Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, góp phần vào sự sụp đổ và tan rã của Chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã bảo vệ và phát triển thành quả của Cách mạng tháng Tám, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp trên đất nước ta, đưa cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới. Trong thắng lợi chung của dân tộc, lực lượng Công an nhân dân có vai trò và những đóng góp hết sức quan trọng; đã kề vai sát cánh với Quân đội Nhân dân và Nhân dân cả nước lập nên nhiều chiến công hiển hách trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cùng với Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân là lực lượng trọng yếu của Nhà nước cách mạng, đã đóng góp xứng đáng vào công cuộc kháng chiến, bảo vệ Đảng và chính quyền cách mạng, trấn áp các thế lực phản cách mạng, diệt tề, trừ gian bảo vệ cuộc sống của nhân dân. Ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng công an được giao nhiệm vụ bảo vệ chiến dịch.
Từ kinh nghiệm trong công tác bảo vệ chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Tây Bắc, đáp ứng quy mô và tầm quan trọng của chiến dịch, Thứ Bộ Công an đã thành lập “Ban Công an tiền phương” nằm trong Hội đồng Cung cấp do đồng chí Phạm Văn Đồng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch. Các “Ban Công an tiền phương” được Thứ Bộ Công an giao nhiệm vụ bảo vệ các lực lượng, các ngành tham gia chiến dịch, tập trung bảo vệ đội ngũ dân công, bảo vệ an toàn giao thông - vận tải, bảo vệ kho tàng, bảo vệ các cuộc hành quân, nơi trú quân của bộ đội; kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động phá hoại của bọn tình báo, gián điệp, biệt kích, phỉ, phản động ở cả vùng hậu phương và trên toàn tuyến mặt trận. Công an Nhân dân là lực lượng được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao nhiệm vụ bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ cùng với các lực lượng trong Quân đội Nhân dân. Nhận thức được toàn diện và sâu sắc tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của chiến dịch, Bộ Công an xác định công tác bảo vệ chiến dịch là nhiệm vụ trọng tâm của Công an nhân dân trong thời gian này. Để thực hiện trọng trách đó, ngành Công an đã lập ra “Ban Công an tiền phương” nằm trong Hội đồng cung cấp Mặt trận Trung ương. Ở một số tỉnh thuộc vùng Tây Bắc, ngành Công an thành lập “Ban Công an tiền phương” cấp tỉnh trực tiếp làm nhiệm vụ chỉ đạo công tác bảo vệ chiến dịch. Với khối lượng công việc đồ sộ phục vụ chiến dịch, trong thời gian ngắn, lực lượng CAND đã huy động hàng chục vạn cán bộ chiến sỹ ở hầu khắp công an các đơn vị, địa phương tham gia công tác bảo vệ ở tất cả các lĩnh vực, địa bàn từ hậu phương ra mặt trận. Công tác bảo vệ chiến dịch của lực lượng Công an Nhân dân trong giai đoạn này là một cuộc chiến đấu vô cùng khó khăn, gian khổ với nhiều nhiệm vụ cụ thể rất khác nhau, từ bảo vệ lực lượng chiến đấu trực tiếp, bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân, bảo vệ bí mật quân sự, bảo vệ giao thông vận chuyển, thuần khiết lực lượng tham gia phục vụ chiến dịch, thực hiện các biện pháp phản gián, bảo vệ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, bảo vệ kho tang, bến, bãi, khu tập kết lực lượng, vũ khí, khí tài, bảo vệ hậu phương, khu vực được giải phóng, tiễu phỉ, đấu tranh phòng, chống phản động, bóc gỡ các mạng lưới gián điệp, biệt kích…
Trong chiến dịch Điện Biên phủ, tại các tỉnh là hậu phương trực tiếp mặt trận, lực lượng hậu cần, kỹ thuật Công an nhân dân đã phối hợp với các lực lượng, vừa làm nhiệm vụ vận động quần chúng nhân dân nhường cơm, xẻ áo để có lương thực, thực phẩm cung cấp cho mặt trận Điện Biên phủ, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ dân công, hàng hóa chi viện cho chiến trường. Khi đó, mặc dù còn rất non trẻ, nhưng lực lượng Công an nhân dân đã nhanh chóng phát huy được vai trò nòng cốt trong công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân, giữ gìn trật tự, an ninh và đấu tranh giành độc lập dân tộc. Một trong những yếu tố khơi dậy tinh thần, sức mạnh của toàn lực lượng Công an nhân dân, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chính là sự chủ động, kiên định và đúng đắn trong công tác chỉ huy, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an xuyên suốt trong chiều dài cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mà đỉnh cao là cuộc tổng tiến công Đông - Xuân năm 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ 56 ngày đêm. Qua thực tiễn cuộc chiến đấu đầy cam go, quyết liệt, phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng Tình báo Công an luôn nhận được sự chỉ đạo trực tiếp và sự quan tâm, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chỉ đạo chặt chẽ của ngành công an. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác tình báo, Người dạy: “Muốn thành công thì phải biết trước mọi việc. Muốn biết trước mọi việc thì phải dùng trinh thám” hay “Vận mệnh quốc gia còn hay mất một phần lớn là công của gián điệp”. Người cũng nhiều lần gửi thư động viên, khen ngợi lực lượng Tình báo, trong đó nêu lên các quan điểm, tư tưởng, tổ chức, hoạt động và những nội dung về xây dựng lực lượng như “Tình báo phải dựa vào dân”, xác định “Tình báo là một khoa học” và khẳng định bốn đức tính của người tình báo “Bí mật, cẩn thận, khôn khéo, kiên nhẫn”
