Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, kết thúc chín năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ của dân tộcViệt Nam, ghi một mốc son chói lọi bằng vàng trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của cả dộc tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và trực tiếp chỉ huy mặt trận là Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng tinh thần đoàn kết nhất trí một lòng của toàn dân, toàn quân và trong đó phải kể đến vai trò – dấu ấn quan trọng của các cán bộ, chiến sĩ công binh.
Ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị, nghe Tổng quân ủy báo cáo quyết tâm, kế hoạch mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại cuộc họp, Tổng Quân ủy nêu rõ: "Ðể tiến hành chiến dịch lớn này, ta có nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất vẫn là cung cấp mà chủ yếu vẫn là vấn đề đường sá". Trung ương Đảng và Chính phủ đã phát động “chiến dịch cầu đường”, huy động hàng chục vạn dân công cùng bộ đội công binh, thanh niên xung phong mở mới và sửa chữa các con đường từ Việt Bắc xuống đồng bằng Khu 3, Khu 4 và lên Tây Bắc. Trung ương Đảng đã ra chỉ thị cho các Liên Khu nhanh chóng thực hiện kế hoạch làm đường và sửa sang lại mạng lưới giao thông, chuẩn bị phương tiện vận tải, huy động hàng ngàn xe thồ, thuyền nan, bè mảng… phục vụ cho chiến dịch.Trên chiến trường Tây Bắc,Trung đoàn công binh 151 cùng hàng nghìn dân công, thanh niên xung phong, tập trung mở 87km đường 13, qua các đèo Lũng Lô, Phiềng Ban, qua suối sâu, đèo cao nối liền đường 13 với đường 41. Từ đây, đường huyết mạchtừ hậu phương Việt Bắc với tiền tuyến Tây Bắc được hình thành. Cuối tháng 12/1953, mở mới hoàn toàn tuyến đường Tuần Giáo về Ðiên Biên Phủ dài hơn 80 km. Ðể sửa chữa con đường này, bộ đội công binh và dân công, thanh niên xung phong đã làm việc 16 đến 20 giờ mỗi ngày, phá 2.300 m3 đá, đào xúc hơn 3.000 m3 đất, làm 47 cầu cống, với tổng chiều dài 3.200 m... sửa hàng trăm km đường cũ, đoạn đường từ Hòa Bình lên Điện Biên Phủ.
Ðồng thời với việc bảo đảm vận chuyển bằng đường bộ, Bộ Chỉ huy mặt trận chủ trương khơi luồng sông Nậm Na, kết hợp vận chuyển gạo bằng đường sông. Nhưng do sông Nậm Na có tới 103 thác trong đó có nhiều thác dữ nên thuyền, mảng qua lại rất khó khăn. Trung đoàn 151 dùng thuốc nổ phá thác ghềnh trong đó có các thác nguy hiểm để mở luồng, hạn chế mức độ nguy hiểm của dòng nước. Sau khi bàn bạc, thử nghiệm, các chiến sĩ công binh đã tìm ra nhiều cách làm rất sáng tạo như: lấy lá chuối hơ lửa cho mềm để gói thuốc nổ, lấy cơm nếp giã nhuyễn để bọc đầu nổ, buộc chặt khối thuốc nổ vào sào dài để đưa vào sâu trong lòng thác...
Tiếp đến, Trung đoàn 151 thực hiện nhiệm vụ bảo đảm đường cho xe kéo pháo từ Tạ Khoa vào Điện Biên Phủ. Do nhiệm vụ gấp, Trung đoàn 151 được tăng cường thêm 2.000 dân công, sau đó được chi viện thêm một trung đoàn bộ binh, Ðại đội Công binh 309 (Ðại đoàn 308), hai tiểu đoàn pháo cao xạ.
Ngày 15/1/1954, thực hiện phương án tác chiến “Đánh nhanh, thắng nhanh”, hơn 5.000 chiến sỹ được lệnh mở đườngkéo pháo bằng sức người, chỉ sau 20 giờ đồng hồ một con đường với tổng chiều dài 15km, rộng 3m từ bản Nà Nham (cây số 70) vượt qua đỉnh Pu Pha Sông cao1.150m xuống bản Nghịu tới bản Tâu (phía Tây Bắc, Điện Biên Phủ) đã được hoàn thành. Đường mở cấp tốc đến đâu công binh làm giàn ngụy trang đến đó.
Ngày 16/01/1954, bộ đội bắt đầu kéo pháo vào mặt trận Điện Biên Phủ, những khẩu pháo có trọng lượng từ 1,4 đến 2,4 tấn được kéo hoàn toàn bằng sức người, vượt qua bao khó khăn vất vả, với địa hình hiểm trở, đường trơn, vực thẳm, núi cao. Cứ 20 chiến sĩ bộ binh và 10 chiến sỹ pháo binh được giao nhiệm vụ kéo một khẩu pháo. Càng leo dốc cao càng phải tăng thêm người kéo, lực lượng lên tới 50 đến 70 ngườimột khẩu.Sau chín ngày đêm kéo pháo ròng rã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ đến ngày 24/01/1954, pháo vẫn chưa vào hết vị trí, ta mới chỉ kéo được 1/3 trong tổng số 68 khẩu pháo hạng nặng các loại, 2/3 số pháo vẫn nằm rải rác trên các tuyến đường. Dự định của ta nổ súng mở màn chiến dịch vào 17giờngày 25/01/1954, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định hoãn nổ súng thêm 24 giờ đồng hồ. Lúc này, Quân đội Pháp cũng đã ồ ạt tăng cường quân số và vũ khí cho Điện Biên Phủ,nơi đây đã trở thành một Tập đoàn cứ điểm vững mạnh với một hệ thống hầm hào công sự kiên cố, vững chắc. Căn cứ vào tình hình thực tế,Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận thấy có những khó khăn nhất định,sau11 ngày trăn trở và một đêm thức trắng, ngày 26/01/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương án tác chiến từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang“Đánh chắc, tiến chắc”.
