Nói đến chiến dịch Điện Biên Phủ, người ta thường mới nghe chuyện "kéo pháo vào, kéo pháo ra" củaTrung đoàn trọng pháo cơ giới Tất Thắng. Còn ít người biết đến câu chuyện phải tháo rời toàn bộ pháo, xe của Trung đoàn trong cuộc hành quân xuôi bè trên sông Hồng về căn cứ trước khi tham gia chiến đấu.
Xin giới thiệu đôi nét về cuộc hành quân trên sông này.
Quyết định sáng tạo.
Sau trên một năm học tập bên nước bạn Trung Hoa, đầu tháng 2/1953, Đoàn trọng pháo cơ giới Tất Thắng (Trung đoàn 45) nhận quyết định về nước chuẩn bị đi chiến đấu. Cuộc hành quân cơ giới bắt đầu từ địa điểm học tập tại Sinansô lên Mông Tự, theo đường xe hoả Vân Nam - Lào Cai (đã được sửa thành đường ô tô), qua Tshichai, Mê La Ti... Đến La Ha Ti, cách biên giới Việt -Trung khoảng gần 100km, đoàn hành quân phải dừng lại, tạm nghỉ đợi lệnh.
Thời gian này, tại Lào Cai, Bộ chỉ huy hành quân họp tìm phương án hành quân mới cho Đoàn pháo Tất Thắng. Có 3 phương án được trình bày:
Phương án 1: Dùng ô tô kéo pháo theo đường bộ. Kéo pháo tiếp từ Lào Cai về Lao Bảo. Từ đây xây dựng một "đường quân sự làm gấp", đưa xe pháo về Bến Hiên, Bến Ngọc rồi hành quân về căn cứ của Trung đoàn ở Bắc Quang - Bắc Mục. Phương án này rất khó thực hiện vì phải huy động hàng vạn dân công làm trên 100km đường mới, rất dễ bị địch theo rõi, phát hiện.
Phương án 2: Kéo pháo đường bộ kết hợp với đường sắt. Kéo pháo qua Lào Cai về Bảo Hà - Thíp rồi từ đây đưa xe pháo lên toa xe hỏa, dùng đầu máy ô tô ray chuyển xe, pháo về Yên Bái. Từ Yên Bái xe kéo pháo tiếp về căn cứ. Phương án này cũng có nhiều khó khăn khó khắc phục vì trước đây ta đã dùng ô tô ray chuyển hàng mậu dịch từ Lào Cai về Yên Bái, địch đã phát hiện, dùng máy bay bắn, phá hỏng hầu hết trên 40 chiếc cầu sắt trên đường, hiện nay còn bỏ đấy, chưa thể làm lại.
Phương án 3: Kéo pháo đường bộ kết hợp với vận chuyển đường sông. Ô tô kéo pháo đến Bảo Hà - Thíp. Từ đây toàn bộ xe pháo của Trung đoàn được tháo ra thành từng bộ phận, chuyển xuống thuyền, bè xuôi sông Hồng về Âu Lâu - Yên Bái, lắp lại xe pháo, hành quân cơ giới tiếp về căn cứ ở Bắc Quang - Bắc Mục. Nhiều khó khăn được nêu lên và đễu đã được thảo luận kỹ, bàn biện pháp khắc phục cụ thể.
Cuối cùng, phương án 3 được quyết định là phương án hành quân tiếp cho Đoàn pháo Tất Thắng. Bộ phận kỹ thuật pháo, xe, tiểu đoàn kỹ thuật 361 của Đại đoàn 351 cử những cán bộ và thợ xe, pháo giỏi đến tháo và lắp xe, pháo, bảo đảm hành quân cho trung đoàn 45. Trung đoàn công binh 151 cử một số đơn vị làm đường hành quân, làm công sự cho xe pháo, giúp trung đoàn kỹ thuật làm và đóng bè. Các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, điều đến trung đoàn 45 khoảng 30 thuyền đinh cỡ lớn, mỗi thuyền chở được khoảng một đến hai tấn cùng chọn một số công nhân chèo lái thuyền giỏi, thạo lạch đường sông Hồng trên địa phương đi qua, lãnh đạo việc bảo đảm bí mật, an toàn cho cuộc hành quân của trung đoàn 45.
