Giải phóng được thị xã Lai Châu mở màn cho hàng loạt chiến thắng trên hầu khắp các chiến trường Việt Nam và Pa thét Lào, tiêu diệt 48.000 địch quân là những thắng lợi to lớn ta giành được trong Đông Xuân 1953 - 1954, góp phần phối hợp quan trọng với chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

Đầu tháng 10/1953, địch tập trung 44 tiểu đoàn cơ động ở đồng bằng Bắc bộ để chuẩn bị đối phó với cuộc tấn công Thu Đông của ta, từng bước thực hiện kế hoạch Navarre. Với lực lượng hùng hậu, Pháp hi vọng có thể vừa đối phó với ta ở mặt trận chính diện, vừa càn quét một vài vùng quan trọng ở địch hậu và đánh phá vùng tự do của ta. Trung tuần tháng 10, chúng lại mở cuộc hành binh Mu-ét đánh ra vùng Tây Nam Ninh Bình nhằm thu hút chủ lực của ta chiến đấu trên một chiến trường chúng đã chọn sẵn, có lợi cho chúng. Tuy nhiên, nhận định được tình hình, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã không bị cuốn vào kế hoạch của chúng mà chỉ đưa một lực lượng nhỏ của Đại đoàn 320 và quân dân Ninh Bình ra đối phó. Sau 23 ngày giao chiến, khoảng 3.800 địch bị tiêu diệt, buộc chúng phải rút quân khỏi Tây Nam Ninh Bình.

Tại mặt trận Tây Bắc, ngày 20/11/1953, sau khi bộ đội quét sạch bọn thổ phỉ tại vùng Mường Lầm, Thuận Châu, Sơn La, địch điều động 4 tiểu đoàn nhảy dù nhằm che chở cho Lai Châu và Thượng Lào; nhưng đến ngày 10/12, trước sự uy hiếp của quân ta, địch phải bỏ thị xã Lai Châu, rút chạy về tăng cường cho Điện Biên Phủ, chờ thời cơ lại tiếp tục gây dựng lại bọn thổ phỉ để uy hiếp và quấy rối căn cứ địa cách mạng của ta tại Tây Bắc. Tuy nhiên, ta đã chặn đánh địch trên đường chúng rút chạy, truy kích địch 12 ngày đêm, giải phóng được thị xã Lai Châu, tiêu diệt 2.500 tên. Mất Lai Châu, Pháp đã điều động lực lượng cơ động từ đồng bằng Bắc Bộ để củng cố cho Điện Biên Phủ, có lúc lên tới 15 tiểu đoàn nhằm chốt chân ở đây. Ta có điều kiện tiếp tục tiến công tại nhiều mặt trận khác, giành những thắng lợi quan trọng.

Trên mặt Trận trung Lào, ngày 22/12 quân giải phóng Pa thét lào mở cuộc tấn công quy mô lớn vào đường 12 đoạn từ bờ biển Trung bộ Việt Nam đến thị xã Thà Khẹt trên bờ sông Cửu Long, giáp biên giới Lào - Thái Lan. Trong 3 ngày chiến đấu, quân giải phóng Lào đã tiêu diệt hơn 2000 tên địch, đa số đều là lính Âu Phi, đánh tan 2 đại đội trọng pháo 105mm của địch, thu nhiều xe cơ giới, vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng. Toàn bộ tỉnh Thà Khẹt được giải phóng với diện tích 40.000km2 và 400.000 dân. Thất bại ở Thà Khẹt, địch hốt hoảng tăng viện từ Bắc bộ, Bình Trị Thiên và Nam bộ cho Sê Nô ở phía Bắc Sa-van-na-khét 16 tiểu đoàn, có lúc con số này là 20. Cũng giống như tại Điện Biên Phủ, một số lượng lớn quân cơ động của địch bị giam chân ở một vị trí chiến lược khác. Ngày 20/1/1954, địch cho trung đoàn cơ động số 1 lên chiếm lại Thà Khẹt, cố vớt vát lại ảnh hưởng chính trị của chúng ở đây, nối lại con đường số 13 (chạy từ miền Nam đông Dương đến Thượng Lào). Tuy nhiên, quân giải phóng Lào đã nhanh hơn một bước, tấn công vào đường số 9 (chạy từ Đông Hà, Quảng Trị, Việt Nam đến thị xã Sa-van-na-khét). Tại đây, địch bị tiêu diệt hơn 1000 tên, mất đường số 9 và phía Bắc tỉnh Sa-van-na-khét.