Cuối tháng 1/1954, để thực hiện phương án tác chiến mới, song song với việc kéo pháo ra,toàn mặt trận tập trung chuẩn bị cho một chiến dịch với quy mô dài ngày gian khổ và ác liệt hơn. Trung đoàn công binh 151 và hai Đại đoàn 312, 316 được lệnh mở gấp 6 tuyến đường quanh lòng chảo Điện Biên Phủ để pháo binh cơ động chiến đấu. Các tuyến đường này được mở men theo các sườn núi, vượt qua nhiều đèo cao dốc đứng, nhiều đoạn đường quanh cođược ngụy trang kín đáo, bí mật. Đồng thời, để đảm bảo an toàn cho các trận đại pháo, bộ đội công binh đã tham gia xây dựng hầm pháo và những trận địa giả để thu hút bom đạn địch.
Trong thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn công binh 151 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao như rà soát, tháo gỡ bom mìn, đảm bảo giao thông thông suốt, xây dựng trận địa tấn công bao vây…
Sau đợt tấn công thứ nhất của chiến dịch,Trung đoàn phối hợp với Đại đội cảnh vệ 425 thực hiện đào đường hầm xuyên sơn khu Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, thông giữa hai lán làm việc của đồng chí Tổng tư lệnhVõ Nguyên Giáp vàTham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Trong 28 ngày đêm từ ngày 19/3/1954 đến ngày 15/4/1954 đường hầm đã được hoàn thành với tổng chiều dài 69m, cao 1,7m, rộng từ 1m đến 3m và đưa vào sử dụng.
Để đảm bảo chắc thắng trong đợt tấn công thứ 2, Bộ chỉ huy mặt trận xác định nhiệm vụ xây dựng trận địa tiến công và bao vây là nhiệm vụ trọng tâm.Lực lượng công binh vượt qua làn đạn địch tiến hành đào những đường hào trục, hào nhánh bao vây, siết chặt và lấn dần vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Theo đó, bộ đội Công binh sẽ đào hai loại đường hào trục và hào nhánh,đảm bảo vừa cơ động cho pháo, vận chuyển thương binh, điều động bộ đội và tiếp cận các vị trí của quân Pháp. Theo thống kê, tổng số đường hào trục, hào nhánhcông binh Việt Nam đào trong cuộc chiến tại Điện Biên Phủ dài khoảng 400km, gần bằng quãng đường từ Hà Nội lên Điện Biên.
Cuối tháng 3/1954, trận địa tiến công và bao vây cơ bản đã hoàn thành, Bộ Chỉ huy mặt trận quyết định mở đợt tấn công thứ 2. Lúc này, mưa nhiều làm cho đường xá đi lại gặp nhiều khó khăn. Với địa hình dốc cao, nhiều suối, mưa nhiều và lâu, đường bị lầy lún, đất sụt, đá lăn, cây đổ, lấp mặt đường làm cho giao thông ngừng tắc. Bộ đội công binh, phối hợp cùng dân công, thanh niên xung phong nạo vét bùn đất, san lấp mặt đường, dùng gỗ kè chắn không cho đường sạt.Bảo đảm cho mạch máu giao thông thông suốt, tiếp tế cho mặt trận đây đủ kịp thời.
Khi chiến dịch Điện Biên phủ đang diễn ra cam go, ác liệt, tại cứ điểm A1, sau 3 đợt tấn công liên tiếp Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn chưa chiếm được cứ điểm quan trọng bậc nhất này. Ngày 04/4/1954, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định tạm ngừng tiến công để củng cố lực lượng, giữ vững trận địa, chuẩn bị cho đợt tiến công mới. Nhiệm vụ đặt ra lúc bấy giờ, phải tìm được “tim” của cứ điểm từ đó đánh vào trung tâm mới có thể tiêu diệt được cứ điểm này. Bộ Chỉ huy chiến dịch họp bàn và quyết định thực hiện theo phương án “Lấy hầm trị hầm”. Đội công binh M83 (dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Nguyễn Phú Xuyên Khung),thuộc Trung đoàn 151 được giao nhiệm vụ đào đường hầm.Sau 15 ngày đêm kiên trì, bền bỉ,bộ đội công binh đã đào hoàn thành một đường hầm và hào dài 47m (trong đó có 33m hầm ngầm và 14m đường hào lộ thiên) để đặt khối thuốc nổ 960 kg tiêu diệt hầm ngầm cố thủ của quân Pháp trên đỉnh đồi A1, tạo thời cơ thuận lợi để bộ đội ta chiến đấu tiêu diệt quân Pháp tại cứ điểm này. Sau khi chiến được cứ điểm A1 và các cứ điểm quan trọng khác, bộ đội ta tiến hành tổng công kích trên toàn mặt, bắt sống tướng De Castries, tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Có thể nói hệ thống cầu, đường, hầm hào, công sự trận địa trong Chiến dich Điện Biên Phủ đã cho thấy sự nỗ lực phi thường của quân và dân ta nói chung, bộ đội công binh nói riêng, lập nên kỳ tích góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.Phát huy truyền thống “Mở đường thắng lợi”, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc, các cán bộ, chiến sĩcông binh tiếp tục khẳng định vai trò của mình, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cả dân tộc./.