Suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ca khúc “ Hành quân xa” đã trở thành bài ca bất hủ, sống mãi cùng năm tháng, đem lại sức mạnh động viên to lớn đối với toàn quân, toàn dân. Bài hát được sáng tác trong lúc hành quân, trước khi trận Điện Biên Phủ mở màn và đã góp phần khích lệ mạnh mẽ tinh thần bộ đội thi đua giết giặc lập công làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Người nói câu nói: “Đời chúng ta – đâu có giặc là ta cứ đi” khơi nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác ca khúc chính là người Đại đội trưởng, Anh hùng Lê Văn Dỵ.

Đồng chí Lê Văn Dỵ, bí danh Quốc Thái, sinh ngày 15-5-1926, ở thôn Văn Quán, xã Đồng Tâm, huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phúc; nguyên Đại đội trưởng Đại đội 811, D888, E176, Đại đoàn 316 - người đã lập nhiều chiến công xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, đặc biệt là trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Những chiến công và cuộc đời tràn đầy nhiệt huyết trong quân ngũ của liệt sĩ Lê Văn Dỵ cũng đã được chính ông ghi lại rất sinh động trong hồi ký “Đường tôi đi”, trong đó có “Quyết tâm thư” viết bằng máu (hai kỷ vật này hiện được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, riêng “Quyết tâm thư” đã được đưa vào phòng lưu trữ của Tổng cục Chính trị).

Lê Văn Dỵ sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân yêu nước, có nhiều đóng góp cho Cách mạng. Gia đình có năm người con thì bốn người xung phong vào quân đội và thanh niên xung phong ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến. Đồng chí Lê Văn Dỵ tham gia nhiều chiến dịch lớn với hàng chục trận đánh tiêu biểu, ác liệt và lập nhiều chiến công. Trong mọi trận đánh đồng chí Dỵ luôn tỏ ra là một cán bộ chỉ huy gan dạ, dũng cảm, luôn có tinh thần tiến công, sáng tạo và quyết đoán. Hầu hết trong các trận đánh có tính chất quan trọng, đồng chí Dỵ luôn được cấp trên tin tưởng và giao nhiệm vụ chỉ huy mũi chủ công và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

          Tháng 9 năm 1949 trong trận đánh giáp lá cà tại Bằng Khẩu, Bắc Cạn, đồng chí Dỵ là Trung đội trưởng được phân công chỉ huy trung đội một là mũi tấn công chính vào giữa đội hình địch gồm 40 xe cam nhông với hàng nghìn tên lính. Trong trận này ta đã tiêu diệt tại chỗ 110 tên, phá huỷ 15 xe buộc quân địch phải tháo chạy. Năm 1951 trong trận đánh đồn Giông Khế, đồn Lán Tháp tại Quảng Ninh, đồng chí Dỵ được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy trận đánh. Cuối cùng ta đã tiêu diệt và bắt sống hoàn toàn quân địch tại hai đồn.

          Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tại trận đánh Đồi C1, một trong những trận đánh dài ngày, ác liệt, then chốt nhất của bộ đội ta tại chiến trường Điện Biên Phủ; đồng chí Lê Văn Dỵ được giao nhiệm vụ chỉ huy Đại đội 811, D888, E176, F316 độc lập phòng ngự, đương đầu chiến đấu với gần hai đại đội địch.

          Cuộc chiến đấu giằng co ác liệt, đồng chí Dỵ có sáng kiến cho anh em thay nhau đào một đường hầm từ trận địa của ta xuyên thẳng tới lô cốt Cột cờ của địch trên đồi C1 dài hơn 20 m. Nhờ có đường hầm  mà tiểu đội dao nhọn đã nhanh chóng tấn công tiêu diệt 2 ổ đề kháng của địch và cắm được lá cờ chiến thắng của quân ta lên đúng vị trí cột cờ của địch.

          Đồng chí Lê Văn Dỵ rất táo bạo, quyết đoán trong việc chỉ cho một bộ phận lực lượng dự bị lui xuống cách trận địa 200 m, còn đại bộ phận vẫn ở lại trận địa chờ cho pháo của ta bắn vào trận địa của địch. Dứt tiếng pháo, đồng chí đã hạ lệnh và dẫn đầu đại đội nhanh chóng xung phong làm cho quân địch rất bất ngờ, lúng túng không kịp đối phó. Sau 20 ngày đêm liên tục chiến đấu giằng co ác liệt với địch, Đại đội 811 đã tiêu diệt 114 tên, bắt sống 44 tên, thu toàn bộ vũ khí và làm chủ hoàn toàn cứ điểm Đồi C1.