Sau những thất bại nặng nề tại Lai Châu và Thà Khẹt, địch mang quân đổ bộ vào Tuy Hòa nhằm giành lấy một chiến thắng tạm thời để lừa bịp dư luận trước khi hội nghị 4 ngoại trưởng sắp họp ngày 25/1. Chúng khuếch trương cuộc hành binh, là cuộc hành binh lớn nhất từ trước tới nay nhằm thị uy quân ta. Khoảng 10 tiểu đoàn cơ động được chúng điều động từ Nam bộ và Tây Nguyên về đây. Tuy nhiên, bộ đội Liên khu 5 lại mở cuộc tiến công lớn vào Bắc Tây Nguyên. Sau 17 ngày chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt và bức địch bỏ nhiều vị trí quan trọng như Măng Đen, Chỉ huy khu Kon Tum ở thị xã. Ta tiêu diệt hơn 2000 địch, giải phóng tàn bộ tỉnh Kon Tum. Tính tới thời điểm này, khu giải phóng của ta ở Bắc Tây Nguyên rộng 14.000km2, với trên dưới 200.000 đồng bào. Lúc này, địch đang rơi vào tình thế bị động, muốn rút quân khỏi Tuy Hòa để cứu viện cho Kon Tum mà không đành bỏ ngỏ Tuy Hòa.

Quay trở lại với mặt trận Lào, quân giải phóng đã giành được nhiều thắng lợi giòn giã tại Thượng và Hạ Lào. Từ 31/1 đến 04/2 đã tiêu diệt hơn 2000 tên địch, giải phóng vùng lưu vực sông Nậm Hu từ Điện Biên Phủ đến Luông Pha Bang trên một quãng dài 200km theo đường thẳng. Phòng tuyến sông Nậm Hu của Pháp bị phá vỡ, Luông Pha Bang bị uy hiếp, Tập đoàn cứ điểm của Pháp tại Điện Biên Phủ bị cô lập giữ vùng rừng núi. Cùng lúc đó ở Hạ Lào, quân giải phóng đã giải phóng huyện At-tô-pơ, tiêu diệt gần 1000 địch quân. Ngay sau đó chúng rút tiếp tại một số vị trí khác như Lao-ngam, Tha-teng; vùng tự do ở Hạ Lào được mở rộng, trong đó bao gồm cả miền cao nguyên Bô-lo-ven, phía Đông giáp với tỉnh Kon Tum (Việt Nam).

Như vậy địch đã bị phân tán lực lượng trên nhiều mặt trận để đối phó, khiến chúng ngày càng bị động, lực lượng suy giảm. Ở đồng bằng Bắc bộ, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và các đội du kích phát triển đấu tranh mọi hình thức, với nhiều trận đánh lớn như:

- Đánh phục kích: trận Đường số 10 ngày 29/12diệt 165 tên; trận Ninh Bình ngày 21/1 diệt 7 đại đội, bắt sống bọn chỉ huy tiểu đoàn; trận Đường số 18 ngày 31/1 diệt 100 tên;

