Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hiện lưu giữ và trưng bày hơn 4.000 hiện vật cùng những tài liệu, hình ảnh liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại hệ thống trưng bày của bảo tàng, bên cạnh những hiện vật là các loại vũ khí, đạn dược của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân đội Pháp sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ còn có một hiện vật tiểu biểu để lại nhiều cảm xúc đối với khách tham quan đó là bức tranh “Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ” của họa sỹ Phạm Thanh Tâm.

Bức tranh 'Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ" của họa sỹ Phạm Thanh Tâm hiên đang được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Họa sỹ Phạm Thanh Tâm sinh năm 1932, quê ở Vĩnh Lai, Vụ Bản, Nam Định. Cuối tháng 12/1946, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông theo gia đình tản cư. Lúc này, cha ông đang làm việc trong Ban Tuyên truyền Liên khu 3, họa sỹ Phạm Thanh Tâm được giao nhiệm vụ đưa bài xuống nhà in để in báo. Phát hiện Phạm Thanh Tâm có năng khiếu, họa sỹ Mai Văn Nam đã kèm riêng dạy vẽ cho ông. Sau đó, Ông được giới thiệu về dự lớp hội họa kháng chiến do họa sỹ Lương Xuân Nhị làm Hiệu trưởng. Học vẽ xong về lại Liên khu 3, Phạm Thanh Tâm lúc này tròn 18 tuổi, ông được giới thiệu sang Ty Thông tin Hưng Yên công tác.

Họa sỹ Phạm Thanh Tâm (Ảnh tư liệu: Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh)
Năm 1950, họa sỹ Phạm Thanh Tâm xung phong vào bộ đội, được phân công về Ban Chính trị Trung đoàn 34 làm ở Báo Tất thắng. Về sau, trung đoàn này trực thuộc Đại đoàn công pháo 351, họa sỹ Phạm Thanh Tâm được điều sang làm ở Báo Quyết thắng của Đại đoàn. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tờ báo Quyết thắng được in và phát hành ngay tại mặt trận. Là họa sỹ kiêm phóng viên chiến trường, họa sỹ Phạm Thanh Tâm có điều kiện thực địa tại nhiều điểm nóng của mặt trận để lấy tư liệu và vẽ. Những tác phẩm chính của ông phải kể đến là các tác phẩm: Điện Biên Phủ năm 1954, Pháo cao xạ trên cánh đồng Mường Thanh, Chèn pháo, Đường lên Điện Biên, Cô gái Thái ở Điện Biên… Trong đó không thể không nhắc đến bức tranh “Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ”.
Bức tranh “Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ” được họa sỹ Phạm Thanh Tâm vẽ trong hầm pháo của Đại đội 806, Trung đoàn 675, Đại đoàn 351. Không gian của bức tranh là một căn hầm pháo 105mm, nòng pháo vươn qua lỗ châu mai hướng về lòng chảo Điện Biên Phủ. Hai càng pháo bám chắc hai bên vách hầm trong tư thế sẵn sàng nhả đạn. Nổi bật giữa hầm pháo là bốn cô gái mặc áo tứ thân đang thướt tha uyển chuyển trong điệu múa Lượn - một điệu múa chèo của đồng bằng Bắc Bộ. Các chiến sỹ pháo thủ ngồi xung quanh vừa say sưa thưởng thức điệu múa vừa trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đây là đội văn công của Đại đoàn 351 trong đêm diễn phục vụ đơn vị pháo cao xạ Đại độ 806, Trung đoàn 675 - đơn vị đã bắn những loạt đạn đầu tiên vào Trung tâm đề kháng Him Lam, mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong hoàn cảnh ấy, Phạm Thanh Tâm muốn vẽ lại những chi tiết này làm kỷ niệm nhưng ông chưa thực hiện được vì ngay đêm đó Phạm Thanh Tâm phải trở về Đại đoàn nhận nhiệm vụ. Mấy ngày sau, khi trở lại hầm pháo ấy, khẩu pháo 105mm đã bị hư hỏng nặng, họa sỹ Phạm Thanh Tâm đã không còn gặp lại các chiến sỹ pháo thủ nữa, họ đã hy sinh, những vết máu khô vẫn còn đọng lại loang nổ, hầm pháo đầy những mảnh đạn. Một nỗi đau đớn xâm chiếm tâm can họa sỹ Phạm Thanh Tâm. Điều đó đã thôi thúc ông hoàn thành bức tranh “Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ” và bức tranh đã theo ông suốt cả chiến dịch như một lời nhắc nhở về sự hy sinh của đồng đội.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, họa sỹ Phạm Thanh Tâm về công tác tại báo Quân đội Nhân dân. Bức tranh “Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ” của ông đã được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc và đạt giải Ba.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, họa sỹ Phạm Thanh Tâm tiếp tục vào chiến trường miền Nam, trực tiếp tham gia chiến dịch Khe Sanh, Quảng Trị… Nơi trận chiến ác liệt, người chiến sĩ, họa sĩ, phóng viên Phạm Thanh Tâm vẫn không ngừng say mê nghệ thuật. Mỗi vùng đất, mỗi trận đánh ông đều ký họa lại một cách nhanh chóng. Trong thời gian này, họa sĩ Phạm Thanh Tâm còn vẽ nhiều ký họa, tranh đả kích, châm biếm được đăng trên các báo với bút danh Huỳnh Biếc. Với tình yêu hội họa mãnh liệt, ông đã cho ra đời những tác phẩm tiêu biểu như: Cửa ngõ Sài Gòn ngày 30/4/975, Sâu thẳm rừng Trường Sơn, Ngày xưa Quảng Trị… một cách chân thật và xúc động.
Đất nước thống nhất, năm 1989, họa sĩ Phạm Thanh Tâm cùng gia đình chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Trọn đời gắn bó với quân ngũ và hoạt động nghệ thuật của mình, họa sỹ Phạm Thanh Tâm đã có hàng ngàn tác phẩm hội họa đa dạng về chất liệu phản ánh sinh động 2 cuộc kháng chiến của dân tộc. Bức tranh “Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ” được họa sỹ Phạm Thanh Tâm thay đổi chất liệu nhiều lần, ban đầu được vẽ trên giấy sau đó chuyển sang tranh lụa và hiện nay là tranh sơn dầu. Đối với họa sỹ Phạm Thanh Tâm, bức tranh là ký ức không thể nào phai mờ về những ngày tháng khói lửa của mặt trận Điện Biên Phủ nên được ông lưu giữ cẩn thận như một kỷ vật thiêng liêng của đời lính. Năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, họa sỹ Phạm Thanh Tâm đã tặng bức tranh và một số kỷ vật khác cho Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lưu giữ và phát huy giá trị.