Chiến dịch Tây Bắc năm 1952 Lai Châu được giải phóng, nhân dân các dân tộc Điện Biên được sống trong chế độ mới vừa tròn một năm thì ngày 20/11/1953 quân Pháp nhảy dù xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ với ý đồ thực hiện kế hoạch Navarre. Quân Pháp đã huy động hàng trăm lượt máy bay, hàng chục xe tăng, xe ủi đất và hàng trăm pháo lớn các loại, hàng ngàn tấn bom đạn và phương tiện chiến tranh cùng hàng vạn quân tinh nhuệ chiếm đóng Điện Biên Phủ. Trong thời gian rất ngắn chúng đã biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh, một pháo đài không thể công phá gồm 3 phân khu, 8 cụm và 49 cứ điểm.
Nhân dân các dân tộc Điện Biên khi ấy đã tận mắt được nhìn thấy các phương tiện chiến tranh hiện đại của thực dân Pháp được đế quốc Mỹ viện trợ. Trước cảnh tượng lính Pháp ngang nhiên dỡ nhà, cướp của, giết người, một bộ phận dân cư hoảng sợ chạy lánh sang Lào, một số chạy vào vùng giải phóng của ta, còn đại đa số là đàn bà, trẻ em và người già bị quân Pháp dồn vào 4 trại tập trung đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của các đồn binh, cụ thể là: Trại tập trung Ta Pô gồm dân 2 xã Thanh Nưa và Thanh Luông, do đồn Bản Kéo giám sát; Trại Pa Luống gồm dân xã Thanh Minh, Thị trấn do đồn A1 cai quản; Trại Co Mỵ gồm dân xã Thanh Yên, Thanh Hưng, Thanh Chăn do đồn Mường Thanh quản lý; Trại Noong Nhai gồm dân các xã Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn và Noong Luống do đồn Hồng Cúm phụ trách. Âm mưu của địch là cách ly dân chúng với bộ đội Việt Minh và làm bia đỡ đạn cho lính Pháp nếu Việt Minh đánh vào Điện Biên Phủ. Ngoài ra các trại tập trung này còn là lực lượng khổ sai làm không công cho chúng như dỡ nhà, chặt cây, xây dựng hầm hào, đồn bốt cho quân Pháp.
Trại tập trung Noong Nhai kéo dài từ bản Pom La đến bản Noong Nhai xã Thanh Xương – Điện Biên. Phía Bắc giáp bản Ten, cách trung tâm Mường Thanh 4km; phía Nam giáp sân bay Hồng Cúm 2km; phía Tây giáp sông Nâm Rốm; phía Đông giáp cánh đồng xã Thanh Xương. Toàn bộ trại tập trung nằm trong một phạm vi chưa đầy 10 ha và có tới trên 3.000 dân. Chỗ ở của dân là những lán trại bằng tre nứa, lợp rơm rạ, diện tích rất chật hẹp và mất vệ sinh.
Khi chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào đợt tấn công thứ hai của quân ta, quân Pháp ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ rơi vào thế bị bao vây, nguy cơ bị tiêu diệt đã gần kề, quân địch ngang nhiên cho máy bay ném bom tàn sát dân thường ở trại tập trung Noong Nhai: 14 giờ ngày 25/4/1954, 4 máy bay Đacôta của không quân Pháp từ hướng Nam bay tới nhằm thẳng trại tập trung Noong Nhai dội om sát thương và bom Napan vào một đám đông dân chúng, khi họ đang có mặt để đưa tang một người thân xấu số.
Ông Lò Văn Puốn, nguyên Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên), người may mắn thoát chết trong trận ném bom của Pháp hôm ấy kể: “Lúc ấy nghe thấy từng tràng tiếng nổ đinh tai nhức óc, chúng tôi chạy đến thấy chị Lò Thị Panh người đầy vết thương, máu chảy ướt đẫm quần áo đang quằn quoại giữa hố bom, xung quanh lửa cháy ngùn ngụt, khói bom đen kịt trùm lên khắp trại tập trung. Những người sống sót chạy hỗn loạn. Xác chết nằm ngổn ngang, nhiều người bị bom Napan cháy xém không còn nhận ra hình dạng trông rất thương tâm. Mãi đến tối đêm, mọi người mới dám lần ra thu dọn, chôn cất người chết”. Theo thống kê cuộc tàn sát của máy bay Pháp đã giết chết 444 người đa số là người già, phụ nữ và trẻ em. Nhiều gia đình chết không còn một ai như gia đình ông Lường Văn É (bản Huổi Cánh xã Thanh An) có 5 người chết cả 5; gia đình ông Lù Văn Inh (bản Hồng Cúm) có 6 người chết cả 6; gia đình ông Lường Văn Puốn (bản Huổi Cánh xã Thanh An) có 22 người chết 21 vv…
Năm 1964 để tưởng niệm những người dân vô tội đã phải chết bởi sự tàn ác của thực dân Pháp, ngành Văn hoá – Thông tin đã xây dựng nhà lưu niệm trưng bày chứng tích về cuộc thảm sát này. Nhưng Nhà lưu niệm khánh thành chưa tròn một năm thì tháng 4/1965 máy bay Mỹ lại ném bom vào Noong Nhai phá huỷ công trình mang ý nghĩa nhân văn này.
Năm 1984 khu tưởng niệm những người dân vô tội đã bị giết chết bởi bom đạn của máy bay giặc Pháp được xây dựng lại ngay tại khu vực bản Noong Nhai, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Nổi bật ở khu tưởng niệm là tượng người phụ nữ Thái bế đứa con đã bị bom giặc giết chết trên tay, thể hiện nỗi đau khôn cùng của những người mẹ mất con và thông qua đó muốn nhắc nhở mọi người, mọi thế hệ lời nói tự đáy lòng: “Quân xâm lược là tàn ác – Hãy chiến đấu để quê hương không còn bóng giặc thù, để mọi người được sống trong hoà bình, hạnh phúc.”
Di tích Trại tập trung Noong Nhai – nơi tưởng niệm những người dân vô tội bị quân viễn chinh Pháp thảm sát sẽ còn mãi với thời gian và sẽ là chứng tích về tội ác của quân xâm lược./.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (2014). Di tích lịch sử và Văn hoá Điện Biên Phủ, NXB Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ, tháng 4 năm 2014.