Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một căn cứ quân sự khổng lồ với các cứ điểm và cụm cứ điểm liên kết chặt chẽ với nhau một cách phức tạp. Để có thể tiếp cận, bao vây và tiêu diệt bằng được hệ thống phòng thủ này, Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã đề ra phương án xây dựng các trận địa tấn công và bao vây xung quanh tập đoàn cứ điểm từ tất cả các hướng bằng các đường giao thông hào. Ta sẽ sử dụng hỏa lực của các loại vũ khí hiện có để áp sát từng cứ điểm và chia cắt các phân khu, các trung tâm đề kháng của địch, hạn chế tối đa sự chi viện lẫn nhau của các cụm cứ điểm này.
Trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, tại lòng chảo Mường Thanh, địch đã chiếm những vị trí then chốt từ các hướng, phân khu trung tâm, nắm quyền kiểm soát vùng trời và khống chế những ngọn núi xung quanh lòng chảo; ngược lại Việt Minh đã phải ẩn náu và thận trọng khi xây dựng điểm đóng quân của mình. Cho đến trước khi trận đánh diễn ra, ta đã nghiên cứu kỹ đặc điểm, hình thái của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, trước bất cứ trận đánh nào ta đã chuẩn bị mọi phương án để đối phó đảm bảo "chắc thắng" trong cuộc chiến mang tính quyết định này.
Không phải chỉ đến khi chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, ta mới xây dựng các trận đia chiến hào. Từ các chiến dịch trước đó đã xuất hiện những đường giao thông hào nhưng với quy mô nhỏ và chưa phát huy nhiều tác dụng vì địa bàn chiến đấu khác xa Điện Biên. Với Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được bảo vệ và trang bị hiện đại, tối tân là một thách thức lớn với Quân đội nhân dân Việt Nam. Bằng cách xây dựng các trận địa tấn công và bao vây, được coi là nhiệm vụ chính trước mỗi đợt tấn công ta sẽ hạn chế tối đa được sức mạnh hỏa lực và không quân của địch, ngày càng siết chặt vòng vây xung quanh phân khu trung tâm, cắt đứt liên lạc với phân khu Nam, tạo thế chủ động tiến công địch.
Trong cuốn "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử", Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phân tích rất rõ, chỉ ra được những ưu thế của cách đánh này. Theo đó, bộ đôi sẽ xây dựng hai loại đường hào với những yêu cầu đảm bảo vừa cơ động cho pháo, vận chuyển thương binh, điều động bộ đội lớn và tiếp cận các vị trí chiến đấu của địch. Một là đường hào trục sẽ là đường hào chạy một đường vòng rộng bao quanh toàn bộ trận địa địch ở phân khu trung tâm; hai là đường hào bộ binh sẽ chạy từ những vị trí trú quân của các đơn vị trong rừng đổ ra cánh đồng, cắt ngang đường hào trục, tiến vào những vị trí địch mà ta định tiêu diệt. Các loại đường hào đều có chiều sâu 1,7m, không quá rộng để bảo đảm an toàn trước bom đạn địch, và giữ bí mật cho bộ đội khi di chuyển. Đáy hào bộ binh rộng 0,5m, đáy hào trục rộng 1,2m. Đường hào bộ binh có hố phòng pháo, hầm trú ẩn, chiến hào và ụ súng để đối phó với những cuộc tiến công.
Hầu như tất cả các đơn vị được lệnh tham gia thực hiện việc xây dựng các đường hào này tùy theo vị trí đóng quân và nhiệm vụ được phân công trong từng trận đánh. Trước sự xoi mói của máy bay trinh sát và sự lùng sục của lính Pháp, ta đã có một thời gian biểu hoàn toàn mới cho bộ đội với cường độ lao động vất vả, mệt mỏi và sẽ không tránh khỏi những hi sinh. Các đường hào chủ yếu được đào vào ban đêm, các chiến sĩ cặm cụi trên từng tấc đất như những con dúi. Mỗi mét chiến hào được đào là mồ hôi, nước mắt, công sức của biết bao con người. Gặp phải chỗ đất mềm, yếu thì công việc còn suôn sẻ; gặp phải chỗ đắt đồi rắn, đôi tay của các chiến sĩ ngày càng chai sần, rớm máu mà hiệu quả lại không cao. Gặp phải ruộng lầy, bùn hay những đêm mưa, bộ đội lại ngụp lặn trong nước, dùng tay, mũ sắt để đựng bùn, nước đổ đi, vô cùng cực khổ, gian nan. Những chiếc cuốc xẻng, thuổng cũng vì thế mà được biến hóa cho phù hợp với thao tác của người đào. Đào được đến đâu lại được củng cố, ngụy trang và sử dụng đến đó. Ta còn xây dựng thêm những hầm trú ẩn, ụ súng trên những đường hào này.