          Trong hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sự kiện trên và hình ảnh quyết đoán của đại đội trưởng Lê Văn Dỵ đã được Đại tướng ghi nhận như sau: “Đại đội 811 của ta đã có 20 ngày đêm phòng ngự tại C1, được lệnh rời khỏi trận địa 200m cho hoả pháo chuẩn bị. Đại đội trưởng Lê Văn Dỵ thấy công sự đã được củng cố vững chắc đủ sức chịu đựng đạn pháo và tin vào sự chính xác của pháo binh ta, quyết định chỉ cho bộ phận dự bị lui về phía sau, toàn đơn vị vẫn bám trận địa để không lỡ thời cơ xung phong... Sơn pháo đặt trên đồi D1 nhằm từng hoả điểm trên C1 bắn rất chính xác. Dứt tiếng pháo, Dỵ lập tức ra lệnh mở những hàng rào cự mã ngăn cách giữa ta và địch, đưa bộ đội xông lên phía Cột Cờ. Thủ pháo và lựu đạn của ta trùm lên trận địa địch, tiểu liên nổ ran… Chỉ sau 5 phút, ta đã chiếm được Cột Cờ. Đại đội dù tiêm kích số 3 mới thay thế choáng váng trước đòn tiến công chớp nhoáng và quyết liệt. Quân dù bắn xối xả vào khu vực Cột Cờ... Những trận đánh giáp lá cà diễn ra. Viên trung uý Lơghe (Leguère) chỉ huy đại đội số 3 cố chống cự chờ lực lượng tiếp viện. Brêxinhắc quyết định đưa đại đội 1 lên tăng viện. Nhưng đã quá muộn, Trung uý Pêriu (Périou) chỉ huy đại đội chết ngay khi mới đặt chân lên đồi. Lát sau, đến lượt trung uý Lơghe bị trọng thương. Quân địch ở C1 mất dần sức chiến đấu. Có tên phủ bạt trên người nằm giả chết chờ tiếng súng yên sẽ đầu hàng. Nửa đêm, toàn bộ quân địch bị tiêu diệt... ” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử ”, NXBQĐND, Hà Nội - 2000, tr.370-373).

          Sau khi đánh chiếm hoàn toàn cứ điểm Đồi C1, đồng chí Dỵ vẫn được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ chỉ huy đại đội 811 tiếp tục trụ vững tại C1 để làm bàn đạp tiến công các cao điểm còn lại là C2, A1. Đêm ngày 06/5/1954 đồng chí Dỵ được giao nhiệm vụ chỉ huy đại đội 811 làm mũi chủ công tiến đánh địch tại đồi C2, đã tiêu diệt được gần 2 đại đội địch và chiến đấu giành được hoàn toàn C2 vào chiều ngày 07/5/1954.

          Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, chấm dứt chế độ Chủ nghĩa Thực dân ở Việt Nam, đồng chí Lê Văn Dỵ chia tay với mảnh đất Tây Bắc hành quân vào Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau này Lê Văn Dỵ tình nguyện chiến đấu tại chiến trường Lào vì nghĩa vụ Quốc tế cao cả trong 10 năm liên tục (từ 1960 tới lúc anh dũng hy sinh - ngày 13/3/1970). Ông đã tham gia tất cả các chiến dịch lớn, quan trọng: Chiến dịch giải phóng Nậm Thà (1962); Chiến dịch giải phóng Nậm Bạc lần thứ nhất (1965); Chiến dịch giải phóng Nậm Bạc lần thứ hai (11/1967 - 1/1968); đập tan Chiến dịch Cù Kiệt của địch (1968); Chiến dịch Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (1968 - 3/1970). Đến năm 1970 đồng chí đã anh dũng hy sinh khi đang chiến đấu tại chiến trường nước bạn Lào.

          Nhân kỷ niệm 54 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ban liên lạc Cựu chiến binh Đại đoàn 316 tại Hà Nội; Trung đoàn 174; Sư đoàn 316; Quân khu 2 và Bộ Quốc phòng đã hoàn tất hồ sơ đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sỹ Lê Văn Dỵ. Ngày 8-7-2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 873/QĐ-CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sỹ Lê Văn Dỵ vì đã lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

           Các thế hệ trẻ hôm nay và mãi về sau sẽ luôn nhớ về người anh hùng Lê Văn Dỵ, người đại đội trưởng quả cảm, một trong những chiến sỹ ưu tú nhất làm nên chiến thắng Điện Biên; người có ý chí quyết tâm kiên cường: "Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi". Tên anh vẫn sống mãi cùng với chiến công oanh liệt: C1, C2, những trận đánh làm nên một Điện Biên Phủ oai hùng./.

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 697.892
Online: 32