- Đánh tập kích lớn: trận diệt 2 đại đội Âu Phi ở Lao Bạt, Thái Bình ngày 1/1; trận diệt 200 địch ở Văn Môn, Thái Bình ngày 8/1; trận diệt 1 tiểu đoàn Âu Phi ở Dưỡng Thông, Thái Bình ngày 16/1; trận đột nhập vào Đồ Sơn đêm 31/1 phá hủy 5 phi cơ vận tải, đốt cháy 5 triệu lít xăng và tiêu diệt 2 bộ chỉ huy của địch;

- Đánh trên sông bao gồm sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đáy, sông Đào (Nam Định) tiêu diệt từ 1 đại đội đến hơn 1 tiểu đoàn;

- Đánh tàu hỏa: trận Kim Thành (Hải Dương) ngày 31/1 phá hủy 1 đầu máy, 12 oa tầu, diệt 900 địch; trận Hưng Yên ngày 06/2 phá hủy 1 đầu máy và 13 toa tầu chơ đầy lính và vũ khí;

- Nhiều trận đánh diệt vị trí ở Đông Xuyên (Ninh Giang), Từ Sơn (Bắc Ninh), Chi Lai (Sơn Tây), La Tiến (Hưng Yên), ...

Ngoài ra bộ đội du kích hoạt động mạnh mẽ, thường xuyên có những trận đánh nhỏ gây cho địch không ít phiền nhiễu và thiệt hại.

Tại Bình Trị Thiên, từ trung tuần tháng 12/1953, ta đánh tan 7 đoàn tầu hỏa với nhiều lính và vũ khí; ngày 28/1 tiêu diệt 180 địch trong một cuộc chống càn. Ở Nam bộ, chiến tranh du kích phát triển khắp nơi, trong tháng 1/1954 ta liên tiếp đánh các đường giao thông thủy bộ của địch ở Cần Thơ, Sóc Trăng, đánh 3 đường tàu hỏa trên đường Sài Gòn - Nha Trang, đánh đắm 1 tàu chiến lớn và 1 đoàn thuyền vận tải trên sông Kênh Sáng.

Như vậy chỉ trong vòng 2 tháng trong Đông Xuân 1953 - 1954, trên chiến trường Việt Nam và Pa Thét Lào địch bị tiêu diệt khoảng 28.000 tên; nếu tính từ trận Tây Nam Ninh Bình đến nay thì con số này khoảng 46.000 tên. Quân đội Việt Nam giải phóng 2 tỉnh Kon Tum, Lai Châu. Quân giải phóng Lào giải phóng 1 số tỉnh ở Thượng, Trung và Hạ Lào. Nhiều vùng du kích và căn cứ cách mạng được mở rộng, chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ ở khắp mọi nơi.

Trong khi quân ta và Lào thắng lợi trên khắp các mặt trận thì chủ lực địch bị phân tán nhiều nơi và rơi vào thế bị động, lúng túng. Mấy chục tiểu đoàn cơ động của địch bị giam chân ở Điện Biên Phủ, sa-van-na-khét, Luông Pha Bang, Pleiku, Tuy Hòa trong khi ở đồng bằng Bắc bộ và Nam bộ không còn đủ lực lượng để đối phó với chiến tranh du kích của ta đang ngày một lớn mạnh. Địch cũng chưa mở rộng được một cuộc hành binh nào đánh vào vùng tự do của ta ở Việt Bắc, Liên khu 3,4, các hoạt động bắn phá hậu phương của ta cũng ngày càng ít dần.

Tình hình trên đã cho thấy kế hoạch Navarre nhằm tập trung binh lực, phá hoại vùng tự do của ta và kiểm soát Bắc bộ đã thất bại nặng nề. Mỹ ngày càng đẩy mạnh viện trợ nhằm kéo dài cuộc chiến tranh, cứu vãn tình thế cho Pháp. Về phía Việt Nam, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch kiên quyết kháng chiến đến cùng, tập trung khoét sâu vào những điểm yếu của Pháp, giành thắng lợi nhất định trong Đông Xuân 1953 - 1954, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ sau này, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 698.078
      Online: 47