Thất trận tại Điện Biên Phủ chấp dứt giấc mộng thôn tính Đông Dương, làm lung lay chủ nghĩa thực dân tại thuộc địa của Pháp. Đầu tư không nhỏ để xây dựng Tập đoàn cứ điểm chưa từng có, Pháp đã phải trả giá nặng nề khi thiệt hại khá lớn về người và của.

Ngay sau khi nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, nhận thấy những điểm thuận lợi của Mường Thanh, Navarre đã không bỏ lỡ cơ hội để biến Điện Biên Phủ thành căn cứ quân sự của chúng. Một Tập đoàn cứ điểm kiểu Nà Sản sẽ được xây dựng nhưng với quy mô lớn hơn, phức tạp hơn nhằm thu hút quân đối phương đến để tiêu diệt.

Đại tá De Castries được chỉ định làm chỉ huy trưởng. Tuy vấp phải nhiều ý kiến về việc bổ nhiệm một Đại tá nhận nhiệm vụ quan trọng này nhưng rốt cuộc đây là người được đánh giá cao nhất để thực hiện ý đồ của Navarre và Cogny.

Ngày 3/12, lực lượng đồn trú được ấn định là 9 tiểu đoàn, 2 đơn vị pháo binh. Sau đó, theo yêu cầu liên tục của tướng Cogny, được tăng lên 10, 11 và 12 tiểu đoàn, một thiết đội 10 xe tăng M-24, hai đơn vị pháo 105mm, một trận địa pháo 155mm (chủ yếu dùng để phản pháo) và 4 đại đội súng cối 120mm. 

6 máy bay khu trục và máy bay trinh sát được bố trí tại sân bay. 

Thêm vào đó là 3000 tấn kẽm gai được đưa vào sử dụng (gấp ba lần số lượng bình thường dành cho một tiểu đoàn), cùng với một số lớn vũ khí đặc biệt biệt như: súng phun lửa, mìn, Napalm, phương tiện chống đạn khói, trang thiết bị tia hồng ngoại. 

Tướng Cogny ước tính số lượng hàng tiếp tế trong trường hợp bị tấn công lên đến 70 tấn cho một ngày chiến đấu trung bình và 96 tấn cho một ngày chiến đấu ở cường độ cao

Trên cơ sở những gì được đổ xuống Điện Biên Phủ và sự chi viện được gia tăng mỗi ngày, việc bố trí mới được đại tá De Castries vạch ra chi tiết, kỳ công dưới sự hướng dẫn, phê duyệt của Cogny và Navarre. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ dần hình thành. Có thê khái quát như sau:

Phân khu Trung tâm, là phân khu quan trọng nhất lấy trận địa trung tâm nằm giữa thung lũng Mường Thanh, có cơ quan chỉ huy Tập đoàn cứ điểm GONO, trận địa pháo, kho hậu cần, sân bay, phía Đông phân khu có cả một hệ thống cao điểm rất lợi hại, giữ vai trò trọng yếu trong việc bảo vệ phân khu. Tại đây bố trí 6 trung tâm đề kháng:

(1) Claudine nằm ở phía Nam sân bay, hữu ngạn sông Nậm Rốm gồm 5 cứ điểm: Claudine 1, Claudine 2, Claudine 3, Claudine 4 (310), Claudine 5.

(2) Dominique nằm phía Đông sân bay, tả ngạn sông Nậm Rốm gồm 6 cứ điểm: Dominique 1 (Đồi E1), Dominique 2 (Đồi D1), Dominique 3 (505, 505A), Dominique 4 (sau được sát nhập vào trung tâm đề kháng Epervier), Dominique 5 (Đồi D3), Dominique 6 (Đồi D2 và vị trí pháo binh 210).

(3) Huguette nằm ở phía Tây sân bay, hữu ngạn sông Nậm Rốm gồm 8 cứ điểm: Huguette 1 (206), Huguette 2 (208), Huguette 4 (311B), Huguette 5 (311A), Huguette 6 (vốn trước đây là Anne Marie 3), Huguette 7 (vốn trước đây là Anne Marie 4), Huguette 9, Huguette F (311, còn gọi là Nà Noọng).

(4) Eliane nằm ở phía Đông phân khu Trung tâm, tả ngạn sông Nậm Rốm gồm 7 cứ điểm: Eliane 1 (Đồi C1), Eliane 2 (Đồi A1), Eliane 3 (A3), Eliane 4 (Đồi C2), Eliane 10 (506, 507), Eliane 11, Eliane 12 (508, 508A, 509).

(5) Epervier gồm có Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (Sở chỉ huy của De Castries) và cứ điểm Dominique 4.

(6) Junon gồm 3 cứ điểm: Junon 10, Junon 11, Junon 12.

Riêng trung tâm đề kháng Béatrice - Him Lam gồm 3 cứ điểm 1, 2, 3 có trách nhiệm bảo vệ từ xa cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, không nằm trong Phân khu Trung tâm nhưng vẫn do Phân khu Trung tâm trực tiếp chỉ huy.