Một công trường lớn vùng Bảo Hà - Thíp ven sông Hồng
Từ đầu tháng 2/1953, vùng bến Bảo Hà - Thíp mọi khi vắng vẻ bỗng đông vui nhộn nhịp hẳn lên. Các anh công binh Trung doàn 151 tập trung đến làm đường cho xe kéo pháo, làm công sự cho xe, cho pháo. Một số khác thì chặt nứa, vầu đóng thành từng mảng rồi đấu ghép thành bè. Đêm nào cũng vậy, sau giờ hoạt động của máy bay địch là xe rồi pháo được đưa đến cất dấu, trong từng công sự. Gần sáng là những con đường xe, pháo ấy biến mất chỉ còn những sọt sậy ngụỵ trang, trông xa chỉ thấy toàn một khu rừng già kín đáo. Những toán dân công sông nước Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang lần lượt đưa những thuyền đinh lớn đến ven sông. Những anh lính thợ pháo hàng ngày vào từng công sự pháo, tháo rời mỗi khẩu pháo 105mm mỗi khẩu nặng 2070kg, dài 6m, rộng 2,5m ra thành 3 bộ phận: nòng, bàn đế, càng và phụ tùng. Tối đến, các anh lại chuyển ra bờ sông, nòng hoặc bệ pháo cho lên thuyền (vì thuyền có mui, tránh được mưa, sương ẩm ướt có thể làm ảnh hưởng đến mức bắn chính xác sau này), càng pháo hầu hết chuyển lên bè, cũng có một số chuyển bằng thuyền chuẩn bị hành quân xuôi sông. Cũng vào các buổi tối, các anh lái xe chuyển xe ra bờ sông. Các anh thợ xe chuẩn bị sẵn, tháo rời từng xe G.M.C., mỗi xe nặng khoảng 5000kg, dài 6,5m, rộng 2,5m thành 3 bộ phận: bộ phận lái xe và bệ xe tự lái xuống một bè. Thùng xe và phụ tùng khiêng chuyển xuống bè sau, đấu nối liền với bè trước, cách khoảng trên 10cm, chuẩn bị xuôi sông. Giai đoạn đầu chuyển hết 20 khẩu pháo, toàn bộ trên 3500 viên đạn pháo và một ít xe, chủ yếu đi thuyền, một số đi bè. Giai đoạn 2 chuyển toàn bộ số xe G.M.C. , xe công trường, xe cần trục, xe mô tô và xe đạp còn lại đi trên bè. Các trang thiết bị nhẹ khác như trên 30 máy đo (pháo đội kính, phương hướng bàn), trên 60 máy và thông tin, vô tuyến điện, hầu hết được bộ phận hành quân nhẹ đi bộ mang theo người đi trước.
Gần 3 tháng dài, từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 4/1954, vùng rừng núi Bảo Hà - Thíp ven Sông Hồng nhộn nhịp, tưng bừng suốt ngày đêm với những chàng trai pháo thủ, công binh, lái xe, lái thuyền, lái bè.
Những đêm trên sông với thác, ghềnh, hòn, vật.
