Phong trào được thực hiện đầu tiên ở Đại đoàn 308, sau được nhân rộng ra các đơn vị và phát huy có hiệu quả đã đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trên con đường hành quân lên mặt trận Điện Biên Phủ.
Thực hiện chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng vạn cán bộ, bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, … hành quân lên miền Tây Bắc trên con đường bộ dài từ 500km trở lên. Đối với lực lượng vận chuyển hậu cần, con đường ấy còn lặp đi lặp lại đến mấy chục lần cho đến khi chiến dịch kết thúc. Từ trong gian khó, ta đã sáng kiến và thực hiện được phong trào “3 tốt” là ăn tốt, đi tốt và ngủ tốt giúp cho cuộc hành quân lên Điện Biên Phủ tuy dài, vất vả, nguy hiểm nhưng chưa bao giờ bị cắt đứt.
Phong trào Ăn tốt
Đây có thể nói là tiêu chí hàng đầu bởi có ăn tốt mới đảm bảo sức khỏe để hành quân. Ăn tốt không có nghĩa chỉ là ăn no mà còn đảm bảo đủ chất, ăn nóng và ăn tươi. Tại mỗi đơn vị, anh nuôi là người đảm bảo thức ăn, nước uống, sức khỏe của cán bộ và chiến sĩ. Việc mang vác lương thực, thực phẩm trong điều kiện đường xá xa xôi, kéo dài nhiều ngày là thách thức không nhỏ, đã vậy dừng chân chỗ nào là đào Bếp Hoàng Cầm, nổi lửa để có cơm nóng, nước sôi đến đó là rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho mọi người.
Các loại thực phẩm khô được ưu tiên hàng đầu, vì có thể lưu trữ lâu dài, còn rau xanh thì tận dụng rau rừng, đi tới đâu lại hái hoặc mua tới đó. Bữa ăn còn được thay đổi bằng củ mài, đỗ giá tự ủ, thỉnh thoảng có thịt thú rừng để cải thiện là những cố gắng đáng ghi nhận của anh nuôi trên đường hành quân. Nhờ vậy bộ đội có cơm nóng, canh nóng, nước sôi để dùng mỗi lần trú quân. Ngược lại, anh em chiến sĩ cũng tích cực giúp anh nuôi khuân, vác đồ, nấu nướng, đào bếp, kiếm rau, thức ăn để anh nuôi cũng có thời gian ngủ, nghỉ. Có những đơn vị cứ 3 ngày, anh em lại thu xếp cho anh nuôi được nghỉ 1 ngày, đảm bảo toàn đơn vị đủ sức khỏe, không ai ốm đau dọc đường, tiếp tục hành quân ra mặt trận.
Phong trào Đi tốt
Để có thể “Đi tốt” trong điều kiện hành quân đường dài, bộ đội ta đã triệt để thực hiện được một số vấn đề sau:
- Cứ mỗi lần dừng chân, bộ đội đã có sáng kiến khoet một hố sâu vừa đủ ba người, đun nước nóng rồi pha với muối đổ xuống hố đã được lót nilon trước để ngâm chân. Các loại thuốc bóp, thuốc bôi được sử dụng triệt để giúp cho đôi chân không bị đau, mỏi, chân ai bị nặng hơn thì có ý tá, y sĩ đến khám, kiểm tra và điều trị kịp thời. Ai bị đau nhiều hơn thì được nghỉ ngơi, không phải làm việc hoặc khuân vác nặng và nhất là đều được ngâm chân trước khi đi ngủ.
- Với việc mang vác, tùy tình hình sức khỏe của từng người mà phân chia vừa sức. Mỗi đơn vị có người yếu, khỏe khác nhau vừa thay nhau mang vác, cũng vừa là giúp đồng đội, đồng chí mình, trong đơn vị không đảm bảo được thì các đơn vị khác giúp, quan trọng nhất là đảm bảo an toàn người và đồ lên được đến Điện Biên Phủ. Mỗi cán bộ, chiến sĩ cũng nhận thức được trách nhiệm của mình nên hầu như không hề kêu ca, ngại khó, ngại khổ mà thực hiện tốt nhiệm vụ đã được giao. Các chiến sĩ súng đạn, ba lô, bao gạo đầy ắp trên người, đi hàng một nối nhau bước gấp, dáng đi mạnh mẽ mới thấy bộ đội ta rất sung sức, khí thế và chấp hành mệnh lệnh nghiêm túc, có hiệu quả.