Phân khu Bắc gồm 2 trung tâm đề kháng:

(1) Trung tâm đề kháng Anne Marie, gồm 4 cứ điểm:

Anne Marie 1, Anne Marie 2 - Đồi Bản Kéo

Anne Marie 3 (105), Anne Marie 4 (106) (nằm ở phía Bắc sân bay Mường Thanh liền kề với phân khu Trung tâm). Sau khi mất Anne Marie 1 và 2, hai cứ điểm Anne Marie 3 và 4 được sát nhập vào cụm Huguette thuộc phân khu trung tâm, mang tên gọi mới là Huguette 6 và 7.

(2) Gabrielle - Đồi Độc Lập.

Phân khu Isabelle (Phân khu Hồng Cúm) nằm ở nằm ở phía Tây sân bay, hữu ngạn sông Nậm Rốm, cách Trung tâm khoảng 6km về phía Nam gồm 5 cứ điểm: Isabelle 1, Isabelle 2, Isabelle 3, Isabelle 4, Isabelle 5.

Hỏa lực của mỗi cứ điểm thường có: 4 khẩu súng đại liên, 40 đến 45 khẩu súng tiểu liên, 9 khẩu súng trung liên, 9 khẩu súng phóng lựu đạn, 2 khẩu súng cối 60mm và 1khẩu pháo không giật 57mm. Ở những cứ điểm quan trọng, quân số được tăng thêm thì vũ khí cũng được tăng thêm tùy theo sự cần thiết. Đặc biệt còn có thêm vũ khí mới như súng phun lửa, các phương tiện chống đạn khói và súng hồng ngoại để bắn vào ban đêm mà không cần đèn. Hệ thống hàng rào dây thép gai dày từ 50 đến 75m bao quanh mỗi cụm cứ điểm, từng điểm tựa bên trong cụm. Hệ thống dây thép gai còn được dùng để ngăn chặn các hành lang mà đối phương có thể xâm nhập vào. Các chướng ngại vật này còn được củng cố bằng các bãi mìn, bộc phá, Napal.

Cho đến trước khi cuộc tấn công của Quân đội Việt Nam diễn ra, Điện Biên Phủ là một hệ thống phòng thủ mạnh nhất, chưa bao giờ có tại Đông Dương. Lực lượng đồn trú có đủ tất cả sự dự trữ được dự kiến: lương thực dự trữ đủ cho 9 ngày, nhiên liệu đủ cho 8 ngày, 6 đơn vị hỏa lực cho mỗi tiểu đoàn bộ binh, 6 đơn vị rưỡi cho đơn vị súng 105mm, 7 cho súng 155mm, 8 cho súng cối 120mm, 9 cho súng 75mm (gắn trên xe tăng M-24). 

Khi xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Navarre đã cho xây dựng 2 sân bay, sân bay chính là Mường Thanh và sân bay dự bị là Hồng Cúm. Mục đích của việc xây dựng 2 sân bay này là để nhận quân tăng viện của Pháp từ Hà Nội và một số cảng hàng không khác lên phục vụ cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Tuy nhiên, ngay từ cuộc tấn công đầu tiên của Quân đội Việt Minh, Pháp đã mất những cứ điểm quan trọng bậc nhất: Béatrice - Him Lam, Anne Marie 1, Anne Marie 2 - Đồi Bản Kéo và Gabrielle - Đồi Độc Lập ở phía Bắc và Đông Bắc.

Hơn 50 ngày đêm sau đó, mặc dù kháng cự mạnh mẽ, bổ sung khá nhiều lực lượng và vũ khí dưới sự yểm trợ của máy bay chiến đấu, Pháp không thể chống cự được sức tấn công chưa từng có của Quân đội Việt Nam. Ngược lại với những gì người ta mong đợi, Tập đoàn cứ điểm bậc nhất Đông Dương lại thất thủ một cách đau đớn, không thể dập tắt được ước muốn giải phóng Điện Biên của đối phương.

Cuốn Đông Dương hấp hối” của Navarre thống kê thiệt hại của Pháp như sau: “Chúng ta bị thiệt hại khoảng 16.000 người, trong đó có 1500 người chết, 4.000 người bị thương. Đó là quân số của 16 tiểu đoàn (có 7 tiểu đoàn nhảy dù), hai đơn vị pháo 105 ly cộng với một khẩu đội 155 ly, một phân đội xe tăng và các phân đội thuộc các binh chủng và đơn vị phục vụ khác”.

“Thiệt hại của không quân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ là 36 máy bay bị bắn rơi hoặc bị phá huỷ ngay trên mặt đất. 150 chiếc bị trúng đạn. Thiệt hại nhân mạng là 79 người chết hoặc mất tích (kể cả của không quân và lực lượng máy bay của hải quân)”. 

Và tất nhiên là toàn bộ kho tàng, vũ khí, cơ sở vật chất mà Pháp đã cố công gây dựng tại Điện Biên Phủ, tất nhiên là đã bị tàn phá nặng nề. Quan trọng hơn, ta đã dành thắng lợi to lớn trên bàn hội nghị Giơnevơ tại Thụy Sĩ, buộc Pháp phải rút quân hoàn toàn khỏi Đông Dương, chấm dứt sự thống trị đã tồn tại từ lâu. Sau gần 100 năm, Việt Nam không còn là thuộc địa của Pháp./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.929
      Online: 49