Cứ mỗi tối, vào khoảng sau 19 giờ, hết giờ hoạt động của máy bay địch, các chuyến bè, thuyền chở nặng pháo, đạn, xe lại chuẩn bị rời Bảo Hà - Thíp, xuôi sông Hồng và Âu Lâu - Yên Bái. Chặng hành quân trên sông Hồng dài khoảng 100km, đi trong 3 hoặc 4 đêm, đêm đi, ngày ngủ, qua hàng chục khu vực nguy hiểm luôn đe dọa đập tan, nhấn chìm thuyền bè xuống đáy sông như các Thác Miệng Hổ, Thác Cối Xay, Hòn Nhược, Hòn Hồng, Vật Róm, Vật Ma... Qua những thác, vật nguy hiểm chết người đó lại đến những đoạn sông, sóng lặng trời yên, anh em lại bỏ mặc cho bè trôi, ngồi hát ví, hát quan họ, tán chuyện tiếu lâm với nhau
Mỗi chuyến đi chuyển được hai hay ba xe hoặc pháo. Có một tiểu đội dân công địa phương do một "bủ"[1] làm tiểu đội trưởng chỉ huy, chọn đường sông lạch. Phụ trách chung do một cán bộ của Trung đoàn Tất Thắng bảo đảm gồm một số lái xe, pháo thủ, công binh, giải quyết những khó khăn gặp phải trên đường hành quân.
Thời kỳ đó, tôi được chọn là một cán bộ phụ trách hành quân trên sông. Có một lần đoàn bè vừa ngụy trang nghỉ ở Rầm Hỏa thì một liên lạc đến báo cáo:
- Một chiếc bè đi đêm trước bị mắc cạn ở Rãnh Cầy, anh em đã hết sức cố gắng tìm mọi biện pháp nhưng chưa có cách nào đưa được bè vào bờ.
Chúng tôi đã đi ngủ. Lúc này trời đã sáng, đã đến giờ hoạt động của máy bay địch. Toàn thể chúng tôi đi mảng nhanh đến khu chiếc bè đi đêm trước đang bị mắc cạn ở Rãnh Cầy. Cả mấy chục chiếc mình trần hò reo nhưng không chuyển nổi chiếc bè vào bờ. Một trinh sát viên đưa ý kiến:
- Lấy mấy mảnh bạt ô tô lớn phủ lên trên bè, coi như đây là một tảng đá lớn.
Mọi người tán thành. Chiếc bè mắc cạn được phủ kín bằng những miếng bạt trắng. Một thanh niên địa phương leo lên một ngọn cây quan sát rồi reo to:
- Hay lắm! Chỉ thấy toàn là những tảng đá khổng lồ.
Chúng tôi vừa nghỉ thì có tiếng máy bay. Một máy bay “bà già” qua đầu bay xa dần về phía Yên Bái , Phú Thọ không phát hiện duợc ra chiếc bè mắc cạn.
Cho dến cuối tháng 4/1953, sau ba tháng vật lộn trên sông nước với mưa ngàn, thác lũ, với “hòn” với “vật”, cuộc hành quân độc đáo lịch sử của Trung đoàn pháo binh Tất Thắng đã thành công.
Kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ năm ấy, Trung đoàn đã dâng lên Bác thành tích đưa toàn bộ gia tài của Trung đoàn về căn cứ an toàn. Đến kiểm tra kết quả hành quân của trung đoàn, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái nói:
- Thật là một cuộc hành quân sáng tạo, táo bạo chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới.
Thế rồi, những chiếc xe, khẩu pháo, những con người vừa qua cuộc hành quân trên sông đó ít tháng sau lại vượt sông Hồng ở Yên Bái qua Pha Đin, Tuần Giáo lập nên những chiến công lừng lẫy ở chiến dịch Điện Biên Phủ tháng 5/1954.
Và cũng chính cái Trung đoàn mang tên Tất Thắng do Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng ấy lại vinh dự được hành quân thần tốc, chiến đấu thắng lợi ở chiến dịch Hồ Chí Minh trong mùa xuân đại thắng năm 1975.
Trải qua chặng đường lịch sử kéo dài mấy chục năm, anh em Trung đoàn trọng pháo cơ giới Tất Thắng không bao giờ quên những ngày vượt thác ghềnh trong cuộc hành quân sáng tạo trên thuyền, bè năm ấy./.
[1] Tiếng địa phương chỉ "ông hoặc ""anh"