Trọn cuộc đời với hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều công lao to lớn và cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tên khai sinh Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25/8/1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng. Ông là một nhà lãnh đạo quân sự và chính trị, là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cũng là người chỉ huy đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước, ở vùng quê “gió Lào, cát trắng”, Võ Giáp được hun đúc tình yêu quê hương đất nước từ tinh thần kiên cường, bất khuất của cha, sự nhọc nhằn, lam lũ của mẹ; từ cái nghèo nàn, lạc hậu, đầy nắng gió của quê lúa Quảng Bình; từ truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời của dân tộc; từ lí tưởng cách mạng cao đẹp của các bậc tiền bối đi trước. Năm 1925-1926, ông tham gia phong trào học sinh yêu nước ở Trường Quốc học Huế và tiếp thu tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. 2 năm sau ông bị nhà trường đuổi học vì tham gia vào một cuộc bãi khóa và đây mới chỉ là sự khởi đầu cho những hoạt động sôi nổi sau này để thực hiện mục tiêu, lí tưởng cao cả, vĩ đại của người con anh hùng của dân tộc, một nhân vật lịch sử tiêu biểu, người chỉ huy chiến thuật xuất sắc, nhà cầm quân chiến lược tài ba.
Năm 1929, Võ Giáp tham gia Đảng Tân Việt Cách mạng, sau đổi tên là Đông Dương cộng sản liên đoàn. Trong thời gian này ông làm việc tại nhà xuất bản Quan Hải Tùng Thư và ở báo Tiếng dân tại Huế.
Từ sau 1931, ông tham gia dạy học ở trường Thăng Long, viết và biên tập các báo tin tức, thời báo, Cờ giải phóng… Ông cũng là một tri thức trẻ may mắn sớm được gặp Bác Hồ ngày 03/5/1940, với bí danh Dương Hoài Nam, ông đã cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng lên Cao Bằng rồi vượt biên sang Côn Minh, Trung Quốc gặp Nguyễn Ái Quốc, người của Quốc tế cộng sản, là Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này. Tháng 6/1940 ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Năm 1941 tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang và xây dựng căn cứ địa tại Cao Bằng. Năm 1942, ông được giao phụ trách Ban Xung phong Nam tiến.
Tháng 12/1944, ông được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trao nhiệm vụ thành lập tổ chức Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Sau ít ngày chuẩn bị, ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo ở châu Nguyên Bình tỉnh Cao Bằng, ông đã cùng với 34 đồng chí sáng lập ra Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng và đây là tiền thân của Quân đội Nhân dân ngày nay. Ông được ủy quyền làm Tổng chỉ huy, về sau là Tổng tư lệnh, là người chỉ huy cao nhất của đội quân ấy đánh giặc cứu nước. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông chỉ sau ba ngày thành lập đội quân non trẻ đã đánh thắng hai trận đầu tiên ở Phay Khắt và Nà Ngần. Có thế nói với nhãn quan sâu sắc của một vị lãnh tụ, Chủ tịch Hồ Chí minh đã nhìn thấy ở Võ Nguyên Giáp một phẩm chất và tài năng của một con người yêu nước chân chính, Bác đã tin tưởng giao những nhiệm vụ trọng trách cho người thanh niên này và cho đến tận bây giờ không thể phủ nhận được một chân lí, ông là học trò ưu tú, xuất sắc nhất dưới thời đại Hồ Chí Minh.

Quang cảnh ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thụ cấp quân hàm Đại tướng vào ngày 28/5/1948 theo sắc lệnh 110/SL ký ngày 20/01/1948 của Chủ tịch Hồ Chủ tịch, ông trở thành vị Đại tướng đầu tiên của quân đội quốc gia Việt Nam khi mới 37 tuổi. Bằng kinh nghiệm thực tiễn trong chiến đấu, bằng tinh thần và trách nhiệm của một người con yêu nước, bằng trí thông minh và sự linh hoạt tài tình, ông đã trở thành vị tướng của lòng dân.

