử, văn hóa nhân văn sâu sắc cho hôm nay và các thế hệ mai sau./.

HT


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 697.931
Online: 48