- Giữ được tốc độ đi, cứ được 5km lại nghỉ khoảng 10 phút là hợp lý, vừa phải với sức khỏe của bộ đội. Tại nhiều đơn vị đi liền mấy tiếng mới nghỉ 1 lần khiến bộ đội bị mệt, hoặc đi ít, nghỉ nhiều sẽ không đảm bảo con đường hành quân mỗi ngày.
Phong trào Ngủ tốt.
Cứ mỗi lần chuẩn bị đến lúc trú quân, cán bộ mỗi đơn vị lại cử anh em đi trước nghiên cứu địa điểm, tình hình, phân chia vị trí cho từng đơn vị và chỗ nấu nướng cho anh nuôi. Công việc đều đặn được thực hiện mỗi khi dừng chân là giúp anh nuôi lấy củi, lấy thức ăn, dào bếp; căng nilon, vải bạt che sương, gió; chọn chỗ rồi lấy lá rừng rải ra nằm ngủ tạm. Để tránh sự rình mò của máy bay trinh sát và do thám địch, bộ đội thường hành quân vào ban đêm, ban ngày thì ngủ. Mỗi lần đến địa điểm trú quân là tranh thủ ngủ luôn, đến khoảng 6 giờ sáng dậy mới bắt đầu đào công sự, chuẩn bị lán, sàn nằm (làm bằng tre, nứa trong rừng), đào hố xí, hố giải, mọi việc xong xuôi trước 9 giờ sáng. Từ 9 giờ đến 14 giờ là thời gian ngủ, nghỉ, tuyệt đối không được có tiếng động, đơn vị nào đến muộn sẽ được nghỉ đến 15 giờ. Như vậy mỗi ngày cán bộ, chiến sĩ đều được ngủ từ 6 đến 7 giờ đồng hồ, đủ tiêu chuẩn đảm bảo sức khỏe cho ngày hành quân mới.
Ngoài ra, mỗi chiến sĩ đều được trang bị áo bồng, giày, tất đầu đủ để chống chọi lại thời tiết khắc nghiệt ở Tây Bắc. Trước đó, Bác đã nhắc Cục Quân nhu phải may đủ áo bông phát tới chiến sĩ trước khi lên đường đi chiến dịch. Con đường hành quân đông vui, tấp nập, người đi như trảy hội. Những đoàn dân công Việt Bắc, Tây Bắc, Khu 3, Khu 4 đều gặp nhau ở đây. Bộ binh, pháo binh, công binh, vận tải, văn công..., đơn vị này nối tiếp đơn vị khác; điều đó đã cho thấy công tác tổ chức hành quân của các đơn vị làm khá tốt.
Trong cuốn Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử còn có đoạn viết “Từng đoàn xe ô tô vận tải, xe kéo pháo chậm chạp qua suối, máy rú từng hồi khi lên dốc. Trên những chiếc cầu tre mảnh khảnh, hoặc những cầu gỗ ghép bằng thân cây của công binh mới bắc qua sông, những chị dân công đòn gánh cong vút vì gạo, đạn, cười nói vui vẻ vượt qua. Những anh dân công xe thồ lầm lũi điều khiển chú "voi con" đi thoăn thoắt trên đường. Vận tải xe thồ đã trở thành binh chủng vận tải quan trọng thứ hai, đứng sau xe cơ giới. Những đoàn ngựa thồ của đồng bào Mông từ rẻo cao xuống, những chị dân công người Tày, người Nùng gánh, người Thái, người Dao gùi, chấm phá thêm màu sắc cho bức tranh liên hoàn dài vô tận. Lại có cả những đàn bò nghênh ngang, những chú lợn chạy lon ton, dưới sự dẫn dắt kiên nhẫn của những chiến sĩ cung cấp, cũng đi ra mặt trận.” đã cho thấy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc thể hiện hết trong chiến dịch này với tinh thần vui tươi, phấn khởi và quyết tâm cao nhất để chiến thắng, đồng thời cũng là bất ngờ lớn nhất ta giành cho Navarre nếu định dùng phép so sánh về lực lượng.
Nhờ tổ chức tốt mỗi bước đường hành quân mà ta hầu như không bị thiệt hại nhiều khi tới Điện Biên Phủ. Công cuộc chuẩn bị cho chiến dịch còn rất nhiều việc phải làm nhưng bộ đội vẫn còn sung sức, quyết tâm rất cao và sẵn sàng chiến đấu. Để rồi sau gần 3 tháng chuẩn bị, 56 ngày đêm gian khổ, ta đã làm nên một trong những kỳ tích vĩ đại nhất của lịch sử thế giới trong thế kỷ XX, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.