Và cứ như vậy, các đường giao thông hào của ta ngày càng nối tiếp tiến sâu vào các vị trí của địch. Các đơn vị được nhận lệnh đào từ các hướng khác nhau rồi cũng thông nhau tạo thành một mối liên kết chặt chẽ trên cánh đồng Mường Thanh. Đến khi không thể ngụy trang, qua mắt địch được nữa, ta phải vừa chiến đấu vừa đào. Phát hiện việc làm của ta, máy bay địch thả đèn dù ra hiệu cho pháo bắn, triệt hạ lực lượng và san lấp đường hào. Chúng còn ném bom napan và đưa quân ra chiến đấu những đường hào áp sát chúng, san lấp và canh gác ngăn không cho Việt Minh tiếp tục đào. Tuy nhiên, bằng ý chí và sự dũng cảm không tưởng, các đường hào vẫn một ngày dài thêm. Ta cũng đưa quân ra chiến đấu, bảo vệ bằng được các trận địa chiến hào đã đào. Máu đã đổ nhiều trên các chiến hào đó, tỉ lệ thuận với chiều dài những đường hào của ta ngay trong trận địa cố thủ của địch. Tại nhiều tuyến hào quan trọng, bộ binh đã chuyển căn cứ đóng quân ra tại đó để vừa chiến đấu, vừa thực hiện việc đào hào.
Bằng việc đào hào ta đã chia cắt được các cụm cứ điểm của địch, quan trọng nhất là cắt đứt phân khu trung tâm và phân khu Nam, đặt các cứ điểm và sở chỉ huy của địch trong tầm ngắm của pháo và súng cối của ta. Ta đã đúng trong việc sử dụng hiệu quả của pháo khi bắn mở cửa cho bộ binh áp sát tiến công, và bằng cách này, pháo của ta chưa bao giờ thuận lợi hơn thế. Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn ví, hệ thống giao thông hào của ta là tập đoàn cứ điểm di động thứ hai bên cạnh tập đoàn cứ điểm mạnh mẽ của Pháp. Chỉ khác trong khi ta liên tục di chuyển, áp sát từng "mạch máu" của con nhím Điện Biên Phủ thì Pháp lại thụ động đối phó một cách yếu ớt khi không thể triệt tiêu được những đường hào của ta đang ngày càng phát triển. Ta thấy rất rõ tính chất tiến công của hệ thống giao thông hào này.
Cũng trong cuốn "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" có viết: "Người ta dễ dàng nhận thấy sự khác biệt của trận địa ta và trận địa địch trên chiến trường.
Trận địa địch là những đường hào, hầm hố đỏ quạch, bố trí rất tập trung, khép kín, nằm chết cứng giữa rừng dây thép gai màu chì và bãi mìn, chi chít những chiến dù sặc sỡ. Trận địa ta là một đường hào trục chạy dải ngút tầm mắt bao quanh trận địa địch, không có vật cản, thuần một màu đất đỏ tươi, bên trong có nhiều nhánh vươn về phía trận địa địch, trong quá trình phát triển tự nó lại mọc thêm những nhánh mới. Vòng dây khổng lồ, sinh sôi nhanh chóng này, chính là cái sẽ quyết định số phận của con nhím thép Điện Biên Phủ".
Trận địa tấn công và bao vây của ta được hình thành trong một thời gian ngắn trước đợt tiến công thứ hai vào phân khu trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giai đoạn khó khăn, quyết liệt nhưng quan trọng nhất của chiến dịch. Về cơ bản, bằng cách này ta đã phá vỡ cấu trúc cơ bản của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ta không chỉ bao vây mà con len lỏi vào từng ngóc ngách của Tập đoàn cứ điểm khiến chúng có muốn rút lui cũng khó. Thực tế khi trận đánh diễn ra tại mỗi cứ điểm, phần lớn ta giành được chiến thắng một cách nhanh chóng, tiêu diệt, bắt sống và thu giữ toàn bộ quân địch cùng trang bị, vũ khí của địch. Ta đã tạo được ưu thế ngay khi trận đánh còn chưa bắt đầu khi không để chúng có con đường rút lui nào khác. Thêm vào đó, khả năng trông chờ vào cứu viện từ bên ngoài ngày càng tuyệt vọng khi cùng với việc chia cắt được phân khu Nam, ta đẩy mạnh chiến đấu trên không phận, khống chế vùng trời không cho máy bay tiếp cận hoặc thả dù xuống Điện Biên Phủ. Những nhánh giao thông hào của ta xung quanh sân bay Mường Thanh đã khiến cho hệ thống đường băng bị tê liệt, ta cắt đứt được con đường tiếp viện duy nhất mà chúng vẫn tự hào là sức mạnh của Tập đoàn cứ điểm trở thành vô dụng.