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ của lực lượng Công an Nhân dân, nhiều cán bộ chiến sỹ công an đã anh dũng hy sinh, bị thương, để lại một phần xương máu trên các nẻo đường chiến dịch và mặt trận. Cũng không ít cán bộ chiến sỹ công an đã hy sinh thầm lặng, thực hiện các chuyên án đấu tranh, chống gián điệp, phản động, qua hoạt động điều tra, tiễu phỉ, trừ gian, bảo vệ các căn cứ, bảo vệ các cuộc hành quân, địa điểm trú quân… Những tấm gương chiến đấu, dũng cảm, hy sinh của cán bộ, chiến sỹ công an trong công tác bảo vệ chiến dịch đã hun đúc truyền thống anh hùng vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam; là di sản tinh thần vô giá thôi thúc lực lượng Công an nhân dân tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hôm nay.Những tấm gương chiến đấu dũng cảm, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ công an trong công tác bảo vệ chiến dịch đã hun đúc nên truyền thống anh hùng vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, người không thể không nhắc đến là Trung tướng Trần Quyết - Trưởng ban Bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ - vị chỉ huy nổi tiếng trong những chiến dịch tiễu phỉ, truy bắt các toán gián điệp, biệt kích Mỹ - Ngụy. Một con người mà cả cuộc đời hoạt động cách mạng của ông đều gắn liền với sự nghiệp bảo đảm an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Sắc sảo về nghiệp vụ, kiên quyết mà tình người, những trang đời của ông đã để lại những dấu ấn khó quên trong đồng chí, đồng nghiệp và những người dân nơi ông từng sinh sống và hoạt động.
Một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn công tác bảo vệ đấu tranh phòng, chống phản động phục vụ chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 mà trọng tâm là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Đó là phải nắm chắc chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và nhạy bén về chính trị để có đối sách thích hợp khi xử lý đối tượng, phải biết dựa vào nhân dân, khơi dậy truyền thống yêu nước, giáo dục ý thức cảnh giác cách mạng, tham mưu và tổ chức nhân dân tham gia vào công tác phòng, chống phản cách mạng; mỗi cán bộ, chiến sĩ trước hết phải là cán bộ chính trị, có năng lực vận động quần chúng, vững về nghiệp vụ điều tra, có trình độ về khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội.
Công tác công an bảo đảm an ninh, trật tự ở hậu phương, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ rất được quan tâm. Là một lực lượng vũ trang cách mạng, ngành công an được giao nhiệm vụ phối hợp với lực lượng bảo vệ - an ninh quân đội trực tiếp bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ, coi đây là công tác trọng tâm. Bộ Công an thành lập “Ban Công an tiền phương” phục vụ chiến dịch trực thuộc Hội đồng Cung cấp mặt trận. Chỉ riêng công tác bảo đảm hậu cần, Hội đồng Cung cấp mặt trận đã huy động nhân dân đóng góp 25.560 tấn gạo, 266 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền, vận chuyển trên các tuyến đường dài hàng nghìn km từ các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn lên Điện Biên Phủ. Tất cả cán bộ chiến sĩ công an, quân đội đều xuống cơ sở cùng với cán bộ của huyện, khu vận động dân nộp thuế nông nghiệp, cho Chính phủ vay thóc, đi dân công phục vụ chiến dịch; tổ chức cho dân sơ tán phòng địch bắn phá, vận động dân tập trung sức giã gạo, gánh gạo nhập kho, tổ chức sẵn lực lượng dân công khi cần sử dụng được ngay. Với nhiệm vụ của công an huyện, huyện đội còn phải giáo dục, răn đe giám sát các đối tượng ngụy quân, ngụy quyền, do thám chưa chịu cải tạo không để cho chúng chống phá, gây rối hậu phương; tổ chức dân quân tuần tra kiểm soát, bảo vệ kho tàng, nơi bộ đội đóng, trú quân, giáo dục quần chúng phòng gian bảo mật, tuyệt đối giữ bí mật thực hiện “Ba không”.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” càng khẳng định vai trò và sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân luôn kề vai sát cánh cùng các lực lượng vũ trang làm nên chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc. Xác định nội dung và quá trình tổ chức công tác vận động quần chúng đều đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự điều hành của chính quyền và lực lượng công an làm tham mưu, nòng cốt. Một trong những phong trào góp phần quyết định sự thắng lợi là phong trào “Phòng gian, bảo mật”. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, với lực lượng còn mỏng, kinh nghiệm hoạt động chưa nhiều, lại gặp muôn vàn khó khăn do phải đối phó với các tổ chức tình báo, do thám, gián điệp, các tổ chức phản động khác của thực dân Pháp và tay sai, nhưng với ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, cán bộ, chiến sĩ Công an đã tích cực hoạt động, nắm tình hình địch, báo cáo lên Bộ Công an và Trung ương Đảng. Đó là cơ sở để Trung ương Đảng cũng như các cấp, các ngành đề ra chủ trương đối phó phù hợp cũng như đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh chống địch, góp phần vào thắng lợi chung.
Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2023), lực lượng Công an Nhân dân phấn khởi, tự hào ôn lại những chiến công oanh liệt, thành tích vẻ vang đã đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của đất nước, nhưng đồng thời còn là một dịp để chúng ta tỏ lòng tri ân với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công an đã hy sinh xương máu, cống hiến tuổi xuân và trí tuệ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, góp phần đem lại hòa bình, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, cổ vũ công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.