Sắc lệnh phong hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và ảnh đồng chí Võ Nguyên Giáp năm 1948
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài 9 năm chống Thực dân Pháp (1945 - 1954) trên cương vị Tổng chỉ huy từ năm 1949 đổi tên là Tổng Tư lệnh quân đội kiêm bí thư Tổng quân ủy. Trong kháng chiến 9 năm ấy dấu ấn của ông đặc biệt nổi bật ở hai quyết định lớn có ý nghĩa sống còn. Đó là quyết định thay đổi mục tiêu tiến công từ Cao Bằng xuống Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới năm 1950 và quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy Chiến dịch Biên giới (1950)

Chính việc thay đổi cách đánh này vào phút chót mang ý nghĩa vô cùng quan trọng và thực tế lịch sử đã chứng minh đó là nhân tố quyết định dẫn tới thắng lợi của chiến dịch, chấm dứt giấc mộng của Thực dân của Pháp tại Việt Nam nói riêng và Đông Duơng nói chung, là tiền đề cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này.
Sau năm 1954, cả thế giới biết đến Điện Biên Phủ. Cái tên Điện Biên Phủ làm nức lòng bạn bè khắp năm châu. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại một dân tộc vốn là thuộc địa nửa phong kiến, đất không rộng, người không đông, kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu, vũ khí thô sơ, đã đánh thắng quân đội xâm lược của một cường quốc phương Tây có tiềm lực kinh tế và quân sự lớn, trang bị vũ khí hiện đại. Chiến chắng Điện Biên Phủ còn tạo nên chỗ dựa vững chắc, tạo nên lực lượng, ý chí, niềm tin và kinh nghiệm để quân và dân ta tiến lên, đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, thống nhất hoàn toàn, từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" tung tay trên nóc hầm Chỉ huy của Tướng DeCastries
Với cương vị Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc chỉ huy các lực lượng vũ trang phối hợp tác chiến nổi dậy khởi nghĩa với một loạt chiến công vang dội như tết Mậu thân 1968, trận Điện Biên Phủ trên không… và kết thúc bằng cuộc đại chiến mùa xuân 1975, giang sơn thu về một mối, đất nước ta sạch bóng quân thù. Ông cũng chính là người đề xuất mở con đường Trường Sơn huyền thoại, con đường sau này đã trở thành đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử.
Với mỗi trận đánh Đại tướng luôn cân nhắc, chọn lựa những cách đánh phù hợp nhất để làm sao giành được thắng lợi cao nhất mà tổn thất về sinh mạng thấp nhất. Đó chính là trách nhiệm đối với vận mệnh của đất nước, sinh mệnh của chiến sĩ và sinh mệnh của toàn dân tộc. Đó cũng chính là tư tưởng xuyên suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, ông luôn chủ trương tiến hành chiến tranh nhân dân, dựa vào nhân dân mà chiến đấu. Ông biết kết hợp sức mạnh của toàn quân và toàn dân tạo thành sức mạnh tinh thần to lớn, đó là sức mạnh của toàn dân tộc, sức mạnh của tình yêu nước với một mục tiêu cao nhất là hòa bình và độc lập.
Từ năm 1954 đến năm 1976, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng. Ông còn là Phó thủ tướng Chính phủ, sau là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (từ năm 1955 đến năm 1991).
Năm 1991, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghỉ hưu ở tuổi 80, được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Chiến thắng hạng nhất.
Với bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ cách mạng, với tư tưởng sâu sắc của nhà chính trị lỗi lạc, với vốn hiểu biết và học vấn uyên thâm của một con người cả đời không ngừng học hỏi, phấn đấu ông đã có những đóng góp to lớn đối với các vấn đề quan trọng của đât nước và đạt được nhiều thành tựu có giá trị. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng mãi là tấm gương sáng cho ý chí kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, yêu nước thương dân, bao dung độ lượng, đoàn kết nghĩa tình; cần, kiệm, liêm, chính, chí , công, vô tư.
Thiết thực Chào mừng kỷ niệm 112 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã chức triển lãm ảnh với chủ đề “Dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Điện Biên Phủ”. Thông qua triển lãm nhằm khẳng định tài thao lược, nghệ thuật quân sự tài tình và những đóng góp to lớn của Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong cuộc kháng chiến chống Pháp nói chung và Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ lòng biết ơn sâu sắc đối với hế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của dân tộc.