Cuộc chiến đấu ngày càng trở nên ác liệt, điểm nóng dồn về A1. Tại các vị trí khác, bộ đội ta vừa chiến đấu, vừa tiếp tục đào hào, mục tiêu chính là Sở chỉ huy của De Castries. Từng mét hào nhích về phía trung tâm, trở thành mối đe dọa với quân đồn trú Pháp. Hào của ta phát triển tới đâu, ta đẩy mạnh bắn tỉa địch đến đấy. Số lượng địch bị tiêu diệt bằng bắn tỉa tương đối lớn khiến chúng sợ sệt không dám ra khỏi hầm. Cùng một số bất lợi khác, chúng mất dần tinh thần chiến đấu, không dám ra khỏi hầm; cuộc sống không khác gì "Địa ngục trần gian". Ta ngày càng siết chặt vòng vây, chờ thời cơ quyết định để giành thắng lợi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định trong cuốn hồi ký của mình: "Con đường chắc chắn, dẫn tới chiến thắng là nhanh chóng siết chặt vòng vây lửa, đưa trận địa chiến hào vào sát khu trung tâm tập đoàn cứ điểm.
Siết chặt vòng vây sẽ hạn chế được uy lực không quân, pháo binh địch, giảm nhẹ thương vong của bộ đội. Tử đầu chiến dịch, hỏa lực nhẹ của bộ binh ta chiếm ưu thế về số lượng chưa thể phát huy hết hiệu lực do khoảng cách giữa ta và địch còn xa. Siết chặt vòng vây sẽ cho phép ta tiêu diệt và tiêu hao quân địch bằng mọi vũ khí của bộ binh, kể cả súng trường và lựu đạn, tạo nên một hỏa lực áp đảo.
Siết chặt vòng vây sẽ tạo điều kiện cho bộ đội ta phá hủy từng ụ đề kháng, dỡ bỏ hàng rào dây thép gai, đưa chiến hào vào sâu trong cứ điểm địch, bất thần tiêu diệt quân địch khiến chúng không kịp trở tay như tại vị trí 106. Đây cũng là cách thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch, ít tổn thất về xương máu.
Siết chặt vòng vây sẽ giúp ta tranh đoạt tiếp tế của địch, giành lấy lương thực, nhất là đạn dược mà ta đang cần. Siết chặt vòng vây cũng chính là quá trình thu hẹp không phận, tiến tới triệt hẳn nguồn tiếp tế và tăng viện của địch".
Sau 56 ngày đêm ác liệt, ta đã giành được toàn thắng trong chiến dịch lịch sử quan trọng tại Điện Biên Phủ. De Castries không còn sự giải thoát nào hơn là chấp nhận cúi đầu trong tư thế của một hàng binh cùng toàn bộ tham mưu của mình bị bắt sống dưới hai hàng súng của Việt Minh. Sau chiến thắng, nhìn lại những đường hào của Việt Minh trên cánh đồng Mường Thanh, đó là: "Một công trình lao động khổng lồ bày ra trước mắt. Cơ quan tham mưu ước tính bộ đội ta đã đào khoảng hai trăm kilômét giao thông hào. Đây chính là cái vòng lửa ghê gớm đã thiêu đốt con nhím Điện Biên Phủ".
Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, ta đã biết vận dụng những chiến thuật linh hoạt, phù hợp với công thức xây dựng tập đoàn cứ điểm của Thực dân Pháp để giành thắng lợi cuối cùng. Xét về cục diện chung, Pháp hơn hẳn ta về mọi mặt từ việc chủ động chọn địa bàn diễn ra trận đánh đến hậu cần, lực lượng, chi phí chiến tranh và sức mạnh quân sự. Tuy nhiên ta đã biến sức mạnh tinh thần, là lợi thế duy nhất thành sức mạnh lớn nhất để đánh bại những gì người Pháp phô trương tại Điện Biên Phủ./.