Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc khởi đầu từ ngày 17/02/1979 trải qua 30 ngày gian khổ ác liệt nhưng hào hùng là cuộc chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam
Đã 39 năm trôi qua nhưng ký ức của nhân dân Việt Nam về một trang sử hào hùng của Tổ quốc, ký ức về sự hy sinh của hàng ngàn đồng bào, chiến sỹ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 vẫn chưa hề phai mờ. Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc khởi đầu từ ngày 17/02/1979 trải qua 30 ngày gian khổ ác liệt nhưng hào hùng là cuộc chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam để hôm nay, chúng ta tri ân những người con ưu tú đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, để các thế hệ người Việt vang mãi lòng biết ơn, tự hào dân tộc.
Chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979 là một cuộc chiến ngắn nhưng khốc liệt giữa nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, khi Trung Quốc đưa quân tấn công trên toàn tuyến biên giới giữa 2 nước trên 6 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khi ấy tuyên bố: "Phải dạy cho Việt Nam một bài học" và lập luận che mắt dư luận quốc tế rằng "đây là cuộc chiến tranh phản kích tự vệ" của Trung Quốc trước tư tưởng “bá quyền” của Việt Nam ở Đông Dương. Cuộc chiến này thực chất bắt nguồn từ quan hệ căng thẳng kéo dài nhiều năm giữa hai quốc gia đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho cả hai phía.
Trước cuộc tấn công xâm lược của Trung Quốc, quân dân Việt Nam mặc dù bị áp đảo về số lượng và tình thế bị động đã anh dũng chống trả. Sáng 5/3/1979, chương trình phát thanh 90 phút của Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt: "Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta... Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc".
Cuộc chiến kết thúc vào ngày 16/3/1979 khi quân Trung Quốc rút quân sau khi Chủ tịch nước Việt Nam Tôn Đức Thắng kí lệnh Tổng động viên toàn dân: Mọi công dân trong lứa tuổi chiến đấu đều phải gia nhập lực lượng vũ trang bảo vệ tổ quốc. 50 triệu người dân Việt Nam lúc đó đã sẵn sàng cho tình thế chuyển từ thời bình sang thời chiến.
Trước khi Trung Quốc hoàn thành việc rút quân còn tàn phá một số làng mạc, phá hoại công trình di tích, bệnh viện, trường học, giết hại nhiều người dân vô tội. Trận chiến kéo dài 30 ngày đã tàn phá 4 tỉnh dọc biên giới Việt Nam, hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Cuộc chiến đã để lại hậu quả lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam và căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước. Xung đột vũ trang tại Biên giới sau đó còn tiếp diễn thêm 10 năm. Đến năm 1991, quan hệ ngoại giao Việt - Trung mới chính thức được bình thường hóa.
Nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17/2/1979- 17/2/2019), Thực hiện Kế hoạch số 3778/KH-UBND ngày 25/12/2018 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Điện Biên về việc Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, đơn vị Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tổ chức tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới và công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, người có công với cách mạng cho cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động trong cơ quan. Từ đó nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, cảnh giác, sắn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong thời đại mới./.
Tòng Thị Sinh