Mỗi năm, cứ đến ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2/9, trong trái tim mỗi người Việt Nam lại bùng lên những cảm xúc thiêng liêng, xúc động, niềm tin kiêu hãnh và lòng tự hào dân tộc. Vẫn vang vọng đâu đây lời đọc Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”.

Ngày 19/8/1945, chính quyền ở Hà Nội đã về tay nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Sáng 26/8/1945, tại ngôi nhà số 48Hàng NgangHà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong cuộc họp này Thường vụ Trung ương Đảng bàn về công tác đối nội, đối ngoại, và nhất trí chuẩn bị Tuyên ngôn độc lập và tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ Lâm thời ra mắt nhân dân, nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa.

Sáng ngày 2/9/1945, hàng chục vạn người hàng ngũ chỉnh tề, cờ hoa khoe sắc, áo quần đỏ thắm đã dồn về quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Những biểu ngữ nền đỏ chữ vàng bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa, Nga chăng ngang đường phố:“Nước Việt Nam là của người Việt Nam”; “Độc lập hay là chết”, “ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Lễ đài bằng gỗ đơn sơ được dựng lên giữa quảng trường Ba Đình uy nghiêm, đội tự vệ vũ trang cùng đơn vị Quân Giải phóng đầu đội mũ ca lô, quân phục nghiêm trang, chỉnh tề đứng trước lễ đài. Những chiến sĩ cách mạng đã từng anh dũng chiến đấu ở Bắc Sơn, Võ Nhai, lập nên các chiến công Nà Ngần, Phai Khắt, giờ đây vẫn nắm chắc tay súng, một lòng hướng tâm bảo vệ nền Độc lập mới ra đời. Hơn 50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân, ai ai cũng nét mặt hân hoan phấn khởi chờ đón giờ khai sinh của chế độ mới- chế độ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tại Huế, Sài Gòn và nhiều thành phố khác trên cả nước. Muôn triệu trái tim đang hồi hộp hướng về Hà Nội, đợi chờ giây phút thiêng liêng nhất.

Đúng 14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo trong Chính phủ lâm thời bước ra lễ đài. Bản nhạc Tiến quân ca hùng tráng vang lên, mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ đang từ từ được kéo lên theo nhịp điều của bài hát. Hàng chục vạn bàn tay nắm chặt giơ lên ngang tai, thể hiện lòng quyết tâm và ý chí sắt đá, kiên cường, kính chào lá cờ vinh quang của Tổ quốc.

Trên lễ đài lớn tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước sự chứng kiến của đông đảo Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, bắt đầu từ nay Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra đời.

Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập bằng câu trích trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ:“Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tiếp sau là câu trích dẫn từ bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp 1791:“ Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập về “chân lý cao cả” mà nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ phải đổ bao xương máu và nước mắt để viết nên. Đó là tư tưởng văn hóa,chính trị rất nhân văn và sâu sắc của Người, một chiến sỹ cộng sản lỗi lạc. Đó là tầm nhìn xa trông rộng, sự nhạy cảm về chính trị và thông hiểu về thế giới là giành được nền độc lập, quyền tự quyết cho dân tộc đã khó, nhưng để nền độc lập đó được tất cả các nước công nhận, tôn trọng còn khó hơn nhiều.

Bởi vì Người luôn thấu hiểu trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, các thế lực thực dân, đế quốc luôn tìm cách tiêu diệt chính quyền cách mạng còn non trẻ của Đảng và dân tộc Việt Nam.

Bản Tuyên ngôn Độc lập khẳng định khi thực dân Pháp rút chạy, Nhật đầu hàng Đồng minh, vua Bảo Đại thoái vị, nhân dân cả nước đã chớp thời cơ, đoàn kết đứng lên đánh đổ xiềng xích thực dân hơn tám mươi năm và chế độ quân chủ phong kiến hà khắc để lập nên chế độ dân chủ cộng hòa. Rõ ràng là chúng ta đã “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta…”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định: Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.

Ở phần cuối của Bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố:“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Đó là lời thề thiêng liêng của dân tộc, là tư tưởng lớn về  khát vọng nền độc lập dân tộc chân chính và hướng đến tương lai ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Ngày 14/5/2010, trong buổi mít tinh ở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Han D’Orville, phó Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định “Tuyên ngôn của Người bắt đầu chính từ những trích dẫn trong Tuyên ngôn Độc lập của nước MỹQuan điểm của Người đã nói trước được điều mà 15 năm sau, vào năm 1960, Liên Hợp Quốc đã đưa vào Tuyên bố trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa”. Tiếp sau đó, 24/10/1970, Đại hội đồng Liên hợp quốc trong Nguyên tắc quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc nêu rõ: “Chấm dứt ngay lập tức chế độ thuộc địa, tôn trọng sự tự do thể hiện ý nguyện của các dân tộc thuộc địa”.

Tuyên ngôn Độc lập 1945 là bản hùng ca viết tiếp những trang sử huy hoàng của ngàn năm về trước, đã đánh dấu thắng lợi của một thế kỷ ngoan cường chống thực dân, phong kiến và mở ra một kỷ nguyên mới trên đất nước ta. Tuyên ngôn Độc lập chẳng những đã khai sinh một Nhà nước - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước độc lập đầu tiên trong hệ thống thuộc địa thế giới, mà còn báo hiệu sự thành lập một chế độ xã hội mới - chính quyền công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Châu Á.

Từ đây với tư cách người chủ thực sự của đất nước, Nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã kiên cường đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến. 30 năm sau ngày “Tuyên ngôn Độc lập”, năm 1975, Đảng ta, quân dân ta đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang: giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi sự nghiệp cách mạng dân tộc - dân chủ, tiến hành thống nhất đất nước, tiến lên Chủ nghĩa xã hội.

Tổ quốc ta được độc lập, Nhân dân ta đời đời được tự do, tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn Độc lập mãi mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi người dân Việt Nam. Với ý nghĩa và tầm vóc lớn lao đó, ngày 2/9 trở thành ngày hội lớn của dân tộc, ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2021), toàn Đảng, toàn dân, toàn quân càng tiếp tục thấm nhuần và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc với tinh thần: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu; Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Phát huy tinh ấy toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta dưới sự lãnh đạo Đảng đã đồng lòng chung sức vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến thắng đại dịch Covid-19, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 698.101
      Online: 86