Múa xòe là một nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc, một điệu dân vũ phổ biến trong cộng đồng người dân tộc Thái Tây Bắc. Múa xòe còn có tên khác là "Xe khăm khen" (múa cầm tay)
''Điệu xòe điệu xòe có từ bao giờ
Mà vẫn mê say như thủa nào''
Câu hát ấy ngân nga như lời mời gọi thôi thúc du khách gần xa về với Tây Bắc về với Điện Biên để cùng hòa mình vào không gian văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái nơi đây. Không biết từ bao giờ điệu múa xòe đã ăn sâu vào trong tiềm thức của đồng bào Tây Bắc. Chỉ biết từ xa xưa, trong điệu dân ca của người Thái vùng Tây Bắc đã có câu hát: “Không xòe không vui, Không xòe cây ngô không ra bắp, Không xòe cây lúa không trổ bông, Không xòe trai gái không thành đôi”. Vì thế mà chẳng cuộc vui, ngày hội nào của đồng bào Thái nơi đây có thể vắng bóng những điệu xòe, dù là ngày vui nhỏ của mỗi gia đình hay lễ lớn của cả bản cả làng.
Múa xòe là một nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc, một điệu dân vũ phổ biến trong cộng đồng người dân tộc Thái Tây Bắc. Múa xòe còn có tên khác là "Xe khăm khen" (múa cầm tay). Người dân tộc Thái quan niệm rằng: "Không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ". Múa xòe liên quan mật thiết với tín ngưỡng cầu mùa và khát vọng tình yêu đôi lứa, nên dù trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống vẫn được gìn giữ và lưu truyền qua bao thế hệ. Múa xòe đã gắn liền với tình yêu cuộc sống trong lao động cần cù, đến tình yêu đôi lứa. Bởi vậy, mỗi dịp lễ, Tết, hay trong ngày vui của dòng họ, gia đình, của bản làng, nhất là khi nhà đón khách quý, vòng xòe thường được tổ chức như một nghi lễ đón mừng, thể hiện tình đoàn kết, mong mỏi con người xích lại gần nhau trong cuộc sống.
Người Thái có 6 điệu xòe cổ, là khởi nguồn của nghệ thuật dân vũ đồng bào dân tộc Thái. Điệu xòe cơ bản nhất là “Khắm khăn mơi lẩu” nghĩa là “Nâng khăn mời rượu”, thể hiện nét văn hóa trong giao tiếp ứng xử. Bên cạnh đó còn có điệu xòe “Phá xí” nghĩa là điệu xòe "Bổ bốn", thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng người Thái, cho dù là ai, dù có phải chia xa bốn phương trời, mười phương đất thì cũng luôn nghĩ về nhau, cùng nhau hướng về cội nguồn. Điệu xòe tưng bừng và rộn rã nhất là điệu xòe “Nhôm khăn”, hay còn gọi là điệu xòe "Tung khăn". Cùng với những chiếc khăn Piêu choàng trên cổ, những cô gái Thái đã thể hiện được niềm hân hoan mỗi khi làng bản có chuyện mừng vui như đám cưới, đám mừng nhà mới hay mừng mùa bội thu. Điệu xòe “Đổn hôn” (điệu xòe "Tiến lùi"), lúc người này tiến người kia lùi, nhưng vẫn nhịp nhàng, uyển chuyển cùng trong một vòng tròn. Những động tác này như muốn khẳng định, dù trời đất có thay đổi, cuộc sống có lúc gặp khó khăn trở ngại nhưng ý chí và tình người thì vẫn luôn sắt son bền chặt. Điệu xòe “Khắm khen”, nghĩa là "nắm tay cùng xòe", được hình thành trong quá trình lao động từ thuở sơ khai, thể hiện sự gắn kết cộng đồng, mỗi khi có niềm vui thì cùng nhau nhảy múa và khi gặp khó khăn, hoạn nạn cũng vẫn nắm chặt tay nhau, cùng chung sức vượt qua. Cuối cùng là điệu “Ỏm lọm tốp mư” là điệu xòe "vòng tròn vỗ tay" đây là điệu xòe kết thúc mỗi cuộc vui, thể hiện niềm hân hoan và sự bịn rịn lúc chia tay nhau.
Múa Xòe đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong các lễ hội của người Thái. Xòe đã góp phần nuôi dưỡng và chắp cánh những tâm hồn, làm cho con người gần gũi, gắn bó chan hoà với nhau hơn, thêm tin yêu vào cuộc sống và quê hương đất nước. Đến với Điện Biên, đến với Lễ hội Hoa Ban du khách sẽ được hòa mình trong không khí vui tươi náo nhiệt của chuỗi các sự kiện văn hóa, ẩm thực, đến với những vòng xòe trong niềm hân hoan bất tận. Điệu múa xòe đã trở thành một trong những trải nghiệm độc đáo cho du khách khi đến với mảnh đất Điện Biên huyền thoại, đồng thời góp phần bảo tồn và nâng tầm các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân Tây Bắc./.
Hoàng Châm